Người Việt Khắp Nơi

Thuyền trưởng gốc Việt bị tố cáo bắt người Nam Dương làm nô lệ ngoài biển, cho đi vệ sinh trong xô nước

Saturday, 24/09/2016 - 08:32:21

Họ khởi hành từ Jakarta, Nam Dương, và đã được lên một chiếc tàu Mỹ tên là Knowledge. Sau nhiều ngày trên biển, họ được chuyển sang tàu Sea Queen II. Điều này không phải là một phần trong hợp đồng của họ.

Chiếc Sea Queen II của ông Nguyễn Văn Thoại tại bến tàu San Francisco trong hình chụp tháng 11, 2015. (AP)


SAN FRANCISCO – Hai thuyền viên từ Nam Dương nói rằng một thuyền trưởng tàu đánh cá ngừ ở San Jose đã bắt họ làm nô lệ, và buộc họ phải làm việc 20 giờ một ngày. Họ đã tiết lộ những điều trên sau khi trốn thoát tại bến tàu Fisherman Wharf ở San Francisco.

Trong một vụ kiện liên bang, hai ông Sorihin Sorihin và Abdul Fatah nói rằng ông Nguyễn Văn Thoại, chủ tàu và thuyền trưởng của chiếc Sea Queen II, đã ép buộc họ làm lao công như nô lệ trên chiếc tàu của ông, không cho họ được chăm sóc y tế, và đòi họ nộp hàng ngàn Mỹ kim, nếu họ muốn rời tàu trước khi hợp đồng hai năm của họ hết hạn.

Hai ngư dân nói rằng họ từng phải đã trả mấy trăm Mỹ kim, cho một nhà tuyển mộ Nam Dương và một đại lý ở Hawaii, để có được một công việc trên tàu, mà họ tin là một tàu đánh cá có uy tín ở Hoa Kỳ.
Ông Sorihin đã được hứa trả lương $350 một tháng, và ông Fatah $300 một tháng, cộng với tiền thưởng là $10 cho mỗi tấn cá, theo đơn khiếu nại nộp vào ngày 22 tháng Chín, 2016.

Họ khởi hành từ Jakarta, Nam Dương, và đã được lên một chiếc tàu Mỹ tên là Knowledge. Sau nhiều ngày trên biển, họ được chuyển sang tàu Sea Queen II. Điều này không phải là một phần trong hợp đồng của họ.

Hai ngư phủ nói rằng họ đã được các ngư dân khác báo tin rằng “người ta biết Sea Queen II là một chiếc tàu mà không ai mong muốn lên đó làm việc, còn thuyền trưởng thì nghiêm khắc, keo kiệt, và ti tiện. Dù thấy lo ngại, nhưng hai nguyên cáo không còn cách lựa chọn nào khác. Họ ở trên tàu Knowledge, tại một vị trí không được biết ở giữa biển Thái Bình Dương, không có đất liền ở gần đó, hoặc không có khả năng gọi ai đó để xin giúp đỡ.”

Những tin đồn ấy là hoàn toàn đúng. Hai ông nói rằng thuyền trưởng Thoại lấy mất passport của họ, và nói với họ rằng họ sẽ phải trả cho ông $6,000 nếu họ muốn rời khỏi tàu.

“Ông Thoại mắng chửi các nguyên cáo, thường xuyên la hét và chửi rủa họ, gọi họ là những thứ như bẩn thỉu và khốn kiếp. Tính khí bất thường và những tiếng la hét của bị cáo Thoại đã làm cho các nguyên cáo khiếp sợ. Họ cảm thấy bị đe dọa và bất lực khi đang ở trên tàu Sea Queen II,” theo đơn khiếu nại cho biết.

Ông Thoại đưa lên tàu ba người cháu trai của ông từ Việt Nam. Những người này thường xuyên đánh thức Sorihin và Fatah, bằng cách đá vào vai và vỗ vào đầu họ. Họ làm việc trong một ca 12 tiếng đồng hồ, được nối tiếp bằng một ca kéo dài 8 giờ, với chỉ 30 phút nghỉ để ăn, và từ 3 cho 4 giờ để ngủ, trong thời tiết lạnh và biển động, theo hai nguyên cáo cho biết.

“Mặc dù trong tàu có một phòng vệ sinh, bị cáo Thoại vẫn bắt các thủy thủ phải đi tiểu và phóng uế trong một cái xô trên boong tàu. Là những người Nam Dương từ một nền văn hóa Hồi Giáo nết na, các nguyên cáo cảm thấy xấu hổ nhục nhã khi phải đi vệ sinh ở chỗ lộ thiên,” theo đơn khiếu nại cho biết.
Ông Thoại không chịu cung cấp cho họ sự chăm sóc y tế cần thiết, trong những trường hợp như ngón tay cái của Sorihin bị giập, một lát cắt trên mặt do xương cá lưỡi kiếm, và một chấn thương ngón tay do một dây câu gây ra. Đơn khiếu nại viết, “Sorihin bị bắt phải tiếp tục làm việc, ngay cả khi ông đang bị đau nhức dữ dội từ những vết thương.”

Khi tàu cập bến, ông Thoại nói với hai ông này rằng họ sẽ bị bỏ tù, nếu họ bước ra khỏi tàu. Ông để ba người cháu ở lại trên tàu để canh chừng họ, theo hai ngư dân cho biết.

Họ chạy trốn khỏi tàu sau tám tháng, khi chiếc Sea Queen II thả neo tại San Francisco. Họ chộp lấy passport bị tịch thu và lén trốn đi, sau khi ông Thoại rời tàu về thăm nhà ở San Jose, và mấy người cháu say rượu lăn ra ngủ, theo đơn kiện cho biết.

Đơn khiếu nại nói, “Lúc chạy trốn, các nguyên cáo cho thấy một số dấu hiệu của những nỗi cực nhọc mà họ đã trải qua. Ngoài chuyện buồn rầu, lo lắng và sợ hãi, các nguyên cáo đều không khỏe mạnh, gầy gò, rám nắng. Bàn tay của nguyên cáo Sorihin sưng vù trầm trọng do một chấn thương trước đó.”

“Những người sống sót từ nạn buôn người,” được trả tiền ít hơn so với mức đã được hứa, nói rằng không phải chỉ có họ mà thôi. “Giống như các nguyên cáo ở đây, những nạn nhân này sau đó được chuyển sang những chiếc tàu đánh cá. Ở đó họ phải đối diện với công việc gây cực nhọc thể xác, suy dinh dưỡng, và ngược đãi hàng ngày. Hơn nữa, một khi các nạn nhân được chở ra biển, họ bị mắc kẹt, và hầu như không thể nào trốn thoát được.”

Nam Dương là một mục tiêu béo bở cho bọn buôn người.
Đơn khiếu nại nói, “Trong năm 2015, chính phủ Nam Dương cho biết mức gia tăng ở nước này trong số lượng ngư dân bị cưỡng bức lao động. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã kết luận rằng một số lượng đáng kể những công nhân di cư Nam Dương phải đối diện với những điều kiện lao động cưỡng bức, trong số đó có những trường hợp phải làm việc để trả nợ, trên các tàu đánh cá hoạt động trong những vùng biển quốc tế.”

Những chiếc tàu đánh cá của Thái Lan cũng đã nhiều lần bị tố cáo bắt các ngư dân phải làm việc như nô lệ. Trong số đó có những lời cáo buộc do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Fatah và Sorihin đòi bồi thường thiệt hại, vì những vụ vi phạm của Đạo Luật Tái Phê Chuẩn Việc Bảo Vệ Các Nạn Nhân Buôn Bán Người,và Quy Chế Về Người Ngoại Quốc Chịu Điều Sai Trái.
Họ được đại diện bởi luật sư Mana Barari, thuộc Hội Hỗ Trợ Pháp Lý – Trung Tâm Luật Việc Làm tại San Francisco.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT