Người Việt Khắp Nơi

Thư Viện VN tiếp nhận bức tranh quý của họa sĩ Đằng Giao (VN)

Friday, 02/12/2016 - 11:24:53

Nhà văn Trần Lam Giang nói, “Sống giữa quê hương mà lại nhớ quê hương, điều đó quý vị cũng thông cảm cho tấm lòng, tâm trạng và nỗi niềm của Đằng Giao.”

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Vào hạ tuần tháng 11, 2016 vừa qua, nhà báo Du Miên đại diện Thư Viện VN đã mời quý thân hữu và các cơ quan truyền thông đến Thư Viện chứng kiến buổi tiếp nhận một bức tranh sơn mài khá lớn do họa sĩ Đằng Giao thực hiện tại quê nhà và gửi tặng Thư Viện VN tại Nam California.
Quý thân hữu có mặt tại Thư Viện được giới thiệu gồm: Bà quả phụ Lê Tất Đạt (chị ruột họa sĩ Đằng Giao, cháu Paul Thịnh và ái nữ bà Đạt); Giáo sư Đào Mạnh Đạt, cựu Quản Thủ Thư Viện Trung Học Chu Văn An và Sương Nguyệt Ánh Saigon, cư sĩ PG Đăng Nguyên Phả; GS Nguyễn Nam Ninh (Viện Đại Học Đà Lạt); GS Dương Ngọc Sum (Hội Trưởng Gia Đình Sư Phạm Hải Ngoại); GS. Theo; LS Đỗ Thái Nhiên và phu nhân, ca nhạc sĩ Việt Thắng; Thiếu Tá CSQG Nguyễn Thái Hanh (cựu Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Khóa Sinh, TTHL/CSQG/Rạch Dừa VT); nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu (Chủ Tịch Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ), Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, các nhà văn: Phan Nhật Nam, Lê Anh Dũng, Phạm Quốc Bảo; nhà thơ Trạch Gầm. Các vị thuộc Bảo Long Đà Lạt: Bùi Trọng Nghĩa và phu nhân, Nguyễn Mỹ Ngọc; Hưng Nguyễn, Trần Đức Tuấn. Ngoài ra có các ông: Phạm Văn Hàm, Ngô Lãng, Nguyễn Hải Hà, Phạm Quang Tuấn, Nhan Hữu Hậu, Trịnh Ngọc Hồng, Võ Hồng Đống, Nguyễn Xuân Thi, Nguyễn Văn Thu. Một phái đoàn đông đảo cựu học sinh Bưởi – Chu Văn An gồm các ông: Nguyễn Địch Hà (Hội Trưởng), Bùi Đức Uyên (cựu HT), Vương Vĩnh Cần, BS Đặng Trần Hào, BS Vũ Quốc Phong, Nguyễn Thái Văn, Nguyễn Đức Khoát, Trần Thế Ngữ, Mai Đức Khôi, Lê Anh, HQ Phạm Đình Sang (Hạm Trưởng), Lại Quốc Ánh, Lê Văn Tỉnh, Nguyễn Huy Hiền và Nguyễn Tân Văn, cô Ngọc Hà, cô Hồng Vân cùng 5 cựu nữ sinh Trưng Vương: Phạm Đình Minh, Nguyễn Ngọc Diệp, Hoàng Như Tâm, Nguyễn Thị Ninh, Đinh Thị Tuyết, và một số cơ quan truyền thông.

Nhà văn Trần Lam Giang (bên phải) và bà quả phụ Lê Tất Đạt (bên trái) vừa mở tấm vài phủ bức tranh “Quê Hương Nỗi Nhớ” của họa sĩ Đằng Giao. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Sau nghi thức chào cờ và giới thiệu thành phần tham dự, ông Du Miên mời nhà văn Trần Lam Giang và bà quả phụ Lê Tất Đạt lên mở tấm khăn phủ bức tranh do họa sĩ Đằng Giao tặng. Một bức tranh sơn mài hiện ra, chiếm diện tích gần hết một bức tường Thư Viện VN. Bà quả phụ Lê Tất Đạt, thay mặt em ruột là họa sĩ Đằng Giao cám ơn mọi người đã hiện diện đông đủ để tiếp nhận bức tranh.

Sau đó, nhà văn Trần Lam Giang, người giới thiệu và gợi ý với họa sĩ Đằng Giao, bạn ông ở Việt Nam vẽ tặng Thư Viện VN tại hải ngoại một bức tranh sơn mài, được mời nói về “Lịch sử tranh sơn mài của VN – Vai trò, địa vị của Đằng Giao trong nghệ thuật tranh sơn mài – Ý nghĩa của tác phẩm mà Đằng Giao gói ghém trong câu Quê Hương Nỗi Nhớ.”

Nhà văn Trần Lam Giang nói, “Sống giữa quê hương mà lại nhớ quê hương, điều đó quý vị cũng thông cảm cho tấm lòng, tâm trạng và nỗi niềm của Đằng Giao.”


Nhà báo Du Miên giới thiệu các vị khách trong buổi tiếp nhận tranh sơn mài của HS Đằng Giao (Thanh Phong/Viễn Đông)


Sau khi giải thích về lịch sử tranh sơn mài của VN, Vai trò, địa vị của Đằng Giao trong nghệ thuật tranh sơn mài. Về điểm này, nhà văn Trần Lam Giang khẳng định, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người đầu tiên đã đem hội họa vào nghệ thuật sơn mài; HS Nguyễn Gia Trí là người làm cách mạng trong nghệ thuật tranh sơn mài độc đáo của VN, ông không nhận học trò nên họa sĩ Đằng Giao không phải là học trò của họa sĩ Nguyễn Gia Trí như nhiều người ngộ nhận.

Về ý nghĩa bức tranh, nhà văn Trần Lam Giang giải thích, “Thoáng nhìn thấy nó lung tung; có đình sao lại có chùa, mà có chùa sao lại có đô vật? Ngày Xuân, ngày Hạ lẫn lộn vào đó. Đó là tâm trạng của người sống trên quê hương nhưng quê hương mất mát quá nhiều để rồi anh tưởng nhớ những gì của quê hương, anh gom góp thành bức tranh. Cái nỗi đau đớn của người tha hương như chúng ta đã đành, nhưng cái nỗi đau thương của người đang ở quê hương mà như mất quê hương mới là nỗi đau ray rứt nhất! Sống trên quê hương mà xót xa nhớ quê hương, vì quê hương đã bị chụp lên bằng những hình ảnh làm cho anh không muốn nhận ! Những chi tiết mà quý vị nhìn lên bức tranh và chắc đã nghĩ ra.”

Để kết luận, ông mượn bài thơ “Thăng Long” của thi sĩ Nguyễn Du và ông dịch ra theo thể thơ “con cóc” để diễn tả tâm ý của họa sĩ Đằng Giao qua bức tranh.


Nhà văn Trần Lam Giang, gia đình bà quả phụ Lê Tất Đạt và một số thân hữu trong buổi tiếp nhận tranh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Sau đó, nhà báo Du Miên giới thiệu thêm năm bức tranh của một họa sĩ người Mỹ trong bộ sưu tập của giáo sư Đào Mạnh Đạt tặng cho Thư Viện đang được treo trên tường. Năm bức tranh của người họa sĩ Mỹ đều vẽ về lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam như vua Quang Trung, Hai Bà Trưng, như Trần Hưng Đạo v.v..

Ngoài ra, ông Du Miên cũng cho hay, cụ Nguyễn Bá Trạc, người đã có công sưu tập được một số tranh do đồng bào Việt Nam vẽ tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á nay tặng cho Thư Viện VN. Ông nói; “Đây là những tài sản vô cùng quý giá để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta biết về nguồn gốc, lịch sử dân tộc Việt Nam, và lý do tại sao chúng ta phải bỏ nước ra đi . Đồng thời cũng để cho thế hệ mai sau hiểu biết về nét văn hóa đặc thù của dân tộc qua các họa phẩm giá trị mà Thư Viện hân hạnh được lưu giữ.”

Sau cùng, nhà báo Du Miên ngỏ lời cảm tạ họa sĩ Đằng Giao, nhà văn Trần Lam Giang, bà quả phụ Lê Tất Đạt cùng toàn thể thân hữu, ký giả, và mời mọi người dùng tiệc mừng do Thư Viện và các chị em cựu nữ sinh Trưng Vương khoản đãi. Đồng hương có thể đến Thư Viện mỗi ngày từ 10 giờ đến 4 giờ chiều để xem tranh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT