Tiêu Thụ

Thương lượng giảm nợ - Tiếp xúc qua thơ (kỳ 4)

Eric Trần/Viễn Đông Saturday, 26/05/2012 - 10:39:10

Nên cho dù, bạn thương lượng ở mức nào đi nữa, họ vẫn có lời. “Găng” một chút là để kiếm lời thêm mà thôi.

Eric Trần/Viễn Đông

Nợ nần là một hiện tượng ít ai tránh khỏi. Người làm ăn cần vốn để tiến hành kinh doanh, người bình dân vay tiền để giải quyết những nhu cầu bất ngờ của đời sống… Nếu trả nợ êm thấm thì cả 2 bên - chủ nợ con nợ - đều vui. Điều phải nói là khi không thể trả được như đã giao kèo được thì sao? Nhiều người chọn thái độ ì ra, bất chấp để rồi phải đối diện những hậu quả rắc rối hơn. Ít ai ngờ được là cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn nên thương lượng để dàn xếp một lối thoát vừa tầm tay. Bài lần trước có nói về việc tiếp xúc qua điện thoại. Hôm nay xin trình bày việc tiếp xúc qua thơ.

Khi chủ nợ không chịu xác nhận qua thơ
Khi đạt được một thỏa thuận, thì chủ nợ phải ghi ra trên giấy, và gửi về cho chúng ta, trước khi chúng ta tiến hành trả tiền. Đó là lời khuyên của các chuyên gia. Tuy nhiên, Eric thấy rằng, có thể bạn sẽ không xin được tờ giấy như ý muốn.
Ở đây, xin lập lại, có 2 bậc chủ nợ: Chủ nợ nguyên thủy (Creditor) là người thực đã bỏ tiền cho chúng ta vay; và Collection Agency (CA), là người được thuê để đòi nợ hoặc là người đã mua lại món nợ đó từ chủ nợ nguyên thủy.
Nếu đạt được một thỏa thuận giảm nợ với chủ nợ nguyên thủy, đa phần họ chỉ nói qua điện thoại, và không chịu gửi thêm một giấy tờ gì khác trước khi bạn đã tiến hành thực thi thỏa thuận. Thí dụ: Bạn nợ Bank of America 4.000 Mỹ kim. Qua điện thoại, họ đề nghị bớt cho bạn 60%, và chỉ đòi bạn trả 1.600 Mỹ kim. Cái good deal rất nên nhận. Nhưng khi bạn đòi họ gửi giấy xác nhận, thì đại diện nhà băng nói: “Chúng tôi chỉ gửi giấy khi quí vị bắt đầu trả tiền (hoặc, khi đã trả tiền xong), chứ không gửi trước”.
Nghe như vậy, bạn rất hoang mang: Không có giấy xác nhận trước, bạn được quyền nghi ngờ họ không tôn trọng thỏa thuận. Nhưng nếu không nhận thì rất có thể bạn sẽ mất một cơ hội tốt để thanh toán gánh nặng nợ nần!
Eric không thể có ý kiến như một luật sư hay một chuyên viên kiếm sống bằng nghề thương lượng giảm nợ, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế qua nhiều lần tiếp xúc với chủ nợ thì chúng tôi có thể nói rằng: Nếu đó là chủ nợ nguyên thủy thì bạn có thể tin và yên tâm nhận cái good deal ấy!
Nhưng nếu đó là một nhân viên collection, chúng ta dứt khoát phải có giấy xác nhận giảm nợ trước khi tiến hành trả tiền. Cũng nên biết rằng, sự hiện diện của Collection có 2 ý nghĩa:
- Một là, chủ nợ nguyên thủy thuê họ đòi nợ, và họ chỉ nhận tiền thù lao đòi nợ. Trong trường hợp này CA không thể thương lượng, mà chỉ tìm hết cách đòi cho đủ nợ mà thôi.
- Hai là, họ đã mua lại món nợ này từ chủ cũ. Đó là trường hợp đa số. Theo ghi nhận của giới am tường thì các công ty collection mua lại món nợ với giá rất rẻ, có thể chỉ trả… 1% món nợ nguyên thủy. Chẳng hạn, món nợ 6.000 Mỹ kim được mua lại với giá 60 Mỹ kim, hoặc 50 Mỹ kim. Nên cho dù, bạn thương lượng ở mức nào đi nữa, họ vẫn có lời. “Găng” một chút là để kiếm lời thêm mà thôi.

Tiến trình tiếp xúc qua thơ
Bây giờ xin nói cụ thể về lá thư thứ nhất sau khi bạn thấy rằng mình có Collection trong báo cáo tín dụng, hoặc nhận được điện thoại hay thư của Collection Agency. Đó là thư đòi họ xác nhận mình có nợ tiền (Debt Validation Letter). Ngoài những phần căn bản như tên, điện thoại, địa chỉ của bạn cũng như của CA, thư đòi xác nhận món nợ có thể viết với nội dung như sau:

Thưa quí vị, tôi vừa mới được biết là tôi có một collection account trong công ty của quí vị. Nay xin quí vị xác nhận là tôi có thực sự nợ tiền, cũng như là vai trò của quí vị trong việc đòi nợ.
Theo luật FDCPA, tôi có quyền xin quí vị xác nhận chuyện này. Vì thế, xin quí vị chứng minh tôi đúng là cái người đã ký giấy mượn tiền và có bổn phận phải trả món nợ đó.
Như quí vị cũng biết, việc báo cáo tin tức không trung thực cho các Credit Bureau là việc làm mất danh dự người khác. Đồng thời, quí vị cũng biết rằng, nếu chưa xác minh món nợ này, thì quí vị không có tư cách để đòi nợ, hoặc báo cáo với credit bureau. Không chấp hành yêu cầu này, công ty của quí vị có thể gặp rắc rối với Federal Trade Commission (FTC) hoặc các cơ quan khác của chính quyền.
Xin vui lòng gửi cho tôi các giấy xác nhận sau đây:
- Bản văn đã ký kết giữa quí vị với khách hàng, cho phép quí vị đại diện để đòi nợ.
- Bản văn có chữ ký của con nợ, có ghi rõ rằng đương sự hứa trả tiền cho chủ nợ nguyên thủy.
- Báo cáo về những lần mà người này đã trả tiền để chứng minh rằng số tiền quí vị muốn đòi là chính xác.
Xin thành thực cám ơn quí vị.

Đọc lá thư này, các bạn có thể cảm thấy hơi “rét” trước những lời lẽ đanh thép trong lá thư, và bạn có thể nghĩ rằng “Đã xù tiền mà còn hạch hỏi cứ y như là… bố người ta”. Sự thể có phải như thế không, lần sau chúng ta sẽ bàn tiếp.

Erictran15751@gmail.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT