Văn Nghệ

Tìm hiểu vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính

Friday, 09/02/2018 - 09:53:57

Buồn vì phải mất mấy trăm năm mình mới bắt kịp người ta. Nhưng hãy tạm quên nỗi buồn. Khi một cánh cửa mới mở ra, chúng ta nên bước vào chứ không nên dừng chân ngoài cửa mà ngần ngừ.



Vở grand opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) của P.Q. Phan là vở opera đầu tiên và duy nhất viết về một câu chuyện Việt Nam. Chuyện bà Thị Kính là một câu chuyện rất quen thuộc với người Việt nhờ vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính mà rất nhiều người đã từng xem qua. Nhưng từ một câu chuyện cổ đã gần ngàn năm từ đất nước Việt Nam, do đâu mà nó đã thành một vở grand opera, một hình thức nghệ thuật Âu châu có thể có thể gọi là cao nhất. Muốn hiểu rõ ngọn ngành, quí độc giả cần biết 3 cuốn sách dưới đây.

1. Cuốn sách The Tale of Lady Thị Kính: A libretto

Libretto nghĩa là: lời của một vở opera. Vở opera The Tale of Lady Thị Kính được P. Q. Phan sáng tác sau 25 năm nghiên cứu, suy ngẫm, tính toán, ấp ủ. Không những sáng tác phần nhạc, ông cũng soạn phần lời dựa vào tuần bản của vở chèo Quan Âm Thị Kính. Theo P. Q. Phan, ngôn ngữ của vở chèo vô cùng sắc xảo và sâu đậm. Nó được xem là một tác phẩm văn học truyền thống của Việt Nam. Để khán giả Việt Nam và ngoại quốc của thế kỷ 21 có thể cảm nhận và yêu mến cái đẹp và tình người trong The Tale of Lady Thị Kính như chính bản thân mình, P. Q. Phan đã dịch 75% tuần bản chèo và soạn thêm 25% phần còn lại để có libretto tiếng Anh cho The Tale of Lady Thị Kính. Lời của vở opera này phần lớn là tiếng Anh, trừ một vài bài hát được giữ nguyên tiếng Việt để bảo tồn tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Trong lịch sử opera phương Tây, số nhà sáng tác có thể viết opera đã ít, số người vừa viết nhạc opera vừa viết libretto thì đếm trên một bàn tay. Đây là một trường hợp vô cùng hiếm có khi nhà sáng tác nhạc cũng là người viết libretto. Tác phẩm The Tale of Lady Thị Kính là một sáng tạo trong nghệ thuật âm nhạc đáng được trân trọng và đáng tự hào của người Mỹ gốc Việt—một đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn minh nhân loại.

“The Tale of Lady Thị Kính: A libretto” của P. Q. Phan được in tại Bloomington (Indiana) vào năm 2014, ấn bản đặc biệt giới hạn limited edition, để đánh dấu kỷ niệm dịp trình diễn ra mắt lần đầu vở opera The Tale of Lady Thị Kính tại thành phố này. Hiện nay chỉ có Viễn Đông còn giữ một số lượng nhỏ sách nàycó chữ ký của tác giả. Độc giả có thể tìm mua sách tại đây.



2. Cuốn sách nhỏ “Hành Trình Một Vở Opera” và “Journey of an Opera”

Tại sao viết “Hành Trình Một Vở Opera”?
Rất đơn giản, có ba lý do chính sau đây.

Một. Khi nói đến opera, người ta thường nghĩ đến những cái tên như Mozart, Verdi, Puccini, Wagner, Bizet, vân vân. Những người hơn trăm tuổi hoặc mấy trăm tuổi. Mới hơn nữa là những nhà sáng tác như Adams, Britten. Lại nữa, khi nói đến opera, người ta nghĩ đến những cái tựa đề như Don Giovanni, Die Zauberflưte (The Magic Flute), La traviata, Aida, La bohème, Tosca, Parsifal, Tristan und Isolde (Tristan and Isolde), Carmen, Nixon in China, Peter Grimes. Đọc kỹ những tựa đề đó ta sẽ thấy rằng: ngôn ngữ của các vở opera đó là tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh; nhân vật trong các vở opera đó là người Ý, người Đức, người Pháp, người Mỹ, người Anh. Lịch sử opera phương Tây hơn 400 năm là như thế. Một tựa đề opera lớn có tiếng Việt, mà tiếng Việt có dấu hẳn hoi, là điều chưa từng có. Một vở opera lớn có nhân vật là người Việt Nam là chưa từng có. Cho đến khi The Tale of Lady Thị Kính (Câu Chuyện Bà Thị Kính) được P. Q. Phan sáng tác. Đây là một sự kiện có tính lịch sử và tôi muốn ghi lại để đánh dấu cái mốc này. Nên vui hay là buồn về sự kiện này? Một phần vui, chín phần buồn. Vui vì tự hào. Buồn vì phải mất mấy trăm năm mình mới bắt kịp người ta. Nhưng hãy tạm quên nỗi buồn. Khi một cánh cửa mới mở ra, chúng ta nên bước vào chứ không nên dừng chân ngoài cửa mà ngần ngừ.

Hai. Từ trước tới nay, người ta nghiên cứu nhiều về các vở opera phổ biến. Tuy nhiên họ làm điều này khi mà nhà sáng tác đã chết rồi, chết mấy chục năm hoặc mấy trăm năm trước. Để trả lời những câu hỏi mà họ có trong đầu, người nghiên cứu phải tự mày mò và tìm tài liệu. Nhiều khi họ phải tự suy đoán vì không thể biết được câu trả lời chính xác là gì. Chưa có ai nghiên cứu một vở opera ngay sau khi nó vừa được viết xong và ngay lúc nó đang được dàn dựng để trình diễn lần đầu. “Hành Trình Một Vở Opera” đã làm được những điều này. Tôi có ý tưởng viết bài (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) về việc sáng tạo và dàn dựng The Tale of Lady Thị Kính vào năm 2012 khi biết được rằng những buổi trình diễn mở màn sẽ diễn ra vào đầu năm 2014. Tất cả những người tôi phỏng vấn đều tỏ ra ngạc nhiên thích thú vì ý tưởng độc đáo này. Hai loạt bài bằng tiếng Việt về quá trình sáng tạo và dàn dựng Câu Chuyện Bà Thị Kính đã được báo Viễn Đông đăng vào năm 2012, 2013, và 2014. Vì là một ý tưởng hay, lại truyền bá thông tin về văn hóa Việt Nam một cách có hiệu quả, tôi muốn phổ biến rộng rãi hơn nữa bằng cách in những bài tường thuật về quá trình sáng tạo thành tập sách nhỏ “Hành Trình Một Vở Opera” và “Journey of an Opera”.

Ba. The Tale of Lady Thị Kính (Câu Chuyện Bà Thị Kính) dựa vào một câu chuyện chèo cổ từ thế kỷ 10 của Việt Nam “Quan Âm Thị Kính”. Quá trình giữ hồn và thay áo khoác cho câu chuyện để khán giả của thế kỷ 21, người Việt và cả người Tây người Mỹ, đều hiểu được nó và yêu thích nó đã được P. Q. Phan thực hiện công phu. Quá trình này phải được hiểu chính xác. Việc viết bài đăng báo và in sách là bản công bố chính thức những lời lý giải này. Những cuốn sách (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) là bằng chứng văn hóa không thể chối cãi về nguồn gốc và ý nghĩa câu chuyện của người Việt Nam chúng ta, diễn tả tâm hồn của chúng ta, và quá trình câu chuyện này lột xác trở thành một vở opera lớn trên sân khấu Mỹ. Trước khi người ta đi sâu nghiên cứu vở opera này, họ phải tìm đọc câu chuyện của mình trước để tìm hiểu tâm hồn của mình. Nếu mình không viết xuống hoặc in ra giấy thì người khác có thể bẻ ngoặc câu chuyện của mình và mình không có bằng chứng để chống lại. Đây là mối lo lớn nhất của tôi, rằng một nền văn hóa nhỏ có thể bị nuốt chửng và từ từ biến mất. Điều chúng ta rất cần là càng nhiều càng tốt những sáng tạo nghệ thuật và bằng chứng văn hóa về sự tồn tại của chúng ta.

Cả hơn chục năm nay, China đã tiến hành cuộc chiến văn hoá trên toàn cầu. Đích thân chính phủ China đã và đang đầu tư rất nhiều tiền vào những cơ quan giáo dục và văn hóa cao của Hoa Kỳ để bành trướng văn hóa China và tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của họ trên đất Mỹ. Trong giai đoạn hiện nay, họ đặc biệt chú trọng đến mặt nghệ thuật. Nói đến châu Á, người Mỹ trắng chỉ nghĩ đến người China và văn hóa China, còn người Mỹ gốc Việt giống như là vô hình trong mắt họ. Góp phần để văn hóa Việt Nam và văn hóa của người Việt hải ngoại không bị nuốt trỏng hay mai một, VASCAM, tức Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt, một tổ chức không lợi nhuận, đang nỗ lực chống lại khuynh hướng bành trướng này của người China và chính phủ China. VASCAM nhắm vào việc nuôi dưỡng và phát huy tài năng sáng tạo nghệ thuật và âm nhạc của người gốc Việt.

Hãy ủng hộ văn hóa của người Việt hải ngoại còn sống và đang xây dựng, cống hiến. Hãy mua sách, đọc sách, và mua vé tham dự chương trình nhạc của VASCAM Góc Nhìn qua Thời Gian vào ngày Chủ Nhật 25 tháng 3 năm 2018, lúc 4g chiều, tại Trung Tâm Nghệ Thuật Musco của thành phố Orange, California. Để góp mặt vào hoạt động âm nhạc nghệ thuật cao của Quận Cam, NHƯ CHÚNG TA ĐÃ LÀM NĂM 2016.

Mua vé cho buổi nhạc Góc Nhìn qua Thời Giantại Viễn Đông hoặc trên mạng tại:http://muscocenter.org/event/of-times-and-perspectives/. Chế độ vé giảm giá trên mạng như sau:- Học sinh, Sinh viên: giảm $20 khi mua vé $40, giảm $10 khi mua vé $55 và $75. - Người cao tuổi được giảm $5 cho tất cả các loại vé.

Sách in “Hành Trình Một Vở Opera” và “Journey of an Opera” có bán tại Viễn Đông, và sách điện tử ebook có bán trên mạng amazon.com.

Tất cả tiền bán ba cuốn sách tại Viễn Đông được tặng cho VASCAM.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT