Bình Luận

Thuyết phục cử tri

Wednesday, 15/07/2015 - 09:46:53

Là người đang dẫn đầu nhóm ứng cử viên Dân Chủ tranh ghế tổng thống, nghị sĩ, và dân biểu trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày thứ Ba, mùng 8 tháng 11 năm 2016, bà Clinton không có sáng kiến nào giúp giải quyết nạn DOA.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong bài thuyết trình với cử tọa tham dự buổi hội thảo các thị trưởng tại San Francisco hôm thứ Bẩy 20 tháng Sáu, bà Hillary Clinton thất bại, không vạch ra được nguyên nhân, hoặc những nguyên nhân nào, khiến chính khách Dân Chủ đang dần dần mất cử tri; có thể chính bà cũng không biết cái nhân đó.
Nhưng bà biết cái quả, và hùng hồn vạch ra cho cử tọa thấy cái quả buồn thảm đó; bà bảo quý vị thị trưởng tham dự hội thảo là tình trạng DOA đang bóp chết chính sách của đảng Dân Chủ, mọi dự luật chủ trương nâng cao mức phúc lợi của quần chúng, như tăng lương tối thiểu cho công nhân, tài trợ sinh viên nghèo, cải tiến chương trình giáo dục mẫu giáo..., đều nằm trong số phận DOA.


                                                         Bà Hillary cảnh cáo tình trạng DOA



DOA viết tắt 3 chữ Dead On Arrival, mô tả những người bị thương, chết trước khi được đưa vào phòng cấp cứu; trên chính trường 3 chữ DOA chỉ định những dự luật bị giết (hoặc coi như đã chết) ngay khi được đưa vào nghị trường Quốc Hội; nhiều dự luật bị ngâm, không bao giờ được đem ra thảo luận.
Nguyên do uổng tử của những dự luật phục vụ quyền lợi quần chúng là, nếu để dự luật trở thành luật thì việc thi hành sẽ đòi hỏi một ngân sách -dù lớn, dù nhỏ- điển hình là luật ObamaCare tiêu tốn đến $1.207 trillion (1,207 tỉ mỹ kim).
Hàng chục triệu người Mỹ nghèo mừng rơn, vì hễ có bảo hiểm là có bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho họ và gia đình họ, nhưng hàng chục ngàn người Mỹ giầu xót xa vì số tiền khổng lồ này chỉ có thể là tiền thuế đánh trên lưng họ.
Tổng thống Obama coi việc đánh thuế người giầu là công bằng; ông gọi việc đánh thuế người giầu để chính phủ có tiền phục vụ người nghèo là tái phối trí lợi tức. Thuế đánh vào người giầu giúp ông có ngân sách cấp cho người đói food stamps, cấp cho người bệnh thẻ bảo hiểm để đi bác sĩ.
Đổi lại chính khách Cộng Hòa gọi Obama là “OPM big spender”-kẻ tiêu hoang OPM (other people money). Cộng Hòa chủ trương “chính phủ nhỏ” để chỉ lo điều hành bộ máy hành chánh, và giải quyết những việc xẩy đến cho quốc gia; họ chống đối chính phủ lớn vì lớn là chen vào thị trường mồ hôi, là ban hành luật đặt ra mức lương tối thiểu, giúp công nhân đủ tiền ăn, xài, trong lúc làm mẻ đồng bạc lợi tức của doanh nhân.
Đảng Cộng Hòa chủ trương doanh thương tự do, kể cả quyền tự do bóc lột công nhân và quần chúng tiêu thụ, các chính khách Cộng Hòa đang chiếm đa số trong Quốc Hội, và đang thẳng tay giết mọi dự luật phục vụ quyền lợi quần chúng; tổng thống Obama ngậm bồ hòn ngồi chịu trận trong Nhà Trắng.
Hai năm đầu trong 8 năm làm tổng thống, ông Obama làm được nhiều việc vĩ đại hơn toàn bộ những việc ông làm trong gần 6 năm nay, những năm sau cùng bó tay chịu trận. Chính khách Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Quốc Hội không cho ông làm.
Trong những tác phẩm chính trị lớn đó, có việc ông dựng lại hệ thống tài ngân, cứu sống nhiều ngân hàng đang thoi thóp trong tình trạng khánh tận; ông còn cứu sống 2 hãng xe hơi GM và Chrysler đã sập tiệm, ban hành luật Health Care, viết lại luật tài ngân, thay đổi quan trọng nhiều chương trình tài trợ sinh viên.
Năm 2009, giới doanh nhân kinh hoảng trước quyết định của tổng thống giúp đỡ các gia chủ trong tình trạng sắp mất nhà vì sập bẫy của giới tài phiệt gian manh, cho vay với lãi suất thả nổi.
Họ chống đối việc ông tài trợ những gia chủ sắp bị ngân hàng kéo nhà, vì thiếu tiền trả mortgage, mặc dù trước đó họ đã hoan nghênh ông khi ông đem tiền thuế của quần chúng ra giúp vốn cho họ -những cổ phần viên trong Bank of America, trong hãng General Motor, hay hãng Chrysler, hãng bảo hiểm AIG GROUP ..., hiện tượng cứu sống các cơ sở kinh tế, được gọi là government bailout -chính phủ chuộc mạng.
Chỉ trích chính phủ xài lớn, giới tài phiệt tung ra phong trào Tea Party -Trà Đảng- với chủ thuyết đặt ưu tiên sử dụng ngân sách vào việc trả nợ quốc gia; trả bằng cách thắt lưng buộc bụng người Mỹ nghèo, như người Hy Lạp nghèo đang khổ sở với nhiều chương trình khắc khổ.
Không chính khách Dân Chủ nào phản biện được chủ thuyết "ưu tiên trả nợ bằng cách giảm chi" -giảm bớt những chương trình phúc lợi cho người nghèo; không chính khách Dân Chủ nào nói lên được điều vô cùng hợp lý là tăng thu để trả nợ.
Tăng thu là tăng thuế doanh nghiệp, tăng thuế doanh nhân, những người có lợi tức cao, chứ không cúp food stamps, cúp tài trợ sinh viên để có tiền trả nợ.
Không trả lời được cho lý thuyết của Tea Party, thắt lưng, buộc bụng (nhà nghèo) để trả nợ, chính khách Dân Chủ mất dần ghế trong cả 2 viện Quốc Hội, trong 3 cuộc bầu cử 2010, 2012, và 2014.
Hai anh em nhà tỉ phú David H. Koch và Charles Koch đang bỏ ra gần 1 tỉ mỹ kim để mua toàn bộ chính phủ -cả hành pháp lẫn lập pháp- cho đảng Cộng Hòa, hầu quý vị tổng thống Cộng Hòa, nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa thế hệ 2016 phục vụ họ, và bảo vệ quyền lợi của giới tư bản Hoa Kỳ.
Chứng kiến 5 năm dài băng hoại, chứng kiến cảnh hằng hà, sa số dự luật xã hội bị bóp chết, và chứng kiến cảnh các chính khách Dân Chủ vẫn tiếp tục lầm lũi viết những đạo dự luật DOA, bà Clinton chỉ biết đề nghị thêm những dự án kinh tế, với quyền lợi công nhân chiếm một tỉ lệ bách phân lớn hơn trong tổng số lợi tức của doanh nghiệp.
Là người đang dẫn đầu nhóm ứng cử viên Dân Chủ tranh ghế tổng thống, nghị sĩ, và dân biểu trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày thứ Ba, mùng 8 tháng 11 năm 2016, bà Clinton không có sáng kiến nào giúp giải quyết nạn DOA.
Cô Kelsey Snell -một bình luận gia còn rất trẻ của tờ Washington Post- viết, “Một số lớn 'sáng kiến' của bà Clinton chỉ là những điều mà 2 nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders đã nhiều lần trình bày; một số khác là những chính sách đang được tổng thống Obama áp dụng.”
Không chê bà Clinton là gà què ăn quẩn cối xay, nhưng rõ ràng Snell viết là bà không có gì mới để nói.
Một thí dụ: bà đề cập đến nhu cầu tăng lương tối thiểu; trong lúc năm ngoái, tổng thống Obama đã ký sắc lệnh hành pháp tăng lương cho công nhân từ $7.25 lên $10.10 , nhưng Quốc Hội Cộng Hòa không đồng ý nên sắc lệnh chỉ được áp dụng cho những viên chức lãnh lương của quỹ liên bang.
Điều mâu thuẫn trong sinh hoạt chính trị của đảng Dân Chủ là họ mất phiếu của người nghèo, người thiểu số, trong lúc cử tri nghèo, cử tri da mầu, chiếm tỉ lệ trên 80% tổng số cử tri Hoa Kỳ.
Nhược điểm của đảng Dân Chủ là họ không thuyết phục được cử tri tin là mình nghèo, và tin vào ý chí bảo vệ người nghèo của các chính khách Dân Chủ. Họ thiếu một nỗ lực vận động chung cho lý tưởng Dân Chủ như, Trà Đảng cung cấp lý luận “ưu tiên thanh toán nợ” cho lý tưởng Cộng Hòa.
Tình trạng trống vắng lý thuyết đó khiến cử tri chọn từng cá nhân chính khách chứ không chọn lập trường chính trị của mỗi chính đảng, lối lựa chọn vô chính trị này khiến những cử tri nghèo, mua thực phẩm cho bữa ăn chiều bằng food stamps, con cái đi học ăn free lunch, vì lợi tức gia đình quá thấp, vẫn chọn bầu cho thống đốc Wisconsin vào chức vụ tổng thống vì ông Scott Kevin Walker đẹp trai hơn, trẻ trung hơn bà Hillary Clinton.
Cử tri nghèo không biết, hoặc đã quên thành tích ông Walker thắng nỗ lực truất phế ông của 900,000 công dân Wisconsin ký tên vào kiến nghị đòi hạ bệ ông; thắng nhờ sức mạnh của $30 triệu đến từ bên ngoài tiểu bang.
Trở lại với bài thuyết trình DOA của bà Clinton trong buổi hội thảo thị trưởng, để kết luận là đảng Dân Chủ sẽ thất thế trong cuộc bầu cử 2016, như họ đã thất thế trong 3 cuộc bầu cử 2010, 2012, và 2014.
Đã không đủ lý luận để bác bỏ tà thuyết “nhịn đói để dành tiền trả nợ” của Trà Đảng, các ứng cử viên Dân Chủ chỉ còn trông cậy vào uy tín, khả năng, và quỹ tranh cử của cá nhân mình thôi; trên những tiêu chuẩn đó họ khó thắng được các đối thủ Cộng Hòa nhiều tiền hơn, lại có thế mạnh của Đảng yểm trợ. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT