Người Việt Khắp Nơi

Thường Đức hội ngộ lịch sử

Saturday, 13/08/2011 - 08:35:17

Thường Đức còn đây với bao kỷ niệm êm đềm: Lộc Vĩnh có Suối Khe Liêm, có Đỉnh Ôm Thông, có Miếu Ông Voi...

Quốc Hương/Viễn Đông



Ban tổ chức cùng đồng hương trong đêm hội ngộ - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

WESTMINSTER - “Thường Đức quê ta! Hà Tân với đôi dòng sông quê như vòng tay ôm ấp của Mẹ hiền. Thường Đức với bao lũy tre làng bốn mùa xanh tươi soi bóng nước Vu Gia. Hà Tân với Gò Cẩm Thi, với Khe Văn Chỉ với Cầu Bàu lang mang nét ấn cổ xưa; và Hà Tân gắn liền với đồi 1062 di tích Thường Đức một thời oanh liệt. Thường Đức còn đây với bao kỷ niệm êm đềm: Lộc Vĩnh có Suối Khe Liêm, có Đỉnh Ôm Thông, có Miếu Ông Voi, với cánh đồng bắp ngút ngàn vô tận. Lộc Bình có cánh đồng lúa thênh thang như bức thảm nhung xinh đẹp nên thơ. Lộc Ninh có Dinh Bà, có Cầu Phà, có Vườn Trái Nam Trân, có Bến Hiên, Bến Giằng, 2 bên bờ núi có những làng Thượng. Thường Đức quê ta một vùng đất có truyền thống hiếu học, vùng đất với những con người sống có tình nghĩa thủy chung”. MC Nguyễn Thị Lệ Phương giới thiệu trong phần điều hợp chương trình hội ngộ đồng hương Thường Đức-Điện Bàn-Đại Lộc lần đầu tiên vào buổi dạ tiệc ngày 6-8-2011 tại nhà hàng Paradise. Trong ban tổ chức có các vị  Ngô Thanh Hổ, Nguyễn Đình Khôi, chị Nguyễn Thị Lệ Ảnh, ban nhạc Võ Cường, Võ Dũng, Võ Sua, Trương Công Khả, Phương Trang, anh Nhân, anh Nguyên…


Trưởng ban tổ chức Ngô Thành Hổ chào mừng hội ngộ đồng hương, dù ông rời quê từ 2 tuổi, sống ở Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn, đi vượt biên, định cư ở Mỹ, vào tháng 12-2010 về quê nhà nhìn cảnh quê rất đẹp, dân chúng cần cù, chất phác, nhưng khổ cực bung ra tứ xứ. Hội ngộ lần đầu tiên, theo ông cho biết, cũng là để các em, cháu Thường Đức ở Mỹ này có dịp gặp gỡ biết nhau trong liên hệ huyết thống bà con cùng quê quán, tránh loạn luân khi đời sống giới trẻ xứ Mỹ tự do. 
Dịp này, đồng hương Thường Đức với ông Nguyễn Huỳnh đến từ Florida phụ trách cũng chúc thọ các quý vị cao niên hiện diện trên tinh thần “kính lão đắc thọ”. Cụ ông Ngô Đình Luyện ngồi xe lăn (trùng tên với đại sứ Ngô Đình Luyện bên Anh Quốc) về thăm, cho biết ông từng viết thư gởi cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tố cáo nạn tham nhũng trong tỉnh và được tổng thống hồi âm hỏi thuộc cấp sự việc như thế nào.

Hay cựu sĩ quan Nguyễn Quí Thảo khóa 1/70 Trừ Bị Thủ Đức, huấn luyện Quang Trung trong một gia đình “không đội trời chung với cộng sản”, có người anh từng là phó quận trưởng Thường Đức.
Đặc biệt như có Đại Úy Vũ Trung Tín, Chi Khu Phó Chi Khu Thường Đức, một trong những người sống sót sau trận đánh Thường Đức lịch sử, tường thuật về trận Thường Đức từ ngày 31-7 đến 7-8-1974: “Trước khi tìm hiểu về trận đánh quân Thường Đức, ta hãy tìm hiểu về địa danh quận Thường Đức. Quận Thường Đức được tách ra từ quận Đại Lộc do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thành lập. Quận Thường Đức nằm trong một thung lũng chung quanh bao bọc bởi dòng sông Vu Gia. Phía Tây cách biên giới Lào khoảng 25km. Phía Bắc là một ngọn núi cao nhất về hướng Đà Nẵng. Cách núi là một dòng sông ngăn ấp Hà Tân với hai thôn Trúc Hà và Mậu Lâm. Phía Nam cũng có một dòng sông ngăn cách Hà Tân với hai xã Lộc Vĩnh và Lộc Ninh, và sát bờ sông cũng là một dãy núi cao hướng về quận Đức Dục. Thường Đức là một điểm trọng yếu, nếu chiếm được quận này thì là một bàn đạp tiến về Đại Lộc và tiến chiếm Đà Nẵng. Hướng Đông Thường Đức chỉ có một con lộ độc nhất, một bên là hướng về Đà Nẵng, một bên là dòng sông chảy về Đại Lộc, cạnh sông này là một dãy núi cao. Việt Cộng họ biết Thường Đức là một yếu điểm, nên trước mấy ngày họ đã âm thầm chiếm mấy ngọn núi phía bắc và phía nam.
“Về quân số hai bên, phía Việt Nam Cộng Hòa có một bộ chỉ huy đóng trên đồi ấp Hà Tân do Thiếu Tá Chi Khu Trưởng Nguyễn Quốc Hùng và Đại Úy Chi Khu Phó Vũ Trung Tín chỉ huy.  Bộ chỉ huy này có một trung đội nghĩa quân phòng thủ. Ngay sát hàng rào phía Tây của quận là Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân Biên Phòng do Thiếu Tá Nguyễn Văn Lầu chỉ huy, phụ tá là Đại Úy An. Nhìn xuống dưới làng Hà Tân là dân của quận Thường Đức, trong đó có Chi An Ninh Quân Đội và Chi Cảnh Sát đóng tại đó. Phía Tây của quận Thường Đức là tiền đồn của một trung đội nghĩa quân. Trung đội này nhìn qua sông phía Nam là xã Lộc Ninh. Ban ngày, dân qua lại bên đó làm ăn, tối về ngủ tại ấp Hà Tân. Cùng phía Nam của quận Thường Đức có đóng một trung đội nghĩa quân kiểm soát dân qua sông làm ăn tại xã Lộc Vĩnh. Xã này có ngọn núi cao hướng về phía Đức Dục. Bên xã Lộc Vĩnh giữa con sông và ngọn núi cao có một tiền đồn địa phương quân do một đại đội địa phương quân trấn đóng. Ở phía Bắc quận Hà Tân cũng có một trung đội nghĩa quân đóng để giữ chợ và ấp Hà Tân. Ở phía Tây của ấp Hà Tân cũng có một trung đội nghĩa quân trấn giữ. Tức là ấp Hà Tân có 4 trung đội nghĩa quân bao bọc trấn giữ. Qua cầu Hà Tân hướng về phía Đông có một con lộ độc đạo đi về Đại Lộc. Cạnh sát con lộ đó có 4 ấp là Đại An, Tịnh Đông Tây, Dục Tây, Dục Đông, mỗi ấp có một trung đội nghĩa quân trấn giữ. Nhìn từ 4 ấp đó qua phía Bắc hướng về Đà Nẵng dưới những rặng núi cao có một trung đội nghĩa quân đóng ở tiền đồn Gò Cấm hướng về phía Tây.  Giáp ranh Thường Đức và Đại Lộc có một tiền đồn Ba Khe kiểm soát dân chúng đi lại giữa Thường Đức và Đại Lộc. Về phía Việt Cộng gồm có 4 trung đoàn bộ binh, pháo 130 hỏa tiễn 122 ly, súng trực tra 75 ly”. 
Ông kể tiếp về trận đánh: “Rạng sáng 31-7-1974 Việt Cộng dùng hỏa tiễn, trọng pháo và súng không giật pháo kích vào Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân Biên Phòng, Bộ Chỉ Huy Địa Phương Quân, Tiền Đồn Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Gò Cấm Ba Khe, một mặt chúng dùng chiến thuật biển người xung quanh để chiếm mục tiêu. Nhưng chúng không thành công vì bên trong chúng ta đã phòng thủ vững vàng với mìn định hướng, đại liên 50 và những tay súng M16.  Xác Việt Cộng chết đen thui đầy bắc hàng rào. Chúng vướng phải những trái lựu đạn gài sẵn trong hàng rào. Chúng tôi báo cáo về Quân Đoàn 1. Lúc đó tướng Ngô Quang Trưởng hình như đi họp tại Sài Gòn, còn tướng Lâm Quang Thi thì chỉ huy ở bộ chỉ huy tiền phương đóng ở Huế, có tướng Lạc trên máy ông nói ráng giữ đôi ít ngày sẽ có quân tiếp viện, hiện giờ cho pháo binh và máy bay yểm trợ. Việt Cộng tiếp tục pháo kích các giao thông hào hầm hố lần lượt tan banh. Mỗi lần máy bay lên đánh bom bọn Việt Cộng lại kéo súng vào trong hang, lúc máy bay đi chúng lại kéo ra pháo kích.
“Trận đánh vẫn tiếp diễn đến ngày thứ 2, tiền đồn nghĩa quân ở Ba Khe mất liên lạc coi như là thất thủ. Buổi tối Thiếu Tá Chi Khu Trưởng bị thương nặng vì đứng sau khẩu đại liên 50 bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn gãy khẩu đại liên. Trung Sĩ Khoát chết liền tại chỗ. Chúng tôi gọi tải thương cho Thiếu Tá Hùng. Nhưng máy bay đáp xuống không được vì mỗi lần trực thăng đáp xuống bốc người bị thương đều bị Việt Cộng canh sẵn pháo kích.
“Ngày thứ 3, tiền đồn nghĩa quân ở Gò Cấm cũng mất liên lạc, chúng tôi biết là đã bị chiếm.  Quân số chúng tôi chỉ còn lại 9 quân đội nghĩa quân ở ấp Hà Tân và 4 ấp Dục Đông, Dục Tây, Tịnh Đông Tây và Đại Dục; còn một đại đội địa phương quân đóng bên xã Lộc Vĩnh vẫn vững tuy bị tổn thất khá nặng. Ngày 4, Chi An Ninh Quân Đội trúng hỏa tiễn 122 ly, chi trưởng chết. Hôm sau Chi Cảnh Sát trúng pháo 130, chi trưởng Chi Cảnh Sát chết. Chúng tôi tiếp tục chiến đấu đến ngày thứ 6. Không có quân tiếp viện, máy bay lúc có lúc không.
“Đến ngày thứ 7, mấy sĩ quan Biệt Động Quân Biên Phòng của Tiểu Đoàn 79 chạy xuống phía dưới quận chỉ cách một hàng rào kẽm gai. Họ nói Việt Cộng tràn ngập tiểu đoàn rồi.  Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng chết rồi. Đại Úy Tiểu Đoàn Phó cũng chết rồi. Họ nói với tôi, bây giờ Đại Úy tính sao? Tôi nói bây giờ ở dưới này cũng hết đạn chỉ còn cách rút lui. Họ nói rút lui chỉ có một con đường độc nhất về Đại Lộc, một bên là núi, một bên cùng núi với sông.  Việt Cộng nó chiếm hết cứ điểm này rồi. Tôi nói thôi đành chịu vậy tới đâu hay tới đó. Tôi gọi máy cho đại đội địa phương quân bên Lộc Vĩnh và 4 trung đội nghĩa quân ở 4 ấp dưới và nói với họ chúng ta hết đạn, tổn thất cũng nhiều, bây giờ các anh em hãy bỏ chỗ đóng quân rồi rút lui chỗ nào mà các anh có thể rút được, tôi hết đường rồi, Tiểu Đoàn 79 đã thất thủ.  Tan hàng, tùy anh em”.
Trong nỗi ngậm ngùi, ông thuật tiếp câu chuyện: “Trước khi rút lui tôi gọi về quân đoàn báo cáo rằng Thường Đức đã thất thủ, chúng tôi di tản tới đâu hay tới đó. Mười lăm phút nữa quân đoàn tự do oanh kích quận Thường Đức, nhưng đừng pháo và oanh kích con đường độc nhất về Đại Lộc, chúng tôi rút lui hướng đó, không còn con đường nào thoát. Trước khi rút lui tôi báo cáo với Thiếu Tá Chi Khu Trưởng. Ông nói chúng mày khiêng tao lên để ở giữa sân quận. Tôi nói để như vậy nguy hiểm lắm. Tôi để Thiếu Tá trong hầm truyền tin pháo kích khó sập lắm. Xong chúng tôi khiêng ông xuống hầm.  Lúc sắp sửa rút lui tôi nghe thấy một tiếng súng nổ. Một sĩ quan chạy xuống rồi lên báo cáo ông ấy tự tử rồi.
“Chúng tôi rút lui mang bao nỗi ngậm ngùi. Trên đường rút lui, mỗi người chỉ còn 1 băng đạn trong súng mà gặp Việt Cộng không dám bắn vì dân chúng chạy theo chúng tôi mà bắn tụi Việt Cộng nó bắn lại thì dân chết nhiều hơn lính. Trên đường rút lui, chúng tôi mất thêm 2 sĩ quan nữa là Trung Úy Trợ, Đại Đội Trưởng Đại Đội Địa Phương Quân, và Thiếu Úy Trai, Trưởng Ban 5 Chiến Tranh Chính Trị, người này từ Quân Trường Đà Lạt về với đơn vị tôi chưa được một năm. Sau cùng cả quân và dân đều bị Việt Cộng bao vây bắt hết. Chúng đưa chúng tôi vào nhốt ở trong rừng. Sau khi mất Đà Nẵng, chúng mới thả dân về còn số sĩ quan chúng tôi chúng đưa ra miền Bắc. Sau 9 năm, tức là năm 1983, chúng mới thả tôi về”.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT