Thế Giới

Tìm được viên ngọc lục bảo nặng 1.1 ký ở Zambia

Thursday, 01/11/2018 - 10:16:52

Viên đá quý sẽ được bán tại một cuộc bán đấu giá tư nhân tại Singapore trong tháng 11. 10% tiền đấu giá sẽ được quyên góp cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã Zambian Carnivore Programme và Niassa Carnivore Project ở Mozambique.

KAGEM – Một viên ngọc lục bảo khổng lồ vô cùng quý hiếm, trị giá ước tính hơn $2.5 triệu Mỹ kim, đã được khám phá tại một mỏ đá quý ở Zambia. Viên ngọc lục bảo 5,655 carat được đặt tên "Inkalamu,” nghĩa là sư tử trong tiếng địa phương Bemba. Nhà địa chất học Debapriya Rakshit và thợ mỏ Richard Kapeta phát hiện viên ngọc hôm 2 tháng 10 tại Kagem, mỏ ngọc lục bảo lớn nhất thế giới. Phần lớn khu vực này thuộc sở hữu của hãng Gemfields ở London, Anh.
Việc đặt tên thường chỉ dành cho những viên ngọc hiếm nhất và giá trị nhất. Inkalamu là viên ngọc lục bảo thứ hai mà hãng Gemfields đặt tên. Insofu hay "đá voi" là viên ngọc lục bảo đầu tiên có tên gọi riêng, được tìm thấy năm 2010 và nặng 6,225 carat. "Việc phát hiện viên đá quý này đặc biệt này có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi nói riêng và thế giới ngọc lục bảo nói chung,” theo lời bà Elena Basaglia, chuyên gia về ngọc ở Gemfields.
Inkalamu lớn gần gấp đôi viên kim cương thô lớn nhất thế giới, Cullinan, tìm thấy ở Nam Phi năm 1905. Tuy nhiên, ngọc lục bảo thường thấy hơn và có thể khó định giá. Viên đá quý sẽ được bán tại một cuộc bán đấu giá tư nhân tại Singapore trong tháng 11. 10% tiền đấu giá sẽ được quyên góp cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã Zambian Carnivore Programme và Niassa Carnivore Project ở Mozambique.

Tuần duyên Nhật tìm hòn đảo biến mất
HOKKAIDO - Lực lượng tuần duyên Nhật Bản hiện đang tìm kiếm hòn đảo Esanbe Hanakita Kojima ngoài khơi đảo lớn Hokkaido, sau khi hòn đảo đột nhiên biến mất. Nhà chức trách tin rằng hòn đảo này đã dần bị xói mòn bởi nhiều yếu tố như băng bao phủ vào mùa đông và chuyển động trượt bên dưới bề mặt.
Theo cuộc thăm dò năm 1987, hòn đảo cao 1.4 mét so với mực nước biển, nằm cách bờ biển gần ngôi làng Sarufutsu trên đảo Hokkaido khoảng 500 mét. Esanbe Hanakita Kojima là một trong số 158 hòn đảo không người ở được Nhật đặt tên vào năm 2014, trong nỗ lực tăng cường kiểm soát pháp lý đối với các đảo xa và mở rộng Vùng đặc quyền kinh tế EEZ.
Lực lượng tuần duyên Nhật sẽ khảo sát khu vực để xem còn sót lại dấu vết gì của hòn đảo hay không. Tuy nhiên, dù vết tích của hòn đảo được phát hiện dưới nước, nó vẫn không còn đáp ứng được định nghĩa pháp lý quốc tế về một hòn đảo, đồng nghĩa với việc vùng EEZ của Nhật sẽ bị thu hẹp, nhưng không đáng kể.
Cách đó không xa về phía đông của Hokkaido là một chuỗi các đảo mà Nga đang kiểm soát với tên gọi quần đảo Kuril. Nga đã giành quyền kiểm soát chuỗi đảo này vào những ngày cuối cùng của Đệ Nhị Thế Chiến. Nhật vẫn liệt kê các đảo này trên bản đồ quốc gia với tên gọi Lãnh thổ phương Bắc. Tranh chấp chủ quyền tại chuỗi đảo này kéo dài từ năm 1945 đến nay, khiến Nga và Nhật vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình.

Đám tang đầu tiên vụ rớt máy bay Indonesia
JAVA - Đám tang của cô Jannatun Cintya Dewi, nữ nhân viên của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Indonesia và là nạn nhân thiệt mạng trong vụ rớt máy bay của Lion Air, đã diễn ra tại quê nhà ở Sidoarjo, tỉnh Đông Java hôm thứ Năm. Cô Dewi là nạn nhân đầu tiên trong vụ rớt máy bay được xác định danh tính vào tối thứ Tư. Đến nay, nhà chức trách mới chỉ tìm thấy các phần thi thể nạn nhân. "48 túi đựng những phần thi thể của các nạn nhân được xác định danh tính thông qua vân tay và hồ sơ nha khoa,” Cảnh sát trưởng Hudi Suryanto nói. Các chuyên gia hy vọng sẽ tìm thêm được thi thể nạn nhân từ xác máy bay, vì có thể có nhiều thi thể còn mắc kẹt ở ghế ngồi.
Trong khi đó, cũng vào thứ Năm, người nhái Indonesia đã vớt được 1 hộp đen máy bay từ những mảnh vỡ trong bùn dưới đáy biển. Hiện chưa rõ đây là hộp đen ghi dữ liệu về hành trình bay hay là thiết bị ghi âm buồng lái. Các hộp đen sẽ giúp giải thích vì sao một chiếc máy bay gần như mới lại bị rơi không lâu sau khi cất cánh. Nhà chức trách sẽ cần khoảng 3 tuần để chép dữ liệu và cần tới 6 tháng để phân tích chúng. Máy bay của hãng Lion Air khởi hành từ Jakarta rơi xuống biển vào 13 phút sau khi cất cánh. Nhà chức trách tin rằng toàn bộ 189 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Trung Quốc hứa bảo vệ các hãng tư nhân nội địa
BẮC KINH - Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm đã lần đầu tiên tổ chức một hội nghị đặc biệt với lãnh đạo các công ty tư nhân trong nước. Trong đó, ông Tập khẳng định đảng Cộng Sản sẽ tiếp tục "khuyến khích, hỗ trợ và dẫn đắt" kinh tế tư nhân. Hội nghị được coi là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố niềm tin của giới chủ công ty tư nhân, những người đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời ngày càng cảm thấy bất an khi đối mặt với một nhà nước đầy quyền lực.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục cung cấp "môi trường thuận lợi" cho các hãng tư nhân phát triển, nhưng cũng không quên khuyến cáo rằng “Bất kỳ lời nói hay hành động nào phủ nhận, nghi ngờ và làm rạn nứt hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc đều là chống lại chính sách của đảng và nhà nước.” Ông Tập cũng bày tỏ tin tưởng rằng, các công ty tư nhân sẽ tồn tại qua cuộc chiến thương mại và ngày càng phát triển. Tuyên bố của ông Tập đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc, khi mới trước đó 1 ngày, Bộ Chính Trị nuớc này nói rằng Bắc Kinh sẽ không hỗ trợ các hãng tư nhân trong chiến tranh thương mại. Tại cuộc họp 3 tháng trước, Bộ Chính Trị cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không nhắc đến kinh tế tư nhân.
Trước đó, vào thứ Tư, Bộ Chính Trị Trung Quốc lần đầu tiên bày tỏ lo ngại về mức tăng trưởng kinh tế chậm chạp của đất nước và thừa nhận các công ty nội địa đang gặp khó khăn sau khi Hoa Kỳ khởi xướng cuộc chiến thương mại vào tháng 6. Số liệu chính thức vừa công bố cho thấy tổng sản phẩm nội địa GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6.5% so với năm ngoái - tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Hơn một nửa thiết bị quân sự mới của Đức không thể tác chiến
BERLIN - Bộ Quốc Phòng Đức thừa nhận có đến 60% số vũ khí mới mua của nước này gặp trục trặc kỹ thuật và không thể sử dụng. Báo cáo của Bộ Quốc Phòng Đức mới đây xác nhận, chỉ 38 trong 97 vũ khí được mua sắm và giao cho quân đội nước này trong năm 2017 có thể được điều động tác chiến với đầy đủ công dụng. Trong số thiết bị mới này, xe chiến đấu bộ binh (IFV) Puma và vận tải cơ Airbus A400M khiến viên chức quân đội Đức lo ngại nhất về phẩm chất. Được sản xuất bởi 2 hãng Kraus Maffei-Wegmann (KMW) và Rheinmetall, thiết giáp Puma nặng 43 tấn được cho là một trong những mẫu IFV an toàn nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ 27 trong số 71 chiếc Puma được giao cho quân đội Đức vào năm ngoái là đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trong khi đó, dù từng được Airbus mô tả là "dòng vận tải cơ quân sự hiện đại nhất, sở hữu những công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21, đáp ứng mọi nhu cầu hiện tại và sắp tới của quân đội,” chỉ 1 trong 8 máy bay A400M mới được giao cho Không quân Đức là sẵn sàng được điều động. Ngoài ra, báo cáo của Bộ Quốc Phòng cũng tiết lộ chỉ 6 trên 14 trực thăng quân sự mới mua của nước này là có thể thực hiện nhiệm vụ. Quân đội Đức cũng phải gởi trả 3 trong 4 chiến đấu cơ Eurofighter mua năm 2017 cho nhà sản xuất để chỉnh sửa hệ thống điện toán.
Nhiều nhà lập pháp Đức đã chỉ trích gay gắt về tình trạng yếu kém của các thiết bị quân sự. "Không thể chấp nhận được rằng nền công nghiệp quốc phòng được chính phủ hỗ trợ tối đa lại không hoạt động hiệu quả,” Dân Biểu Matthias Hoehn nói. Dù là một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất NATO, quân đội Đức đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về phẩm chất thiết bị quân sự. Hồi tháng 10, 2017, truyền thông Đức tiết lộ toàn bộ hạm đội 6 tàu ngầm tấn công của nước này đều không có khả năng điều động trong trường hợp khẩn cấp.

Kim Jong Un sẽ thăm Seoul trong tương lai gần
SEOUL – Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm thứ Năm nói rằng Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ sớm ghé thăm Seoul. “Một chuyến thăm đáp lễ của Chủ Tịch Kim Jong Un sẽ dsớm diễn ra,” Tổng Thống Moon nói trước Quốc Hội Nam Hàn. Ngoài ra, ông Moon cũng cho biết quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên sẽ tiếp tục cải thiện, và việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo sẽ có thêm tiến triển. “Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau hiện nay, Nam Hàn, Bắc Hàn, và Hoa Kỳ, sẽ đạt được việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn,” ông Moon nói. “Đây là cơ hội mà chúng ta không bao giờ nên bỏ qua.”
Ông Moon cũng khẳng định mối đe dọa quân sự giữa 2 miền đã không còn tồn tại. Thỏa thuận quân sự mới, được ký bởi các lãnh đạo quốc phòng hai bên, bắt đầu có hiệu lực vào thứ Năm. Trong hội nghị liên Triều vào tháng 9 vừa qua, lãnh đạo 2 miền đã thông báo ông Kim sẽ đến thăm Seoul trong vòng năm nay. Nếu việc này thành hiện thực, Kim Jong Un sẽ là lãnh đạo đầu tiên của Bắc Hàn từng đặt chân đến thủ đô Seoul của Nam Hàn.

Dân Trung Quốc đòi Hòa Lan trả tượng Phật chứa xác ướp
AMSTERDAM - Một nhóm người dân thôn Dương Xuân, thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, đã tới Hòa Lan để yêu cầu hoàn trả một bức tượng Phật cổ 1,000 năm tuổi, bên trong chứa di thể một nhà sư. Họ cáo buộc nhà sưu tập người Hòa Lan Oscar van Overeem đã mua bức tượng bị đánh cắp ở Hong Kong năm 1996. "Chúng tôi lớn lên cùng bức tượng. Ông ấy ở đó suốt ngày và đêm, là lãnh đạo tinh thần của chúng tôi,” Lin Wen Qing, đại diện cho nhóm dân làng, nói tại tòa án Amsterdam hôm thứ Tư.
"Đối với chúng tôi, việc đưa ông ấy quay về là rất quan trọng,” ông Lin nói. Ông là một trong 6 người dân thôn Dương Xuân tới Hòa Lan dự phiên tòa. Bức tượng Phật được thờ phụng tại ngôi chùa ở Dương Xuân trong nhiều thế kỷ, trước khi bị đánh cắp vào cuối năm 1995. Bức tượng có niên đại 1,000 năm, kích thước tương đương người thật, bên trong chứa xác ướp một nhà sư được cho là Trương Công Lục Toàn (Zhanggong Liuquan). Ông đã thực hiện nghi thức tự ướp xác trong một ngôi làng từ thời Tống.
Sau hai thập niên mất tích, người làng nhận ra bức tượng khi bức tượng tái xuất hiện năm 2015 tại Triển lãm xác ướp Thế giới ở Budapest. Bản quét CT cho thấy bên trong tượng có một bộ xương người, được cho là một tu sĩ người Trung Quốc sống cách đây gần một thiên niên kỷ thuộc triều đại nhà Tống. Bức tượng sau đó bị rút khỏi triển lãm. Vụ kiện được dư luận quan tâm vì có thể đây là lần đầu tiên Trung Quốc thành công đòi lại cổ vật lịch sử bằng biện pháp pháp lý. Ông Van Overrem nói với thẩm phán rằng đã ông đổi lấy bức tượng với một nhà sưu tập người Trung Quốc năm 2015 và không biết danh tính người này. Ông cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng ông là một người buôn cổ vật. Thẩm phán sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12 tháng 12.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT