Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh Tự Kỷ (kỳ 8)

Sunday, 05/08/2018 - 03:23:03

Còn có những bác sĩ nhiều khi vì quá đông bệnh nhân, họ khám rất nhanh, phụ huynh không hỏi thì họ cũng không quan tâm. Phụ huynh thì phải có trách nhiệm với con mình về việc phát triển của con mình.”

Bài BĂNG HUYỀN

Chia sẻ từ thầy cô giáo của Hearts of ABA

Thầy giáo Joseph Khang Nguyễn và cô giáo Tina Mai là hai người sáng lập ra công ty Hearts of ABA, là nơi chuyên cung cấp chương trình trị liệu bằng phương pháp ABA (Applied Behavior Analysis- là phương pháp giúp cải thiện nhiều mặt cho trẻ tự kỷ về nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ, giúp loại bỏ hành vi tiêu cực tự xâm hại bản thân của trẻ) đều cho rằng, điều trị sớm ngay khi trẻ được chẩn đoán bị tự kỷ là tốt nhất.


Cô giáo Tina Mai và thầy Joseph Khang Nguyễn đã sáng lập ra công ty Hearts of ABA. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Hiện chưa có một giải pháp hiệu quả để điều trị tự kỷ, không chữa được hết tự kỷ, nhưng sự can thiệp sớm bằng cách rèn luyện kỹ năng và thay đổi hành vi sẽ đem lại những kết quả khả quan cho trẻ tự kỷ từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Những phương pháp trị liệu hành vi như phương pháp ABA sẽ cải thiện các mối quan hệ xã hội, các vấn đề giao tiếp và hành vi của trẻ, giúp trẻ tự kỷ có cơ hội tới trường và tham gia các hoạt động như trẻ bình thường.

Tự kỷ là khuyết tật phát triển ở trẻ em. Vì trẻ tự kỷ do có nhiều kỹ năng phát triển bị rối loạn, nên trẻ cần được phát hiện và chữa trị sớm; kết quả hòa nhập xã hội sẽ khả quan hơn.

Joseph Khang Nguyễn và Tina Mai cho biết cả hai là bạn bè thân, từng làm chung với nhau khoảng hơn 10 năm trong công ty của Mỹ chuyên dạy cho trẻ tự kỷ. Khi đó Joseph Khang Nguyễn và Tina Mai thường giúp những em gốc Việt trong chương trình được chính phủ trợ giúp dành cho cư dân sống tại Quận Cam. Hơn hai năm trước, họ quyết định cùng lập ra công ty Hearts of ABA, để giúp cộng đồng người Việt nhiều hơn.

Tina Mai nói, “Vì chúng tôi muốn giúp hết khả năng của mình, khi mình mở công ty sẽ làm được nhiều hơn là chỉ đi làm công. Vì khi đi làm công, nhiều gia đình mình muốn giúp hơn cũng không được. Khi lập ra công ty Hearts of ABA, những phụ huynh có con từng được chúng tôi dạy từ lúc cả hai còn làm ở công ty cũ, đã tiếp tục đi theo khi chúng tôi lập ra công ty mới, như hai con của chị Phương Trần, em Minh Khoa, 17 tuổi, và Minh Quân, 14 tuổi, (đã được nhắc đến trong bài kỳ trước).”
Ngoài ra công ty Hearts of ABA còn nhận thêm những học sinh mới, do các phụ huynh cũ giới thiệu cho bạn bè mình. Trong vòng 2 năm hơn, Hearts of ABA đã giúp được những em học sinh mới, từ 18 tháng đến 3 tuổi, bên cạnh những học sinh cũ tiếp tục với công ty Hearts of ABA.

Phương pháp ABA

Khi phụ huynh có con tự kỷ được Quận Cam giới thiệu học kèm thêm với thầy cô của Hearts of ABA, các thầy cô của Hearts of ABA sẽ đến nhà để dạy cho các em.

Joseph Khang Nguyễn giải thích, “ Vì thầy cô đến dạy cho các em nhỏ một ngày khoảng 2 tiếng, nhưng 22 tiếng còn lại thì phụ huynh là người trực tiếp giao tiếp với các em. Thầy cô đến nhà dạy các em, hướng dẫn để phụ huynh nhìn cách thầy cô dạy để tiếp tục theo cách đó giúp con mình. Quan trọng nhất là chương trình dạy ở nhà, môi trường đó là môi trường tự nhiên của các em, còn dạy trong phòng học của công ty, khi con về lại có những hành vi khác, thầy cô sẽ không biết để giúp các em. Mình phải dạy các em trong môi trường các em sống, các em sẽ học được nhiều hơn và cha mẹ cũng sẽ học được nhiều hơn.”

Hiện nay, phương pháp ứng dụng phân tích hành vi (phương pháp ABA) được áp dụng phổ biến trên thế giới trong việc dạy hành vi cho trẻ tự kỷ. Nguyên tắc là xây dựng những hành vi có lợi về mặt xã hội và hạn chế những hành vi xấu. Quan điểm phân tích hành vi nhìn nhận tự kỷ như một hội chứng khiếm khuyết về hành vi do tổn thương thần kinh. Nhưng có thể thay đổi được nhờ một hệ thống tác động từ môi trường có thiết kế thành một chương trình cẩn thận. Giáo dục phân tích hành vi tập trung vào việc dạy một hệ thống những phần nhỏ đo lường được của hành vi. Mọi kỹ năng của trẻ (xã hội, giao tiếp,tự chăm sóc,…) được chia thành những bước nhỏ để dạy. Việc dạy này phải được tiến hành một thầy đối với một trò, nhờ các kỹ thuật đặc biệt.

Tina Mai nói, “Thường các em tự kỷ có những hành vi không bình thường, thì mình dạy cho các em từ những điều đó. Ngoài dạy hành vi thì chương trình dạy ABA cho các em tại nhà bao gồm cách mình giao thiệp với em, cách em nói chuyện, cách em biết giúp làm việc nhà, cách em đọc sách, cách em biết tập trung nghe một câu chuyện, chịu ngồi yên xem chương trình tivi, hay đi ra rạp xem phim, hoặc giúp bố mẹ làm việc nhà, biết tự đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo. Dạy các em đọc sách, trả lời các câu hỏi, nói chuyện với bạn, với thầy cô giáo. Nếu các em có giờ học với những chuyên viên dạy nói, thì họ sẽ chú trọng dạy các em phát âm. Còn với các thầy cô dạy về ABA thì khi dạy các em nói là chủ yếu dạy các em giao tiếp, giúp các em có khả năng giao thiệp với xã hội khi các em thiếu khả năng ngôn ngữ…Nghĩa là một em phát triển cần phải làm những gì, thì trong chương trình theo phương pháp ABA đều phải dạy hết. Việc giúp các em bỏ những hành vi xấu chỉ là một phần của việc dạy các em theo phương pháp ABA.”

Tina Mai cho biết, mỗi em sẽ có mục tiêu riêng. Trách nhiệm của thầy cô đến dạy các em mỗi ngày phải theo chương trình người lên kế hoạch của từng em viết ra, công việc lên kế hoạch, đề ra các mục tiêu cho từng học trò theo học với công ty Hearts of ABA do Tina và Khang thực hiện, nên Tina và Khang thường đi đến nơi dạy các em cùng thầy cô mỗi tuần ít nhất một lần. Để xem em đó đã thực hiện được điều gì rồi, thì mình phải tiếp tục viết ra mục tiêu khác để hướng dẫn thầy cô giáo dạy các em. Mỗi em và phụ huynh đều có giờ dạy của thầy cô giáo và có giờ để người phụ trách là Khang và Tina hướng dẫn thêm. Tùy từng em, em này hành vi nặng thì có nhiều giờ, em kia có hành vi nhẹ thì có ít giờ hơn.
Công ty Hearts of ABA hiện có hơn 20 nhân viên gồm thầy cô và nhân viên chuyên lo thủ tục giấy tờ từ Quận Cam, các công ty bảo hiểm chấp thuận trả tiền cho các em học.

Những khó khăn khi dạy các em

Joseph Khang Nguyễn cho biết, những em nặng, hoặc những em có những hành vi nặng như đánh người khác, cắn người khác sẽ khó dạy hơn. Khó dạy nên cần phải kiên nhẫn hơn thôi. Nhưng cách dạy cho những em để cắt bỏ hành vi xấu, các em nặng hay các em nhẹ đều có phương pháp giống nhau. Đây vẫn chưa là điều khó nhất đối với các thầy cô giáo, khó nhất không phải không dạy cho các em được. Vì đã làm công việc này, các thầy cô giáo đều được huấn luyện các phương pháp, kỹ năng, bí quyết nên không gặp khó khăn gì nhiều. Mà khó nhất chính là hướng dẫn cho các phụ huynh, để các phụ huynh chịu thực hiện giống như cách của các thầy cô khi ở nhà với con của mình, thì mới thấy các em tiến bộ.
Còn nếu thầy cô dạy mà phụ huynh chìu con, không làm đúng như thầy cô, thì sẽ không được. “Nhiều phụ huynh hay nói là ồ sao con tôi nghe lời thầy, cô giáo, mà lúc thầy cô về, con hư lại. Điều đó không phải lỗi của em đó. Nếu em có khả năng làm chung với thầy cô, thì sẽ có khả năng làm chung với cha mẹ. Cha mẹ phải dùng phương pháp giống thầy cô mới thấy con tiến bộ. Khang cũng không đổ lỗi cho cha mẹ. Thường cha mẹ bận rộn, lâu lâu ít kiên nhẫn hơn thầy cô, nên chìu con. Cũng không phải cha mẹ nào cũng khỏe mạnh, đủ kiên nhẫn, họ lại không phải là thầy cô, đôi khi tinh thần của họ không thoải mái, nên cũng khó. Hoặc nhiều cha mẹ khả năng dạy con không bằng những cha mẹ khác.”
Tina Mai chia sẻ, “Làm sao mình có thể giúp đỡ phụ huynh để họ hiểu những cách ứng xử của họ ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con mới là khó nhất. Ví dụ, thầy cô giáo tập cho em bỏ hành vi thích ném đồ. Em đó không thích cái gì là ném đi. Thì trong giờ học, mỗi khi em ném đồ, thầy cô giáo sẽ lờ hành vi đó đi, không la em. Nếu em ném ly nước xuống khỏi bàn, thì thầy cô giáo sẽ nói ly nước đó phải nằm trên bàn. Yêu cầu em hãy để ly nước đó trên bàn cho cô. Còn phụ huynh thì phản ứng đầu tiên sẽ la trẻ sao lại ném như vậy, sao hư quá vậy. Lúc đó trẻ sẽ thấy rằng mẹ mình không chú ý đến mình, tự dưng mình ném ly nước xuống đất thì mẹ lại chú ý đến mình. Nên em sẽ tiếp tục ném nữa. Thứ hai là, em đó cho rằng ly nước em không thích uống nữa thì ném đi, thì mẹ sẽ không bắt mình uống nữa. Nếu là thầy cô, thì sẽ đổ tiếp nước vào ly hoặc sữa vào ly kêu em đó uống, còn phụ huynh có thể thấy em đó ném đi, thì nói sữa đổ hết rồi, thôi khỏi uống nữa. Với những em thích ném ly nước đi, thầy cô giáo sẽ dạy cho các em nói ra nếu các em không thích uống nước, hay uống sữa, mà chỉ thích uống juice, thì em phải nói ra để thầy cô giáo biết.

“Vì vậy theo Tina cái khó nhất với thầy cô là làm sao phụ huynh phải làm càng giống thầy cô khi dạy con, sẽ giúp em biết được cái gì sẽ xảy ra, cũng như cái gì mình phải làm. Để tránh cho em nghĩ rằng với bố mẹ mình có thể làm những hành vi này, với thầy cô thì không được làm. Đối với Tina làm sao hướng dẫn phụ huynh cắt bỏ được những hành vi xấu của con, là khó nhất trong suốt hơn mười năm qua làm công việc này.”

Sinh hoạt bên ngoài, vui chơi của các em tự kỷ

Công ty Hearts of ABA ngoài dạy những em dưới 18 tuổi, còn dạy những từ 18 đến 21 tuổi. Joseph Khang Nguyễn cho biết thầy cô giáo dạy cho những em đã trưởng thành là xem các em ở lứa tuổi này cần những gì. Có cần phải tập đánh răng, tự mặc quần áo, đưa ra ngoài mua đồ, biết lấy đồ ăn, hâm đồ ăn, tự chăm sóc bản thân, đi ra ngoài, đón xe bus. v.v.. Công ty có giờ trong một tuần, một hoặc hai lần đưa học trò ra bên ngoài, đi chung nhóm những em tự kỷ (có phụ huynh đi theo giúp lo cho các em cùng thầy cô giáo hướng dẫn) như đi coi phim, đi leo núi, đi nhà hàng, đi shopping. Cho các em ra ngoài giao tiếp với người khác, môi trường khác ngôi nhà của mấy em để các em quen hành vi ứng xử bên ngoài.
“Có lần khi Khang và Tina mới đưa các em đi ra ngoài, có em đã 6, 7 tuổi rồi mà chưa bao giờ ra bên ngoài vui chơi, chưa đi công viên, đi coi phim, đi chợ, vì cha mẹ sợ và mặc cảm con bệnh, nhốt con ở nhà. Có những người không biết con của cha mẹ bị bệnh, la cha mẹ sao con của họ hư quá, có khi họ còn gọi cảnh sát nữa, nên nhiều cha mẹ sợ quá không dám đưa con ra ngoài. Khi mình cho các em và các phụ huynh cùng đi chung nhóm vậy, phụ huynh sẽ không xấu hổ khi tự đi một mình với con. Khi đã đi quen đi với nhóm rồi, dần dần họ sẽ tự đưa con đi.”  

Vui chơi là cách học và tìm hiểu thế giới của trẻ. Nhờ đó mà trẻ tìm hiểu, khám phá được khả năng của bản thân và nhận thức được mối quan hệ giữa trẻ và các cá nhân khác trong gia đình và cộng đồng. Thông qua vui chơi, trẻ được tạo mối quan hệ với bạn bè, học được các quy tắc, luật lệ. Nhờ đó trẻ chuẩn bị cho mình những hiểu biết và kinh nghiệm cần thiết để bước vào cuộc sống xã hội. Có thể nói chơi là quá trình học rất quan trọng đối với trẻ trước tuổi đến trường. riêng đối với trẻ tự kỷ, vui chơi càng có ý nghĩa hơn vì nó giúp trẻ tăng cường được sự cảm nhận phong phú về thế giới xung quanh, cải thiện kỹ năng xã hội và uốn chỉnh hành vi. Cha mẹ cần có nhận thức đầy đủ về việc này vì chính cha mẹ có thể bắt đầu hỗ trợ trẻ ngay từ khi mới phát hiện, luôn bên cạnh trẻ và hiểu được trẻ nhất. Học cách chơi và cùng chia sẻ những kinh nghiệm với trẻ thông qua vui chơi, cha mẹ sẽ làm thay đổi hẳn cuộc sống của trẻ, giúp trẻ tiến bộ. Song song với việc cho trẻ vui chơi, dạy trẻ cách chăm sóc bản thân, sống một cách độc lập, hỗ trợ trẻ các kỹ năng khác.

Tina Mai nói, “Chính phủ thường có hai chương trình, dành cho những em dưới 3 tuổi, và cho những em trên 3 tuổi. Ngay cột mốc 3 tuổi, bác sĩ sẽ kiểm tra em này bị tự kỷ hay chậm phát triển hay là không bị bệnh. Vì một em đến 3 tuổi là biết nói, biết giao tiếp, biết trả lời những câu hỏi. Nếu không, thì em sẽ được đưa qua bác sĩ chuyên khoa về tâm thần để kiểm tra. Còn những em dưới 3 tuổi thì chưa nói là bệnh, mà chỉ là các em bị chậm (delay) thôi.”

Lời khuyên

Tina Mai khuyên, “Các em dưới 3 tuổi nên thường được đi gặp bác sĩ gia đình theo từng giai đoạn để kiểm tra và chích ngừa, phụ huynh nên hỏi bác sĩ nếu con mình có biểu hiện chậm gì đó như chậm nói, chậm đi, nên lưu ý con mình so với lứa tuổi với các em khác có chậm hay không, hay là bình thường, thì mình sẽ không mất đi việc giúp con sớm, nếu không may con bị bệnh. Phụ huynh nên chú ý nhiều nhất khi con 18 tháng đến 3 tuổi.

“Có rất nhiều cột mốc phát triển, các em phải đạt được. Biết lẫy, biết bò, biết đi, nên hỏi bác sĩ con mình đã đạt những điều đúng tháng tuổi của bé hay không? Vì có những bác sĩ rất tốt, nhìn con mình biết con mình ra sao. Còn có những bác sĩ nhiều khi vì quá đông bệnh nhân, họ khám rất nhanh, phụ huynh không hỏi thì họ cũng không quan tâm. Phụ huynh thì phải có trách nhiệm với con mình về việc phát triển của con mình.”

Joseph Khang Nguyễn nhờ nhật báo Viễn Đông phổ biến đến độc giả, “Các phụ huynh nên tìm hiểu về tự kỷ, quan sát con mình từ nhỏ, có dấu hiệu nghi ngờ con bị tự kỷ thì phải đưa đi gặp bác sĩ sớm, để được hướng dẫn những thủ tục gặp các chuyên gia và nhận chương trình điều trị càng sớm, càng tốt cho các em. Cha mẹ phải biết những cột mốc phát triển của con mình ra sao. Vì nhiều cha mẹ bận bịu đi làm, giao cho ông bà chăm, hoặc gửi babysitter không để ý đến. Hãy quan sát các em một tuổi có biết nhìn vào mắt cha mẹ hay không, kêu tên các em có biết quay lại hay không, các em có biết dùng tay để chỉ hay không, có cười với cha mẹ hay không.
“Một em nhỏ bình thường phải biết làm những việc như vậy khi đã một tuổi. Nếu thấy em bị chậm cái gì so với cột mốc tháng tuổi của các em, phải đi bác sĩ hỏi liền, để bác sĩ kiểm tra và giới thiệu cho cha mẹ đưa các em đi gặp chuyên gia trị liệu để kiểm tra kỹ hơn và được giới thiệu để gặp người chuyên viên giúp đỡ con mình. Thường những thủ tục này làm giấy tờ và chờ đợi rất lâu, vì vậy cần kiểm tra sớm, nếu để càng lâu, thời gian chờ đợi càng dài, sẽ khiến trẻ mất nhiều thời gian để nhận được sự giúp đỡ hơn.”
(Còn tiếp)




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT