Thế Giới

Tiếng vọng từ cuộc chiến Iraq: Một cuộc chiến không cần thiết!

Hoài Mỹ/ Viễn Đông Tuesday, 26/03/2013 - 08:52:51

Vào tuần lễ đầu tháng Hai, các cựu chiến binh Hoa Kỳ hiện mang những chứng bệnh tâm thần, đã gây rúng động cho cả Hiệp Chủng Quốc: Bé Ethan 5 tuổi đời đã bị một cựu chiến binh từ chiến tranh Việt Nam, ở Alabama, bắt cóc mang đi mất tích. Tay thiện xạ lừng danh Chris Kyle đã bị cựu chiến binh Iraq, Eddie Ray Routh, ở Texas, hạ sát...

Hoài Mỹ/ Viễn Đông

WASHINGTON - Chiến tranh Iraq đã chấm dứt mặc dù một số quân nhân Hoa Kỳ vẫn còn ở lại đây cho “tới khi có lệnh mới”. Một cuộc chiến mà dư luận thế giới đã nhận định là Hoa Kỳ “dựa trên những nền tảng giả tạo” để tiến quân vào Iraq, vừa được tưởng niệm, ngày 20 tháng 3, sau 10 năm bùng nổ. Nhân dịp này, một số đông cựu-chiến-binh-Iraq ở Hoa Kỳ đã lên tiếng bộc lộ những cảm nghĩ của mình.
Vào tuần lễ đầu tháng Hai, các cựu chiến binh Hoa Kỳ hiện mang những chứng bệnh tâm thần, đã gây rúng động cho cả Hiệp Chủng Quốc: Bé Ethan 5 tuổi đời đã bị một cựu chiến binh từ chiến tranh Việt Nam, ở Alabama, bắt cóc mang đi mất tích. Tay thiện xạ lừng danh Chris Kyle đã bị cựu chiến binh Iraq, Eddie Ray Routh, ở Texas, hạ sát...
Các biến cố ấy hiện được chiếu rọi ánh sáng tìm hiểu trong trang sử tham chiến đen tối của Hoa Kỳ. Hàng triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ hiện phải “đấu tranh” với những vấn đề tâm thần. Nhiều người vẫn chẳng bao giờ nhận được sự giúp đỡ. Cựu chiến binh Iraq, Luis Carlos Montalvan, 39 tuổi, một trong những người hồi hương với chứng hậu chấn thương tâm lý (PSTD). Sau một cuộc chiến lâu dài, cựu đại úy Montalvan đã được chữa trị, nhưng anh cho rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn chối từ nhìn nhận tầm nghiêm trọng: “Tôi đã chiến đấu cho quê hương của tôi ở Iraq, và khi tôi được trở về nhà, tôi đã phải chiến đấu để được sự giúp đỡ mà tôi cần đến. Chắc chắn đây là một cơn khủng hoảng vẫn không ngừng gia tăng mà các nhà lãnh đạo của chúng tôi phải lấy làm nghiêm chỉnh”.
Luis Carlos Montalvah đã viết cuốn “Until Tuesday” để kể về những kinh nghiệm của mình và về sự giúp đỡ vô giá mà anh đã nhận được từ chú khuyển Tuesday vốn vẫn trấn an cựu sĩ quan này mỗi khi sự sợ hãi xẩy đến.

Được chữa trị quá ít
Mặc dù cựu đại úy Luis Carlos Montalvan, một quân nhân đã từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ suốt 17 năm liên tục, vẫn tiếp tục được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu nhưng anh lo lắng cho các cựu chiến binh trẻ tuổi hơn vốn không chịu nổi cuộc tranh đấu để được chữa trị. Anh phát biểu: “Nhiều người không đủ sức tranh đấu để nhận được sự giúp đỡ. Thêm vào đó có nhiều dấu vết nhục nhã (stigma) liên quan đến sức khỏe tâm thần nơi quân nhân cũng như dân sự”.
Nay đã có một sự gia tăng về nhận thức chung quanh những vấn đề bao quát về sức khỏe tâm thần nơi các cựu chiến binh Hoa Kỳ. Và trong năm 2012, trên 1.3 triệu cựu chiến binh đã nhận được chương trình chữa trị về các vấn đề tâm thần; mức độ leo thang 927,000 nhân số so với năm 2006. Hoa Kỳ hiện có một bộ đặc trách cựu chiến binh với 47,000 bác sĩ được tuyển dụng để giúp đỡ các cựu chiến binh. Dĩ nhiên con số này vẫn chưa đầy đủ. Bằng chứng: Theo con số mới nhất của Bộ Cựu Chiến Binh Vụ (VA), mỗi ngày trung bình có tới 22 cựu chiến binh tự vẫn. Trong năm nay đã có trên 8,000 vụ; nhiều người đã tự sát khi còn đang phục vụ trong quân ngũ.

Những làn sóng cựu chiến binh tự vẫn
Một bản phúc trình của Center for a New American Security Suicide report, sau chiến tranh Việt Nam, nhiều cựu chiến binh đã tự vẫn. Theo một công trình nghiên cứu, “cứ mỗi 80 phút lại có một cựu chiến binh Hoa Kỳ tự tử”. Trong khi đó, VA ước lượng cả thảy 18 cựu chiến binh tự sát mỗi ngày. Tuy nhiên trong bản phúc trình nói trên, điều được nhấn mạnh là thật khó để xác quyết 100 phần trăm minh bạch có bao nhiêu quân nhân tự sát, bởi vì chỉ có 16 tiếu bang là vẫn báo cáo về tình trạng cựu chiến binh.
Năm 2007, chính quyền đã phổ biến một đường dây điện thoại cho các cựu chiến binh có ý nghĩ tự tử. “The Veterans Crisis Line” đã nhận được trên 400,000 cuộc “tâm tình điện thoại”, nhưng theo trang điện tử này, “đường dây” chỉ cứu được có 14,000 cựu quân nhân mà thôi.
Năm ngoái, số quân nhân tại ngũ tự tử tăng cao gấp đôi số quân nhân tử trận ở Afghanistan. Trên 349 vụ tự tử khiến 2012 trở thành một năm bi thảm kỷ lục.
Hai tác giả Margaret C. Harrell và Nancy Beglass đứng sau công cuộc nghiên cứu nói trên, đã cùng quả quyết: “Hoa Kỳ đang thua cuộc chiến tranh chống tự tử nơi các cựu chiến binh của mình”.
Các quân nhân hồi hương không chỉ chịu đựng chứng hậu chấn thương và nỗi nhớ thương các bạn đồng ngũ trong chiến tranh, nhưng cũng còn lâm vào tình trạng thất nghiệp ở Hoa Kỳ vốn tỷ lệ hiện nay là khoảng 9 phần trăm. Bởi thế nhiều cựu quân nhân đã cảm thấy mình vô dụng khi họ trở về với gia đình.

Một sự tủi hổ
Hiện có sự quan tâm đáng kể đến các quân nhân hồi hương sau chiến tranh Iraq và Afghanistan; theo đó khoảng hơn 20 phần trăm cựu chiến binh này chịu đựng chứng căng thẳng hậu chấn thương. Tuy vậy cũng đã có hàng triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ từ các cuộc chiến tranh trước đó, như Thế Chiến Thứ Hai, chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến Triều Tiên cũng bị khốn cùng về sức khỏe tâm thần: 70 phần trăm của tổng số cựu chiến binh này đã tự tử vốn chỉ mới 50 tuổi đời hay cao hơn.
Dấu chỉ về tình trạng thiếu sự quan tâm đến các cựu chiến binh, hiện rõ trong các hình ảnh ở đường phố trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Các cựu chiến binh vốn chiếm đa số trong giới “homeless” và nhiều người khất thực ở các góc phố với quốc kỳ Hoa Kỳ và các huy hiệu tham chiến hay huy chương anh dũng. Cựu chiến binh Luis Carlos Montalvan cho rằng đây là một sự nhục nhã. Cựu đại úy này giãi bày là quân đội Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong việc chiêu mộ nếu họ không cải thiện việc theo dõi cả các quân nhân tại ngũ lẫn cựu chiến binh. Quân đội Hoa Kỳ không có qui luật quân dịch; và nhiều quân nhân xuất thân từ các gia đình nghèo. Montalvan nhấn mạnh: “Đây là một sự xấu hổ khi chúng ta không chăm sóc những người nam, người nữ mà chúng ta đã đưa ra chiến trận”.
Cựu chiến binh này trong năm nay đã từng nhiều lần đề nghị kế hoạch kiểm tra sức khỏe bắt buộc dành cho tất cả quân nhân tại ngũ lẫn đã xuất ngũ. Theo Montalvan, với phương cách này, chính quyền có thể bắt kịp những người vốn đang chịu sự khốn cùng - đồng thời sẽ xóa bỏ được vết nhơ liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Những phí tổn cho cuộc chiến tranh Iraq
Ngày 20-03-2003, cựu Tổng Thống George W. Bush từ văn phòng bầu dục tại tòa Bạch Ốc, đã trình bày với dân chúng Hoa Kỳ về động lực khiến ông phải đưa các lực lượng Hoa Kỳ vào Iraq, đó là nhằm thanh toán Saddam Hussein và ngăn chận bạo chúa này phát triển loại vũ khí tàn sát tập thể (WMD). Tổng Thống tuyên bố mở màn “Operation Iraqi Freedom”.
Thế nhưng, trong những năm 2002 và 2003, các thanh tra an ninh của Liên Hiệp Quốc trong nhiều nỗ lực vẫn không tìm thấy hoặc tiết lộ gì về các vết tích của vũ khí hóa học hay sinh học ở Iraq.
Cũng vào buổi tối cùng ngày nói trên, Tổng Thống Bush cũng xác quyết với nhân dân Hoa Kỳ rằng Iraq là một khâu trong trận chiến chống khủng bố quốc tế.
Chỉ sau thời gian ngắn cuộc chiến tranh ở Iraq mở màn, Tổng Thống Bush, chính phủ của ông và cả Quốc Hội (đa số đại biểu đã cho phép Tổng Thống khai chiến) bị công kích về cuộc chiến Iraq. Chính phủ Bush, Bộ Trưởng Quốc Phòng thời đó, Donald Rumfeld, bị tố cáo là đã ngụy tạo sự thông tin an ninh mà họ đã nắm được về Iraq.
Đến tháng 5 năm 2003, Tổng Thống Bush tuyên bố “mission accomplished” và chấm dứt các hành động quân sự giữa Hoa Kỳ và các lực lượng Iraq. Tuy nhiên, bạo động vẫn lan rộng ác liệt và số tử vong không ngừng leo thang ở đất nước này. Chỉ trong vòng 4 năm đầu của cuộc chiến, trên 3,000 quân nhân Hoa Kỳ đã bị thiệt mạng và trên 23,000 người bị thương. Thêm vào đó, số thường dân Iraq bị chết trong cùng thời gian này được ước lượng là 50,000 người. Sau 10 năm chiếm đóng Iraq, con số quân nhân Hoa Kỳ tử trận là 4,600 và 32,000 người bị thương. Theo trang mạng điện tử “Iraq Body Count”, tối thiểu 116,000 thường dân bị thiệt mạng trong suốt cuộc chiến tranh này. Theo kết quả khảo cứu được phổ biến trên The Lancet, chiến tranh Iraq đã làm Hoa Kỳ tiêu hao tổng cộng trên 1,000 tỷ Mỹ Kim. Còn theo Congressional Researh Service, tính tới cuối năm 2011, Hoa Kỳ đã chi ra 802 tỉ Mỹ Kim cho cuộc chiến này. Riêng kinh tế gia lừng danh Joseph Stiglitz và nhà khảo cứu của viện đại học Havars, Linda Biles, cho rằng tổn phí thật sự là 3,000 tỉ Mỹ Kim.
Mười năm sau, 2003 - 2013, nhân dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh Iraq, cựu Tổng Thống George W. Bush chỉ phát biểu rất vắn tắt: “Cuộc chiến tranh này là cần thiết” .
Trong khi đó, Chủ Nhật, ngày 16-3-2013, ông Robert Gates, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng vừa dưới thời ông Bush lẫn đương kim Tổng Thống Barack Obama, đã trả lời câu hỏi liên quan đến tương lai của Iraq, do đài CNN nêu ra trong cuộc phỏng vần “State of the Union”: “Chúng ta không thể biết câu trả lời cho những câu hỏi cho đếnWẹ hoặc 15 năm sau”. Ông nói thêm là nếu Iraq trở thành được một quốc gia ổn định và quyền lực ở trong vùng thì đó sẽ là những dấu chỉ đầu tiên xác định cuộc chiến tranh này đã thành công hay là không.
Còn Nghị Sĩ Cộng Hòa của Texas, Tom Cotton nhân dịp này cũng đã phát biểu rằng chiến tranh-Iraq là một “War of Nobel”, một cuộc chiến tranh xứng đáng đoạt giải Nobel. Ông Cotton là một cựu chiến binh vốn đã phục vụ ở Iraq. Vị dân cử này tuyên bố thêm rằng “quả thật xứng đáng để tiến vào Iraq bất chấp mọi thứ”.
Trong bài diễn văn đọc ngày 31-08-2010, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố công tác quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq đã qua rồi, và “một trang đáng chú ý trong lịch sử của Hoa Kỳ và của Iraq nay đã chấm dứt. Hiện là lúc để lật sang trang”. Tuy nhiên ông nhìn nhận Hoa Kỳ đã trả một giá không lồ cho việc “đặt tương lai của Iraq vào tay của dân chúng Iraq”.

Những phí tổn cho cựu chiến binh
Để tài trợ cho các cựu chiến binh của mình sau các cuộc chiến tranh khác nhau mà Hoa Kỳ đã lâm vào hoặc tham gia, ngân quĩ quốc gia Hoa Kỳ đã chi ra hàng năm:
Cuộc nội chiến (1861 - 1865): 1,752 Mỹ Kim.
Đệ nhất thế chiến (1914 - 1918): 20 tỉ Mỹ Kim.
Đệ nhị thế chiến (1939 - 1945): 4 tỉ Mỹ Kim.
Chiến tranh Cao Ly (Đại Hàn) (1950 - 1953): 2,8 tỉ Mỹ Kim.
Chiến tranh Việt Nam (1964 - 1973): 22 tỉ Mỹ Kim.
Chiến tranh vùng Vịnh (1991), chiến tranh Iraq (2003 - 2011) và Afghanistan (2001 - ?): 70 tỉ Mỹ Kim.
Chính quyền Hoa Kỳ sẽ còn phải trả giá thêm cho chiến tranh Iraq và Afghanistan trong thế kỷ tiếp theo. Tổng cộng, chính phủ Hoa Kỳ vẫn chi hàng năm 245 tỉ Mỹ Kim trong việc trả tiền lưu trí và những thứ khác cho những người đã chiến đấu cho Hoa Kỳ trong các trận chiến tranh trong năm qua.

Một vài tâm tình của cựu chiến binh Iraq
Nhân dịp kỷ niệm 10 chiến tranh Iraq, hàng ngàn cựu chiến binh-Iraq đã tụ tập tại New York, nhằm chủ yếu để biểu lộ thái độ và lập trường phản đối. Điển hình:
Michael Blake: “Tôi không tin tưởng vào cuộc chiến tranh mà tôi 'được' đưa tới. Nay tôi càng mất tin tưởng hơn nữa rất nhiều”.
Bos Alft: “Tất cả chỉ là những sự láo khoét”.
Michael Embrich: “Nó chỉ làm hư hỏng đạo đức của quân nhân ở Iraq. Tôi phải nói với bạn là các quân nhân hiện còn phải ở lại Iraq, nếu bây giờ họ có mặt tại đây, chắc chắn họ cũng sẽ sát cánh với chúng tôi để phản đối”.
Một cựu chiến binh khác, Harvy Tharp, tổng kết các ý kiến trong các câu trả lời phỏng vấn mà anh đã nghe được, diễn tả: “Có thể nói 72 phần trăm quân nhân Hoa Kỳ ở Iraq cho rằng đây là một cuộc chiến tranh không cần thiết. Và Hoa Kỳ nay nên rút hết quân về”.
Theo nhận định của một số thông tấn xã, các cuộc biểu tình này biểu lộ cảm nghĩ chung: “Chiếc đinh cuối cùng đã đóng vào quan tài của chiến tranh Iraq”. Các quân nhân dường như không thấy ý nghĩ gì về cuộc chiến tranh này. (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT