Văn Nghệ

Tìm hiểu nghệ thuật chèo cổ cùng nghệ sĩ Lưu Nga

Friday, 27/10/2017 - 07:56:25

Khi gặp và kết hôn với người chồng thứ hai là một bác sĩ và là nhạc công chơi đàn tài tử, bà đã sinh ra con trai út ca sĩ Bằng Kiều, bà là người vợ thứ ba của ông. Lúc mang thai Bằng Kiều đã năm tháng, bà vẫn tiếp tục sống với các vai diễn như cô Tấm, Thị Kính… trên sân khấu chèo.

Bài BĂNG HUYỀN

Người nghệ sĩ sắc sảo, lắm đa đoan

Dường như nghệ thuật hát chèo đã để lại trong dung nhan, giọng nói, giọng hát của nghệ sĩ Lưu Nga chất đằm thắm, ngọt ngào vẫn mãi đậm đà theo thời gian. Dẫu xuất thân là diễn viên kịch, nhưng bà lại thành danh và được khán giả yêu thương qua những vai diễn trên sân khấu chèo, và đạt huy chương vàng biểu diễn chuyên nghiệp thì lại là vai diễn trong vở kịch thơ.

Bà tên thật là Nguyễn Thị Nga, nhưng khi trở thành diễn viên kịch và nghệ sĩ hát chèo, đã lấy nghệ danh là Lưu Nga. Lưu là họ của mẹ, khi ghép lại thành Lưu Nga, bà muốn ví mình như con thiên nga lưu lạc, hoặc như ánh trăng sáng về đêm, lưu lại cho đời điều gì đó thật dịu dàng, mát mẻ. Bà cũng chính là mẹ của ca sĩ Bằng Kiều.

Dẫu đã qua tuổi tri thiên mệnh, nhưng người nghệ sĩ này vẫn giữ được khá nhiều nét đẹp thời xuân sắc, gương mặt trái xoan, mắt phượng lúng liếng, miệng cười như hoa.


Nghệ sĩ Lưu Nga bên ngoài vườn của tư gia (Băng Huyền/Viễn Đông)

Trò chuyện cùng bà, người đối diện dễ dàng bị bà thu hút bởi chất giọng có âm sắc Hà Nội ấm áp, dầy dặn, vang, rền, và sang trọng. Gợi cho người nghe chất giọng tròn vành rõ chữ, “đổ hạt” xênh xang, dân dã mà kiêu sa. Đu đưa, ngân nga một dư vị ngọt ngào của hơi chèo, giọng chèo mà người nghệ sĩ vang danh một thời vẫn còn lưu giữ. Bà không chỉ thành công khi hát chèo mà còn hát văn, hát quan họ và ngâm thơ rất hay.

Trải qua thăng trầm trong cả đời tư lẫn công việc suốt nhiều chục năm sống tại Hà Nội sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954 và mới đến định cư tại Mỹ năm 2004, nghệ sĩ chèo Lưu Nga phải học cách tự cân bằng để trở thành người đàn bà vững vàng, mạnh mẽ tới hôm nay.


Nghệ sĩ Lưu Nga trong phòng khách gia đình (Băng Huyền/Viễn Đông)

Bà kể cuộc đời bà truân chuyên, lận đận lắm, “Kể thì một năm cũng không hết chuyện đâu. Tôi sinh ra trong gia đình trí thức tiểu tư sản tại Hà Nội. Từ nhỏ tôi đã phải xa rời bố mẹ, ở với bà nội. Tuổi thơ của tôi được sống trong tình yêu thương của bà, được bà cưng chiều lắm, vì tôi là con cầu con khẩn của bố mẹ, cả hai ở với nhau 6 năm, mới sinh ra tôi. Nên khi bố mẹ vì hoàn cảnh chiến tranh, phải ly tán, bà đã giữ lại tôi, để mẹ di cư vào Nam, có gia đình mới, vì mẹ vẫn còn trẻ và còn đẹp lắm. Còn bố thời gian sau cũng lấy vợ khác. Hồi đầu bà không muốn tôi sống với bố vì sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng, nhưng đến khi tôi 12 tuổi, hết tuổi bán khoán cho chùa Tây Phương (là con cầu tự tại chùa Tây Phương), bà nội đành cho tôi về sống với bố và dì ghẻ, để phụ chăm đàn em.”

Bà nói trong gia đình bà trước đó không có ai theo nghệ thuật, nhưng bố bà hát tài tử thanh nhạc Việt rất hay, đàn rất giỏi, cụ lại làm thơ, nên chắc bà có gen từ bố. “Từ bé tôi đã có khiếu hát hay lắm rồi, hát ru em bằng những bài hát từ truyện thơ như Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa là những sách mà tôi đã mê thích và thuộc làu từ nhỏ. Tiếng ru em của tôi buồn thảm, ai oán lắm, vì nỗi buồn cứ chất chứa khi sống cảnh dì ghẻ hành hạ.”


Nghệ sĩ Lưu Nga trong phòng khách gia đình (Băng Huyền/Viễn Đông)

Nghệ sĩ Lưu Nga đã được tuyển vào trường Nghệ Thuật Sân Khấu lúc 14 tuổi. Bà kể, “Lúc bấy giờ, tôi đi theo mấy đứa bạn cốt là đi xem thi tuyển thôi, nhưng nhờ có ngoại hình nổi bật, nên được chọn, chứ tôi chẳng có thi thố gì. Đến khi được chọn vào đoàn kịch chuyên nghiệp lúc 16 tuổi tôi cũng được nhặt vào, chẳng thi tuyển gì hết, chỉ nhờ biểu cảm gương mặt của tôi rất hợp kịch nói, hình thể đẹp, phát âm chuẩn giọng Hà Nội. Tôi vốn thông minh, khi vào đoàn được học diễn xuất, phân tích nhân vật và nhập vai rất nhanh.

“Vai diễn đầu tiên trên sân khấu là vai hát xẩm, nhờ trời phú cho tôi khả năng thẩm âm tốt, nên chỉ cần học phách vài tiếng là đánh phách xẩm nhịp nhàng như người ta đã học nhiều năm. Cộng với đam mê, nên tôi chịu khó học bất kể ngày đêm. Vai chính đầu tiên là vai bi kịch, vở kịch Một Mặt Người, đóng vai vợ người lính VNCH. Năm 1962 tôi được huy chương vàng vai diễn cô lái đò, trong vở kịch thơ Lam Sơn Tụ Nghĩa, khi đó tôi mới 17 tuổi, bé nhất đoàn, đóng vai người yêu của Trần Nguyên Hãn. Ban đầu tôi được giao vai học trò Nguyễn Trãi, nhưng vai lái đò phải ngâm thơ nhiều quá, nên giao cho tôi.”

Sau này vì buồn chuyện riêng tư, bà đã rời khỏi đoàn về nhà ở với bố và dì ghẻ một thời gian ngắn. Sau đó có người bạn cho biết đoàn Hồng Quảng là một đoàn hát mới lập ra đang tuyển diễn viên, bà có gặp ông đoàn trưởng và được đoàn trưởng mời vào đoàn.

Trở thành nghệ sĩ hát chèo

Nghệ sĩ Lưu Nga nhớ lại, “Khi mới đến nơi láng trại của đoàn Hồng Quảng (gồm đặc khu Hồng Gai hay Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên), vào đêm trăng sáng, các nghệ sĩ của đoàn cùng quây quần bên nhau ngắm trăng, ca hát, các nghệ sĩ, người thì kéo nhị, đàn kìm… cùng hát với nhau. Khi đó tôi đã hát điệu chèo Tình Thư Hạ Vị, tôi vốn rất mê khi nghe nghệ sĩ Bạch Tuyết (nghệ sĩ hát chèo) hát thu đĩa nhân vật Châu Long (vở chèo Lưu Bình Dương Lễ), tôi đã thuộc lòng từ khi còn ở trong đoàn kịch. Các bạn trong đoàn Hồng Quảng ngạc nhiên, hỏi tôi biết hát chèo à. Tôi nói tôi không sinh ra ở làng chèo, nhưng tôi mê tiếng hát chèo, chèo như có ma lực hút tôi vào.

“Tôi mê chèo vì nó nhẹ nhàng, không sướt mướt, rất tươi mát, dễ đi vào lòng người. Cốt chuyện cổ của chèo rất nhân bản. Trong thời gian là diễn viên kịch, những hôm rỗi, tôi thường vào xem đoàn diễn chèo tại rạp Chuông Vàng. Vì đoàn bấy giờ là đoàn tổng hợp, có kịch, chèo, cải lương, mỗi ngành chia ra.”

Sau buổi hát chơi với các bạn diễn viên, khi chia từng diễn viên vào các ngành nghệ thuật khác nhau của đoàn hát Hồng Quảng, nghệ sĩ Lưu Nga được chọn vào đoàn hát chèo. Thế rồi nghiễm nhiên bà trở thành nghệ sĩ chèo. Không ai còn gọi nghệ sĩ Lưu Nga là diễn viên kịch nữa mà là nghệ sĩ chèo. Và bà được giới chuyên môn đánh giá là hội tụ đầy đủ những tinh hoa của nghệ sĩ chèo, gồm thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.

Nghệ sĩ Lưu Nga cho biết, khi được tuyển vào làm nghệ sĩ hát chèo, bà chưa từng được học bài bản về hát chèo tại bất cứ ngôi trường nào, mà chỉ học lóm qua băng đĩa. Chỉ khi lên sân khấu, các đạo diễn và anh chị bạn bè đồng nghiệp mới hướng dẫn một vài đường nét cơ bản, còn lại tất cả phải tự học. Vì yêu nghề hết mình nên bà cũng học hết mình. Và với tinh thần tự học hỏi, luôn luôn lắng nghe, không ngừng quan sát và tự sáng tạo nên suốt nhiều năm theo nghề, bà đã tích lũy được vốn liếng đáng kể.

Bà đã học và hát như rút gan ruột, từ kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ, luyến láy đến vũ đạo, thần sắc, trang phục biểu diễn để giữ cho được hồn cốt của chèo.

Nhờ qua các vai diễn bà hiểu rằng, với nghệ thuật chèo muốn thành công phải đam mê và rèn luyện ngày đêm. Nghệ sĩ chèo nhất là vai chính thì cần phải có hình thể, giọng hát, diễn xuất cũng như thông thuộc vũ đạo. Có hình thể đẹp đã là một lợi thế nhưng diễn làm sao để truyền tải những chuyển biến trong tâm tư, tình cảm nhân vật qua từng màn, từng đoạn lại là một chuyện khác.

Có được điều đó là do bà đã hát bằng cả trái tim, bằng mồ hôi nước mắt khổ luyện. Với nghệ sĩ Lưu Nga những lúc trên sân khấu, bà sống hoàn toàn là nhân vật của vở diễn, bà trăn trở với từng câu hát, điệu múa, động tác diễn.

Bà cho rằng nghệ sĩ chèo có giọng hát hay thôi chưa đủ mà giọng hát ấy phải có màu chèo, có kỹ thuật luyến, láy, nhấn nhá, nhả câu, nhả chữ sao cho đẹp, cho bay. Không chỉ hát, chỉ diễn mà còn biết thổi hồn cho nhân vật, cho bài ca, nên những bài ca và vai diễn của bà luôn tinh tế, sâu sắc, được bạn bè đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao.

Nhân vật do nghệ sĩ Lưu Nga đóng từ trên sân khấu đã bước thẳng ra cuộc đời. Thậm chí nhiều khán giả thời bấy giờ không gọi bà bằng cái tên thực nữa mà gọi là cô Tấm, vốn là một trong những nhân vật mà bà đã nhập vai xuất sắc.

Tác giả Lưu Quang Thuận (là bố của tác giả đạo diễn Lưu Quang Vũ) đã viết vở chèo Tấm Cám rất thành công, khi làm việc cùng nghệ sĩ Lưu Nga ông rất hài lòng với cách làm việc cũng như cách ứng diễn thông minh, đầy chất nghệ sĩ, có cá tính sáng tạo của bà. Ông từng ví von bà là “cô Tấm của thế kỷ,” vì tài nghệ xuất sắc khi hóa thân vào vai diễn, giúp vai Tấm trở nên sống động, nổi bật nhất thưở cuối thập niên 1960- những năm đầu thập niên 1970.

Nghệ sĩ Lưu Nga tâm sự, “Vì tôi là cô Tấm ngoài đời rồi. Cô Tấm của tôi ngoài đời còn khổ hơn trên sân khấu, nên tôi vào vai Tấm ngọt lắm. Lúc diễn vở Tấm Cám, tôi đã bỏ đoàn Hồng Quảng, bế hai con gái (là chị cùng mẹ khác cha của ca sĩ Bằng Kiều) về lại Hà Nội vì biến cố gia đình. Chồng bị vướng vào vòng lao lý. Khi đó tôi đã vào đoàn chèo nghiệp dư tại Hà Nội để diễn, không muốn vào đoàn chuyên nghiệp nữa, bị đấu đá mệt mỏi lắm. Đoàn chèo mang tên Hồng Hà là đoàn chèo tiểu thủ công nghiệp thành phố Hà Nội.
“Dù là đoàn nghiệp dư, nhưng quy tụ các diễn viên chuyên nghiệp, thành ra mỗi khi sáng đèn sân khấu, khán giả đến xem rất đông, bán vé ngang tiền như của đoàn chuyên nghiệp. Tôi vừa học vừa làm ban ngày, làm những mặt hàng sơn mài (được đoàn cho đi học Cao Đẳng Mỹ thuật Mỹ Nghệ, học vài ngày trong tuần, còn mấy ngày kia thì làm tại cơ sở, khi chưa biết vẽ, thì chỉ làm những mặt hàng dễ) và diễn chèo buổi tối nếu đoàn có hợp đồng. Sao khi tôi vào vai Tấm, thì các đòan chèo trên khắp tỉnh miền Bắc khi ấy đều dàn dựng vở chèo Tấm Cám.”

Bà kể có lẽ khuôn mặt và tính cách của bà hợp với những vai đào chính nên bà chỉ luôn vào những vai đào chính. Trong gia tài trình diễn của mình, bà có được những vai để đời như vai Tấm, trong vở chèo Tấm Cám. Kịch thơ Ngọc Hân Công Chúa, vai Ngọc Hân. Vai Thị Kính vở chèo Quan Âm Thị Kính… Bà đóng vai nào ra vai đó, không bị chồng chéo, trộn lẫn vai diễn với nhau. Vì bà là diễn viên kịch, biết phân tích nhân vật trước khi hóa thân vào vai diễn.

Tấm là cô gái nông thôn hiền lành, ngây thơ, lý lắc, đáng yêu, hồn nhiên, chấc phác thật thà. Còn khi thành hoàng hậu thì sang trọng. Thị Kính là phụ nữ chính chắn, là tiểu thư con cụ đồ, dù nhà nghèo, nhưng có học hành bài bản, đoan trang, thùy mị, nết na.

Phát âm của Tấm trong sáng, đáng yêu. Phát âm của Thị Kính đoan trang, tiểu thư. Phát âm Ngọc Hân thì quyền quý, cao sang.

Vẻ đẹp của chèo cổ

Theo nghệ sĩ Lưu Nga, nét đặc trưng của nghệ thuật hát Chèo là các động tác múa, người nghệ sĩ chèo diễn xuất tinh tế không chỉ ở các làn điệu hát, mà còn múa, đây là những động tác cách điệu, tượng trưng, chú trọng tả ý. Với đôi bàn tay khéo léo, từng cử chỉ, từng động tác đã toát lên được cái thần của nhân vật, tức là biểu hiện rõ tính cách và nội tâm của nhân vật qua nét mặt, ánh mắt và động tác múa, đặt biệt múa hai bàn tay. Mỗi động tác múa chèo cho từng loại nhân vật đều có ý nghĩa khác nhau.

Chẳng hạn như vai nữ chính là người thùy mị, nết na, công dung ngôn hạnh, nên giọng ấm, dễ nghe, ngọt ngào.

Còn nữ lệch, là vai phản diện, tính cách xấu, muốn vượt qua khuôn khổ lễ giáo, nên giọng của nữ lệch chanh chua, phải lên tông cao một chút xíu. Cơ mặt của nghệ sĩ vai nữ lệch thì ánh mắt, động tác múa… đều phải nhanh, bước đi dài rộng, tung tẩy, dáng đi ưỡn ẹo, người đong đưa, mắt liếc ngang liếc dọc, hát những làn điệu có âm vực rộng, nhảy quãng xa, biến phách. Ví dụ như vai Thị Mầu, Cám…

Các vai nữ chính thì động tác dịu dàng, quay người nhẹ nhàng, mắt nhìn thẳng, khép nách khi múa, cười không bật thành tiếng, nói không hở miệng, đi bước ngắn, chân khép, hát những làn điệu chậm. Ví dụ như vai Thị Kính, Tấm, Châu Long…

Khi gặp và kết hôn với người chồng thứ hai là một bác sĩ và là nhạc công chơi đàn tài tử, bà đã sinh ra con trai út ca sĩ Bằng Kiều, bà là người vợ thứ ba của ông. Lúc mang thai Bằng Kiều đã năm tháng, bà vẫn tiếp tục sống với các vai diễn như cô Tấm, Thị Kính… trên sân khấu chèo.

Sau năm 1975 bà ngưng không diễn chèo nữa, chuyển sang hướng dẫn cho các nghệ sĩ nghiệp dư của các cơ sở, nhà máy để thi Hội Diễn Quần Chúng. Vào khoảng thập niên 1980-1990, những khi thầy Năm Ngũ (nghệ sĩ hát chèo nổi tiếng tại Việt Nam) hay đi nói chuyện về chèo tại các trường học, bà đi theo để thể hiện những điệu hát chèo, những lớp diễn minh họa những bài giảng về chèo của thầy Năm Ngũ.

Bà nói bà cảm ơn những nhân vật mà bà đã hóa thân, nên được khán giả yêu bà qua những vai diễn. Vì vậy bà luôn sống và cư xử sao thật đẹp như những vai diễn mà bà rất yêu và đã sống trên sàn diễn, để tình cảm khán giả dành cho bà không bị thất vọng.

Mỉm cười hiền hậu, nghệ sĩ Lưu Nga tâm sự, “Chỉ còn lớp người cũ, khán giả cũ còn nhớ lại những hình ảnh đẹp ngày xưa của tôi qua các vai chèo mà người ta hâm mộ. Ánh hào quang bây giờ của tôi cũng nhạt rồi, giờ thì con trai được khán giả biết đến, nên những khán giả đương thời khi nhắc đến tôi thì họ bảo đó là mẹ của ca sĩ Bằng Kiều.

“Vậy mình vẫn phải lịch sự, phải luôn đẹp cho mình từ trong tâm hồn cho đến bề ngoài, dẫu thời gian có làm sắc vóc, hình dáng thay đổi. Tôi đã gắn bó với Hội Nghệ Sĩ Tâm Linh từ khi hội thành lập đến nay đã tám năm qua cũng là cách để mình học hỏi để thăng tiến tâm linh, đạo đức của người nghệ sĩ.”
Giọng nói buồn buồn, ánh mắt xa xăm như đang nhớ lại thuở vàng son của nghệ thuật hát chèo mà nay đã tắt, nghệ sĩ Lưu Nga chia sẻ, “Chèo cổ là một nghệ thuật hay lắm, giá trị lắm, rất thuần Việt. Ngày nay có rất nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện, tình yêu dành cho nghệ thuật sân khấu truyền thống như chèo của lớp khán giả trẻ ở trong nước hầu như không còn. Làm thế nào để khán giả yêu chèo và thích thú tìm hiểu nghệ thuật chèo, xem chèo thật khó vô cùng, đây không chỉ là băn khoăn của tôi mà cũng là suy tư của những nghệ sĩ hát chèo. Tôi chỉ mong muốn những ai chưa biết gì về chèo hãy thử tìm hiểu và thưởng thức thử, có thể quý vị sẽ yêu nghệ thuật này, vì nó là tinh túy của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nó trong sáng và đáng yêu vô cùng.”

 

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT