Xe Hơi

Tìm hiểu điện xe hơi: Hệ thống khởi động

Saturday, 12/07/2014 - 02:34:04

Chắc hẳn chúng ta đã biết, cái “xế hộp” lăn đi được là nhờ sự kết hợp của nhiều hệ thống, nhiều thành phần... làm việc dựa trên 2 nguồn năng lượng: Điện và Xăng. Nói về những hệ thống liên quan tới điện, chúng ta có thể kể ra: Hệ thống khởi động, hệ thống đánh lửa, hệ thống nạp điện, bình điện và một số những dụng cụ sử dụng

Hao Smith



Hệ thống khởi động, từ ổ công tắc máy cho đến động cơ xì-tắc-te (Starter)



Starter cõng Starter Solenoid ở trên lưng



Các bánh răng bên trong Starter ( Starter drive, ring gear) và flywheel.
 
Chắc hẳn chúng ta đã biết, cái “xế hộp” lăn đi được là nhờ sự kết hợp của nhiều hệ thống, nhiều thành phần... làm việc dựa trên 2 nguồn năng lượng: Điện và Xăng. Nói về những hệ thống liên quan tới điện, chúng ta có thể kể ra: Hệ thống khởi động, hệ thống đánh lửa, hệ thống nạp điện, bình điện và một số những dụng cụ sử dụng điện khác như kèn, đèn, radio.... Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận một số chi tiết căn bản liên quan hệ thống khởi động (starting system).

Hệ thống khởi động (Starting System)

Khởi động ở đây hiểu một cách đơn sơ nhất là mở máy xe. Hệ thống khởi động như chúng ta thấy trong hình liên kết những thành phần sử dụng điện hoặc phát ra điện. Các thành phần chính bao gồm:

- Công tắc máy (Ignition Switch): Là chỗ để chúng ta cắm chìa khóa, xoay một vòng, chờ nghe tiếng xình xịch nổi lên. Không có tiếng xình xịch này là tim tài xế sẽ đập loạn cào cào liền.

- Bình điện (Battery): Là nơi chứa điện, có hai cực âm dương. Khi hai cực âm dương được nối liền, là lúc chúng ta xoay chìa khóa công tắc, bình điện sẽ phát ra một dòng điện, chuyển đến Starter – nhiều người gọi bộ phận này là xì tắc te, nghe như tiếng Khờ-me (?), thực ra thì đây là tiếng Mỹ.

- Starter: Là động cơ, được dòng điện kích thích trong tiến trình khởi động. Nhưng Starter không nhận trực tiếp dòng điện phát ra từ Battery mà nó nhận qua trung gian một bộ phận khác gọi là Starter Solenoid. Nói cho dễ hiểu, cứ coi Starter và Starter Solenoid đi với nhau trong thân phận chủ tớ - starter là chủ hay ông tướng, và starter solenoid là tớ hay anh tùy viên: Anh tùy viên này kiểm soát tờ trình và chuẩn bị mọi sự để khi ông tướng tiếp nhận là có phương tiện giải quyết ngay.

Việc tra chìa khóa vào công tắc máy và xoay như thế nào để chờ nghe tiếng xình xịch, mọi người đều đã biết. Nhưng tiếng xình xịch đó có nổi lên không là do sự tác động của Battery và Starter. Chúng ta sẽ nói thêm về 2 bộ phận này.

Battery

Battery (bình điện) trông như một cái “hộp” lớn nằm sù sù trong góc trước mặt ngay khi chúng ta vừa lật nắp xe (hood) lên. Bên trong Battery là một dung dịch acid hòa với nước cất, và 2 bản kim loại dán vào những khoang nhỏ, gọi là “tế bào”. Đây là chỗ chứa điện lượng của xe. Xin nhớ chữ “chứa điện”, tức là để dành điện sẵn trong đó để xài dần, trước hết là xài lúc mở máy xe; và khi xe lăn bánh rồi thì xài cho các bộ phận phụ thuộc như đèn, kèn, máy hát….

Bình điện, nhìn từ ngoài vào, nổi lên 2 cục, gọi là hai cực, một là cực dương (đánh dấu màu đỏ) và đối diện là cực âm (đánh dấu màu xanh hoặc màu đen). Một đường dây dẫn điện màu đỏ nối cực dương với starter; Một đường dây màu đen nối cực âm với…. mặt đất; xin đừng hiểu mặt đất theo nghĩa đen, nhưng là nối vào khung xe, tiếng chuyên môn gọi là “ground” nên mới phát sinh cái tên “mặt đất.”

Khi xoay công tắc máy, chúng ta nối 2 dây đối cực này lại với nhau để điện lượng tích lũy trong bình phát ra, khởi động máy xe.

Trong khi xe lăn bánh, nhiệm vụ của battery gần như đã xong, nhưng chưa dứt hẳn. Nó còn phải có mặt ở đó để chạy những bộ phận phụ thuộc như kèn, đèn, máy hát…. Và nhất là giúp ổn định dòng điện trong xe. Nếu máy phát điện trong xe (alternator - sẽ đề cập trong phần hệ thống nạp điện) không cung cấp đủ năng lượng cần thiết, battery sẽ tiếp hơi bằng điện lượng có dự trữ sẵn trong “bụng” của mình.

Battery là một đơn vị được hàn kín. Người sử dụng xe chẳng có thể làm gì để săn sóc hay bảo trì battery, ngoài việc o bế hai trụ cực. Lý do là chúng thường bị muội trắng hoặc đất cát tụ vào, có thể làm cho dòng điện không thông và xe không thể nổ máy. Nên lâu lâu mình phải kiểm soát và tẩy sạch bụi trắng, và bảo đảm cho các đường dây nối cực không rời ra. Nếu đã làm như vậy rồi mà xe vẫn không chịu nổ máy, thì lý do là vì battery đã chết, không còn chút năng lượng nào ở bên trong. Biện pháp giải cứu đơn giản nhất là “câu” bình, nghĩa là dùng một dây cable dài, nối cái bình “chết” của mình với một cái xe có bình còn sống. Xe kia mở máy lên, là dòng điện bên ấy tiếp sang cho bên mình ngay.

Starter

Bộ phận tiếptheo trong hệ thống khởi động là cặp đôi Starter và Starter Solenoid. Dòng điện từ Battery sẽ đi vào solenoid trước, rồi từ đó sẽ được khuyếch đại để kích động Starter. Được kích động, starter sẽ làm xoay chuyển vòng bánh răng gọi là Starter Drive, từ đó tác dụng vào một bánh răng khác gọi là Ring Gear trên Flywheel. Flywheel xoay, kéo theo trục máy (crankshaft), đẩy Piston lên xuống trong xi lanh.

Một điều cần để ý là khi tra chìa khóa vào công tắc mở máy, chúng ta xoay chìa khóa theo chiều quay đồng hồ cho đến vị trí Start, và máy sẽ nổ. Máy nổ là phải bỏ tay ra ngay, và chìa khóa quay ngược lại một bậc và dừng lại ở chữ “ON”, đó là lúc Starter Drive đã chuyển vận được Flywheel rồi.

Dù máy không nổ, tài xế cũng phải buông tay ra ngay, không thể cố giữ ép chìa khóa ở vị trí Start. Rồi chờ chừng 2 phút cho Starter nguội lại trước khi thử vặn chìa một lần nữa. Không làm như vậy, hoặc cố ép chìa khóa quá lâu tại vị trí “start” trên công tắc máy, chúng ta sẽ làm hại hệ thống bánh răng (gear) trên starter và trên flywheel.

Nếu máy không nổ, nguyên nhân có thể là:

Dây nối bình điện bị lỏng: Cần kiểm tra để nối dây lại.

Bình điện đã “chết”, không còn khả năng giữ năng lượng, cần phải câu bình (jumpstart)

Hoặc Solenoid hư, không tiếp điện: Trường hợp này ít khi xảy ra. Nhưng nếu xảy ra, phải có thợ chuyên môn tháo gỡ và thay thế.

Lần sau, chúng ta sẽ đề cập hệ thống nạp điện.

Haosmith@yahoo.com

Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 675 8628. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT