Văn Nghệ

Thưởng thức các ca khúc của học viên khóa học Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật của Vascam

Friday, 20/07/2018 - 11:02:04

Chín bài hát trong buổi diễn đã được Tiến Sĩ nhạc sĩ dương cầm Đỗ Bằng Lăng trình tấu phần nhạc đệm thật tuyệt vời và giọng ca nữ cao Soprano ngọt ngào, mềm mượt, trong vắt của Bích Vân thể hiện lời ca, bè hai của các ca khúc do ca sĩ giọng tenor Sean Buhr hát.

Bài BĂNG HUYỀN

Tối thứ Bảy, ngày 14 tháng 7, 2018 tại Việt Báo đã diễn ra buổi trình diễn giới thiệu chín ca khúc của chín học viên khóa học Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật của hội VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music) tổ chức. Bốn buổi học dành cho hai cấp lớp, gồm lớp Advanced (bốn học viên), thời gian học từ 6– 9 tháng 7, 2018 và lớp Beginner (năm học viên) từ 10-13 tháng 7, 2018 đều do Giáo Sư - Sáng Tác Gia P.Q. Phan hướng dẫn.

 
Ca sĩ Bích Vân hòa giọng cùng ca sĩ Sean Buhr. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chín bài hát trong buổi diễn đã được Tiến Sĩ nhạc sĩ dương cầm Đỗ Bằng Lăng trình tấu phần nhạc đệm thật tuyệt vời và giọng ca nữ cao Soprano ngọt ngào, mềm mượt, trong vắt của Bích Vân thể hiện lời ca, bè hai của các ca khúc do ca sĩ giọng tenor Sean Buhr hát.
 

Soạn nhạc gia P.Q. Phan gửi lời chào khán giả và giới thiệu qua về các học viên, các nghệ sĩ trình diễn trong chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các ca khúc của các học viên

Chín học viên với các độ tuổi khác nhau, tất cả đều đã bước vào tuổi trung niên, có người đã cao niên ngoài 70 tuổi, 80 tuổi, và đều là người Mỹ gốc Việt.

Các học viên của lớp Beginner mới học lần đầu tiên với Vascam, ông Hoàng Hà là tác giả của ca khúc Nhớ Mẹ Ru Đêm. Võ Thước tác giả ca khúc Con Tim Không Còn Ai Để Nhớ. Vivian Lê tác giả ca khúc Hoa Cam. Nguyễn Xuân Vinh tác giả ca khúc Một Ngày Mới và Thomas Chu tác giả Rồi Một Ngày Tôi Sẽ Ra Đi.
Bốn học viên lớp Advanced là những học viên cũ đã ghi danh học với Vascam vào tháng 7 năm ngoái, khác với các học viên của lớp Beginner, chỉ viết ca khúc art song dành cho đơn ca, học viên của lớp Advanced phải làm luôn phần hòa âm cho hai bè. Học viên Vũ Duy Hiển là tác giả của ca khúc Waking Up. Học viên Đạt Mạnh Nguyễn tác giả ca khúc Về Thăm Trường Cũ. Sương Vũ tác giả ca khúc We Never Know How High We Are. Học viên Như An tác giả ca khúc Love To All.
 

Ca sĩ Bích Vân hát với phần đệm đàn của nhạc sĩ Bằng Lăng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Mỗi ca khúc của các học viên là một gam màu đa dạng, góp mình vào bức tranh tổng thể của khóa học Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật của hội VASCAM. Chín ca khúc là chín màu sắc âm nhạc mới, lạ, rất khác so với những giai điệu nhạc Pop quen thuộc. Nội dung mà các học viên gửi gắm trong từng bài hát mang đến những thông điệp ý nghĩa về giá trị của cuộc sống, hãy sống sao cho có ý nghĩa để không tiếc nuối khi phải rời xa cõi tạm này, thông điệp về tình yêu của người thân với nhau, nuôi dưỡng tình thương giữa người với người, giữa người với cảnh vật thiên nhiên, với mái trường xưa…

Chín ca khúc của chín học viên được hát lên trong buổi tối thứ Bảy, ngày 14 tháng 7, 2018 tuần qua, có thể chưa là tác phẩm có được “triệu view,” hoặc chưa được nhiều khán giả yêu thích hay tạo thành trào lưu. Nhưng đó là những tác phẩm âm nhạc sâu thẳm, đầy mới mẻ, không hời hợt, qua loa, mà đầy tâm tư, tiếng lòng của các tác giả. Qua âm nhạc, học viên của lớp nhạc đã thể hiện cái tôi và quan điểm của mình thật mạnh mẽ, với mong muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cộng đồng người nghe có duyên đến dự đêm diễn vừa qua và sau này khi xem trên face book cá nhân của các học viên.

Tâm tình của người thầy

Chia sẻ về khóa học lần này, soạn nhạc gia P.Q. Phan cho biết ông rất quý những tân học viên của lớp Beginner, vì những vị này đều ở xa, về đây học. Ông Võ Thước mỗi ngày phải lái xe hai tiếng đồng hồ từ San Diego để đến lớp. Ông Hoàng Hà từ Los Angeles, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh và Vivian Lê từ Riverside, và ông Thomas Chu từ San Jose xuống thuê khách sạn ở trong một tuần để học. Còn bốn học viên lớp Advanced đều là các học viên cũ từng học vào năm ngoái, lần này đã sáng tác được những ca khúc kèm theo hòa âm cho hai bè ca rất thú vị.
 

Quang cảnh của khán phòng Việt Báo trong đêm nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Theo soạn nhạc gia P.Q. Phan, dạy cho hai cấp lớp lần này ông rất hài lòng, không chỉ vì các học viên làm được những bài nhạc rất hay, mà quan trọng nhất là các học viên thu thập được những gì từ khóa học. “Điều thứ hai là các học viên có thích thú khi học lớp nhạc này hay không. Vì hiệu quả thì lúc nào cũng cần thời gian. Tôi thấy các học viên ai cũng ham học cả. Ai cũng hài lòng khi ghi danh học lớp này. Đây mới là điều mà tôi thích nhất. Phẩm chất các tác phẩm lần này rất tốt. Khi dạy, tôi khuyến khích các học viên viết nhạc không bị ảnh hưởng với những gì mà họ đã nghe từ bấy lâu nay.”

Soạn nhạc gia P.Q.Phan nói, “Những người đã nghe nhạc nhiều, khi học sáng tác, để giúp học viên tránh viết nhạc na ná giống những tác phẩm của các nhạc sĩ khác mà họ đã nghe và nhớ trong tiềm thức, tôi truyền kinh nghiệm cho họ tránh được điều đó. Vì lớp nhạc này là viết ca khúc nghệ thuật, bài hát nghệ thuật thì lời ca quan trọng hơn là giai điệu. Nhiều khi những bài nhạc cũ được nhạc sĩ làm giai điệu trước, rồi mới đặt lời vào sau, đôi khi có nhiều chữ mình nghe không hiểu chữ đó là gì.
 

Quang cảnh của khán phòng Việt Báo trong đêm nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Hoặc người ta đặt lời vào, chữ chính lại không nằm trong nhịp chính. Tại sao chữ đó phải dùng nốt đó, dùng trong nhịp đó, và như vậy, bài nhạc nào của các học viên cũng đều khác nhau, không ai giống ai. Đó là bí quyết khi học lớp nhạc này. Bí quyết này ai cũng biết cả, nhưng quan trọng là mình khuyến khích người ta làm, để tránh đi những tập tục cũ, cái đó là quan trọng nhất.”

Soạn nhạc gia P.Q. Phan nhận xét, “Tất cả những bài nhạc hay hoặc dở, còn phụ thuộc vào thói quen nghe nhạc của khán giả, điều thứ hai là phụ thuộc vào lời ca. Tôi xin nói điều này hơi táo bạo, ví dụ như có nhiều bài ca rất nổi tiếng, nhưng mà mình đổi lời thì xem có còn người thích nữa hay không. Không cần đó là bài của tác giả nổi tiếng hay không nổi tiếng, mà nếu bài ca đã được yêu thích, bị đổi lời mới lại thì chắc gì còn được yêu thích nữa. Ví dụ như bài nhạc được yêu thích của The Beatles về tình yêu nhân loại mà đổi lời đi thì có còn ai thích nữa hay không. Hay ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn, nếu mình đổi lời hết, thì chắc gì đã được yêu thích nữa. Hoặc bài Ave Maria của Schubert, nếu mình đổi lời đi, thì dù giai điệu có hay, lời đổi, thì chắc gì còn được yêu thích.

“Vì đây là những bài nhạc có lời. Mà ca khúc có lời, thì lời ca rất quan trọng, gần như hơn 50 phần trăm so với giai điệu. Nên trong sáng tác nhạc có lời, tôi giải thích cho học viên, lời ca thế này thì phải làm nhạc như vậy. không thể nào thay đổi được cả. Tôi thấy có những bài nhạc mới bên Việt Nam, nhiều khi mình không biết được là người ta hát tiếng Hoa hay tiếng Hàn, vì có thể giới trẻ mê nhạc Hoa, nhạc Hàn thì nhạc sĩ trẻ bên đó làm giai điệu trước, rồi mới đặt lời vào, nên nhiều khi tôi không biết họ hát chữ gì cả. Cái đó không phải là ca khúc nghệ thuật. Ca khúc nghệ thuật không phải viết giai điệu xong rồi đặt lời, mà giai điệu phải hợp từng chữ của lời ca.”

Trước khi tiến sĩ nhạc sĩ dương cầm Bằng Lăng, ca sĩ Bích Vân và ca sĩ Sean Buhr trình diễn chín tác phẩm, soạn nhạc gia P.Q. Phan đã dành những lời khen tặng cho các nghệ sĩ. Ông cho biết với các tác phẩm của các học viên lớp Beginner thì tiến sĩ Bằng Lăng phải cung cấp phần hòa âm bài hát đó. Với ca khúc viết hai bè của các học viên lớp Advanced, thì tiến sĩ Bằng Lăng phải trình diễn tất cả những hòa âm mà học viên sáng tác. Vai trò của tiến sĩ Bằng Lăng rất quan trọng.

“Các học viên làm bài xong vào tối thứ Năm, hôm sau thứ Sáu tôi xem lại các bài nhạc rồi đưa bài cho tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng (đệm piano), ca sĩ Bích Vân và ca sĩ Sean Buhr ca. Cả ba người này tập lần đầu tiên trong vòng hai tiếng đồng hồ chiều thứ Sáu và hôm sau thứ Bảy, trước giờ trình diễn, họ tập thêm với nhau nữa. Tổng cộng họ chỉ tập với nhau 3 tiếng, và trình diễn trước mọi người. Hai ca sĩ Bích Vân và Sean Buhr nhìn bản nhạc tới đâu là hát ngay lúc đó, nghĩa là họ có khả năng đọc nhạc, ký xướng âm được và nghe tôi trình bày cho họ biết ý nghĩa từng ca khúc của các học viên để họ cảm được những điều các tác giả chuyển tãi và thể hiện thành công.”

Khen tặng các tác phẩm của các học viên, tiến sĩ, nhạc sĩ dương cầm Đỗ Bằng Lăng chia sẻ, “tôi rất ngạc nhiên là chỉ trong vài ngày, những học viên từng học năm ngoái nay học lớp nâng cao, đã lựa được những hòa âm hợp với ca khúc họ viết và rất hợp với giai điệu mà họ viết. Đây là điều rất khó, vậy mà chỉ trong vòng vài ngày học, họ đã làm được. Thường học phần này phải cần một semester học kỳ trên đại học. Nhưng anh P.Q. Phan đã tóm tắt phần quan trọng để hướng dẫn họ, đây là điều rất hay. Các học viên rất siêng năng và làm việc rất đáng phục.

“Còn với những học viên mới, ca khúc nào cũng có điểm hay riêng, nhưng tôi thấy có hai bài là Nhớ Mẹ Ru Đêm của Hoàng Hà và Con Tim Không Còn Ai Để Nhớ của Võ Thước, phần lời và nhạc rất hay, lời đi với nhạc rất khắng khít với nhau. Thường có người viết nhạc được, không viết lời được, lời đi chung với nhạc không phải dễ. Nhưng với hai ca khúc này, lời và nhạc rất ăn khớp với nhau.

“Còn ca khúc Rồi Một Ngày Tôi Sẽ Ra Đi của Thomas Chu rất lạ, đề tài mang tính đạo, có chất thiền trong đó. Ca sĩ Bích Vân hát thể loại nhạc nào cũng được, tôi thấy trong những ca khúc này, có bài có vài đoạn nhạc khó hát lắm, không dễ đâu, quãng giọng cao, thấp khác nhau rất nhiều. Bích Vân thể hiện rất hay. Khi chúng tôi tập với nhau, lấy cảm hứng cùng nhau.”

Là người thể hiện chính các ca khúc, ca sĩ Bích Vân cũng dành những lời khen cho các tác phẩm lần này, “Khóa học năm nay Bích Vân cảm nhận được là có nhiều bài hát tiến bộ hơn so với năm ngoái. Nhất là những bài hát có hai bè nữa thì càng thú vị hơn khi Bích Vân và Sean hòa giọng hát với nhau.

“Bài nào cũng có nét riêng, rất lạ, đem lại thích thú cho Bích Vân khi hát, đặc biệt là bài Love To All của Như An, rất hay khi viết cho hai giọng. Bài này rất khó hát, nhưng khi hát lên được thì ra được vẻ đẹp của bài hát, Bích Vân cảm thấy rất sướng, rất đã. Còn bài mà Bích Vân rất xúc động khi hát là bài Nhớ Mẹ Ru Đêm. Làm Bích Vân nhớ đến người mẹ đã mất của mình.”

Tâm tình của học viên

Học viên Hoàng Hà là tác giả ca khúc Nhớ Mẹ Ru Đêm, kể rằng hồi còn là học sinh, ông có học đàn guitare, rồi đi lính VNCH, 1975 bị tù cải tạo. Từng viết những ca khúc trước khi đi học lớp này, nhưng trước đó ông chỉ tự học. Khi biết có lớp dạy viết ca khúc nghệ thuật của Vascam tổ chức, ông mừng lắm, nên ghi danh học ngay. “Học với thầy P.Q. Phan được thầy hướng dẫn kỹ cách viết lời, phối âm. Nhờ học lớp này, giúp tôi sửa lại bài hát Nhớ Mẹ Ru Đêm đã sáng tác trước đó được sáng sủa hơn.

“Nội dung ca khúc nói về tình mẹ con. Vì hồi trước mấy cha con tôi vượt biên qua bên này trước, vợ tôi còn ở lại. Các con qua bên này tối nhớ mẹ, tôi vừa viết lời vừa viết nhạc luôn một lúc, chứ không phải viết lời trước rồi mới viết nhạc, hay là viết nhạc trước rồi viết lời. Khi học lớp nhạc này, giúp tôi chỉnh lại những phần còn thiếu xót. Khi nghe Bích Vân hát bài nhạc của tôi, tôi thích lắm, giọng Bích Vân ca hay quá, thêm tiếng đàn của cô Bằng Lăng nữa thì tuyệt lắm.”

Học viên Thomas Chu tên thật là Chu Thủy, sống tại San Jose, ông vốn là họa sĩ, nắn tượng, ngày xưa từng gắn bó với các ca nhạc sĩ nhạc trẻ tại Sài Gòn trước 1975. Ông tâm sự, “Tôi chỉ chơi nhạc bằng bản năng thôi, trời cho năng khiếu thẩm âm tốt, nên khi biết lớp học này, tôi ghi danh học để biết cách viết ca khúc như thế nào. Trước khi xuống đây học, tôi đã ghi danh trong college tại San Jose để học mấy lớp nhạc về nhạc cụ để học bài bản lại.

“Ca khúc Rồi Một Ngày Tôi Sẽ Đi được tôi viết từ trước, là một trong nhiều ca khúc tôi đã viết trước đây nhưng không biết có đúng với âm luật hay không, nhân dịp học lớp này, tôi đem bài nhạc ra để chỉnh sửa lại theo những gì học được từ thầy P.Q. Phan. Thông điệp bài ca này tôi muốn nói mọi chuyện tham sân si rồi cuối cùng khi chết đi cũng đi tay không thôi. kết bài hát là lời tụng Amitabha (là tiếng Phạn của A Di Đà Phật). Bài này tôi từng ôm guitare đàn kiểu du ca nghêu ngao, hôm nay nghe Bích Vân hát kiểu luyến láy art song thì tôi không quen lắm, hơi lạ tai.”

Ông Thomas Chu cho rằng, “Nếu ai có tâm hồn nghệ sĩ thì hãy thử học lớp nhạc này, làm sai thì sửa. tôi không dám nói là hãy học lớp nhạc này rồi sẽ thành một đại nhạc sĩ, nhưng tôi cảm ơn thầy P.Q. Phan cho tôi cái nhìn để khởi hành từ bước nhỏ. Trước khi mình làm gì cũng phải đi từ bước nhỏ, mình mới biết mình có khả năng đi tiếp hay không. Điều mà tôi thích lớp này là giúp tôi khởi hành từ bước nhỏ, mới đi tới trong nay mai. Những ca khúc tôi từng viết trước đây, nhờ học lớp này, về tôi sẽ sửa lại để hoàn chỉnh hơn. Để lời ca hợp với giai điệu hơn. Ví dụ khi ca từ viết buồn thì nốt nhạc cũng phải xuống thấp chứ không thể cao vút. Buồn dễ sợ thì nốt nhạc phải càng thấp nữa, nhưng người ca hát được hay không lại là chuyện khác.”

Còn với học viên Vivian Lê thì từ nhỏ bà rất thích nhạc, nhưng không quen biết nhạc sĩ nào cả để được dạy bảo. Khi biết lớp nhạc, bà và ông xã ghi danh theo học ngay. “Khi học xong khóa học bốn ngày, được thầy Phục chỉ bảo tận tình tôi cảm thấy yên tâm là mình có thể viết được nhạc. Ca khúc tôi viết được ca sĩ Bích Vân hát trng buổi hôm nay tôi có quay lại để lưu giữ làm kỷ niệm, đây là kỷ niệm về bản nhạc đầu tiên của tôi. Tôi tin mình làm được thêm những bài hát tiếp theo nữa. Năm sau Vascam mở tiếp khóahọc, tôi sẽ ghi danh học tiếp nữa”.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh cho biết ông thích âm nhạc từ nhỏ, từng mua đàn guitar, sáo kèm theo sách dạy để tự học. Học bài đầu thì dễ hiểu, bắt đầu bài thứ hai, thứ ba trở đi, bắt đầu thấy rối rồi, nên bỏ. “tôi luôn nghĩ viết được một bản nhạc rất khó khăn. Qua lớp nhạc lần này, tôi biết được khi viết nhạc, có những nguyên tắc của nó. Nếu mình được chỉ dẫn thì ai cũng có thể làm được. Còn hay hoặc không lại là chuyện khác.

“Bài thơ Một Ngày Mới tôi viết để đem đến lớp học, cũng chỉ là những ngẫu hứng về một ngày mới, bình minh lên, mong mọi người hãy dùng ngày mới của mình làm việc có ý nghĩa, vì ngày mới rất quý giá, sáng thức dậy, bước xuống giường là ta đã có thêm một ngày mới để sống. Có nhiều người không biết dùng thời gian đúng nghĩa. Vì vậy khi có một ngày mới, không chỉ với tuổi trẻ, mà cả với người già hãy dùng ngày mới đó một cách hăng say, có vui tươi để mang lại nhiều điều có ý nghĩa trong đời.”

Học viên Sương Vũ thì kể rằng hồi trước 1975, bà từng theo học một năm về hòa âm với linh mục Tiến Dũng (cha lập ra trường Suối Nhạc). “Khi đó trong đầu còn quá nhiều câu hỏi về hòa âm. Lần này nhờ có lớp của anh P.Q. Phan dạy về hòa âm, tôi có cơ hội học lại căn bản. Dù anh chỉ dạy chúng tôi bốn buổi, nhưng đã đưa ra sườn căn bản giúp tôi nối lại những kiến thức đã từng học trước đây. Nên tôi rất thích.”
Học viên Duy Hiển cho biết, năm ngoái ông học chỉ viết ra giai điệu, còn năm nay ông học để làm ra hòa âm. “Anh P.Q. Phan mở ra cho tôi một chân trời, chỉ cách cho tôi làm được hòa âm, dù học làm hòa âm lần này chỉ mới có hai giọng thôi, trong tương lai sẽ viết hòa âm cho ba hoặc bốn giọng, là mục đích tôi nhắm đến. Năm sau thầy P.Q. Phan dám dạy nữa thì tôi sẽ dám học tiếp nữa. Những ai có ý định hiểu biết thêm về âm nhạc, muốn tăng trình độ thưởng thức âm nhạc của mình, thì nên ghi danh học lớp nhạc của Vascam. Nếu mình hiểu biết thì mình hiểu âm nhạc được sâu xa hơn, cảm kích được những câu trình nghệ thuật người ta làm.”

Khen tặng mục đích của lớp dạy viết ca khúc nghệ thuật của Vascam, tiến sĩ nhạc sĩ Bằng Lăng mong rằng, “Những ai đã trưởng thành hay đã nghỉ hưu muốn thử một cái gì đó mà mình chưa làm thì không bao giờ là trễ quá hết. Dù quý vị không biết gì hết về nhạc, nhưng qua lời hướng dẫn của thầy P.Q. Phan, thì sẽ giúp quý vị diễn tả ra bằng âm nhạc, đây là cách để mình để lại cái gì đó cho sau này. Tôi nghĩ có lẽ trong cộng đồng chúng ta có nhiều người sợ không ghi danh học.

“Vì chưa bao giờ thử làm một cái gì có sáng tạo trong đó, đâu phải chỉ có người trẻ mới học sáng tác được, mà người lớn cũng có thể học sáng tác được, tôi cũng mong quý vị sống quanh đây nếu chưa có thử, cũng sẽ có cảm hứng là tôi cũng có thể sáng tác một bài nhạc được, xin hãy cứ thử.

“Nếu mỗi người khám phá được khía cạnh nào đó của mình vốn đã bị chôn vùi đâu đó từ sâu trong người mình từ khi còn nhỏ. Thành ra quý vị hãy thử xem. Tôi cũng biết có nhiều vị lúc còn nhỏ học nhạc hay bị bố mẹ rầy la, sáng tạo của các quý vị bị chìm sâu, đến khi sau này có cơ hội học để khơi gợi lại. Mong quý vị hãy nên thử, sẽ có nhiều niềm vui lắm.”

Cô Anvi Hoàng là thành viên của Vascam nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời đến quý độc giả, “Hoạt động chính của Vascam là nhắm đến mảng âm nhạc hàn lâm. Vì chúng tôi biết nó vẫn còn lạ trong cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ âm nhạc có sức mạnh rất cao. Nên chúng tôi muốn tập trung vào mảng âm nhạc này, để mọi người trong cộng đồng hiểu rõ hơn về âm nhạc hàn lâm và sức mạnh của ngôn ngữ âm nhạc này. Nếu quý vị đọc bài viết này, thấy mục đích của Vascam quý vị thích thì hãy ủng hộ cho Hội, giúp đỡ Hội những lần tổ chức chương trình. Vì chúng tôi rất cần có các thiện nguyện viên giúp ban tổ chức mỗi khi thực hiện các chương trình tại đây. Xin hãy liên lạc với ban tổ chức tại trang web www.vascam.org (có địa chỉ email, Facebook).”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT