Tiêu Thụ

Thương lượng giảm nợ qua thư (kỳ 6)

Eric Trần/Viễn Đông Sunday, 10/06/2012 - 03:22:58

Trong lúc kinh tế suy trầm, ắt hẳn có nhiều người… lâm nạn, không trả được nợ thẻ tín dụng, và hồ sơ bị chuyển sang Collection.

Eric Trần/Viễn Đông

Trong lúc kinh tế suy trầm, ắt hẳn có nhiều người… lâm nạn, không trả được nợ thẻ tín dụng, và hồ sơ bị chuyển sang Collection. Đó là một vũng lầy chẳng ai muốn rơi vào. Vậy có cách nào để thoát ra trong danh dự hay không? Thưa có, đó là can đảm thương lượng với Collection qua thư. Tiến trình thương lượng bằng thư có thể được tóm tắt trong 3 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1: Con nợ viết thư đòi hỏi xác nhận món nợ sau khi nhận được giấy đòi tiền. Chủ nợ trả lời theo yêu cầu.
Giai đoạn 2: Thư đề nghị giảm nợ do con nợ viết. Chủ nợ trả lời
Giai đoạn 3: Thư đề nghị giảm thêm do con nợ viết. Chủ nợ trả lời
Giai đoạn kết: Trả tiền, và thư kết thúc của chủ nợ
Lần trước chúng ta đã bàn đến giai đoạn 1 - viết thư đòi hỏi xác nhận món nợ, và công ty Collection đã trả lời theo yêu cầu. Bây giờ đi vào giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Thư đề nghị giảm nợ
Nội dung của thư xin giảm nợ cần bao gồm những ý chính sau đây:
“Xin cám ơn quí vị đã vui lòng cho tôi một cơ hội để thanh toán nợ nần. Tôi xin viết thư này để đề nghị trả hết một lần với số tiền là… (ghi số tiền bao nhiêu). Đồng thời, tôi cũng xin quí vị xóa tất cả những lần đã báo cáo trả trễ trong bản lý lịch tín dụng của tôi (credit report). Xin thành thực cám ơn”.
Như các bạn thấy, lời lẽ trong thư không cầu kỳ, chỉ cần đơn giản, và nói ra được cái ý của mình. Về phía công ty đòi nợ, họ cũng chỉ cần biết sẽ lấy được bao nhiêu, rồi tính toán xem đằng nào có lợi hơn: Nhận ngay như vậy? Hay cứ để “ngâm tôm” để đòi thêm?
Cũng cần biết rằng nếu thương lượng không đi đến kết quả như mong đợi, và hai bên rốt cuộc lại gặp nhau tại tòa, thì những lá thư viết qua viết lại sẽ được dùng làm bằng chứng. Vì thế các chuyên gia bảo vệ giới tiêu thụ khuyên nên viết thư ngắn, càng kê khai nhiều chi tiết càng bị trói buộc nhiều hơn vào những gì đã khai mà thôi.

Thư trả lời của chủ nợ, giảm tiền một phần nào
Trước một đề nghị như thế, nếu chủ nợ bằng lòng ngay thì không còn chuyện gì để nói. Nhưng có thể họ sẽ đề nghị lại như sau:
Chủ nợ (tên) và con nợ (tên) đồng ý thương lượng và đồng ý về số tiền phải trả để thanh toán món nợ theo những điều kiện sau đây:
- Món nợ hiện nay là (ghi số tiền). Chủ nợ đồng ý giảm nợ, miễn là con nợ phải trả trước ngày (ghi ngày, tháng, năm).
- Cả hai bên đều đồng ý là chủ nợ sẽ nhận số tiền tổng cộng là (ghi số bao nhiêu) để trả dứt số nợ. Nếu con nợ không trả số tiền (ghi số bao nhiêu) như đã thỏa thuận, chủ nợ sẽ lập tức yêu cầu con nợ trả lại toàn bộ số tiền đầy đủ.
Thỏa thuận này có hiệu lực bó buộc đối với các bên liên hệ, gồm chủ nợ, con nợ, các người thừa kế và các người đại diện của họ.

Giai đoạn 3: Con nợ xin được giảm bớt thêm
Nhận lá thư với con số nêu trên, liệu bạn có thể đáp ứng được không? Nếu không, thì đừng ký. Thay vào đó, hãy gửi cho chủ nợ một lá thư khác với nội dung như sau:
“Cám ơn quí vị đã bằng lòng làm việc để giải quyết món nợ ngõ hầu tôi có thể trả nợ cho dứt. Trước đề nghị của quí vị trong lá thư nhận được vào ngày…, tôi xin đáp ứng (counter offer) như sau:
Tôi xin đề nghị trả hết món nợ với số tiền là… (ghi số tiền bao nhiêu). Tôi cũng xin quí vị xóa báo cáo về những lần trả trễ trong hồ sơ tín dụng của tôi.
Hiện tôi còn có một số món nợ khác và tôi cũng đang cố gắng thương lượng. Rất tiếc, tiền tôi chỉ có giới hạn. Vì thế tôi chỉ có thể trả cho những chủ nợ nào sẵn lòng nhận theo những điều kiện của tôi (meeting my terms). Tôi đã đạt được ít nhiều thỏa thuận hợp lý với các chủ nợ khác, và tôi sợ rằng sẽ không có đủ tiền để trả cho hết mọi người.
Nếu quí vị bằng lòng nhận đề nghị của tôi, xin vui lòng ký vào lá thư đính kèm và gửi cho tôi một bản. Ngay sau khi nhận được thư có chữ ký của quí vị, tôi sẽ gửi ngay một money order với số tiền đã đề nghị”.

Một lần nữa, bạn có thể áy náy với giọng điệu “làm cha người ta” trong lá thư. Nhưng theo ý kiến các chuyên gia trong ngành thì đó là điều phải chăng, và cần làm hơn là thái độ lo lắng, trốn chạy mỗi khi có thư đòi tiền. Một mặt khác, nếu là chủ nợ, đúng hơn là người được thuê để đòi nợ (collection agency), các bạn sẽ nghĩ gì? Có tự ái khi nhận một lá thư như vậy không? Có nghĩ rằng “tao sẽ đưa mày ra tòa, xem mày có lên giọng cha như vậy được không?”. Chủ nợ nguyên thủy có thể nghĩ như vậy, nhưng với Collection Agency thì không. Họ chỉ mong đòi được nợ, càng nhiều càng tốt, và nếu bắt buộc phải chấp nhận số ít thì vẫn có lời. Họ không có lý do gì để làm sự việc thêm rắc rối, hoặc phải “ăn thua đủ”…

Giai đoạn kết
Nếu sau lá thư đó mà chủ nợ gửi một thư đồng ý thì bạn đã thành công, Eric nghĩ rằng, có nhiều phần các bạn sẽ thành công và có cơ hội làm lại… cuộc đời.
Nếu cần bản tiếng Anh cho các mẫu thư nói trên, xin liên lạc và Eric sẵn sàng gửi tới các bạn.

Erictran15751@gmail.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT