Người Việt Khắp Nơi

Tìm một giải pháp cho cuộc bầu cử cộng đồng

Monday, 02/07/2018 - 11:41:46

Vấn đề then chốt trong cuộc tranh cãi này là BTC đã có thông qua thể lệ cho phép dùng địa chỉ mà không cần viết ra số bằng lái xe hay thẻ cá nhân (ID) hay chưa?


Liên Danh Trách Nhiệm do ông Nguyễn Mạnh Chí thụ ủy. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài LS NGUYỄN QUỐC LÂN

Những tranh cãi liên quan đến cuộc bầu cử cộng đồng vừa qua có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai và sức mạnh của cộng đồng, nhưng vẫn có thể được giải quyết một cách ổn thỏa nếu mọi thành phần nhận biết được vai trò và trách nhiệm của mình. Ban Tổ Chức Bầu Cử (BTC) lúc đầu tuyên bố hủy bỏ cuộc bầu cử vì có nhiều gian lận, nhưng đến lúc họp báo vào ngày hôm sau thì lại giải thích là chỉ đình chỉ tiến trình đếm phiếu vì có tranh cãi với các liên danh về thể lệ đếm phiếu.
Vấn đề then chốt trong cuộc tranh cãi này là BTC đã có thông qua thể lệ cho phép dùng địa chỉ mà không cần viết ra số bằng lái xe hay thẻ cá nhân (ID) hay chưa?
 

Ban Tổ Chức Bầu Cử tổ chức họp báo ngày 16 tháng 6, 2018 trước ngày bầu cử. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Hai khía cạnh của một vấn đề

BTC thì tuyên bố rằng vấn đề này đã được loan báo trong buổi họp sau cùng với tất cả ba liên danh để thảo luận về thể lệ bầu cử. BTC không đưa ra một bằng chứng văn bản nào xác nhận việc này ngoại trừ dựa vào lời nói của xướng ngôn viên Ngọc Ân là cô ta có đoạn video tape ghi lại lúc thông báo này được đưa ra thảo luận. Cho tới lúc này, BTC hay XNV Ngọc Ân vẫn chưa hề đưa ra đoạn phim này hay dữ kiện nào cho thấy đoạn phim này có thật hay không.

Cả hai Liên Danh 1 (Trách Nhiệm) và 2 (Phù Đổng) đã tổ chức hai cuộc họp báo riêng nhưng cùng tuyên bố là họ chưa bao giờ được nghe đến điều lệ này cho tới lúc sau ngày bầu cử và chuẩn bị đếm phiếu. Họ viện dẫn những lý do như không hề có một văn thư, thông báo, tài liệu, biên bản hay tuyên bố nào của bất cứ ai trong BTC trên tv hay radio mà có nhắc đến thể lệ này. Ngay cả tờ biên bản của phiên họp với các liên danh vào ngày 19 tháng 6 mà XNV Ngọc Ân nói là có camera quay video có nhắc đến trên đây cũng không có ghi lại điểm quan trọng này, mặc dầu văn kiện này có ghi đầy đủ các chi tiết về thể lệ, chương trình và tiến trình bầu cử.

Tại các cuộc họp báo riêng, cả hai LD 1 & 2 còn nhấn mạnh thêm là các thiện nguyện viên chịu trách nhiệm giữ địa điểm bỏ phiếu được chỉ dẫn và huấn luyện là phải có ID thì mới được bầu, trong suốt ngày bầu cử họ liên tục đòi hỏi với các thiện nguyện viên phải kiểm soát khắc khe số ID và liên tục khiếu nại với BTC về việc lơ là tại một số địa điểm về vấn đề này. Không những vậy, các thiện nguyện viên tại các nơi bỏ phiếu đã liên tục gọi về BTC để xin được nhận phiếu bầu mà không cần ghi số ID vì áp lực từ nhiều cử tri muốn được bỏ phiếu mà không cần ghi số ID. BTC cũng đã chuẩn bị một chuyên viên đếm phiếu và một hệ thống computer để đếm phiếu, nhưng chỉ có thể dựa trên số ID mà thôi. Nói tóm lại, ngoài việc ám chỉ về đoạn video mà XNV Ngọc Ân loan báo trong buổi họp báo của BTC, không hề có một bằng chứng hay văn kiện nào loan báo về thể lệ cho phép liệt kê địa chỉ mà không cần số ID khi bỏ phiếu.
 

Liên Danh Đoàn Kết và Xây Dựng do ông Bùi Phát thụ ủy. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Đâu là sự thật?

Nếu đoạn video là có thật, mọi người cần xem kỹ lại xem đoạn phim đó ghi lại những gì? Nếu đoạn video đó không có, đây có thể là chuyện không có thật ngay từ đầu. BTC đã phạm một lỗi lầm lớn khi dựa vào lời tuyên bố này để đổ lỗi cho hai LD 1 & 2 với những lập luận trách móc lẫn mỉa mai như là các thành viên trẻ này hăm dọa hay làm áp lực với BTC, các ứng cử viên không có quyền gạt ngang điều lệ để đòi hỏi đếm phiếm theo ý của mình hay chỉ một vấn đề nhỏ là tuân theo điều lệ mà không làm được thì làm sao đứng ra gánh vác trách nhiệm làm chủ tịch cộng đồng?
 

Liên danh Phù Đổng do ông Ngô Thiện Đức thụ ủy. (Thanh Phong/Viễn Đông)

BTC vẫn có thể biện minh hay giải thích cho việc làm của mình nếu đưa ra được đoạn video này. Nếu không, mọi dấu hiệu cho thấy là thể lệ đó chưa hề được đưa ra với hai LD 1 và 2. Tuy nhiên, tại buổi họp báo của BTC, ông Phát Bùi, Thụ Uỷ Liên Danh 3, đã nhìn nhận là đã nhận được thông tin về thể lệ này trước ngày bầu cử.

Tại sao không cho phép sử dụng địa chỉ mà thôi?

Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, tranh cãi và quyết định từ những ngày đầu bầu cử năm 2010 và nhiều cuộc bầu cử sau đó. Các quyết định sau cùng lúc nào cũng là chỉ có thể dùng số ID để kiểm phiếu mà thôi. Cả hai Thụ Uỷ Nguyễn Mạnh Chí và Ngô Thiện Đức là người hiểu rõ nhất tầm quan trọng của thể lệ này vì chính họ là trưởng ban và phó ban trong cuộc bầu cử đầu tiên năm 2010.

Số ID chỉ có một số ngắn gọn đồng nhất và mỗi người chỉ có một số mà thôi. Nếu số ID này được đánh vào computer thì có thể so sánh được với tất cả số ID khác để xác nhận người nào đó có thể bầu nhiều lần hay tại nhiều nơi. Hệ thống computer chỉ ghi nhận số ID mà không cần đến tên hay địa chỉ. Một khi số ID được xác nhận là đã bầu nhiều lần, BTC có thể truy ngược lại để tìm ra phiếu bầu có cùng ID để điều tra thêm.

Việc tiết lộ hay lưu trữ số ID này, nếu bị đánh cắp, sẽ không gây nguy hại về tiết lộ dữ kiện riêng tư vì thẻ ID vẫn luôn đưa trình ra cho người khác xem khi mua bán hàng hóa, sử dụng chi phiếu hay thẻ tín dụng và do đó tiết lộ số ID cho người lạ là chuyện rất thường tình và không gây nguy hại cho người liên hệ. Nếu có nguy hại, thì cộng đồng nên chấm dứt việc ghi nhận số ID để bảo vệ trách nhiệm của cộng đồng, chứ không thể tùy ý ai muốn ghi nhận cũng được.

Trong khi đó, ghi nhận địa chỉ là một việc rất khó khăn để kiểm chứng vì nhiều lý do khác nhau như không có đủ nhân lực hay thời giờ để đánh máy địa chỉ của mọi người vào computer để kiểm chứng, cùng một địa chỉ có thể được viết nhiều cách khác nhau, một người có thể dùng nhiều địa chỉ khác nhau để bầu nhiều lần hay tại nhiều địa điểm khác nhau, ghi lại địa chỉ rất dễ bị sai hay không chính xác và do đó computer không thể nào xác nhận để kiểm chứng chính xác được. Đó chỉ là khó khăn đối với cá nhân mỗi cử tri tham gia đi bầu.

Trên bình diện lớn hơn, bất cứ ai cũng có thể nhét hàng loạt các phiếu bầu chỉ có địa chỉ vào các thùng phiếu để ủng hộ ứng cử viên của mình mà không cách nào kiểm chứng được. Trong hoàn cảnh thiếu thốn về nhân lực trong cộng đồng như hiện nay, hầu hết các thiện nguyện viên phụ trách phòng phiếu đều có thể quen biết hay thiên vị ứng cử viên nào đó để tạo điều kiện cho việc “nhét thêm phiếu” này có thể xảy ra một cách dễ dàng.

Trong trường hợp các thành viên trong BTC mà không có sự tin tưởng hay thiếu thành thật thì hiện tượng “nhét thêm phiếu” này càng dễ xảy ra vì BTC là người nắm giữ các phiếu trắng, kiểm soát và bảo quản các thùng phiếu sau ngày bầu cử. Do đó, việc gian lận dễ bị nghi ngờ, chứ chưa nói đến thực sự xảy ra do cấu kết với các thành viên trong BTC.

Vấn đề trong bầu cử là một khi luật lệ đã được đặt ra thì phải triệt để thi hành mà không nhân nhượng, dzu dzi, thông cảm hay giúp càng thêm người tham gia bỏ phiếu càng tốt. Đây là trách nhiệm tuyệt đối của BTC. Rất dễ thông cảm là trong ngày bầu cử, BTC bị nhiều áp lực vì có nhiều đồng hương muốn bỏ phiếu nhưng không muốn ghi xuống số IDs của mình nên đã cho phép các thiện nguyện viên dzu dzi và cho phép ghi nhận địa chỉ mà không cần số IDs thực sự là muốn có càng nhiều đồng hương tham gia bỏ phiếu càng tốt.

Vấn đề gian lận

Trong các cuộc họp báo của BTC và của các liên danh có nói nhiều đến vấn đề gian lận hay vi phạm thể lệ bầu cử của các liên danh. Vấn đề này cho dầu là có thì cũng không có gì đáng nói ở lúc này vì theo thể lệ bầu cử được đưa ra trong buổi họp này 19 tháng 6, các vi phạm phải được ghi nhận với cảnh cáo lần đầu, vi phạm và cảnh cáo lần thứ hai, vi phạm và cảnh cáo lần thứ ba và đến lần thứ tư thì mới được coi là có vi phạm để có thể cứu xét là bất hợp lệ.

Cho tới lúc này, không thấy dấu hiệu nào cho thấy là liên danh nào đã bị cảnh cáo đến lần thứ hai. Bất cứ tranh luận nào về vấn đề gian lận đều vô ích vào lúc này vì thời gian duyệt xét và cảnh cáo đã qua.

Đề nghị một giải pháp

Hiện nay không ai biết được có bao nhiêu phiếu bầu không có ID hay các phiếu này được tiếp nhận như thế nào. BTC vẫn có thể tiến hành đếm phiếu để tìm ra một kết quả sau cùng cho cuộc bầu cử theo phương hướng sau đây.

Thứ nhất, phân loại các phiếu có và không có IDs để đếm các phiếu có IDs trước dựa theo thể lệ đã được đề ra trước ngày bầu cử.

Thứ hai, đếm các phiếu chỉ có địa chỉ mà không có IDs để tìm hiểu thêm kết quả này có thay đổi kết quả hay không nếu cộng với phiếu có IDs.

Thứ ba, nếu kết quả có thể thay đổi, điều tra thêm các phiếu không có IDs để tìm hiểu thêm là có dấu hiệu nào là gian lận hay không dựa trên các đặc điểm sau đây

1. Bao nhiêu phiếu và khuynh hướng dồn cho ứng cử viên nào?

2. Đến từ thùng phiếu nào, ai là thiện nguyện viên phụ trách địa điểm bỏ phiếu và các ký số trên phiếu có ăn khớp với hồ sơ phân phối phiếu từ BTC hay không?

3. Các phiếu không có IDs có dấu hiệu nào giống nhau hay đến từ một vài nguồn gốc giống nhau hay mỗi người riêng biệt.

4. Duyệt xét nét chữ, nét viết hay màu mực hay các dấu hiệu khác trên phiếu bầu xem có giống nhau hay đến từ cùng một vài nguồn hay không.

5. Thẩm định mức độ gian lận, nếu có, xem có lớn đủ để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay mức độ tin tưởng của kết quả hay không.
Các phiếu bầu không có IDs rất khó kiểm chứng hay dễ bị gian lận nhưng chưa chắc đã có mức độ gian lận lớn mà có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Lúc này, các liên danh và BTC có thể ngồi lại với nhau để thảo luận xem có thể sử dụng kết quả từ các phiếu bầu không có IDs như thế nào mà vẫn có thể tôn trọng công sức và ý muốn của các cử tri tham gia bầu cử, nhưng vẫn bảo vệ được mức độ tin tưởng của sự trong sáng trong kết quả bầu cử.

Kết luận

Cuộc bầu cử vừa qua đã lộ ra nhiều bài học mà cộng đồng cần phải ghi nhận cho thể chế cộng đồng trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm đến một giải pháp ổn thỏa để tìm ra một kết quả có thể chấp nhận được nếu mọi thành phần liên hệ chấp nhận vai trò và trách nhiệm của mình.
Rất có thể các liên danh có thể hòa hợp để lập ban chấp hành chung với nhau dựa trên ý chỉ được ghi nhận được qua kết quả kiểm phiếu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT