Mẹo Vặt

Tìm hiểu Nutrition Facts (bài 3)

Thursday, 12/11/2015 - 07:38:10

Thực ra, đó là những kiến thức phổ thông, được viết ra để gửi tới mọi tầng lớp khách hàng, nên ý nghĩa của chúng khá là đơn giản, chứ không có gì kỳ bí!

Chất béo

Bài VŨ HẰNG

Nutrition Facts, bảng liệt kê thành phần dinh dưỡng trên nhãn hiệu của một hộp thực phẩm, trình bầy năm chi tiết quan trọng. Chi tiết đầu tiên, Serving Size, cho chúng ta biết hộp thực phẩm có mấy phần ăn. Chi tiết thứ hai, Calories, cho biết số năng lượng mà mỗi phần ăn cung cấp. Số Calorie vào khoảng từ 50 đến 100 là phải chăng, dưới càng tốt, trên thì không nên. Ngoài ra, bảng Nutrition Facts còn cho chúng ta biết thêm nhiều điều khác.

Những thứ cần phải tiết giảm

Sau Calorie, bảng Nutrition Facts sẽ liệt kê những thứ cần phải hạn chế, nghĩa là tiếp nạp càng ít vào cơ thể càng tốt. Những thứ đó là: Fat (chất béo), Cholesterol (mỡ), và Sodium (muối). Bên cạnh đó, về bên tay phải, chúng ta thấy có chữ % Daily Value*, giống như những ám hiệu, hoặc mật mã của các nhà khoa học. Có tò mò đọc những hàng chữ này, đa số chúng ta đều “hiểu ... chết liền”. Thực ra, đó là những kiến thức phổ thông, được viết ra để gửi tới mọi tầng lớp khách hàng, nên ý nghĩa của chúng khá là đơn giản, chứ không có gì kỳ bí!

Các nhà dinh dưỡng cho rằng, các loại fast food như McDonald, Pizza, Kentucky Fried Chicken…. có nhiều Trans Fat, Cholesterol và Sodium…. Lâu lâu ăn ăn một bữa thì được, ăn thường xuyên là không tốt



Khi ăn uống, chúng ta chỉ nghĩ đến sự ngon lành qua cảm giác chua ngọt, ngậy bùi trên đầu lưỡi... chứ có ai ăn nghĩ rằng mình đang nạp thêm Fat, Cholesterol, hoặc Sodium vào cơ thể. Thực tế những chất đó có trong thực phẩm, làm cho thực phẩm ngon hơn, và chính vì sự ngon miệng mà người dân Mỹ thường ăn quá nhiều. Đáng tiếc, như ông bà mình vẫn nói “cái miệng làm khổ cái thân”, đó lại là những chất mà các chuyên viên y tế cho rằng có thể dẫn đến nhiều tật bệnh như bệnh tim, ung thư hoặc cao máu. Vì thế, nhà nước Hoa Kỳ đòi buộc giới sản xuất phải ghi rõ trọng lượng cũng như tỷ lệ 3 chất này trên nhãn hiệu thực phẩm để cảnh giác khách hàng.

Nên nhớ rằng các con số ghi ra ở đây đều chỉ tính trên MỘT phần ăn. Chính vì thế mà ngay trên ở đầu bảng Nutrition Facts, nhà sản suất phải ghi ra tổng số phần ăn. Trong thí dụ về hộp mì ống tẩm cheese, nhà sản xuất ước lượng có hai phần ăn, mỗi phần tương đương một tách nhỏ. Tất cả các số lượng ghi trên bảng Nutrition Facts đều dựa trên 1 tách nhỏ đó. Nếu ngon miệng ăn thêm thì số lượng Fat, Cholesterol, Sodium… và các thành phần khác đều tăng lên gấp đôi, gấp ba, hoặc gấp bốn...

Total Fat

Mở đầu những chất cần tiết giảm là Total Fat, có nghĩa “chất béo nói chung”. Các vị sư phụ cho biết, “chất béo nói chung” có nhiều loại, xuất hiện hằm bà lằng trong thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Chất béo nói chung không phải là xấu, chúng giúp cho cơ thể tiêu hóa Vitamin, giúp cho làn da khỏe mạnh, và cho chúng ta cảm giác no đủ sau một bữa ăn.

Kể hết tên tuổi của các loại Fat ra thì rất dài dòng và lỉnh kỉnh, chúng ta chả làm sao nhớ hết được. Với lại, các sư phụ cho biết, chỉ có hai thứ Fat cần phải lưu ý nhiều hơn vì sự độc hại, và đó cũng là lý do nhà sản xuất bắt buộc phải ghi tên chúng ra, đó là:
- Saturated Fat (chất béo bão hòa)
- Trans Fat (chất béo chuyển hóa)

Đúng là những cái tên khó đọc, có tiếng Việt kèm theo cũng chẳng làm dễ dàng hơn. Hằng đề nghị mình chịu khó nhớ cái tên tiếng Mỹ thôi, bởi vì chúng ta sẽ rất thường gặp lại trên những món đồ đóng hộp, dù đó là đồ hộp sản xuất tại Mỹ, hay tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Cả Saturated Fat và Trans Fat đều dễ trở thành độc hại nếu dùng quá liều lượng. Theo cơ quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm (Food and Drug Administration) của nhà nước Hoa Kỳ thì hai chất béo này làm tăng mỡ trong máu, và dễ đưa đến nguy cơ tiểu đường và bệnh tim. Nên chúng ta được khuyên là phải hạn chế hai loại chất béo này càng nhiều càng tốt. Trong thí dụ về hộp mì ống có tẩm cheese, chúng ta thấy Total Fat được ghi là 12 grams, nhưng Saturated Fat chỉ chiếm 3 grams, Trans Fat chiếm 3 gram…. Phần còn lại 6 grams là những chất béo vô hại, nên không buộc phải ghi ra.
Ngoài chất béo, các vị sư phụ còn lưu ý chúng ta về hai thứ khác: Cholesterol và Sodium, cũng là những “tay anh chị” khét tiếng, người hiền lương có gặp thì phải tránh xa. Hẹn với các bạn lần sau, chúng ta sẽ nói thêm về hai “tay anh chị” này.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT