Mẹo Vặt

Tiếp tục nói về sự khác biệt giữa nông phẩm Organic và Non-GMO

Thursday, 03/08/2017 - 07:48:38

Nhưng giữa Organic và Non-GMO lại có nhiều khác biệt. Nhiều người cho rằng chỉ cần biết một vài khác biệt giữa Organic và Non-GMO như đã nêu trong bài lần trước là có thể dễ dàng đi đến kết luận: Chắc chắn chúng ta phải chọn Organic, dù nó có đắt hơn chút đỉnh.

Bài VŨ HẰNG

Nông phẩm bao gồm gần hết những gì chúng ta ăn vào miệng, có thể tóm gọn trong hai chữ “nuôi trồng,” như vậy nó bao gồm tất cả những thứ rau quả được “trồng” như celery, broccoli, cam, táo… và gia súc được “nuôi” như gà vịt, trâu bò, dê ngựa. Bây giờ khi đi chợ, chúng ta được khuyến khích tìm mua những nông phẩm có dán nhãn Organic hoặc Non-GMO, là hai phương pháp nuôi trồng đưa lại những nông phẩm lành mạnh hơn so với những nông phẩm không ghi rõ hai chữ đó.


Nhãn hiệu Organic do bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ xác nhận, và nhãn hiệu Non-GMO được kiểm nghiệm

Nhưng giữa Organic và Non-GMO lại có nhiều khác biệt. Nhiều người cho rằng chỉ cần biết một vài khác biệt giữa Organic và Non-GMO như đã nêu trong bài lần trước là có thể dễ dàng đi đến kết luận: Chắc chắn chúng ta phải chọn Organic, dù nó có đắt hơn chút đỉnh.

Nhưng thực tế không diễn ra như vậy các bạn ạ. Theo một bài điều tra đăng trên Wall Street Journal, tờ tạp chí nổi tiếng của thị trường tài chánh nước Mỹ thì sản phẩm dán nhãn Non-GMO lại bán chạy hơn và Organic chỉ được ưa chuộng vào ... bậc hai! Sao lại có sự ngược đời? Có phải vì Organic đắt hơn trong khi khách hàng chưa hiểu rõ về ích lợi của nó? Hay vì sự khác biệt chưa được giải thích rõ ràng? Vì thế, hôm nay chúng ta lại dành thêm một bài để nói về những khác biệt này.

1. Organic bị cấm sử dụng hormone kích thích tăng trưởng, nhưng Non-GMO được tự do:
Cô Vani Hari, một nhà điều tra trẻ tuổi về an toàn thực phẩm, tiết lộ dư lượng (residue) thuốc kích thích tăng trưởng như ractopamine được khám phá thấy trong nhiều hộp thịt gà, thịt heo, thịt bò… ghi dấu Non-GMO. Ractopamine tích lũy có thể là nguy cơ đưa đến các bệnh tim mạch. Trong khi nhà nông Organic hoàn toàn bị cấm chỉ thì nhà nông Non-GMO lại được tự do sử dụng chất kích thích này.

2. Gia súc organic không thể được vỗ béo bằng cách chích trụ sinh tăng trưởng, nhưng Non-GMO có thể:
Trụ sinh (antibiotics) là một loại thuốc đã được dùng từ lâu, không phải chỉ để giúp con người chống các chứng nhiễm trùng, nhưng còn để vỗ béo gia súc nữa. Trong khi con người luôn luôn được khuyên đừng lạm dụng trụ sinh thì nhà nông lại không e dè khi dùng trụ sinh để kích thích heo bò gà vịt… cho chúng lớn nhanh, vô tình tạo ra những thứ siêu khuẩn (superbugs) có tiềm năng đe dọa chính cuộc sống con người. Bởi vì sự lạm dụng ấy đang làm ô nhiễm mô sinh, ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy trụ sinh giết chết Probiotics, vốn là những vi sinh vật lành mạnh bên trong cơ thể, giúp chúng ta tiêu hóa dưỡng chất, đốt cháy calories, làm cho thân thể rắn chắc.


Nếu chỉ thấy một nhãn hiệu như thế này, chúng ta dựa vào đâu mà tin tưởng?

Vì chỉ cần heo gà lớn nhanh, sớm nặng ký để bán được nhiều tiền, chủ trại không ngần ngại tiêm chích trụ sinh cho chúng, ngay cả đối với những bầy gia súc được gọi là Non-GMO. Tuy nhiên, để được chứng nhận là gia súc Organic, chủ trại không thể dùng trụ sinh một cách tùy tiện như vậy.

3. Organic bị cấm dùng những hóa chất thuộc loại “obesogens,” nhưng Non-GMO không bị:
Obesogens là những hóa chất giúp cơ thể giữ lại chất béo. Thuốc trụ sinh, hormones tăng trưởng, thuốc diệt sâu rầy, hóa chất bảo quản… đều được các nhà khoa học xếp vào loại Obesogens cả.
Nếu muốn giảm thiểu tác dụng của những chất giữ béo này trong cơ thể, bạn cần phải tìm thực phẩm Organic. Thực phẩm Non-GMO không thể bảo đảm như vậy bởi vì nhà nông không bị cấm dùng Obesogens.
4. Nhãn hiệu Organic do nhà nước kiểm soát, nhưng nhãn hiệu non-GMO thì chỉ là tư nhân:
Bất cứ trang trại nào cũng có thể nói rằng sản phẩm của mình là Non-GMO, bởi vì chả có ai đặt ra tiêu chuẩn kiểm soát hàng hóa của họ cả. Miễn là đừng dùng nhãn hiệu Non-GMO Project Verified là được, bởi vì nhãn hiệu này dính với uy tín của một tổ chức lớn, có thể lệ kiểm nghiệm rõ ràng trước khi cho phép nhà sản xuất được sử dụng nhãn hiệu của họ. Theo nghiên cứu của cô Vani Hari thì có nhiều nhà sản xuất không mang hàng của mình đi kiểm nghiệm mà vẫn cứ khơi khơi dùng chữ “Non-GMO”. Như vậy, nếu chỉ nhìn thấy một chữ “Non GMO” dán ở đâu đó, khách hàng thấp cổ bé miệng như chúng ta dựa vào đâu mà tin tưởng được?
Trong khi đó, để được dán nhãn Organic, nông phẩm phải đạt đủ tiêu chuẩn do bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ ( USDA) đưa ra.


Người nội trợ chọn lựa nông phẩm kỹ càng

Tóm lại, nếu không kiếm ra thực phẩm Organic, mà phải dùng non-GMO thay thế thì chúng ta phải tìm được dấu hiệu NON-GMO PROJECT VERIFIED, để tránh mua phải sản phẩm “tự nổ, tự sướng”, các bạn nhé.

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT