Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tình ca Lữ Phương qua 2 CD Yêu Đầy Tình Vơi và Ngày Xưa

Saturday, 03/01/2015 - 08:46:32

Nghe các ca khúc, tựa như không còn là niềm than thở cho nỗi lòng chỉ riêng của Lữ Phương, mà từ đó, lan tỏa ra, đi sâu vào lòng người nghe, để thấy rằng tâm sự kia như trở thành tâm sự chung của những ai đã từng thổn thức vì yêu, vì nhớ!

Bài BĂNG HUYỀN

Nếu những ai có dịp ghé đến 3 nơi tại quận Cam, gồm nhà sách Tự Lực (trên đường Brookhurst, thành phố Gadern Grove), Nguyệt Cầm music (góc đường Magnolia và Bolsa), Phước Hạnh travel, nhìn thấy 2 CD dòng nhạc Lữ Phương mang tên “Ngày Xưa” và “Yêu Đầy Tình Vơi” đều do Lữ Phương phát hành, trước khi quyết định có nên mua để thưởng thức những tác phẩm trong CD trên, hẳn sẽ tò mò khi thấy tên tác giả, là một cái tên rất mới và lạ và tự hỏi Lữ Phương là ai? Dòng nhạc của Lữ Phương có nét riêng nào không và có chạm được cảm xúc người nghe hay không?

Bìa 2 CD nhạc của Lữ Phương



Người viết bài đã có duyên thưởng thức những nhạc phẩm của dòng nhạc Lữ Phương và đã rất cảm động khi được đắm mình trong dòng nhạc trữ tình với nhịp điệu thong dong da diết, dệt lại những mối tình đẹp, se sợi dây yêu thương và khiến người nghe như trở nên mẫn cảm, tinh tế hơn, trước ca từ và thanh âm tuyệt đẹp, của tiếng lòng người nhạc sĩ. Lữ Phương là một nam nhạc sĩ tài tử, ở cái tuổi ngoài 60, đã qua con dốc đời người, nhưng chỉ mới bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 2002. Gia tài sáng tác của ông đến nay đã có khoảng 100 ca khúc, đã thu âm khoảng 72 bài. 2 CD “Ngày Xưa” và “Yêu Đầy Tình Vơi” là CD thứ năm và thứ sáu của ông, đã được ông và phu nhân của mình tổ chức giới thiệu ra mắt với bạn bè, thân hữu tại hội quán Lạc Cầm vào ngày 20 tháng 9 năm 2014 trước đây.

Tiếng lòng của người nhạc sĩ tài tử
Vì là một nhạc sĩ tài tử, tự học nhạc và sáng tác, nên giai điệu của các ca khúc của Lữ Phương nói chung và riêng trong 2 CD “Ngày xưa”, “Yêu đầy tình vơi” rất dễ nghe, không làm khó người hát. Những ca khúc trong CD “Yêu đầy tình vơi” do Quang Ngọc hòa âm, gồm 12 bài “Hoa bướm” (Ngọc Quy hát), “Ngày nắng” (Diệu Hiền ca), “Mơ ước vụt tan” (Hoàng Quân thể hiện), “Yêu đầy tình vơi” (Diệu Hiền hát), “Lứa đôi” (Hoàng Quân ca), “Mây trời” (Hương Giang hát), “Giọt sương hay giọt lệ” (Ngọc Quy hát), “Người đến cho tròn mơ” (Hương Giang ca), “Phù Sinh” (Ngọc Quy)à và 12 ca khúc trong CD “Ngày xưa” do Hồng Khanh hòa âm, với “Giữa đêm mong đợi” (Ngọc Quy ca), “Áo hoa vàng” (Diệu Hiền); “Ngày xưa” (Xuân Phú hát), “Chiều nghe sóng vỗ” (Lan Phương hát); “Cố quên” ((Ngọc Quy ca); “Người đã về” (Thụy Vân hát), “Nửa đời” (Trung Kiên thể hiện)à có giai điệu đơn giản, thuộc các thể điệu slow, slow-rock, boston, những giai điệu tha thiết của các ca khúc Lữ Phương luôn cho người nghe một cảm giác êm đềm, buồn man mác, luôn thăng hoa theo lời hát vì ca từ rất thơ.

                                    Những bạn hữu trong buổi giới thiệu cd của Lữ Phương.

Âm nhạc đưa người nghe vào thế giới mộng mị, kỳ ảo với khúc nhạc lòng có ca từ rất thơ: “Vòng tay êm ái đưa gió đưa mây vào nơi bướm hoa, bàn tay dịu êm nắn cung tơ vương bóng đêm nhạt nhòa, nắng bên thềm rọi suối tóc mềm, gió mênh mang bọt nước chưa tan, mây trắng trôi dài trong sân vắng, con bướm bay với hoa... “ (Ca khúc Hoa Bướm).
“Thôi nhớ thương làm chi cũng thừa, áo hoa vàng bỏ lại tình tôi, chiều hoang vắng người đã đi rồi....” (Ca khúc Áo hoa vàng”);
“Con đường vắng ướt mưa im lìm trong nắng chiều , căn nhà nhỏ hắt hiu gió lùa qua mái xiêu. Mây trời úa trên cao, cuối đường nắng còn thơ....Đêm dần xuống, gió len lá vàng rơi trước thềm. Sương mù giăng che lối, gió thôi ru trời đêm. Trong vùng tối mênh mông có người đó hay không?.... (Ca khúc “Giữa đêm mong đợi”) .

      Tác giả Lữ Phương gửi lời tri ân bạn hữu trong buổi ra mắt giới thiệu cd tại hội quán Lạc Cầm.


Ý thơ vô cùng sâu thẳm mà người thưởng ngoạn chỉ khám phá được chút bề mặt nhỏ bé mà thôi, bởi chúng được viết ra bằng trái tim tươi non đầy nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, cuộn trào cảm xúc trong từng khoảnh khắc bay bổng, phiêu du, khắc khoải, thiết tha rất đỗi chân thành của ông. Giúp ông giải tỏa, sẻ chia cảm nhận về đời sống, về tình yêu. Càng đi sâu vào thế giới âm nhạc của Lữ Phương, người nghe được đắm chìm cảm xúc qua những lời hát của các ca sĩ Xuân Phú, Ngọc Quy, Diệu Hiền, Hương Giang, Lan Phương, Thụy Vân, Trung Kiên, Thanh Lan... Họ đều là những ca sĩ trẻ tại Việt Nam với giọng hát hay, vừa mềm mại, ấm áp, nồng ấm, tràn đầy tình yêu, đầy biểu cảm, đã làm mê hoặc người nghe. Nghe các ca khúc, tựa như không còn là niềm than thở cho nỗi lòng chỉ riêng của Lữ Phương, mà từ đó, lan tỏa ra, đi sâu vào lòng người nghe, để thấy rằng tâm sự kia như trở thành tâm sự chung của những ai đã từng thổn thức vì yêu, vì nhớ!

Cơ duyên trở thành nhạc sĩ
Tâm sự về cơ duyên trở thành người viết nhạc, tác giả Lữ Phương cho biết: “Năm 2002 tôi làm thơ, anh bạn học chung trường trung học ngày xưa phổ nhạc bài thơ của tôi. Sau 2 bài anh bạn phổ nhạc, tôi muốn nhờ anh bạn phổ thêm mấy bài thơ của mình, nhưng sợ bạn không có thời gian, hơn nữa tôi cũng nghĩ anh bạn cũng như tôi mà còn sáng tác nhạc được, nên tôi nghĩ chắc mình cũng làm được, nên tôi thử làm. Khi còn nhỏ tôi có học đàn guitare và mandolin, cộng thêm nhạc lý để sáng tác giai điệu thì tôi lấy chủ yếu từ cuốn dạy Tây Ban Cầm của Lan Đài. Cái khó cho người sáng tác tài tử như tôi là không có tài liệu về nhạc lý chính thức để đọc, nên phải mò mẫm, nên hay mở những bản nhạc có sẵn để nghe làm bài mẫu. Nghe tất cả bản nhạc của các nhạc sĩ khác nhau để tự học, để thấm dần những giai điệu đẹp, những qui luật biến đổi của hợp âm, nắm bắt được những thang âm đã tạo nên âm hưởng của từng loại nhạc.”
Nhạc sĩ Lữ Phương nói thêm: “Thuận lợi của tôi có thể là trời cho. Khi bắt đầu sáng tác, những sáng tác của tôi ra nhanh lắm, dễ dàng lắm, không khó khăn chi. Dễ nhất với tôi là giai điệu. 1 bài hát thường khoảng 5- 7 tiếng ra được giai điệu. Còn ca từ phải mất khoảng 1 tuần lễ. Thường tôi đặt giai điệu trước, rồi tôi viết lời vào. Tôi chỉ phổ thơ 2 bài của tôi và tự viết lời cho các ca khúc, còn phổ thơ thì chỉ phổ vài bài thơ của thi sĩ Hà Phương và 15 bài thơ của bạn học trường trung học Tân Hiệp Rạch Giá. Còn những bài thơ của thi sĩ nổi tiếng, tôi ngại vì sợ những nhà thơ này cho rằng tôi là người viết nhạc không tên tuổi muốn dựa hơi thi sĩ nổi tiếng.”


Tác giả Lữ Phương cùng bạn đời Thanh Cẩm chụp lưu niệm với ca sĩ Kim Thoa, Kim Yến và nhà thơ-nhạc sĩ Miên Du Đà Lạt trong buổi giới thiệu 2 cd tại hội quán Lạc Cầm.



Nói về giai điệu sở trường của ông trong các sáng tác của mình, nhạc sĩ Lữ Phương chia sẻ: “Tôi không thể tự khen nhạc mình hay, mà muốn chính người nghe nhận xét điều đó. Nhưng tôi vẫn tự tin rằng nếu nghe nhạc của tôi, người nghe sẽ thấy nét riêng của tôi là những ca khúc theo thể điệu Boston, nghe nhiều ca khúc của tôi ở giai điệu này, người nghe sẽ thấy nhạc của tôi không lẫn vào người khác. Vì tôi thường sáng tác những bài nhạc tình buồn, nên tôi chọn giai điệu Boston để phù hợp với những sáng tác của tôi. Nhưng Boston chỉ chiếm 2 phần 5 trong sáng tác của tôi. Còn thì phần lớn là điệu slow.”
Theo nhạc sĩ Lữ Phương cho biết 2 cd “Ngày xưa” và “Yêu đầy tình vơi” được ông gửi về Vệt Nam thu âm, các ca sĩ thể hiện ca khúc đều do 2 nhạc sĩ hòa âm Hồng Khanh và Quang Ngọc chọn để hát, rồi hòa âm, sau khi xong thành phẩm gửi về lại cho ông. Ông rất hài lòng vì các ca sĩ hát hay, sáng tạo, trau chuốt từng câu hát để vừa toát được tinh thần bài hát vừa phù hợp với đặc điệm của chất giọng và phong cách riêng của mình. Nhạc sĩ hòa âm rất hay, đặc biệt là phần hòa âm của nhạc sĩ Quang Ngọc.
Kể về mình, tác giả Lữ Phương tâm sự: “Lữ Phương là bút hiệu, tôi xin không tiết lộ tên thật. Từ năm 1969- 1975 tôi ở trong binh chủng công binh, thuộc liên đoàn 6 Công Binh Kiến Tạo bộ chỉ huy ở Quy Nhơn. Tôi rời Sài Gòn từ 30 tháng 4 năm 1975. Đến Hoa Kỳ sống tại tiểu bang Ohio khoảng 15 năm rồi mới dọn xuống Nam California. Ban đầu tôi làm nghề chùi rửa sàn nhà, lau cửa kiếng tại một nhà thương điên, được 4 tháng, bị lay off, rồi xin làm việc trong xưởng sản xuất dụng cụ đồ trong nhà. Học kế toán 2 năm nhưng không kiếm được tiền từ công việc học, tôi đã bôn ba đủ nghề nghiệp để mưu sinh. Một phần có lẽ do thấy qua Mỹ, đời sống mình khổ sở quá, chán quá, nên mình muốn có cái gì đó để mình có chút tự hào. Đây là lý do thầm kín để tôi viết nhạc, nhưng cái chính cũng là vì một người bạn học phổ nhạc từ bài thơ của tôi. Nên tôi cũng tập viết nhạc luôn.”
Dù đời sống ca khúc của tác giả Lữ Phương vẫn còn quá mới, chưa thể khẳng định rằng độ phổ biến của chúng sẽ lan rộng. Nhưng vẻ đẹp của những ca từ, giai điệu của những bản tình ca ấy như những lời thì thầm thay cho những đôi tình nhân của đời thường, để họ hiểu hơn cái mong manh của cuộc tình, để thêm trân quý hạnh phúc đã có. Bởi chúng chỉ thoáng qua như một bóng mây! Để thưởng thức dòng nhạc Lữ Phương qua 2 Cd “Ngày xưa” và “Yêu đầy tình vơi” (giá bán 5 mỹ kim), quý vị có thể tìm mua tại nhà sách Tự Lực (trên đường Brookhurst, thành phố Garden Grove), Nguyệt Cầm music (góc đường Magnolia và Bolsa), Phước Hạnh travel. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT