Thế Giới

Tích Lan đang có nguy cơ vỡ nợ

Tuesday, 04/01/2022 - 05:00:16

Chính phủ chi tiêu cao, lại cắt giảm thuế, làm giảm nguồn thu, lại còn các khoản nợ lớn từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến nền tài chính của Tích Lan suy yếu.


Người dân xếp hàng chờ mua gas của hãng Liquefied Petroleum Gas (LPG) tại thủ đô Colombo ngày 31 tháng 12, 2021. Tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm đang ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người Tích Lan. Quốc gia này đang thiếu ngoại tệ để hỗ trợ cho việc nhập cảng hàng hóa. (Ishara S. Kodikara/ AFP via Getty Images)

 

COLOMBO - Tích Lan (Sri Lanka) đang có nguy cơ vỡ nợ trong năm nay, do lạm phát cao kỷ lục, giá lương thực tăng nhanh và kho bạc cạn kiệt. Đảo quốc ngoài khơi Ấn Độ Dương đang có một cuộc khủng hoảng tài chính và nhân mãn ngày càng trầm trọng.

Ngân Hàng Thế Giới ước tính 500,000 người đã rơi xuống dưới mức nghèo khổ kể từ khi bắt đầu đại dịch, tương đương với nỗ lực chống đói nghèo suốt 5 năm của Tích Lan. Cuộc khủng hoảng tại Tích Lan một phần gây ra bởi ảnh hưởng của Covid-19 và tổn thất của ngành du lịch.

Ngoài ra, chính phủ do Tổng Thống Gotabaya Rajapaksa lãnh đạo có mức chi tiêu cao và cắt giảm thuế, làm giảm nguồn thu của chính phủ. Ngoài ra, các khoản nợ lớn từ Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong thập niên cũng là nguyên nhân khiến nền tài chính của Tích Lan suy yếu.

Trong thời gian qua, lạm phát tại Tích Lan đã lên mức cao điểm khi chính phủ in tiền để trả nợ cho các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài. Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11.1% vào tháng 11, 2021 và giá cả tăng nhanh đến mức những người trước đây vốn khá giả, giờ phải vật lộn để nuôi sống gia đình.

Nhiều hàng hóa cơ bản giờ trở thành xa xỉ phẩm đối với người dân. Sau khi Tổng Thống Rajapaksa tuyên bố Tích Lan đang trong tình trạng khẩn cấp kinh tế, quân đội đã được trao quyền để bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, bao gồm gạo và đường, được bán theo giá chính phủ quy định. Tuy nhiên, điều này dường như không có tác dụng gì trong việc xoa dịu nỗi khổ của người dân.

Theo Hội Đồng Du Lịch Thế Giới, việc mất việc làm và nguồn doanh thu quan trọng từ du lịch, vốn đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm nội địa, là rất đáng kể đối với Tích Lan. Nước này có hơn 200,000 người đã mất sinh kế trong ngành du lịch.

Ngoài ra, một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với Tích Lan là gánh nặng nợ nước ngoài khổng lồ, đặc biệt là đối với Trung Quốc.

Quốc gia Nam Á này nợ Trung Quốc hơn $5 tỷ Mỹ kim và năm ngoái đã vay thêm $1 tỷ Mỹ kim từ Bắc Kinh để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cấp bách.

Trong 12 tháng tới, Tích Lan sẽ phải trả các khoản vay trong và ngoài nước ước tính $7.3 tỷ Mỹ kim, bao gồm cả $500 triệu Mỹ kim trái phiếu quốc tế vào tháng 1. Tuy nhiên, tính đến tháng 11, 2021, dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ ở mức $1.6 tỷ Mỹ kim.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT