Hoa Kỳ

Tỉ phú Trump hỏi ý kiến các ủng hộ viên

Thursday, 29/09/2016 - 08:33:26

Có 30 câu hỏi gợi ý các cử tri Cộng Hòa là ông Trump nên làm gì trong kỳ tranh luận sắp đến, thí dụ như 'có nên tấn công tiếp vụ emails, có nên bàn về chuyện bà Clinton đề nghị tăng thuế, hay bà Clinton tỏ ra lưỡng lự trong chiến cuộc chống khủng bố về chủ trương nhập cư' hay không.

HOA KỲ - Trong cuộc tranh luận đầu tiên, trong đó tỉ phú Donald Trump đôi lúc mất bình tĩnh, nhưng ông ta vẫn nói không thua bà Clinton. Giờ đây ông ta muốn hỏi ý kiến những người ủng hộ mình có nên tấn công 'tới bến' đối thủ hay không khi Trump lại lâm vào một vòng khó khăn mới vì đề cập đến vấn đề giới tính trong vụ nhắc đến “Hoa Hậu Heo”, cũng như trước đây ông từng bị chỉ trích tơi bời khi nhận xét về bà mẹ Hồi giáo của một quân nhân Mỹ hy sinh trên chiến trường Iraq. Theo nhiều nhà quan sát chính trị thì thực ra khó lòng nói bà Clinton đã thắng mà phải đợi đến cuộc tranh luận thứ nhì diễn ra vào ngày 9 tháng 10 tới. Có 30 câu hỏi gợi ý các cử tri Cộng Hòa là ông Trump nên làm gì trong kỳ tranh luận sắp đến, thí dụ như 'có nên tấn công tiếp vụ emails, có nên bàn về chuyện bà Clinton đề nghị tăng thuế, hay bà Clinton tỏ ra lưỡng lự trong chiến cuộc chống khủng bố về chủ trương nhập cư' hay không.

Chưa rõ vì sao thanh thiếu niên giết cha ruột ở South Carolina

HOA KỲ - Bà Tiffney Osborn, mẹ của sát thủ giết cha ở South Carolina cho hay bà không biết vụ bắn chết người xảy ra vào chiều hôm qua tại căn nhà của bà vì bận đi làm. Một cậu thanh thiếu niên 14 tuổi đã gây ra thảm sát, cách trường tiểu học Townville Elementary School khoảng 2 dặm. Ông Jeff Osborn, 47 tuổi, cha của sát thủ bị con trai bắn chết. Sau đó, hung thủ xách súng lái xe qua trường tiểu học gần nhà bắn tiếp. Một học sinh có tên Jacob Hall, bị thương rất trầm trọng. Một nhân viên cứu hỏa tên Jamie Brock, 30 tuổi, đã khống chế thủ phạm, trước khi hắn có thể gây thêm máu đổ. Người giáo viên bị bắn trúng vai là bà Meghan Hollingsworth, đã ra khỏi bệnh viện, cũng như học sinh thứ nhì trúng đạn. Bà nội của hung thủ đã khám phá ra xác cha của hắn, khi bà gọi điện thoại cho hắn thì bà không biết hắn nói gì, chỉ khóc nức nở mà thôi, theo lời cảnh sát điều tra cho biết.
Hoa Kỳ báo động về nguy cơ nhiễm Zika khi du lịch ở Đông Nam Á
WASHINGTON DC - Cơ quan y tế Hoa Kỳ đang kêu gọi các phụ nữ mang thai không nên du lịch tới 11 nước Đông Nam A, do virus Zika đang lan rộng tại khu vực này. Lệnh cảnh báo đưa ra hôm thứ Năm áp dụng cho các nước gồm to Brunei, Cambodia, East Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Miến Điện, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC cho biết, Zika đã có mặt tại vùng Đông Nam Á từ nhiều năm trước, và một số cư dân nơi đây đã miễn nhiễm với virus. Tuy nhiên, rất nhiều người Hoa Kỳ đã bị nhiễm Zika khi du lịch đến khu vực này vào năm ngoái, do đó, đây là một nguy cơ đối với các du khách. Hầu hết những người nhiễm Zika chỉ bị sốt nhẹ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đối với các thai phụ, virus này có thể gây ảnh hưởng chết người đối với não bộ của thai nhi. Virus Zika lây lan chủ yếu qua vết cắn của muỗi.

Người bị cảnh sát bắn ở El Cajon từng bị trục xuất
CALIFORNIA - Nhà chức trách Hoa Kỳ từng 2 lần tìm cách trục xuất người đàn ông da đen bị bắn chết ở vùng lân cận San Diego vào vài ngày trước. Tuy nhiên, do nước Uganda từ chối nhận lại người này, nên ông ta lại được phóng thích. Cơ quan Quan thuế và Di trú ICE cho biết, ông Alfred Olango đã ngừng thông báo tình trạng cá nhân của ông ta cho nhà chức trách từ tháng 2, 2015.
Olango là người tị nạn và đến Hoa Kỳ vào năm 1991. Ông ta bị Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất vào năm 2002, sau khi phạm một số tội trạng liên quan đến ma túy. Olango được thả theo một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, trong đó, nhân viên di trú không thể giam giữ 1 người quốc tịch nước ngoài quá 6 tháng, nếu việc trục xuất không thực hiện được. Olango bị bắt lần thứ hai vào năm 2009 tại Colorado, sau khi bị kết tội tàng trữ vũ khí. Tuy nhiên, cơ quan ICE vẫn không thể trục xuất người này, do Uganda từ chối nhận lại ông ta.
Olango, 38 tuổi, bị bắn chết hôm thứ Ba vừa qua bởi cảnh sát thành phố El Cajon, sau khi rút từ trong túi ra một điếu thuốc lá điện tử, và cầm nó trong tư thế nhắm bắn chĩa vào một cảnh sát. Điếu thuốc lá điện tử của Olango có 2 phần, 1 phần là một cái hộp lớn cỡ chiếc điện thoại di động, và phần thứ 2 là một ống kim loại dài 3 inch, rộng 1 inch. Nhà chức trách cho biết, Olango đã cầm phần hộp và chĩa ống kim loại vào viên cảnh sát, khiến người này tưởng đây là một vũ khí. Cái chết của Olango đã gây ra một cuộc biểu tình lớn ở El Cajon. Luật sư của gia đình Olango cho biết, ông ta đang bị rối loạn cảm xúc sau cái chết của một người bạn thân.

Châu lục đầu tiên tuyên bố không còn bệnh sởi
WASHINGTON DC - Châu Mỹ trở thành châu đầu tiên thế giới chấm dứt được bệnh sởi sau nhiều thập niên nỗ lực chống dịch, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO. Cột mốc quan trọng đã được xác nhận tại châu Mỹ sau nhiều năm liên tiếp không ghi nhận ca mắc bệnh sởi mới. “Đây thực sự là một hành động lịch sử”, bà Carissa Etienne, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại văn phòng khu vực châu Mỹ cho biết.
Các ổ dịch cuối cùng của bệnh sởi tại châu Mỹ xảy ra ở Venezuela vào năm 2002. Hơn 20 năm qua, châu lục này đã nỗ lực thực hiện các chương trình chích ngừa. “Tuy nhiên mọi người vẫn cần phải tiếp tục chích ngừa để duy trì loại bỏ hoàn toàn”, WHO khuyến cáo. Việc bị nhiễm virus sởi từ các nước bên ngoài vẫn có thể tạo ra những ổ dịch bệnh nếu không được miễn dịch đầy đủ.
Trên toàn thế giới, bệnh sởi vẫn là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Khoảng 250,000 người đã bị nhiễm bệnh sởi vào năm ngoái, hầu hết ở châu Phi và châu Á. Theo WHO, virus sởi có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tiêu chảy, mất nước, nhiễm trùng đường hô hấp và viêm não. Sởi là căn bệnh có thể ngăn ngừa bằng vaccine thứ 5 đã được loại bỏ ở châu Mỹ, sau bệnh đậu mùa năm 1971, bệnh bại liệt năm 1994, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong năm 2015.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT