Tiêu Thụ

Thương lượng trả nợ - Giải pháp Settlement (kỳ 2)

Eric Trần/Viễn Đông Friday, 11/05/2012 - 09:58:31

Như vậy, bao nhiêu tiền bạc đã đóng coi như nước đổ ra sông, bởi vì với phân lời quá cao, bạn không còn đủ sức tiếp tục trả góp và rơi vào tình trạng nợ nần như cũ.

Eric Trần/Viễn Đông

Khi vay mượn, chúng ta có bổn phận phải trả lại. Nhưng cuộc đời có những bất ngờ khiến chúng ta không trả nợ được, làm cho quan hệ giữa chúng ta với chủ nợ trở nên căng thẳng. Có nhiều người chọn biện pháp… lì rồi muốn tới đâu thì tới, là vì mình đã hoàn toàn kiệt quệ. Nhưng nếu tình hình chưa đến nỗi nào, bạn nên thương lượng với chủ nợ, hầu đạt tới một “settlement”. Settlement có nghĩa là một thỏa thuận để giải quyết vấn đề giữa hai bên chủ nợ và con nợ. Thực tế, nó có nghĩa là một giải pháp khoan hồng. Để đạt được settlement, chúng ta phải can đảm thương lượng với chủ nợ.
Trước tiên, cần phải phân biệt 2 bậc chủ nợ: Một là chủ nợ chính thức, tức cơ quan thực đã bỏ tiền ra cho chúng ta mượn, và hai, là người đi đòi nợ thuê mà chúng ta thường biết dưới tên Collection. Thương lượng trong lúc món nợ còn trong tay chủ nợ chính thức thì dễ hơn là khi nó đã được chuyển tới collection. Nhưng ở đâu chăng nữa tìm được settlement vừa ý là một tiến trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Có những điều cần lưu ý về việc thương lượng như sau:
Mục tiêu: Thương lượng giảm tổng số tiền nợ để trả hết một lần, đừng thương lượng trả góp.
Thí dụ: Với một món nợ 6.000 Mỹ kim, chủ nợ có thể giảm 4.000 Mỹ kim nếu bạn trả ngay được 2.000 Mỹ kim còn lại. Đó là giải pháp thứ nhất: Giảm nợ để có thể trả hết một lần. Tuy nhiên, đối với con nợ thì mặc dầu được giảm tới 4.000 Mỹ kim, nhưng kiếm ngay ra 2.000 để trả không phải là chuyện dễ. Có thể chủ nợ sẽ cho một giải pháp khác: Trả góp không tính lãi trong 5 năm. Với giải pháp này, bạn bị thiệt mất 4.000 Mỹ kim, nhưng nó vừa tầm tay giúp bạn thanh toán món nợ bằng cách trả góp mỗi tháng 100 Mỹ kim.
Các chuyên gia bảo vệ tín dụng cho rằng, bạn không nên chọn giải pháp 2 - trả góp - vì những lý do sau đây:

1. Rủi ro về lâu dài
Chưa cần nói tới số tiền 4.000 Mỹ kim bị bốc hơi là một điều đáng tiếc, bạn còn đối diện nhiều rủi ro khác. Chẳng hạn, sau vài năm đóng liên tục, bạn đã trả được một số tiền kha khá. Rồi bỗng dưng vì một lý do nào đó vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn bị “huốc” một tháng không kịp trả nợ. Lập tức chương trình trả nợ nguyên thủy bị hủy bỏ, bạn bị qui kết cái tội làm bể hợp đồng, không còn được khoan hồng với phân lời 0% nữa; phân lời có thể bốc cao tới 17%, 18% hoặc 29%… là chuyện thường. Như vậy, bao nhiêu tiền bạc đã đóng coi như nước đổ ra sông, bởi vì với phân lời quá cao, bạn không còn đủ sức tiếp tục trả góp và rơi vào tình trạng nợ nần như cũ.

2. Điểm tín dụng và hồ sơ “lão hóa”
Nhiều người nghĩ rằng, tới nước này rồi thì uy tín đâu còn gì mà phải sợ mất điểm tín dụng. Nghĩ như vậy là nông nổi. Bởi vì, thị trường tín dụng có những qui luật khách quan, không chủ trương dìm người tới chỗ chết! Điểm xấu, cho dù xấu tới đâu, cũng chỉ có giá trị một thời gian, rồi sẽ mờ nhạt dần để bạn ngoi đầu lên, làm lại cuộc đời nếu sau đó không bị dính thêm một điểm xấu nào khác…
Nếu chủ nợ không còn nhận được tin tức gì về con nợ sau ít nhất 6 tháng chờ đợi thì họ sẽ xếp nó vào tình trạng “lão hóa” (aging). Và đây là điều ít người biết: Một hồ sơ “lão hóa” không ảnh hưởng mạnh trên lý lịch và điểm tín dụng của con nợ. Chuyện này xem ra dễ hiểu, là vì, chỉ cần trễ nợ 2 tháng thôi, tín dụng của bạn đã bị trừ cả hằng trăm điểm. Xù nơ đến 6 tháng thì uy tín đã xuống tới đất đen, điểm tín dụng có còn “xu” nào đâu để trừ. Vì thế, nó lọt khỏi tầm quan sát của radar tín dụng.
Tuy nhiên nếu con nợ bắt đầu trả tiền, thì cái account đã lão hóa ấy sống trở lại, và lọt vào tầm ngắm của Radar, và được ghi nhận một điểm… xấu! Nếu không may, sau đó ít lâu bạn không trả tiếp được cho đến khi hết nợ, thì hồ sơ lại rơi tỏm xuống vực sâu với một đợt “lão hóa” mới.
Nhưng nếu thanh toán một lần cho xong thì bạn đã vĩnh viễn khép lại một hồ sơ để rảnh tâm suy nghĩ đến hồ sơ khác. Ngoài sự giải thoát về tâm lý, khiến cho bạn cảm thấy bình yên với chính mình, điểm số tín dụng của bạn cũng nhờ đó mà trụ lại được ở mức cố định, để từ đó vươn lên cao hơn và cao hơn…
Nói tóm lại, thương lượng với chủ nợ không phải là khó. Nhưng cần xác định cho mình một đích điểm – đó là thương lượng trả hết một lần. Và vận dụng tất cả mọi tài nguyên, thậm chí nên bán đi một số tài sản trong nhà, để có thể thanh toán nợ lần một lần cho dứt khoát, làm được điều đó quả thực khó khăn. Nhưng chắc chắn đó là điều khôn ngoan nhất bạn có thể làm trong lúc này. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trong bài sau.

Erictran15751@gmail.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT