Thể Thao

Tiếng cười vang và những giọt nước mắt sau 35 hồi còi kết thúc trên 35 sân cỏ

Sunday, 24/05/2015 - 09:53:34

Báo chí về thể thao trong ngành bóng đá phương Tây ít có để mắt gì nhiều đến chuyện đá banh bên Nga. Vậy thì ta tạm nêu trường hợp của đội với cái tên đọc ra đến trặc cả quai hàm là đội Anzhi Makhachkala!

Barcelona chính thức mừng giải vô địch La Liga. (Miguel Ruiz/FC Barcelona via Getty Images

Tiếng cười vang và những giọt nước mắt sau 35 hồi còi kết thúc trên 35 sân cỏ

Bài THANH NGUYỄN

Do thời tiết, mùa màng có khác nhau cho nên mùa bóng đá ở các nước châu Âu có xê dịch đôi chút, nhưng bề nào thì đến cuối tháng Năm này là kể như chấm dứt. Những trận đấu cuối cùng trên các sân cỏ bên Nga sẽ kết thúc vào ngày 30/5 và bên Ý sẽ vào ngày 31/5.

Đối với các đội được coi như đã đoạt chức vô địch trong nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu của mình thì sau trận đấu ngày 17/5 bên Nga, Zenit đã chính thức được trao giải. Sau những trận ngày 23/5 bên Đức, Pháp ,Ý và Tây Ban Nha thì các đội Bayern Munich, Paris Saint Germain, Juventus và Barcelona đã chính thức liên hoan với cái “cúp” League Champion đối với Bundesliga, Ligue1, Serie A và La Liga.

 

Bayern Munich chính thức mừng giải vô địch Bundesliga

 

Sau một loạt 10 trận đấu vào cùng giờ trên 10 sân đấu bên Anh vào ngày Chủ Nhật 24/5 thì đến phiên Chelsea chính thức được trao giải với hàng triệu bươm bướm giấy bay rợp trời từ bốn phía khán đài. Đấy là những gương mặt rạng rỡ, chung cho cả hàng trăm nghìn ủng hộ viên quanh khán đài trong những ngày đó. Đấy là từng đợt sóng của những tiếng cười vang sau một mùa bóng đầy hồi hộp, thấp thỏm, chờ đợi.

Mà trong bóng đá hễ có kẻ thắng thì tất yếu phải có người thua chứ không như cái kiểu hùn hạp làm ăn mà ai nấy tham gia đều thắng nhiều hay thắng ít; (hoặc thua “cạn láng”)! Có những anh không thắng nhưng vẫn cảm thấy vui vì ít ra cũng còn đứng vào hàng thứ Tư thứ Ba, thứ Nhì. Chẳng hạn như đội Arsenal của ông Wenger trong Premier League của Anh thì vẫn bám được hạng Ba chứ không bị thằng Manchester United nó cứ đòi leo lên đầu mình.

 

Đội Juventus chính thức mừng thắng giải Vô địch Serie A. (Getty Images)

 

 

Paris Saint Germain chính thức mừng đoạt giải vô d9i5chLigue 1. (Getty Images)

 

 

Chelsea mừng chính thức đạot giải vô địch Premier League. (Getty Images)

 

Có những đội về Nhì nhưng chẳng mấy vui như Real Madrid chỉ kém anh Barcelona đoạt giải vô địch có mỗi 2 điểm. Lại có anh hạng Ba như Atletico De Madrid bên TBN, thua anh vô địch đến 16 điểm nhưng vẫn tự cho là OK, tuy từng là vô địch trong năm 2014 và gần cuối mùa bóng năm nay thì nhìn ngang ngó ngửa để kiểm tra tình hình bèn hung hồn tuyên bố là “Chúng tôi cứ cố làm sao đứng được hạng Ba là tốt rồi”!

Nhưng cũng lại có anh đứng hạng Ba như đội Monaco trong Ligue 1 bên Pháp mà vẫn cảm thấy vui vẻ vì mình là đội của một “nước” với diện tích quanh quẩn 1 cây số vuông , phải “ăn nhờ ở đậu” bên Ligue 1 của Pháp thế nhưng vẫn được các đàn anh vị nể!

Còn những giọt nước mắt là dành cho các đội sau đây, vì sẽ bị đẩy ra khỏi nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu để xuống chơi với nhóm bên dưới :

Anh: Hull City và Queens Park Rangers.

Nga: Anzhi Makhachkala và Volga Nizhny Nvogorod

Pháp: Metz và Lens

Tây Ban Nh : Eibar và Almeria

Đức : Freiburg và Paderbon

Ý: Cesena và 3 trong số 5 đội cuối bảng sẽ đấu với nhau trong ngày 31/5 .

Có những giọt nước mắt hết sức cay đắng như đối với đội Hull City trong trận đấu ngày 24/5 với Manchester United. Hull City là đội đứng thứ 18 (tuy biệt danh là “The Tigers” – là “Hổ dữ”) trong khi M.U. đứng thứ 4. “So tài” trong trận cuối cùng kiểu đó thì cũng đã là cay đắng mùi đời! Và bài toán gồm 2 vế. Vế thứ nhất là Hull phải thắng M.U. (Nhưng thắng thế nào cho được đây hả Giời?) Rồi lại còn cái vế thứ 2: Vừa đấu vừa lắng tai canh chừng xem ở một sân khác cái thằng ngang ngửa số điểm với mình nó có thua hay không.

Kết quả là mình thì chỉ hòa 0-0 –đã là chuyện lạ- với Manchester United, còn thằng con nhà kia thì nó lại thắng, tức được thêm 3 điểm trong khi mình hòa chỉ được có mỗi 1 điểm. Và thế là “mình” bị đẩy ra khỏi Premier League; qua năm tới thì sẽ chơi với đám ở nhóm câu lạc bộ bóng đá hạng 2. Cay đắng lắm!

Cầu thủ Michael Dawson của Hull City sau trận hòa với Manchester United nhưng vẫn bị loại ra khỏi Premier League. (Getty Images)

 

Cầu thủ đội Hull City an ủi lẫn nhau sau trận hòa 0-0 với Manhcester United nhưng vẫn bị lọai ra khỏi Premier League. (Getty Images)

 

Cầu thủ của Hull City thất vọng sau trận hòa với Manchester United nhưng vẫn bị loại ra khỏi Premier League. (Getty Images)

 

Cũng lại có những giọt nước mắt nóng hổi nhưng là do vui vì được hưởng “phép màu”! Cụ thể như đối với đội Deportivo de la Coruna bên Tây Ban Nha. Nó đứng hạng 17 trong tổng số 20 đội banh trong nhóm hàng đầu, La Liga, của TBN. Tức là nó chỉ còn có nước “xin xăm” để coi xem ngày giờ nào thì bị đẩy ra khỏi La Liga. Vậy thì trong trận cuối của nó vào ngày thứ Bảy 23/5 , kéo quân tứ tuốt mé Tây Bắc trên bàn đồ TBN qua tận bờ biển Đông Bắc tại Camp Nou – là sân của đội Barcelona mới thêm ngặt nghèo- để đấu với đội vừa đoạt giải vô địch của La Liga!

Vào trận một cái là huấn luyện viên của Deportivo cứ kể như là phe mình trước sau gì cũng “rồi đời”! Vậy thì hiệp 1, Messi của Barca đánh đầu lọt lưới một bàn ở phút thứ 5 chứ nào có lâu lắc gì! Qua hiệp 2, từ một quả banh do Neymar chuyền ngang trên mặt cỏ trước khung thành vào phút 59, cũng lại Messi sút nhẹ nhàng vào lưới. Vị chi là 2 bàn trắng! Ấy thế mà rồi loay hoay làm sao, qua phút 67, Martinez của Deportivo gỡ được 1 bàn, rồi đến phút 76 thì đến phiên Salomao gỡ thêm 1 bàn nữa để kết thúc trận đấu với tỷ số 2-2, hòa với đấng vô địch! Ngồi nơi khán đài , huấn luyện viên Victor Sanchez của đội Deportivo cứ thế lấy bàn tay phải vuốt lên gương mặt đầy đặn của ông ta để lau những giọt nước mắt lả chả tuôn rơi. Tủi thân cho đội mình phải đương đầu với thứ hùm beo trên sân, nhưng mừng vì thoát được nanh vuốt của nó để có thêm 1 điểm mà vẫn yên ổn với hạng thứ 17, không bị đẩy ra khỏi La Liga!

Và sau cùng thì ta vẫn có thể thắc mắc với câu hỏi như sau: Làm sao mà đã lọt được vào hàng ngũ câu lạc bộ chóp bu trong một nước để rồi lao đao khổ sở, trắc trở với số phận của mình hàng năm như vậy? Phải chăng vì kém “phấn đấu”? Vì kém tiền của để tuyển mộ - nói trắng ra là “mua” - cầu thủ loại đắt tiền? Phải chăng là do tài nghề cao thấp gì đấy của huấn luyện viên? V.v.?

Báo chí về thể thao trong ngành bóng đá phương Tây ít có để mắt gì nhiều đến chuyện đá banh bên Nga. Vậy thì ta tạm nêu trường hợp của đội với cái tên đọc ra đến trặc cả quai hàm là đội Anzhi Makhachkala!

 

Đội Zenit bên Nga chính thức mừng đoạt giải vô địch trong nước. (Getty Images)

Kỳ này nó bị đuổi ra khỏi nhóm Premier League của Nga! Hẳn phải là loại xoàng? Không hẳn!

Chỉ một năm trước đây thôi, nó quanh quẩn ở hạng 3 trong premier League của Nga. Thế rồi năm 2015 này thì nó vẫn lăm le tranh chức vô địch trong nước. Tay tỷ phú Suleiman Kerimov sau khi mua đội banh địa phương của thành phố Kaspiysk đó nơi xứ Cộng Hòa Dagestan trong vùng biển Caspian, miệt Tây Nam trên bản đồ rộng lớn gồm nước Nga và 14 nước “Cộng Hòa “Sô Viết” cũ, thì đã tung tiền ra mua các cầu thủ loại đắt tiền như Carlos của Brazil, Eto’o của Cameroon. Ông ta cũng bỏ tiền ra mướn cựu huấn viên của Paris Saint Germain và Chelsea là Guss Hiddink để lèo lái đội Anzhi.

Sau đó thì Kerimov tuyển Igor Denisov từ đội Zenit, Kokorin từ đội Dynamo Moscow, Willian từ Brazil, v.v. tốn kém tổng cộng khoảng 230 triệu Euro (tương đương $316 triệu dollar). Năm 2013 đội Anzhi đã lọt được vào vòng 16, giải UEFA Europa League, thế nhưng sau một loạt các trận thua, Kerimov cắt giảm ngân khoản khiến đội phải lo bán xới các cầu thủ có giá. Rồi đến phiên huấn luyện viên Meulensteen vào thay Hiddink trong khi các cầu thủ như Willian và Eto’o đầu quân ở đội Chelsea bên Luân Đôn

Tóm lại thì then chốt hình như vẫn ở nơi thành phần của cả một đội ngũ chứ không nhất thiết cứ cho một vài anh “kiện tướng” vào thì đã làm nên cơm cháo gì. Rồi tài nghề của huấn luyện viên thì như bên ta vẫn nói: “Có bột mới gột được hồ”! Có tài nghề đến mấy mà một đội ngũ không ngang ngửa với nhau về mặt tài nghề, không ‘tâm đầu ý hợp” với nhau trong đấu pháp thì, như trường hợp đội Anzhi của Nga, một thời tương đối sáng giá như thế, mà rồi một sớm một chiều, sau trận đấu cuối mùa thì bị đẩy khỏi nhóm hàng đầu, chả biết đến ngày nào mới ngoi được trở lên! (tn)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT