Người Việt Khắp Nơi

Tìm lại dấu xưa ở Camp Pendleton

Saturday, 10/04/2010 - 03:56:35

“Tôi đã trông chờ ngày này từ lâu lắm rồi. Hôm nay bằng mọi giá, tôi phải tới đây để tìm lại dấu vết những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ” ...

camppendleton_0110.jpg


Chị Đặng Thị Phấn (bên phải) đang đưa cho một vị khách (giữa) và các phóng viên xem một số hình ảnh chị chụp khi còn ở Camp Pendleton; bên trái là chị Đặng Thị Mỹ trong phòng triển lãm tại Camp Pendleton – ảnh: Bách Lam/Viễn Đông.


Thanh Phong/Viễn Đông



“Tôi đã trông chờ ngày này từ lâu lắm rồi. Hôm nay bằng mọi giá, tôi phải tới đây để tìm lại dấu vết những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ” - Đặng Thị Phấn, một trong những người tỵ nạn đầu tiên đến Camp Pendleton.


CAMP PENDLETON - Trong số báo hôm qua, chúng tôi có tường trình về buổi đi xem triển lãm hình ảnh những ngày đầu tiếp nhận người Việt tỵ nạn đến Camp Pendleton. Trong ngày đầu cuộc triển lãm, chúng tôi gặp bốn đồng hương Việt Nam, trong số đó có hai chị em ruột Đặng Thị Phấn và Đặng Thị Mỹ. Cả hai chị em đều được các đài truyền hình ngoại quốc phỏng vấn liên tục. Tuy nhiên, hai chị vẫn dành cho phóng viên Viễn Đông một vài phút, để ghi nhận tâm tư, tình cảm của hai chị em, sau 35 năm trở lại chốn cũ.

Chị Đặng Thị Phấn kể, gia đình chị trước ở Xuân Hiệp, Thủ Đức. Năm 1975, chị được 27 tuổi và chưa có gia đình. Chị làm việc trong một cơ quan của chính phủ Mỹ tại Sài Gòn, nên ngày 24-4-1975, gia đình rời nhà ra gần phi trường Tân Sơn Nhất, ở đó hai đêm.


camppendleton_0062.jpg


Những người Việt tỵ nạn mới đặt chân đến Mỹ – ảnh không ghi tên người chụp, Thanh Phong chụp lại trong phòng triển lãm.


Giọng xúc động, chị nhớ lại giây phút rời Việt Nam: “Đến 3 giờ sáng ngày 26 họ đưa chúng tôi  lên xe bus chở ra phi đạo Tân Sơn Nhất và lên chiếc phi cơ C.130. Rất đông người ngồi xếp lớp trên máy bay và không biết họ đưa đi đâu. Tới chừng máy bay hạ cánh mới biết họ chở qua Philippines”.

Chị nói:

“Ở đó hai tuần lễ cũng được ăn uống đầy đủ và họ cứ nói là chờ để đi mà không cho biết đi đâu cả. Ai nấy đều lo âu nhưng biết làm sao, phó mặc cho định mệnh. Tới chừng có lệnh đi họ không bắt buộc, ai muốn đi thì đi, không đi thì ở lại. Mà lại đi bằng máy bay nhỏ, loại C.141, tôi coi lần đi này kể như bỏ mạng!”

Lúc xuống máy bay, chị vẫn chưa biết nơi hạ cánh là đâu, hỏi thì không ai nói, “mà lại toàn đi vào ban đêm, chẳng nhìn thấy gì ngoài những vệt sáng ở trên đường”.

Nhiều người không chịu nổi, ói mửa đầy trên máy bay.

Sau khi xuống phi trường, chị và gia đình được đưa lên xe bus chạy về trại, và lúc đó “họ bảo là tới Mỹ rồi, nhưng chẳng ai tin, vì cứ nghĩ nước Mỹ phải đẹp lắm, văn minh lắm, toàn những nhà lầu cao chứ Mỹ gì mà chỉ thấy thung lũng, xung quanh núi với đồi, chẳng thấy bóng dáng người qua lại”.

Nhìn cảnh vật lúc ấy, “nhiều người buồn quá, thất vọng, nhớ nhà... khóc tức tưởi!”

Đầu tiên, gia đình chị đến trại Telega. Sau khi ở trại này một thời gian, những người có gia đình được đưa xuống một trại khác trong Camp Pendleton. Chỉ tay vào một bức họa của Đại tá Charles Waterhouse treo trên tường trong phòng triển lãm, chị Phấn thuyết minh: “Đây là một căn lều trong trại 8, lớn nhất của Camp Pendleton, trại cuối cùng. Tôi ở chỗ đó đó”.

Và chị kể tiếp: “Khi mới đến trại Telega, chúng tôi đã làm thủ tục giấy tờ nên sau khi qua trại 8, chúng tôi đến văn phòng tìm thiện nguyện viên để xin họ giúp tìm người bảo trợ. Tôi được thâu nhận làm việc hành chánh, lo hồ sơ cho những gia đình mới đến. Làm được khoảng hai tuần thì người bảo trợ đến nhận, ông cho biết ông làm việc ở gần đây và đưa chúng tôi ra khỏi trại. Gia đình tôi lúc đó  gồm bốn mẹ con, mẹ tôi và ba chị em tôi. Tôi là chị cả, còn thằng em và cô em gái đây”.

Chị vừa nói vừa vỗ vào vai người em đứng bên cạnh là chị Đặng Thị Mỹ.

Chị Đặng Thị Phấn qua Mỹ năm đó vừa tròn 27 tuổi, một năm sau chị lập gia đình và hiện nay có hai người con.

Còn chị Đặng Thị Mỹ năm 1975 đặt chân đến Camp Pendleton mới chỉ là em bé 12 tuổi, nay cũng có hai con, một trai, một gái.


Camp-Pendleton-hai-chi-em-D.jpg


Chị Đặng Thị Phấn (bên phải) và chị Đặng Thị Mỹ trong phòng triển lãm tại Camp Pendleton – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


Hỏi về cảm tưởng như thế nào khi đặt chân trở lại đây sau 35 năm, chị Phấn nói:

“Khi được báo tin, tôi rất xúc động, tôi mong có ngày này từ lâu rồi nên hôm nay giá nào tôi cũng phải đi. Đi để nhìn lại những hình ảnh kỷ niệm 35 năm về trước, khi mình còn nhút nhát, sợ sệt pha lẫn lo âu khi vừa đặt chân đến vùng thung lũng toàn đất và cây cỏ như thế này. Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đó mà đã gần nửa đời người! Tôi cũng đến để cám ơn những người và nơi chốn đã cưu mang mình trong lúc đầu nhiều khó khăn, đau khổ. Tôi cũng muốn các con tôi cùng đi, nhưng vì chúng đang phải làm việc. Thời buổi bây giờ, như anh biết, kiếm được việc làm không phải dễ, mà cứ nghỉ hoài là dễ bị cho nghỉ luôn lắm, nên đành chịu”.

Nhìn những tấm ảnh triển lãm, chị Phấn nhận ra được vài người quen, và chị hy vọng hôm nay có thể gặp lại họ. Nhưng hy vọng ấy rất mong manh, vì đã quá trưa rồi mà chỉ vỏn vẹn có bốn người Việt, còn toàn khách Mỹ.

Người em, chị Đặng Thị Mỹ nói với chúng tôi: “Lúc đó tôi còn bé, mới 12 tuổi nên cũng không biết gì nhiều, tuổi còn vô tư mà! Chỉ biết ăn và ngủ, ở đây chẳng có gì cho mình chơi, mà đồ ăn Mỹ thì khó nuốt, nhưng dần dần cũng quen”.

Hôm thứ Năm, sau 35 năm, hai chị em Đặng Thị Phấn và Đặng Thị Mỹ lần đầu trở lại chỗ này. Hai chị cho biết nửa vui, nửa buồn. Buồn vì đất nước bị Cộng sản xâm chiếm, biết bao giờ người dân mới được tự do, hạnh phúc. Vui vì “mình thấy lại quang cảnh ngày xưa, tuy có khác nhiều, nhưng những ngọn đồi, thung lũng vẫn còn nguyên vẹn như xưa, chỉ không biết lòng người có gì thay đổi hay không!”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT