Tiêu Thụ

Tìm hiểu điểm tín dụng: FICO Scores

Friday, 20/05/2016 - 08:30:00

Đối với giới tiêu thụ, khi bỏ tiền ra để “mua” điểm tín dụng, cần xác định ràng là chỉ mua FICO Scores Nhưng đối với chủ nợ, khi cứu xét đơn vay tiền hoặc xin cấp thẻ tín dụng, có thể họ lại dựa vào một báo cáo khác và một hệ thống điểm số khác.

Bài ERIC TRẦN

Khi nói về uy tín trên thị trường, người ta thường hỏi nhau: “Điểm tín dụng của bạn bao nhiêu?” Hay, cụ thể hơn: “FICO Scores của bạn là bao nhiêu?” Dĩ nhiên thị trường có nhiều cách tính điểm. Nhưng FICO Scores – phương pháp tính điểm do Công Ty Fair Isaac Corporation thiết lập - là hệ thống được giới chủ nợ sử dụng rộng rãi nhất. Có tới 90% công ty chủ nợ hàng đầu ở nước Mỹ dùng FICO Scores trước khi có quyết định liên quan đến việc cho vay hàng tỷ đô la một năm.

                                Giới tiêu thụ được đánh giá “tốt xấu” dựa vào điểm số tín dụng


Thang điểm FICO Scores trải dài từ 300 (điểm thấp nhất) đến 850 (điểm cao nhất). Điểm số của bạn càng cao, uy tín của bạn càng lớn. Khi thông báo điểm số của một cá nhân, các trung tâm thâu thập tin tức tín dụng (credit bureaus) thường kèm thêm 5 lý do giải thích tại sao đương sự lại có điểm số như thế. Nói cụ thể hơn, 5 lý do này là 5 điểm yếu, giải thích vì sao đương sự không được điểm cao hơn. Mặc dầu trước khi cho vay tiền, mỗi chủ nợ lại có một tiêu chuẩn đánh giá riêng, nhưng tựu trung FICO Scores vẫn là yếu tố mở đầu quan trọng nhất.

Tiêu chuẩn tối thiểu của FICO® Score

FICO Scores tổng hợp những chi tiết trong lý lịch tín dụng trước khi đánh giá bằng con số. Như vậy, để hệ thống có thể chấm điểm, lý lịch bạn phải đạt đến một “bề dầy” nào đó, đáp ứng những điều kiện sau:
- Ít nhất phải có MỘT trương mục tín dụng, tức thẻ tín dụng, đã dùng ÍT NHẤT 6 tháng. Những người không có thẻ tín dụng, hoặc mới dùng thẻ tín dụng được 1, 2 tháng, sẽ không có FICO Scores mà cũng chẳng có điểm với bất cứ một hệ thống đánh giá nào.

- Những giao dịch, tức là những lần vay tiền, trả tiền trong 6 tháng ấy phải được báo cáo với trung tâm thâu thập tin tức tín dụng (credit bureau).

- Người đứng chủ trương mục phải còn sống: Đòi hỏi này nghe như vô lý, nhưng thực tế rất cần thiết. Thí dụ: Là một người chưa có uy tín bản thân, bạn xin “ké” tên mình với một người vốn có uy tín cao để có thể dùng thẻ tín dụng chung. Nhờ thời gian “ké” này, bạn được thị trường biết tên, nhờ đó có thể tự xin thẻ riêng sau này. Nhưng nếu chẳng may người kia qua đời, thời gian “núp bóng cọp” sẽ không được tính, uy tín của bạn vẫn là số 0.

FICO Scores khác biệt

Thị trường có ba trung tâm thu thập tin tức tín dụng là Equifax, TransUnion và Experian. Rất có thể điểm số của bạn từ mỗi trung tâm lại mỗi khác, dựa vào bản lý lịch khác biệt mà họ thâu thập được. Lý do: Khi báo cáo về việc vay trả của chúng ta, không nhất thiết các chủ nợ đều báo cáo với cả 3 trung tâm, chủ nợ A có thể làm như vậy, chủ nợ B lai chỉ báo cáo với trung tâm này, chủ nợ C báo cáo với trung tâm khác….
Hơn nữa, ngoài FICO® Scores, mặc dầu được sử dụng bởi 90% các công ty chủ nợ hàng đầu, còn có những hệ thống tính điểm khác. Đối với giới tiêu thụ, khi bỏ tiền ra để “mua” điểm tín dụng, cần xác định ràng là chỉ mua FICO Scores Nhưng đối với chủ nợ, khi cứu xét đơn vay tiền hoặc xin cấp thẻ tín dụng, có thể họ lại dựa vào một báo cáo khác và một hệ thống điểm số khác.

Vì thế, khi so sánh điểm hoặc khi kiểm tra lý lịch tín dụng, giới tiêu thụ cần phải lấy báo cáo và điểm số của cả 3 Credit Bureaus, và lưu ý những điểm sau:

- Tất cả đều phải là FICO Scores thì mới có thể đối chiếu.
- Điểm số phải được đánh giá và cung cấp cùng thời điểm. Nếu không, sự so sánh không thể chính xác. Bởi vì, sinh hoạt của chúng ta thay đổi, lý lịch được đánh giá vào tuần trước có thể khác với lý lịch được đánh giá vào tuần sau. Ngoài ra, tiêu chuẩn chấm điểm cũng có thể thay đổi theo thời gian.

- Chủ nợ báo cáo vào những thời điểm khác nhau: Một điểm xấu có thể được báo cáo bởi chủ nợ A, nhưng chưa được báo điểm bởi chủ nợ B, nên người tiêu thụ chịu điểm xấu ở nơi này mà có thể vẫn còn điểm tốt ở nơi khác.

- Danh tính thay đổi: Mặc dầu mỗi người có một số An Sinh Xã Hội nhất định, nhưng danh tính thay đổi cũng có thể tạo ra nhiều hiểu lầm và sai sót. Thí dụ: Một người mang tên Robert có lúc khai mình là Bob; Một phụ nữ có thể mang 2 tên họ (last name), tên họ khi còn con gái và tên họ khi đã lấy chồng; Người Việt có lúc tên đệm (middle name) trở thành tên gọi (first name), hoặc ngược lại…. Tất cả những yếu tố đó đều tạo thành lý do khiến lý lịch thay đổi, dẫn đến điểm số không chính xác. Chỉ có chính đương sự mới thực sự biết rằng những chi tiết trong lý lich có thực sự là của mình hay không.

Nói tóm lại, khi định làm một chuyện lớn (như vay tiền mua nhà, mua xe, đi xin việc….) chúng ta cần xem lại lý lịch và điểm số tín dụng FICO Scores của mình để điểu chỉnh những lỗi lầm tai hại, hoặc chỉnh đốn những sai sót trong quá khứ, trước khi chủ nợ, hoặc người tuyển dụng biết đến những điểm yếu có thể dẫn đến những quyết định bất lợi cho chúng ta.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT