Thế Giới

Tìm thấy "bức tường xương người" 500 năm

Monday, 02/03/2020 - 02:30:45

Theo nhóm nghiên cứu, các cư dân thời Trung Cổ tin vào sự hồi sinh về thể xác nên bộ xương được xem là phần quan trọng nhất.


Tường làm bằng xương được tìm thấy bên dưới nhà thờ cổ. (Daily Express)

BỈ - Các nhà khảo cổ vừa khám phá nhiều bức tường được làm từ xương người bên trong nhà thờ cổ Saint-Bavaria ở thành phố Ghent, Bỉ. Kết cấu rùng rợn này được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 17, bao gồm các bức tường có “cốt” bên trong là xương đùi và xương ống chân của người lớn, cùng một số hộp sọ.
"Đây là phát hiện chưa từng có ở Ghent,” trưởng nhóm khảo cổ Janiek De Gryse cho biết. "Các bức tường có vẻ như được xây khi nghĩa địa của nhà thờ bị phá hủy. Họ không thể vất bỏ các hài cốt nên đã sử dụng chúng cho việc xây dựng. Vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu,” ông De Gryse cho biết thêm. Những bộ xương được xác định là có niên đại từ thế kỷ thứ 15, có nghĩa sớm hơn 200 năm so với thời điểm xây dựng các bức tường.
Theo nhóm nghiên cứu, các cư dân thời Trung Cổ tin vào sự hồi sinh về thể xác nên bộ xương được xem là phần quan trọng nhất. Đó là lý do hài cốt người đôi khi được dùng để xây tường nhà thờ. Giải thích về việc hầu hết xương được tìm thấy là xương đùi, xương ống chân và hộp sọ của người lớn, ông De Gryse cho biết khi dọn dẹp nghĩa địa, mọi người có thể không có đủ thời gian để thu thập những xương nhỏ như đốt sống, xương sườn, hay xương bàn tay, chân, đặc biệt là của trẻ em. Thời Trung Cổ, phần mộ của trẻ thường ít được quan tâm hơn so với người lớn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT