Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh Tự Kỷ (kỳ 2)

Sunday, 24/06/2018 - 04:56:29

Vắcxin ngừa HPV là một tiến bộ của y học, và tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung có thể làm giảm đến 70% nguy cơ mắc bệnh. Vắcxin HPV đã được thẩm định và lưu hành tại hơn 130 quốc gia và phụ nữ ở hơn 65 nước đã được tiêm vắcxin này trong chương trình tiêm chủng quốc gia.


Em Minh Quân con trai của cô Phương Trần đang học ABA (Applied Behavior Analysis) với giáo viên đến nhà dạy. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Cô Phương Trần cùng chồng và bốn người con (ba con trai, một con gái) từng sống ở tiều bang Nebraska, khoảng vài năm nay chuyển về Quận Cam sống tại thành phố Midway để thuận tiện cho các con trong việc chữa trị bằng phương pháp ABA (Applied Behavior Analysis).

Đây là phương pháp giúp cải thiện nhiều mặt cho trẻ tự kỷ về nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ. Đồng thời phương pháp này cũng giúp loại bỏ những hành vi tiêu cực và thay thế bằng những hành vi tích cực, giúp trẻ bi tự kỷ có những ứng xử phù hợp với cuộc sống.

Cả bốn người con của cô Phương Trần đều bị tự kỷ, con trai đầu (nay đã 21 tuổi) và con gái út (14 tuổi) bị tự kỷ nhẹ, còn hai con trai giữa là Minh Khoa (nay 18 tuổi) và Minh Quân (17 tuổi) đều bị tự kỷ kèm theo bị chậm phát triển.

Nỗi đau ngập tràn trong đôi mắt, giọng nghẹn ngào, cô Phương Trần tâm sự, “Minh Khoa và Minh Quân lúc sinh ra thì vẫn bình thường như những trẻ khác, có nói vài từ bập bẹ, nhưng sau khi chích ngừa về bị sốt cao kèm theo động kinh phải vào bệnh viện cấp cứu, Minh Khoa không nói gì nữa từ lúc 2 tuổi. Đến khi Minh Khoa được 3 tuổi đi học preschool, cháu vẫn không nói, sau đó tôi mới biết là cháu bị tự kỷ khi được người thông dịch giúp nói chuyện khi đến trường. Khi đó tôi đâu có biết bệnh tự kỷ là gì. Minh Quân cũng giống anh trai, khi chích ngừa về cũng bị sốt cao phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tôi có nói với bác sĩ nhi khoa (là người Mỹ) nơi gia đình tôi sống bấy giờ tại tiểu bang Nebraska về việc anh của Minh Quân là Minh Khoa từng sốt cao sau khi chích ngừa sau đó không nói nữa, được phát hiện bị tự kỷ, nên tôi lo là Minh Quân cũng sẽ bị bệnh như Minh Khoa, nhưng ông bác sĩ nói rằng chích ngừa không phải là nguyên nhân gây ra tự kỷ.”
 

Bác sĩ Xuân Tô (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chích ngừa có gây ra bệnh tự kỷ?

Người viết có hỏi bác sĩ Lê Đức Xuân Tô (là bác sĩ chuyên về Nhi khoa và chuyên về Dị Tật Bẩm Sinh) thuốc chích ngừa có phải là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ hay không? Bác sĩ Xuân Tô khẳng định thuốc chích ngừa không gây ra bệnh tự kỷ.

Bác sĩ Xuân Tô cho biết, “Một số cha mẹ cho rằng vaccine thông thường dành cho trẻ nhỏ như sởi, quai bị, rubella (MMR) có thể gây ra bệnh tự kỷ. Nhưng nhiều nghiên cứu ở Mỹ và nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã được tiến hành vẫn không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa bệnh tự kỷ và vaccine. Trong khi đó cả Viện Y Học Mỹ và Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ đều cho biết không có bằng chứng cho thấy vaccine là nguyên nhân gây ra tự kỷ.”

Theo bác sĩ Xuân Tô bệnh tự kỷ không phải do một nguyên nhân duy nhất nào, mà là do một nhóm các điều kiện với những triệu chứng liên quan. Di truyền học và điều kiện môi trường sống đều có vai trò trong việc gây ra bệnh tật. Riêng về tự kỷ thì yếu tố di truyền có vai trò trong đó. Nghiên cứu đã cho thấy những trẻ có anh chị em chẩn đoán bị tự kỷ sẽ có 15% -30% rủi ro mắc tự kỷ, so với những người có nguy cơ thấp chỉ 1%. Một số dị dạng nhiễm sắc thể, như hội chứng Fragile X, xơ cứng củ, hội chứng Joubert, và nhân đôi của các nhiễm sắc thể 15q11-13, có thể dẫn đến chứng tự kỷ.

Thuốc chích ngừa (Vắc-xin) có rất nhiều loại. Một số vi khuẩn sống gây ra phản ứng miễn dịch, một số vắc-xin chứa vi khuẩn không hoạt động gây ra phản ứng miễn dịch. Một số chỉ có các kháng nguyên gây ra phản ứng miễn dịch và không phải toàn bộ vi khuẩn. Loại vắc-xin bị cho là nguyên nhân tiềm tàng gây bệnh tự kỷ là MMR (vắc-xin sởi, quai bị, rubella).

Trong một nghiên cứu đăng trên số tháng 2/1998 của tạp chí The Lancet, là tạp chí Y khoa uy tín của Anh, Andrew Wakefield là một cựu bác sĩ người Anh, đã liên hệ sai lầm vắc-xin MMR (sởi, quai bị, rubella ) với tự kỷ. Nghiên cứu với 95,000 trẻ em không thấy liên quan giữa ngừa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Những lo ngại về vắc-xin và bệnh tự kỷ bắt đầu lan rộng sau bài viết của tác giả Andrew Wakefield vào năm 1998 về việc tìm thấy sự liên quan giữa MMR và bệnh tự kỷ trong 12 trẻ em. Tuy nhiên, bài báo được kiểm tra là sai sự thật và bị gỡ bỏ khỏi tạp chí. Andrew Wakefield cũng bị tước giấy phép y tế của mình. Dù vậy, hậu quả của việc lo ngại tính an toàn vắc-xin, đặc biệt trong thời đại internet phát triển thì việc lo ngại chích ngừa bị bệnh tự kỷ vẫn khó bị dập tắt.

Dù sau đó có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện từ năm 2002 đến 2005 đều cho thấy không có mối liên hệ nào giữa bệnh tự kỷ và vắc-xin MMR.

Tháng 4/2013, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nhi khoa (The Journal of Pediatrics) một lần nữa cho thấy không có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vắc-xin và bệnh tự kỷ. Như những nghiên cứu trước, nghiên cứu này cho thấy dù trẻ đã tiêm bao nhiêu vắc-xin trong cùng một lúc hay trong một khoảng thời gian, đều không phát sinh bất cứ rủi ro nào liên quan đến sự phát triển của trẻ.
Bác sĩ Xuân Tô nói, “Có nhiều người hiểu sai, không cho con đi chích ngừa, vì sợ con bị tự kỷ. Nhưng chích ngừa rất quan trọng, sẽ bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Ví dụ như trẻ bị bệnh ban đỏ (sốt phát ban) nhiều cha mẹ Việt Nam nói bệnh đó không nguy hiểm, có sao đâu. Nhưng thật ra, một trong những biến chứng của bệnh phát ban là sẽ làm sưng phổi và sưng óc. Hay bệnh Rubella nếu người đàn bà có bầu, chưa ngừa Rubella, bị sốt, nổi mẫn, nghĩ là nhẹ thôi, nhưng sẽ gây nguy hiểm cho bào thai, trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm bệnh Rubella, trẻ có thể bị bệnh tự kỷ, bị tim bẩm sinh, bị mù, bị điếc. Vậy tại sao mình không chích ngừa Rubella cho trẻ từ nhỏ để bảo vệ cho trẻ về sau khi trưởng thành, nhất là con gái sau này sẽ làm mẹ.

“Hay như chích ngừa để ngừa bệnh quai bị, với con trai nếu không ngừa, trẻ mắc bệnh có thể gây ra vô sinh khi trưởng thành.

“Hoặc như chích ngừa chicken pox (bệnh trái rạ), nếu không ngừa từ nhỏ, đến khi trưởng thành mắc bệnh trái rạ sẽ nặng, nguy hiểm cho phổi, mắt. Nếu người đàn bà đang có bầu mà bị chicken pox càng nguy hiểm hơn, gây cho bào thai bị dị tật bẩm sinh.

“Hay như thuốc ngừa viêm màng não. Nếu không ngừa, bị nhiễm bệnh thì trẻ bị chết.
Bác sĩ Xuân Tô mong rằng những người phụ nữ trong khi có bầu, phải cẩn thận, vì bị nhiễm bệnh gì có thể gây nguy hiểm cho bào thai. Những bệnh nào ngừa được nên ngừa trước khi có thai, trong thời gian mang thai không nên uống rượu, không dùng những chất gây nghiện như thuốc lá, ma túy… đều có thể gây ra cho trẻ bị tự kỷ.

“Khi người mẹ có thai, nếu vitamin D thấp cũng có thể gây cho trẻ bị tự kỷ. Vì vậy tốt nhất trước khi có bầu, nên đi khám phụ khoa, để phòng ngừa những bệnh bằng cách uống vitamin. Như dùng Vitamin D. Hoặc uống axit folic để ngừa con bị bệnh hở đốt sống cổ. Axit folic hỗ trợ và đảm bảo não bộ và tủy sống của bé phát triển khỏe mạnh. Thậm chí ngay trước khi người mẹ biết rằng mình đang mang thai, não và tủy sống của bé đã được hình thành trong tử cung. Việc bổ sung đủ lượng axit folic vào thời điểm quan trọng này sẽ giúp thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh. Ngoài ra, axit này có thể giúp mẹ và em bé hạn chế những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe có thể xảy ra. Uống axit folic vào đúng thời điểm và đủ liều sẽ làm giảm 72% nguy cơ gặp phải các biến chứng trên khi mang thai.”

Còn với những loại thuốc chích ngừa không bắt buộc như vắcxin ngừa vi rút HPV (Human papilloma virus) - nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý sinh dục khác mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn… có những ý kiến cho rằng chích ngừa thuốc này sẽ gây ra vô sinh. Nhưng trong thực tế nó còn giúp cải thiện khả năng sinh sản do ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt ba loại vắc-xin có tác dụng phòng ngừa virus HPV, bao gồm: Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix. Tất cả mọi người cần tiêm 3 mũi vắc-xin trong vòng 6 tháng để vắc-xin phát huy hiệu quả tốt nhất.

Những loại vắc-xin này giúp bảo vệ khỏi virus HPV chủng 16 và 18. Hai loại virus này được xem là nguy hiểm nhất vì chúng có thể gây ra các căn bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và hậu môn. Một số loại vắc-xin như Gardasil cũng có tác dụng chống lại virus HPV chủng 6 và 11, hai chủng virus này có thể gây ra bệnh mụn cóc sinh dục.

Bác sĩ Xuân Tô cho biết, “Đã có những nghiên cứu cho thấy người đàn bà châu Á, trong đó có gốc Việt với xác suất bị ung thư cổ tử cung rất cao, kế đó là Mỹ đen, Mexico. Nghiên cứu thấy rằng trong người đàn bà gốc Việt có loại gene dễ gây ung thư cổ tử cung, vậy sao mình không cho con gái chích ngừa để được an toàn cho con về sau. Trong độ tuổi từ 9 đến 29 tuổi, miễn người nữ đó chưa quan hệ tình dục, đều có thể chích ngừa, còn nếu đã có quan hệ tình dục rồi mới chích ngừa thì không hiệu nghiệm nữa.”
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến thứ hai với người phụ nữ chỉ sau ung thư vú và là nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ. HPV là virus sinh u nhú ở người. Nhiễm HPV thường gặp ở những người trong độ tuổi hoạt động tình dục. Khoảng 79 triệu người Mỹ nhiễm ít nhất một loại HPV. Có khoảng hơn 100 typ HPV đã được tìm ra.

Vắcxin ngừa HPV là một tiến bộ của y học, và tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung có thể làm giảm đến 70% nguy cơ mắc bệnh. Vắcxin HPV đã được thẩm định và lưu hành tại hơn 130 quốc gia và phụ nữ ở hơn 65 nước đã được tiêm vắcxin này trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Trên thực tế, hiệu quả cùng sự an toàn của vắcxin ngừa HPV đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) công nhận. Trong báo cáo mới nhất được cập nhật vào tháng 6-2017 tại trang chủ của WHO, kể từ khi được cấp phép từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 270 triệu liều vắcxin ngừa HPV được phân phối trên toàn cầu. Tính đến nay, Uỷ ban Tư vấn về An toàn Vắcxin Toàn cầu (GACVS) đã có 6 lần xem xét dữ liệu về độ an toàn của vắcxin ngừa HPV được thực hiện trên quy mô hàng triệu người tại Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thuỵ Điển cùng nhiều nước khác để chắc chắn không có bất cứ bất lợi sức khoẻ nào xảy đến với người được chích ngừa.

Rõ ràng, tiêm vắcxin ngừa HPV chính là một giải pháp hữu hiệu mở ra hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại ung thư cổ tử cung cũng như các bệnh lý sinh dục liên quan. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống đến 5 năm chỉ đạt khoảng 16%, nên việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, để chủ động bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của chính mình.

Vì vậy bác sĩ Xuân Tô mong những người làm cha, mẹ đừng ngần ngại trong việc tiêm vắcxin ngừa HPV, đồng thời cần tìm hiểu thông tin y học tại những nguồn uy tín, xác thực, chứ đừng nên đọc những tài liệu không có tính khoa học uy tín, tin vào đó sẽ rất nguy hiểm.

Bác sĩ Xuân Tô kết luận, “Vacxin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ cho người được ngừa không mắc bệnh và tránh xảy ra các bệnh dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng. Đối với trẻ em, việc chích ngừa là rất quan trọng, vì kháng thể tự nhiên của bé chỉ tồn tại trong khoảng 1 tháng đến 1 năm. Chích ngừa giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và phòng chống được nhiều bệnh. Khi gặp những cha mẹ đưa con đến chích ngừa nói với tôi không muốn cho con bị chích quá nhiều mũi trong một ngày, thì tôi vẫn đồng ý cho cha mẹ quay lại chích những mũi tiếp theo vào những ngày tiếp theo, nhưng thật ra có chích cùng một lần nhiều thuốc cũng không gây ra bệnh tự kỷ cho trẻ. Vì dựa trên nghiên cứu của ông Wakefield vào năm 1998, có nhiều cha mẹ đã lo ngại vắc-xin MMR gây ra bệnh tự kỷ. Nhưng các nghiên cứu khoa học chân chính đã chiếm ưu thế và cho thấy hoàn toàn không có liên kết nào giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Trẻ sơ sinh được chích ngừa bệnh và những trẻ không được chích ngừa đều có tỷ lệ rủi ro mắc tự kỷ như nhau. Chích ngừa không thể nào gây ra bệnh tự kỷ cho trẻ.”
(Còn tiếp)




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT