Bình Luận

Tiền tử tuất

Wednesday, 20/04/2016 - 10:01:39

Rồi tôi nhắc anh là ngày đó lương của người binh nhì trong quân ngũ là 18,000; nói cách khác 6,000 đồng chỉ đủ trả 10 ngày lương lính thì không thể nào trông cậy việc QTTTK giúp Việt Nam tiếp tục cuộc chiến tự vệ, mà không cần Hoa Kỳ tài trợ.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Một bài báo đăng ngày 17 tháng Tư 2016 trên tờ The New York Times đưa tôi trở lại với cuộc chiến tranh Việt Nam buồn khổ, qua đề tài “Tiền Tử Tuất”; anh phóng viên Mujib Mashal -tác giả bài báo- viết về chuyện những người lính A Phú Hãn chiến đấu chống quân Taliban; lúc sống mỗi tháng lãnh 13,500 đồng afghanis -tiền A Phú Hãn; và khi chết gia đình được lãnh 162,000 afghanis, tương đương với 2,300 mỹ kim -tiền tử tuất. Con số tương đương được nêu trong bài báo tiềm ẩn việc Hoa Kỳ tài trợ cuộc chiến tranh A Phú Hãn như họ đã tài trợ cuộc chiến tranh Việt Nam.



Tiền Việt Nam ngày đó có thể rẻ hơn tiền A Phú Hãn hiện nay, vì lương lính Việt Nam khoảng 18,000 đồng, và tiền tử tuất 200,000.

Mashal viết về chuyện anh lính Noor ul-Haq trấn đóng tại một tiền đồn thuộc quận Behsud tử trận khi đồn thất thủ; giống như trường hợp của những người lính Việt Nam anh hùng Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Văn Đương thiện chiến và can đảm hơn đối thủ nhưng vẫn bị địch giết vì bị cầm chân trong đồn bót, trong vị trí phòng thủ, ngồi chờ địch tấn công; cuộc chờ đợi đó đôi khi cũng là chờ chết. Người lính đóng đồn không bao giờ có thể thắng trận, vì họ chiến đấu trong thế tử thủ thụ động.

Lực lượng trong đồn cấp trung đội, Việt Cộng đem 2 đại đội đến công đồn, và 2 tiểu đoàn phục kích để chờ đả viện; và nếu lực lượng bảo vệ ngọn đồi Charlie là tiểu đoàn 11 Nhẩy Dù một đơn vị thiện chiến đến mức địch không thể tấn công để tràn ngập được; chúng bố trí hàng chục khẩu đại bác 130 để ngày đêm ròng rã pháo vào ngọn đồi không cần được 1 tiểu đoàn bảo vệ đó, pháo cho đến khi giết được trung tá Bảo -tiểu đoàn trưởng.

Cấp chỉ huy chiến thuật tại Việt Nam không bao giờ chịu nhìn nhận sự thật đáng buồn đó, cả những cấp chỉ huy chiến lược -các tướng lãnh Hoa Kỳ- cũng không buồn thấy là họ đã bố trí người lính vào thế không nhìn thấy địch, trong lúc địch có thừa thuận lợi để nhìn thấy họ trong từng chi tiết nhỏ nhất; và họ cũng không bao giờ bắn được địch trong lúc địch có mọi thuận lợi để bắn họ.

“Họ” là những người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, và những người lính A Phú Hãn, Iraq, Syria hôm nay. Họ là nạn nhân của những tối tăm chiến lược của tướng lãnh Hoa Kỳ.

Gần nửa thế kỷ sau khi thất trận tại Việt Nam, người Mỹ vẫn chưa ý thức được việc phòng thủ lãnh thổ bằng một hệ thống đồn bót chằng chịt, tạo ra nhược điểm giúp địch giữ thế chủ động chiến trường. Họ vẫn cứ nhốt người lính A Phú Hãn vào đồn, ngồi đó chờ bị giết.

Anh lính Noor ul-Haq, có 10 đứa con, đứa lớn -thằng Zia- 23 tuổi đi nhận xác bố đem về tỉnh Nangarhar chôn cất.

Đúng ra nó nhận một cái quan tài đã đóng kín; những người có trách nhiệm bảo nó không nên mở ra vì thân xác bố nó đã nát bấy, không những không nhận diện được, mà còn tạo thương tâm cho gia đình.
Tang quyến đem người chết đi chôn, và lãnh 2,300 mỹ kim tiền tử tuất, không ai nghĩ là họ chôn một người lạ; cũng không ai hình dung ra chuyện oái oăm cái xác trong quan tài không phải anh Noor ul-Haq, người chủ gia đình.

Anh Noor chưa chết, anh và một người bạn đồng đội chỉ bị thương rồi bị địch bắt; hai anh tù binh này được giải thoát trong một cuộc đột kích của Lực Lượng Đặc Biệt A Phú Hãn vào một căn cứ của quân Taliban.

Được giải thoát khỏi sự giam cầm của địch, anh Noor đứng trước một khó khăn mới: bồi hoàn $2,300 tiền tử tuất mà gia đình anh không còn đủ điều kiện (chồng chết) để lãnh.

Noor và Ibrahimkhel, người bạn đồng đội cùng trong hoàn cảnh bị địch bắt, và bị chánh phủ khai tử như anh, nói với anh phóng viên Mujib Mashal, “Tôi khóc vì cách chính phủ đối xử tệ bạc với chúng tôi -để mặc chúng tôi thất thế trong chiến đấu, bị địch bắt, bị chính phủ khai tử, rồi hôm nay, biết là chúng tôi chưa chết, chính phủ đòi tiền tử tuất lại.”

Noor bảo anh Mujib, “Là người A Phú Hãn, anh cũng thừa biết tập tục của xứ sở mình: dân làng kéo đến chia buồn ngày họ nghe tin tôi tử trận, gia đình tôi phải cơm nước đãi đằng họ, ngày báo chí loan tin tôi được giải thoát, dân làng lại kéo đến chia mừng với vợ con tôi, thêm một chầu đãi đằng khác; và ngày tôi thực sự trở về với gia đình, là phí tổn cho một chầu ăn, nhậu thứ ba; chỉ riêng những tốn kém này cũng đã quá nhiều, chưa nói đến phí tổn, ma chay chôn xác một người khác.”

Anh phóng viên Mujib viết trong bài phóng sự bằng Anh ngữ đăng trên tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ -tờ The New York Times- là chính phủ A Phú Hãn còn nợ anh Noor 9 tháng lương, tính từ ngày anh bị địch bắt -ngày 28 tháng Tám 2015- và nợ gia đình anh những giọt nước mắt khóc thương trong lúc chôn xác một người khác mà chính phủ bảo họ là xác anh.

Người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu đựng những thiệt thòi lớn lao vì những tối tăm chiến lược của tướng lãnh Hoa Kỳ, và vì tính tham lạm của tướng lãnh Việt Nam.

Ngày đó một số anh em quân nhân chúng tôi chung hùn tiền vốn lại để xuất bản tờ Diều Hâu (DH) -một tờ báo tư- để phục vụ quyền lợi của những người lính bị thiệt thòi trên cả 2 bình diện chiến lược và tiền bạc.

Những va chạm giữa nhóm DH và giới lãnh đạo chiến lược Hoa Kỳ được thể hiện qua nhiều bài báo chỉ trích chiến lược “phòng thủ thụ động” người Mỹ thực hiện trên chiến trường Việt Nam, và những va chạm giữa chúng tôi và những tướng lãnh tham nhũng Việt Nam cũng rất rõ rệt trong lập trường chống tham nhũng của tờ DH.

Ra hải ngoại tôi đã 2 lần phải giải thích về những va chạm đó; lần thứ nhất, tại Quận Cam một anh bạn ký giả hỏi tôi về việc tờ DH (20 năm trước) đề cao 4 tướng lãnh mà chúng tôi ca tụng là trong sạch. Câu hỏi anh đặt ra là, “trong vài chục tướng lãnh Việt Nam mà anh chỉ ca tụng 4 vị tướng trong sạch, thì những vị kia không trong sạch à?”

Tôi trả lời anh là khi viết bài báo đó, tôi đã hình dung được câu hỏi này, và ý thức được việc những người hỏi tôi sẽ là những vị tướng không được ca tụng đích danh, nhưng lại vô cùng quyền hạn, nên tôi đã phải tránh né bằng cách viết là “trong số những tướng lãnh rất trong sạch, 4 vị tướng này là những người mà DH quan niệm là trong sạch nhất.”

Chủ ý của DH là nêu lên vấn đề sống chết của quân đội vào thời điểm đó: vấn đề tướng lãnh tham nhũng.

Người thứ nhì hỏi tôi về việc tờ DH chỉ trích Quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm Quân Đội (QTTTK) đưa đến việc Quỹ bị giải tán, và -theo ý người hỏi- đưa đến việc Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa không có khả năng tự túc, tự cường ngày người Mỹ cúp viện trợ.

Việc anh bạn này cũng là một cựu quân nhân như tôi, và cũng hiểu rõ về QTTTK, giúp tôi dễ giải thích hơn. Tôi nhắc lại với anh là sau khi QTTTK giải tán, số tiền 6 tỉ bạc Việt Nam, tồn trữ trong quỹ được trả lại anh em quân nhân, và mọi quân nhân đều nhận được trên 6,000 đồng bạc Việt Nam.

Rồi tôi nhắc anh là ngày đó lương của người binh nhì trong quân ngũ là 18,000; nói cách khác 6,000 đồng chỉ đủ trả 10 ngày lương lính thì không thể nào trông cậy việc QTTTK giúp Việt Nam tiếp tục cuộc chiến tự vệ, mà không cần Hoa Kỳ tài trợ.

Người lính trả giá đắt nhất trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, nhất là người lính Việt Nam Cộng Hòa; nhưng cái giá đó sẽ không đắt nếu chúng ta ý thức được là chính người lính Việt Nam -chứ không phải các tướng lãnh, các chính trị gia- đã tạo thành cái mà mọi người đang gọi là “chính nghĩa tự do”.
Chúng ta đã mua tự do, và đang tạo ra tinh thần yêu chuộng tự do trong quốc nội bằng cái giá rất nhiều máu, rất nhiều nước mắt.

Nguyễn đạt Thịnh

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT