Gỡ Rối Tơ Lòng

Tình đầu là tình lãng mạn, tình cuối tình vĩnh cửu

Friday, 26/08/2016 - 11:48:53

Mẹ anh ta bỏ bố anh và bố cháu cũng bỏ mẹ cháu. Hai người đương nhiên ở với nhau. Như vậy thành ra cháu và anh bạn cháu không thể nào lấy nhau được vì anh ta thương bố anh thù bố cháu, còn cháu thì thương mẹ thù cha. Cho nên đang là người yêu mà lại trở nên thù nghịch.

Tình đầu là tình lãng mạn, có thể thay đổi với thời gian, nhưng tình cuối là tình vĩnh cửu, đã đến là ở lại tới cùng. (Getty Images)

Mớ bòng bong
Thưa bác chuyện gia đình cháu thật là một tuồng cải lương ngoài sức tưởng tượng của một soạn giả có tài viết về thảm kịch.

Cháu có một lần đính hôn trước, nhưng duyên không thành chỉ vì mẹ của bạn trai cháu là một người đàn bà không đứng đắn, mà bố cháu thì cũng chẳng tử tế gì. Chúng cháu làm bạn với nhau suốt thời kỳ đại học rồi sau đó làm đám hỏi. Trong thời kỳ chúng cháu bạn với nhau thì mẹ anh ta bắt bồ với bố cháu. Khi câu chuyện đổ bể, hai gia đình cùng tan nát.

Mẹ anh ta bỏ bố anh và bố cháu cũng bỏ mẹ cháu. Hai người đương nhiên ở với nhau. Như vậy thành ra cháu và anh bạn cháu không thể nào lấy nhau được vì anh ta thương bố anh thù bố cháu, còn cháu thì thương mẹ thù cha. Cho nên đang là người yêu mà lại trở nên thù nghịch.

Vì quá tủi nhục và thương con cho nên mẹ cháu đau thần kinh rồi trở thành mất trí, bố cháu đương nhiên đem bà này về nhà và coi bà này là vợ kế và bắt chúng cháu phải nhận. Mấy năm sau thì mẹ cháu mất. Mấy em cháu thì không có thù hận gì bà này cho nên chúng không thấy khó chịu, chỉ riêng cháu là không thể nào quên được cái thảm cảnh gia đình và sự đau khổ của mẹ cháu, trong khi đó cũng gián tiếp là nạn nhân.
Sau này cháu lấy chồng, chồng cháu cũng biết chuyện gia đình cháu, nhưng anh ấy vẫn tin tưởng và yêu thương cháu, chỉ có một điều anh ấy không thể chấp nhận được thái độ của bố cháu vì lâu lâu bố cháu lại nhắc ra rằng bà vợ này của ông chính là mẹ của người bạn trai trước của cháu.
Mặc dầu chuyện ấy đã qua từ lâu, nhắc lại chẳng có ích lợi gì mà chỉ làm cho mọi người thấy cái tính tình không đứng đắn của bố cháu và bà vợ hai của ông mà thôi. Nhà chồng sau này của cháu là một gia đình rất coi trọng lễ giáo nên họ không đi lại với gia đình cháu mà cháu cũng rất xấu hổ với gia đình nhà chồng.
Hiện nay các con cháu đã lớn, cháu không muốn cho chúng nó nghe và biết những điều xấu xa của ông ngoại và bà vợ ông, cháu không biết phải làm sao? Cháu đã nói với bố cháu nhiều lần, bố cháu mắng át đi và bảo đó là sự thật có gì phải che đậy. Cháu không muốn nghe và chồng cháu lại càng không muốn nghe những chuyện xấu xa này vì không phải sự thật nào cũng có thể nói ra. Từ nhiều năm nay, chồng cháu không bao giờ tới tham dự những cuộc họp mặt tại gia đình cháu. Bác bảo cháu phải làm sao?

Bà Ba Phải trả lời:
Trước hết bác chia sẻ sự bất hạnh của gia đình cháu. Bác thấy rằng bố cháu là một người đàn ông không có lương tâm mà lại còn ích kỷ, chỉ nghĩ đến thú vui của bản thân mình mà không kể gì đến tình nghĩa và lễ giáo. Cho đến bây giờ ông ấy vẫn không thông cảm với nỗi khổ của cháu mà vì lòng độc ác và cũng có thể vì hận cháu đã không chịu nhận bà mẹ kế mất nết này cho nên lâu lâu ông lại nhắc lại chuyện xưa cũng như một hình thức hành hạ cháu để báo thù.
Còn bà vợ kế của bố cháu thì khỏi phải bàn, chẳng những bà ta là một người đàn bà lăng loàn trắc nết mà lại còn vô liêm sỉ nữa. Bác xin lỗi cháu, hai người đó đúng là ngưu tầm ngưu mã tầm mã, ở với nhau là xứng đáng rồi.
Còn cháu, chồng và các con cháu không cần phải nhìn nhận những người máu huyết ruột già ấy vì bố cháu không xứng đáng là một người cha. Cháu chỉ việc cắt hẳn liên lạc với gia đình nữa là xong. Con cái cháu không có gia đình bên ngoại nhưng chắc chắn chúng có gia đình bên nội sẽ yêu thương bù đắp lại khoảng trống do bên ngoại bất xứng để lại. Con nít hay học theo gương người lớn. Nếu chúng thấy ông bà ngoại chúng ăn ở vô đạo đức như thế, chúng có thể sẽ cho rằng mọi sự xấu xa đều có thể chấp nhận được.

Tình cuối
Thưa bác, cháu có chuyện vui này muốn chia sẻ cùng bác và các bạn độc giả khác. Bố mẹ cháu bỏ nhau từ mấy chục năm nay rồi. Cháu ở với mẹ cháu còn bố cháu thì dọn đi nước ngoài. Cháu không biết cuộc sống của bố cháu như thế nào, và cũng không biết rằng mẹ cháu có liên lạc với bố cháu không.
Tuy không gặp mặt nhưng bố cháu luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của cháu. Những ngày sinh nhật, những ngày lễ Tết hoặc những ngày quan trọng trong cuộc đời cháu, bố cháu đều viết thư, viết thiệp và sau này có email bố cháu thường viết cho cháu hàng ngày. Bố cháu còn thường mua quà hay cho tiền cháu, cho nên cháu vẫn thương bố cháu như thường.
Hình như hồi bố mẹ cháu bỏ nhau là vì công việc bố cháu phải đổi đi làm ở nước ngoài, trong khi mẹ cháu không đi được vì còn có bà ngoại cháu. Bây giờ bố mẹ cháu đều ở vào tuổi 70, bố cháu về nước và tìm gặp mẹ cháu. Hai ông bà đi date rất du dương, mùi mẫn và có vẻ tìm lại được tình yêu. Cháu rất vui nhưng cũng rất lo, chỉ sợ chuyện giữa đường đứt gánh thì không những bố mẹ cháu buồn mà cháu cũng buồn nữa. Bác có thể tiên đoán những cuộc tình như thế này có bền vững không hả bác?

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu ạ, những chuyện trong tương lai - nhất là chuyện tình cảm - thì khó có thể tiên đoán được. Bác là người gỡ rối tơ lòng chứ không phải là thày bói cho nên không dám đoán mò. Tuy nhiên, để có thể hành nghề quân sư không bằng cấp, bác chịu khó học hỏi bằng cách đọc sách.
Tất cả các sách “dạy làm người” hay sách tâm lý đều nói rằng: Muốn sống thoải mái thì thứ nhất là đừng bao giờ ôm giữ quá khứ và chờ đợi quá nhiều ở tương lai. Vì quá khứ đã qua, không trở lại nữa mà tương lai thì chưa đến cho nên chẳng biết thế nào. Chỉ có hiện tại là quan trọng. Hãy nên sống cho hiện tại.
Hiện tại bố mẹ cháu đang tha thiết yêu nhau thì cứ biết lúc này còn thì “biết ra sao ngày sau...” Tuy nhiên có một điều bác có thể cam đoan với cháu là bố mẹ cháu không còn là những thanh thiếu niên yêu nhau bồng bột rồi thì chán nhau cũng thật nhanh. Ở tuổi 70 là tuổi đã sống gần trọn cuộc đời, đã có nhiều kinh nghiệm, đã vui nhiều mà buồn cũng lắm, và họ biết giá trị của tình cảm, cho nên họ biết họ đang làm gì.
Cháu cứ tin tưởng như thế đi. Hôm trước bác đến chơi nhà một người bạn, họ có một bức tranh thuộc loại thư họa có câu rằng, tình đầu là tình lãng mạn, có thể thay đổi với thời gian, nhưng tình cuối là tình vĩnh cửu, đã đến là ở lại tới cùng. Hay mà có lý phải không cháu?

Nhát như thỏ đế
Bà ơi, cháu làm ở trong sở ngồi cùng một phòng với một bà làm chung. Bà này có mấy cái tật nhỏ làm cháu phát điên lên trong khi tính tình bà thì lại rất tốt. Điều thứ nhất là bà thích bôi nước hoa mà cái loại thật là nặng mùi, trong khi cháu bị dị ứng. Mỗi khi bà bước chân vào phòng là cháu bắt đầu nhẩy mũi hàng 15 phút rồi sau đó mới êm.
Tật thứ hai là bà nhai kẹo cao su to thành tiếng nhem nhép cả ngày, cháu cũng bị chia trí không làm sao chịu được. Tật thứ ba là bà nói chuyện điện thoại. Mỗi khi bà nói chuyện điện thoại không phải là công việc, bà cố gắng nói thật nhỏ, nhưng mà điều này lại càng làm cho cháu khó tập trung tư tưởng vì cố gắng lắng nghe.
Thật ra thì cháu không có ý tò mò nghe chuyện của người khác nhưng mà không hiểu tại sao, nếu bà ta nói lớn cháu sẽ không bị chăm chú theo dõi, đằng này bà càng nói khẽ cháu lại càng cố gắng nghe mặc dầu cháu không muốn. Những điều lặt vặt này làm cho công việc của cháu khó khăn và chậm hẳn lại. Cháu thấy bà rất dễ thương mà lại lớn bằng mẹ cháu cho nên cháu không dám chê hay chỉ trích. Bà bảo cháu phải làm sao?

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu ơi, cái bà đồng nghiệp rất dễ thương của cháu sao có nhiều tật thế. Thật ra thì vì cháu là người Việt Nam nên tôn trọng tuổi tác nên mới nể trọng bà và không dám sửa lưng chứ thiệt ra những điều bà ấy làm cháu khó chịu đều là phạm qui luật của nơi làm việc.
Bây giờ bác đề nghị, cháu chịu khó chấp nhận hai cái lỗi sau của bà nhưng cái lỗi thứ nhất cháu cần phải nói vì nó liên quan đến sức khỏe của cháu.
Khi nào cháu nhảy mũi “đã” rồi cháu sẽ nói với bác ấy: “Bác ạ, con bị dị ứng với nước hoa. Bác thấy mỗi buổi sáng con nhảy mũi cả chục cái mà mắt con thì cay xè mỗi lần bác bước vào phòng. Con có thể xin bác một favor là khi đi làm bác đừng xịt nước hoa giùm con được không? Con cám ơn bác nhiều. Con sợ rằng nếu con đau phải nghỉ việc mà bà xếp hỏi vì sao, con không muốn nói rằng con bị dị ứng nước hoa của bác.”
Cái này gọi là vừa đánh vừa đàm đó cháu. Mình vừa cầu xin mình lại vừa dọa, you mà cứ xịt nước hoa làm con đau là con méc xếp đó.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT