Văn Nghệ

Tiếng đàn cello của Nguyễn Hậu, thành viên của nhóm nhạc nữ Phượng Cầm

Friday, 28/04/2017 - 08:19:40

Chị nói dù rất yêu cây đàn cello, nhưng chị đã không tiếp tục chọn nó để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ gắn bó với nó như một niềm vui không thể thiếu mà thôi.

Bài BĂNG HUYỀN 

Nữ nghệ sĩ có gương mặt khả ái, cuốn hút mọi ánh nhìn, mái tóc đen dài buông xõa, dáng ngồi thanh lịch, cúi xuống bấm phím cello, dịu dàng đẩy đưa cây vĩ kéo ngang những dây đàn, rung lên âm điệu ấm, trầm, du dương và da diết. Những ngân rung xiết bao gợi cảm, nhẹ nhàng gieo vào lòng người nghe đầy nôn nao, lưu luyến. Đây chính là hình ảnh của nghệ sĩ đàn cello Nguyễn Hậu (Nguyễn Thị Hậu), đã để lại dấu ấn đẹp trong chiều nhạc thính phòng “Memory-Kỷ Niệm” tại nhật báo Người Việt do ca sĩ Bích Vân tổ chức vào tháng 5, 2016.


Poster đêm nhạc Phượng Cầm

Vẻ đẹp của tiếng đàn Nguyễn Hậu

Giữa những giọng ca da diết, nồng nàn cảm xúc của Bích Vân và những người bạn: Thiên Tôn, Bích Huyền, Nam Trân, Phạm Hà, Sean Buhr, Lê Hồng Quang, nhạc đệm với tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Quốc Vũ, tiếng tiếng guitar của Will Brahm và tiếng cello của Nguyễn Hậu như một dòng thác âm nhạc vừa êm ái, mạnh mẽ, đã nâng đỡ để các tiếng hát mặc sức bay lượn, cuốn hút người nghe. Và trên nền nhạc đệm ấy, tiếng đàn cello ấm nồng, âm sắc đẹp, mượt mà, truyền cảm, vừa êm ái nhưng cũng thật mạnh mẽ, say đắm lòng người của nghệ sĩ Nguyễn Hậu, cùng sự chuẩn xác khi chị lướt ngón tay nhấn nốt trên cần đàn không phím, se kết những ngân rung hoà cảm với các thanh âm, đã để lại một ấn tượng khó phai nơi người nghe.
Nhắc lại mối duyên đã gắn kết chị với cây đàn cello từ lúc 9 tuổi khi còn sống tại Sài Gòn, nghệ sĩ Nguyễn Hậu cho biết dượng hai của chị là nhạc sĩ Trúc Giang, ba của nhạc sĩ Trúc Hồ, đã dẫn chị vào con đường âm nhạc. Dượng hai đã đưa chị đến học cello tại nhà của thầy Nguyễn Cữu Vỹ, lúc bấy giờ thầy là trưởng khoa cello ở trường Quốc Gia Âm Nhạc (Nhạc Viện Sài Gòn). Hằng ngày chị vẫn đến trường học chữ, một tuần 2 buổi vào chiều tối chị đến nhà thầy học. Thầy khen chị có năng khiếu với cello, nên đến năm 10 tuổi thì chị thi vô Nhạc Viện Sài Gòn, niên học 1984- 1985 và học từ chương trình sơ cấp rồi lên hết trung cấp, đằng đẵng khoảng 11 năm.


Nguyễn Hậu (hình cung cấp)

 



Chị kể khi dượng hai khuyên đi học cello, thì chị học thôi, chứ trước đó chị chưa có yêu thích nhạc cụ nào đặc biệt, nhưng chị rất thích âm nhạc.

Giọng chị bùi ngùi khi nhắc lại “nhớ hồi xưa nhà của Hậu ở kế bên nhà dượng hai, nhà dượng có cho người ta thuê phòng tập nhạc, Hậu hay ra ngồi xem mọi người tập nhạc, thích lắm. Ba của Hậu cũng thích nhạc, chắc Hậu có gen giống ba. Nhưng Hậu không được gần ba từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Lúc mẹ đang có bầu Hậu là ba đã rời Việt Nam ngay biến cố 30 tháng 4 rồi, đến hơn 20 năm sau, lúc đó Hậu đã 22 tuổi mới gặp ba khi ba bảo lãnh cho Hậu và mẹ qua định cư tại Mỹ.”

Giọng chị nghẹn lại vì xúc động, “Thật ra Hậu còn người anh trai, anh đã bị tai nạn và đã mất năm 1981, khi Hậu mới lên 6. Đây cũng là một dấu ấn buồn đầu đời khó quên với Hậu. Không có ba bên cạnh từ khi ra đời đến lúc trưởng thành, chỉ có mẹ và anh trai, rồi thì anh cũng không còn, nhưng may mắn là Hậu và mẹ sống chung với gia đình bên ngoại rất đông, được các dì, cậu thương, nên cũng không đến nỗi nào. Đi học thì có thêm bạn bè và có âm nhạc giúp giải khuây.”

Chị hài hước kể rằng lúc nhỏ khi học cello, chị có cây đàn nhỏ để học, nhưng lúc nhỏ chị vốn nhỏ con, dù là chọn cây cello nhỏ nhất dành cho trẻ em học, nhưng nó vẫn to hơn chị nhiều. Khi ngồi đàn, người ta chỉ thấy cây đàn chứ không thấy chị đâu, mỗi khi chị đi học đàn, nhiều người nói người nhỏ mà sao vác cây đàn to quá. May là đến tuổi dậy thì chị cao lên chứ không còn nhỏ con nữa.

Khó khăn buổi đầu học cello

Nói về khó khăn buổi đầu khi học cello, chị cho biết, “Bất kể loại nhạc cụ nào nếu muốn đi sâu chuyên nghiệp, chơi hay, xuất sắc, thì đều khó hết, đều đòi hỏi người nghệ sĩ phải công phu luyện tập và có năng khiếu. Nhưng trong các nhạc cụ chỉ để học chơi “tài tử” thôi, thì cello là cây đàn rất khó, khó hơn đàn piano, vì cái thế khi đàn khó hơn. Nếu người học không tập đều đặn, chỉ cần bỏ tập một thời gian ngắn, khi đàn lại sẽ rất đau tay và sai cao độ. Lúc mới học, tay Hậu nhỏ, mà dây đàn cello khi mình học lúc đó bằng kim loại, bấm rất đau, quãng để bấm trên đàn cần ngón tay mình phải xoải rộng ra.”

Với nghệ sĩ cello Nguyễn Hậu, dù buổi đầu đến với cello không có sự yêu thích đặc biệt, nhưng càng học, chị càng yêu vẻ đẹp của âm thanh cây đàn này. Chị nói trong các nhạc cụ, cello là nhạc cụ có âm thanh rất hay, có tầm âm rất giống giọng của con người, trầm và ấm như tiếng của con người nói với nhau.

Cello có âm hưởng dày đặc, sung mãn nhưng lại cũng dịu dàng và êm đềm. Vì cello có âm trầm nên tiếng đàn cello dễ dàng truyền cảm xúc đến người nghe, nhất là khi thể hiện những bản nhạc du dương, tình cảm, bởi bản thân người nghệ sĩ khi chơi đàn, vòng tay ôm choàng thân đàn, phải tì nó vào ngực, nên tiếng đàn được phát ra từ trái tim của người nghệ sĩ, vì vậy âm giai của nó đầy mê hoặc, khiến người nghe phải thổn thức khi nó cất lên.

Chị nói điều may mắn là khi đậu vào khoa cello tại Nhạc Viện, gặp được cô giáo là Vũ Thanh Hảo là giáo viên mới ra trường, chị lại là học trò đầu tiên của cô luôn. Cũng nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương, tâm huyết, cô giáo vừa tận tụy hướng dẫn chị về kỹ thuật và kỹ năng biểu diễn, vừa thổi bùng ngọn lửa đam mê âm nhạc và tình yêu với cello trong chị càng thêm bền chặt hơn.

Hỏi chị vậy thế nào là tiếng đàn đẹp, chị nói, “Khi nghe cảm nhận được độ ấm, độ da diết trong tiếng đàn thì đó là tiếng đàn đẹp. Còn khi chơi nhạc cổ điển, người nghệ sĩ tập luyện thường xuyên thì giúp ngón tay mình linh hoạt hơn, để nốt chính xác hơn. Thông thường người ta nghe tiếng đàn trước, kỹ thuật có hay mà tiếng đàn không đẹp sẽ không vô lòng người nghe.”

Hậu nói, chị thích chơi những bản nhạc bán cổ điển hay Pop hơn là thuần túy cổ điển, vì nó gần gũi với chị hơn nên những lúc ôm đàn để chơi một mình, chị vẫn chọn những bài nhạc bán cổ điển hoặc Pop để trải lòng mình với cây đàn.

Chị nói dù rất yêu cây đàn cello, nhưng chị đã không tiếp tục chọn nó để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ gắn bó với nó như một niềm vui không thể thiếu mà thôi.

Chị tâm sự, “Qua đây vào năm 1997 Hậu ở ngay vùng quận Cam này. Hồi đầu mới qua cũng muốn theo học tiếp âm nhạc, nhưng rồi ngẫm nghĩ thấy muốn theo nhạc và thành công thì nhiều khó khăn lắm cho nên Hậu chọn học một ngành nghề khác để ổn định cuộc sống nhanh hơn và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc của mình.”
Từ một giới thiệu của người bạn, chị học ngành Radiology Technologist tại Cypress College. Hiện chị đã làm cho Kaiser và Memorial Care Health System suốt mấy năm qua.


Nguyễn Hậu bên cây đàn cello (hình cung cấp)

Cello giúp vượt qua nỗi niềm riêng

Còn với cello, hồi mới qua và vài năm sau, chị vẫn tiếp tục ôm đàn để trình diễn trong một số chương trình của trung tâm Asia, hòa nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ và chơi nhạc trong những chương trình nhạc thính phòng của nhóm The Friends. Chị có thâu chung với một số nhạc cụ khác trong một số bài hát (thu CD) của ca sĩ Lâm Thúy Vân, Quốc Khanh, Gia Huy…

Dù gián đoạn một thời gian không trình diễn trên các sân khấu trong cộng đồng, nhưng âm nhạc và cello đã ăn sâu vào tiềm thức, gắn bó với tuổi thơ, nuôi lớn những giấc mơ, nó vẫn luôn gắn bó với chị, giúp chị vượt qua những nỗi đau của đời sống hôn nhân không trọn vẹn, những stress trong cuộc sống, trong công việc. Âm nhạc giúp chị vững vàng để làm điểm tựa cho 4 cô công chúa nhỏ của mình, cùng với Mẹ sống chung với chị suốt từ khi qua Mỹ đến nay.

Trải nghiệm với nhóm Phượng Cầm

Vào tháng 11 năm 2014 nhạc sĩ dương cầm Minh Phượng mời chị chơi trong mini show nhạc của Minh Phượng, rồi tình chị em cũng gắn bó thân thiết từ đó đến nay. Những lúc rảnh, chị lại đến hòa đàn cùng Minh Phượng và những người bạn. Rồi khi nhạc sĩ Minh Phượng lập ra nhóm nhạc nữ Phượng Cầm và ra mắt cộng đồng trong show nhạc “Giọt Tình” của Sống Entertaiment tổ chức tại Saigon Performing Arts Center, vào ngày 20 Tháng Tám năm ngoái, không thể thiếu tiếng đàn cello tuyệt đẹp của Nguyễn Hậu.

Sắp tới đây khán giả yêu thích nhóm nhạc nữ này, sẽ gặp lại những thành viên xinh đẹp, tài năng của nhóm nhạc trong “đêm Phượng Cầm” sẽ diễn ra vào tối thứ Bảy, ngày 27 tháng 5, tại Lạc Cầm, với ban nhạc gồm các thành viên: Minh Phượng đàn Piano, Nguyễn Hậu đàn Cello, Thanh Nhã đàn Keyboard, Lina Thanh Nhàn & Tố Trinh đàn Violin; cùng tiếng hát của các ca sỹ Nam Trân, Vân Khanh, Vân Quỳnh, Thiên Tôn và các khách mời.

Kết thúc buổi trò chuyện của mình, chị chia sẻ, “Hậu nghĩ trong đời sống này chúng ta không thể thiếu được âm nhạc. Nếu có con, hãy cho con học nhạc (các con của Hậu đang học violon với nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ và piano với cô Mỹ Lệ của trường nhạc Westminster Music School), vì ít ra con mình cũng có người bạn để tâm tình kế bên những lúc buồn, stress. Như bản thân Hậu, có những lúc gặp những căng thẳng, âm nhạc làm cho mình dịu lại. Không chỉ xả stress cho mình, mà khi đàn cho người khác nghe, cũng giúp người khác xả stress cho họ và đi sinh hoạt âm nhạc giúp mình có cơ hội có thêm những người bạn mới, giúp mình học hỏi thêm từ những người bạn. Hậu nghĩ ai cũng có những lúc khó khăn trong cuộc sống, tùy theo mỗi người đi qua nó như thế nào thôi, Hậu nghĩ Hậu may mắn hơn nhiều người khi vượt qua những khó khăn riêng một cách mạnh mẽ, cũng là nhờ có âm nhạc. Âm nhạc giúp Hậu biết cách nhìn những tiêu cực đến với đời mình nhẹ nhàng đi, luôn tìm cái lạc quan trong bi quan để mà vượt qua trong đời sống.”

Chị nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời mời, “Hậu cám ơn khán thính giả đã có lòng yêu mến tiếng đàn của Hậu bấy lâu nay, nhân dịp có chương trình “Đêm Phượng Cầm” vào Thứ Bảy, ngày 27 tháng 5 sắp tới, rất mong khán giả hãy đến ủng hộ cho ban nhạc nữ này. Nhóm nhạc nữ Phượng Cầm là trải nghiệm mới trong âm nhạc đối với Hậu và mong khán giả sẽ thích và ủng hộ. Phần nhạc do chị Minh Phượng phụ trách viết bài hòa âm cho nhóm hòa tấu, trình diễn những nhạc phẩm bất hủ với phong cách mới cùng với các ca sĩ Vân Khanh, Vân Quỳnh và Minh Phượng bên cạnh khách mời là Thiên Tôn, Nam Trân…Tất cả các thành viên trong nhóm rất náo nức gửi đến khán giả một đêm nhạc thật hay, rất mong sự ủng hộ của khán thính giả khắp nơi.”

Đêm nhạc Phượng Cầm sẽ diễn ra vào 8 giờ tối thứ Bảy, ngày 27 tháng 5, 2017, tại Lạc Cầm, 15041 Moran St, Westminster, CA 92683, điện thoại (657) 400-2750).
Vé có 2 loại VIP $100, vé thường $75. Đặt vé xin liên lạc (657) 334-9555.
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT