Mẹo Vặt

Thực phẩm: Chế biến hay không chế biến?

Thursday, 22/10/2015 - 07:49:28

Rất tiếc, trong khi nhà nước có biện pháp khắt khe như vậy để bảo vệ chúng ta, mà về phần mình, không mấy khi chúng ta để ý tới những gì được ghi trên nhãn hiệu hoặc bao bì của sản phẩm. Bỏ qua những gì được ghi trên đó là khước từ những chi tiết quan trọng về thực phẩm mà chúng ta nạp vào miệng.

Bài VŨ HẰNG

Là người đi chợ mua đồ ăn, chúng ta không thể chu toàn nghĩa vụ của mình trong tinh thần thương yêu và trách nhiệm được nếu không biết mình đang mua cái gì, hoặc đang bỏ cái gì vào nồi để chuẩn bị dọn bữa cho gia đình. Nói như vậy chắc chắn sẽ làm nhiều bạn nổi cáu, bởi vì “Tôi mua cái gì, tại sao tôi không biết? Con cá, con tôm, miếng thịt, bó rau, chai nước mắm, hộp bánh, hộp bơ… nằm chình ình trước mắt, ngon dở thế nào sao không biết! Ruồi muỗi bay qua, con này còn thấy được đực cái, huống hồ…. Con này chưa có mù nhé!”

Thực phẩm chưa chế biến, đa số là đồ tươi, rau quả…



Quả thật là lộng ngôn nếu nói rằng các bạn không nhìn thấy hoặc không hiểu giá trị món đồ mình mua. Nhưng nếu chia thực phẩm trong chợ thành hai thứ - thực phẩm chưa chế biến và thực phẩm đã chế biến – thì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng: Mình hiểu rõ ràng hơn về thực phẩm chưa chế biến; Còn thực phẩm đã chế biến thì có lẽ đa số chúng ta không hoàn toàn biết được nhà sản xuất đã pha trộn những thứ gì … để làm ra cái thành phẩm cuối cùng mà chúng ta mua về để cả nhà cùng ăn.
Thực phẩm chưa chế biến (unprocessed foods): Thường là đồ tươi sống như miếng thịt, con cá, bó rau, trứng gà, trứng vịt, trái chuối, quả đu đủ, v.v.. Hoặc đồ khô như gạo nguyên hạt, hạt dẻ, hạt đậu phụng, củ hành, củ tỏi. Với loại thực phẩm này, chúng ta có thể nhìn thấy phẩm chất của chúng tương đối rõ ràng. Và nhà sản xuất cũng không buộc phải cung cấp thêm chi tiết gì khác ngoài tên gọi phổ thông mà những người đi chợ đã quen biết.

Thực phẩm đã chế biến (processed food): Là bất cứ thứ thực phẩm nào đã được biến đổi và không còn giữ dạng thiên nhiên nguyên thủy nữa. Người ta phải chế biến thực phẩm để làm cho nó an toàn hơn hoặc để làm cho nó ngon miệng hơn. Nhận diện một cách cụ thể, thực phẩm chế biến thường là đồ ăn đóng gói, đóng chai và đóng hộp, đa số đặt trên các ngăn kệ đồ khô, trong khoang ướp lạnh, hoặc khoang đông đá.

Với sự phân biệt như thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng thực phẩm chế biến chiếm một phần rất lớn trong số các mặt hàng được bày bán ở chợ, chẳng hạn hộp cereals, các loại snacks, các loại thịt như ham, bacon, bữa ăn chế sẵn, rau đóng hộp, bánh, kẹo, bánh trung thu, các loại nước ngọt, và cả những chai xì dầu, nước mắm. Dù không kể tới những thực phẩm được chế biến trên bếp nhà, Hằng có thể cam đoan với các bạn rằng thực phẩm đã được thiên hạ chế biến sẵn trước khi chúng ta mua về nhà vẫn chiếm một phần lớn, phần đa số trong bao tử của chúng ta. Tình trạng này bắt buộc người chủ bếp có trách nhiệm phải đặt câu hỏi: Chúng ta ăn cái gì? Họ đã nạp những thứ gì vào đồ ăn của gia đình mình?
Chúng ta sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi đó, bởi vì nhà sản xuất chế biến thực phẩm sau lưng chúng ta trước khi mang nó ra thị trường. Nhưng rất may, chúng ta có luật pháp. Và luật pháp càng nghiêm minh thì những chi tiết buộc phải tiết lộ càng chính xác. Để góp phần bảo đảm an toàn cho dân chúng, chính phủ đã đòi hỏi nhà sản xuất phải liệt kê những thành phần cấu tạo, và hơn thế nữa, còn buộc họ phải ghi rõ tỷ lệ của những chất dinh dưỡng căn bản trong món ăn đó. Đây là một qui định của luật pháp mà tất cả mọi nhà sản xuất phải tôn trọng khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường một cách hợp pháp. Sản phẩm chế biến xuất hiện trên thị trường mà không có bản liệt kê thành phần cấu tạo, cũng như thành phần dinh dưỡng đều bị coi là bất hợp pháp.


Thực phẩm đã chế biến, như bánh kẹo, nước ngọt, pizza…. chiếm phần lớn trong những thứ mà chúng ta nạp vào bụng.


Rất tiếc, trong khi nhà nước có biện pháp khắt khe như vậy để bảo vệ chúng ta, mà về phần mình, không mấy khi chúng ta để ý tới những gì được ghi trên nhãn hiệu hoặc bao bì của sản phẩm. Bỏ qua những gì được ghi trên đó là khước từ những chi tiết quan trọng về thực phẩm mà chúng ta nạp vào miệng.

Vậy lần sau, khi đi qua quầy hàng đồ ăn chế biến, các bạn đừng bao giờ bỏ qua những chi tiết được ghi trên nhãn hiệu sản phẩm. Có điều là phải hiểu thế nào về những chi tiết đó, các thành phần được pha trộn thế nào là tốt, thế nào là quá tay, thế nào là OK với gia đình người khác, mà không thể chấp nhận được trong gia đình mình? Toàn là những câu hỏi quan trọng, phải không? Chúng ta sẽ bàn tiếp đề tài này trong bài lần sau nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT