Đạo và Đời

Tình thương và lòng từ bi, yếu tố cần thiết cho hạnh phúc

Thursday, 29/04/2021 - 08:51:09

Nở một nụ cười, nói một lời an ủi nhẹ nhàng, hay giúp làm giùm một việc nhỏ... Tìm cách để thực hiện điều này mỗi ngày, mỗi lúc có thể.

 


Bài NGUYỄN THỊ NHUẬN

 

Có những người có trái tim mở rộng, tràn đầy tình thương. Họ không cần phải được dạy nhưng vẫn tự nhiên biết thương những người mà họ thấy khổ hơn họ, rồi làm một chuyện gì để bày tỏ tình thương ấy, làm vơi bớt cái khổ ấy. Tôi không được biết nhiều về nhà văn quá cố Thạch Lam nhưng đọc truyện của ông, tôi nghĩ rằng ông phải là một trong những người có được tình thương người một cách tự nhiên này. Truyện của ông có rất nhiều người bày tỏ tình thương, thí dụ như trong truyện Gió Đầu Mùa. Khung cảnh của truyện là một miền quê Bắc Việt. Một cậu bé mặc đầy đủ áo ấm, ra ngoài sân chơi, gặp đứa trẻ nhà hàng xóm mặc một chiếc áo rách, môi thâm tím vì lạnh. Mùa Đông miền Bắc nước Việt khắc nghiệt không kém gì Bắc Mỹ, thường người ta phải mặc áo bông dầy cộm mới chống đỡ nổi cái rét; thế mà đứa bé chỉ mặc một lớp áo rách vì nhà quá nghèo, chẳng có quần áo gì cả. Đứa bé con nhà giầu thấy thương bạn, chạy về nhà lấy chiếc áo bông cũ đã sờn rách cất trong đáy rương đem ra cho nó. Khi về nhà, đứa bé tốt bụng lo lắng lắm vì sợ bị mẹ mắng; cùng lúc ấy mẹ đứa bé được cho áo vội vàng đem áo đi trả vì biết rằng chẳng thể có được một thứ tình thương bao la như vậy từ người lớn. May quá, bà mẹ nhà giầu cũng là người nhân hậu, chỉ mắng yêu con sau khi lấy lái cái áo cũ. Đây là câu chuyện viết từ những năm 1940, 50, cách đây hơn nửa thế kỷ. Hiện tại, khái niệm tình thương đã được lan rộng hơn nên có lẽ cậu bé nhà giầu kia sẽ không bị mắng mà trái lại, mẹ cậu chắc đã khen cậu và đưa thêm vài cái áo cũ để cậu đem cho, bớt chật rương.

 

Định nghĩa tình thương

 

Tình thương hay lòng từ bi - khác với tình yêu - có thể dịch ra chữ Mỹ là “compassion”. Theo từ điển wikipedia, “compassion” có nghĩa là cảm xúc về cái khổ chung, thường đi đôi với việc muốn làm giảm bớt nỗi khổ của người khác, muốn biểu lộ sự tử tế với người đang khổ. Tình thương thường bắt nguồn từ lòng lân mẫn, thấu cảm nỗi khổ của người khác (empathy), nhưng khác với lòng lân mẫn này, tình thương hay lòng từ bi còn bao gồm một hành động gì đó để làm vơi bớt nỗi khổ kia, chứ không phải chỉ là cảm thấy thương suông. 

 

Đọc cái định nghĩa này, tôi cảm thấy hơi bất ngờ. Trước giờ tôi thường nghĩ tình thương là sự lân mẫn, một cảm xúc dâng lên trong lòng khi thấy những cảnh khổ trước mắt. Đã đành tình thương sẽ dẫn dắt chúng ta đến chuyện phải làm một hành động gì đó để thể hiện cái tình ấy, nhưng phải nói là đa số chúng ta chỉ thương mà không làm gì để thể hiện cái tình thương ấy. Mặc dù vậy, để có được lòng lân mẫn, cảm xúc thương đó, người ta cũng phải thực tập mới có được.

 

Hãy trở về thời của Guy de Maupassant, tiểu thuyết gia người Pháp ở thế kỷ 19, nổi tiếng là một trong những cha đẻ của môn truyện ngắn hiện đại, với rất nhiều tác phẩm thành công, truyện ngắn cũng như truyện dài, có cuốn in 37 lần trong vòng 4 tháng. Guy de Maupassant có tài viết truyện rất hiện thực, nhanh gọn, gút và gỡ nút thắt đầy đủ. Đọc ông, người ta có thể hình dung rất rõ rệt khung cảnh xã hội nước Pháp vào những năm 1860, 70, 80..., mới khoảng một thế kỷ rưỡi trước, không lâu la gì. Cái khung cảnh xã hội đó thật đáng ghê sợ, về phương diện tình người. Những con người nghèo khổ, tàn tật... bị hất hủi, khinh bỉ, xua đuổi thẳng tay. Không có một phúc lợi, nâng đỡ xã hội nào cho những người đó. Và dưới ngòi bút của Guy de Maupassant, những cảnh đời, những con người đó hiện thực hơn bao giờ hết. Tôi cũng nhớ tới hai cuốn tiểu thuyết Pháp rất quen thuộc với người Việt nhờ đã được dịch ra tiếng Việt là Trong Gia Đình và Vô Gia Đình, trong đó cảnh xã hội Pháp thế kỷ 19 cũng được phơi bầy rõ rệt. Những đứa trẻ đi lang thang kiếm ăn, bị bóc lột làm việc trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Người nghèo tha hồ bị bóc lột, khinh bỉ, trấn áp, kiểu cô Fantine trong truyện Les Miserables. Hình như người thời xưa không biết tình thương là cái gì cả(!)

 

Đó là chuyện nước Pháp. Còn nước mình? Chắc cũng không hơn gì. Biết bao nhiêu chuyện đau thương đã được phơi bầy trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Lê Văn Trương... Những cảnh đời đau khổ đến cùng cực xẩy ra trước con mắt thản nhiên của biết bao người. Tình thương là một chuyện thật xa lạ. Vậy mà trước đó mấy thế kỷ chúng ta đã có được tác phẩm Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi, trong đó tình thương đã được đem ra dạy cho dân chúng. Ai mà không biết câu “Thương người như thể thương thân” hay “Thấy ai đói rét thì thương” của cụ. Vậy mà sao chúng ta quên lãng? Lui về vài thế kỷ trước đó, nhờ ảnh hưởng của đạo Phật, chúng ta cũng đã có những vị vua nhà Lý chan hòa tình thương dân, để lại một triều đại huy hoàng, một thời no ấm của dân mình. Tiếc thay, không có cái gì kéo dài mãi mãi và hình như mình đã “phú quý giật lùi” từ đó, để trở thành những kẻ vô cảm càng ngày càng nặng ở nước Việt thế kỷ 21 này.

 

Phải nói là nhân loại nói chung, nhất là dân chúng những nước tiền tiến, đã tiến lên một bước dài về phương diện xã hội trong vòng 150 năm qua, có lẽ cũng nhờ công của những tiểu thuyết gia như  trên, đã đưa những cảnh đời khốn cùng vào truyện, vạch cho người ta thấy cái tàn nhẫn độc ác của xã hội. Có thể những cuốn truyện cảm động rơi nước mắt như vậy đã làm cho trái tim con người mở ra và những phúc lợi xã hội đã được đặt ra để giúp đỡ những kẻ khốn cùng, để họ không còn phải lâm vào những cảnh quá ngặt nghèo như cô Fantine trên giường bệnh và đứa bé khốn khổ, con của cô.

Nhiều người trong chúng ta đã được hưởng kết quả của sự tiến bộ về tâm thức xã hội của thế giới ấy: sự phát triển của tình thương nhân loại. Tôi muốn nói đến sự cưu mang nâng đỡ của nhiều nước trên thế giới, nước Mỹ là nhiều nhất, dành cho những người Việt tị nạn Cộng sản từ năm 1975 cho đến mãi về sau này. Chúng ta được công dân của những nước này nâng đỡ vào bước đầu để có được ngày hôm nay. Người Mỹ có tinh thần xã hội thật cao, tấm lòng nhân ái của họ ít có người nước nào bì kịp. Người nào có của đều nghĩ đến việc phải cho lại - give back. Trẻ em thì được khuyến khích làm việc thiện tối đa. Có những đứa trẻ mới hơn 10 tuổi đầu đã làm được những việc nghĩa to tát. Trận động đất ở Haiti cho thấy rõ lòng nhân ái của họ. Các tài tử, đa số là Mỹ, đều đã mở những chiến dịch quyên góp rộng lớn và hiệu quả. Chính bản thân họ cũng đóng góp tiền bạc rất nhiều, như cô tài tử có duyên Sandra Bullock cho 1 triệu đô, cặp Brangelina cho 100,000 đô...

 

Làm sao có được lòng từ bi rộng lớn như thế?

 

Đa số chúng ta phải học và thực tập để có được tình thương. Nhờ những tài năng văn chương kể trên viết ra những chuyện thương tâm để mở mắt và mở lòng con người mà nhân loại đã tiến lên thêm một bước trên con đường từ bi.

Đây là lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tâm linh của người Tây Tạng được cả thế giới ngưỡng mộ vì những suy tư sâu sắc của ngài: “Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, bạn hãy thực hiện từ bi. Nếu bạn muốn chính mình được hạnh phúc, bạn hãy cũng thực hiện từ bi.” Có lẽ ngài không có dữ kiện khoa học nào làm nền cho câu nói này. Nhưng thực ra đã có những nghiên cứu khoa học cho thấy thực hiện từ bi đem lại những lợi ích có thể chứng minh được: những người thực hiện từ bi sẽ có mực DHEA trong máu tăng lên 100% (DHEA là kích tố làm chậm sự lão hóa), và giảm bớt 23% lượng cortisol (cortisol là kích tố gây ra stress). Đó là lợi ích vật thể, có thể đo được. Nhưng hơn thế nữa, lòng từ bi còn đem lại những ích lợi tình cảm và tâm linh: làm cho chính bạn và những người quanh bạn hạnh phúc. Phải chăng tất cả chúng ta đều muốn tìm niềm hạnh phúc bền vững mà lòng từ bi đem lại. Thế thì bạn và tôi, chúng ta nên thực tập để có được tình thương, lòng từ bi.

 

7 cách thực tập để có lòng từ bi và tình thương

 

Đây là 7 cách thực tập để có được lòng từ bi mà tôi thấy là có lý và đã dịch từ blog của anh Leo Babauta, một “blogger” đang có nhiều người tìm đọc mỗi ngày về những chuyện tâm linh.

 

1.         Thực tập mỗi sáng

 

Mỗi sáng khi thức dậy, nói với chính mình câu nói mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị: “Ngày hôm nay tôi rất may mắn được thức dậy và được sống. Tôi đang có diễm phúc được làm người và tôi sẽ không để phí phạm kiếp người quí báu. Tôi sẽ dùng hết năng lượng có được để làm tốt chính tôi, mở tâm tôi ra tới tất cả mọi người, sẽ thực tập để đạt tới giác ngộ hòng làm ích lợi cho tất cả. Tôi sẽ tử tế với tất cả. Tôi sẽ không nổi giận hay nghĩ xấu về người khác. Tôi sẽ cố gắng làm lợi cho tất cả bằng hết sức của tôi.”

 

2.         Thực tập mở tâm

 

Bước đầu để có được lòng từ bi là có sự lân mẫn với người chung quanh. Tình thương hay lòng từ bi có trong tất cả chúng ta nhưng vì quá bận rộn chú ý tới chính mình, chúng ta đã để cho tình thương trong ta bị rỉ sét. Có thể thực tập như sau: Tưởng tượng chính mình hay một người thân đang bị đau khổ vì một chuyện không vui vừa xẩy ra. Tưởng tượng niềm đau ấy càng chi tiết càng tốt. Sau khi thực tập vài tuần, bạn nên tiếp tục bằng cách tưởng  tượng nỗi đau của những người bạn quen biết nhưng không phải là người thân.

 

3.         Nhớ rằng chúng ta cùng chung một kiếp sống

 

Thay vì thấy sự khác biệt giữa mình và người, hãy nhận ra những điểm tương đồng. Nói cho cùng, chúng ta đều là con người như nhau. Chúng ta đều cần thức ăn, chỗ ở và tình thương. Chúng ta thèm khát được chú ý, được nhận biết, được người khác biểu lộ tình cảm, và trên hết là muốn có được hạnh phúc. Hãy quán niệm về những điều giống nhau đó và quên đi những khác biệt. Hãy thực tập 5 bước dưới đây:

Khi gặp gỡ bạn bè hay người lạ, hãy để hết chú ý vào người ấy và tự nhủ (dĩ nhiên là phải làm một cách âm thầm, không lộ liễu):

-Bước 1: “Giống như tôi, người này cũng đang mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống của họ.”

-Bước 2: “Giống như tôi, người này cũng đang cố tránh những đau khổ trong cuộc sống của họ.”

-Bước 3: “Giống như tôi, người này cũng đã trải qua đau buồn, cô đơn và tuyệt vọng.”

-Bước 4: “Giống như tôi, người này cũng đang tìm cách thỏa mãn nhu cầu của họ.”

-Bước 5: “Giống như tôi, người này đang học hỏi về cuộc đời.”

 

4.         Thực tập giúp người khác bớt đau khổ

 

Một khi đã có lòng lân mẫn với người khác và hiểu được kiếp người cùng sự đau khổ, bước kế tiếp là chúng ta muốn cho người ấy chấm dứt được cái đau khổ ấy. Thực tập như sau: tưởng tượng sự đau khổ của người bạn gặp gần đây. Sau đó tưởng tượng bạn chính là người đang chịu sự đau khổ ấy. Nghĩ tới sự khát khao được chấm dứt cái đau khổ ấy của bạn. Nghĩ tới sự vui mừng của bạn khi có người đã hành động để chấm dứt sự đau khổ cho bạn. Mở tâm ra với người ấy và nếu bạn có cảm giác thấy muốn chấm dứt sự đau khổ của người ấy, bạn hãy suy nghĩ về điều đó vì đó là cái cảm giác bạn muốn phát triển. Càng thực tập nhiều , cảm giác ấy sẽ càng tăng trưởng và hiện thực.

 

5.         Thực tập những hành vi tử tế

 

Tưởng tượng một người đang chịu đau khổ và bạn có ý muốn giúp chấm dứt sự đau khổ đó. Tưởng tượng bạn đang làm một việc gì đó để thể hiện ý muốn đó. Sau một thời gian thực tập là tới lúc bạn làm những chuyện ấy, dù là chuyện nhỏ đến đâu chăng nữa. Nở một nụ cười, nói một lời an ủi nhẹ nhàng, hay giúp làm giùm một việc nhỏ... Tìm cách để thực hiện điều này mỗi ngày, mỗi lúc có thể.

 

6.         Thực tập đối phó với người làm bạn buồn

 

Không chỉ muốn giúp làm bớt đau khổ cho những người mình thương và quen biết, chúng ta cũng nên thực tập giống như vậy đối với người đã làm hại mình hay làm mình buồn. Khi gặp người đối xử với mình không tử tế, không nên giận dữ mà chỉ nên yên lặng. Khi bạn đã bình tĩnh trở lại, hãy suy nghĩ về người ấy. Tưởng tượng về hoàn cảnh của họ, tưởng tượng cách họ được dạy dỗ khi lớn lên như thế nào. Tưởng tượng những ngày tháng họ đã trải qua, những chuyện không tốt đã xẩy ra cho họ. Cố gắng tưởng tượng tâm trạng của họ, những đau khổ đã trải qua khiến họ đối xử với bạn cách ấy. Bạn sẽ hiểu rằng hành động của họ không phải là vì bạn mà là vì những gì họ đã trải qua.

Suy nhĩ nhiều hơn nữa về cái đau khổ của họ và tưởng tượng bạn có thể giúp họ bớt đi nỗi đau đó. Và nghĩ xem khi bạn đối xử không tốt với một người nào đó, họ không giận dữ mà còn đối xử trả lại một cách từ bi, thì bạn sẽ tử tế với họ hay lại đối xử xấu trong lần gặp tới? Chắc chắn bạn đã có câu trả lời. Sau khi đã thực tập nhiều lần, hãy cố gắng hành xử tình thương hay lòng từ bi khi người khác đối xử tệ với bạn.

 

7.         Thực tập quán chiếu mỗi tối

 

Dành vài phút trước khi ngủ để quán chiếu ngày mình vừa trải qua. Nghĩ về những người bạn đã gặp và nói chuyện, và cái cách hai bên đối xử với nhau. Nghĩ về những lời tâm niệm mà mình đã tự nhủ mỗi sáng. Mình đã có giữ được ý hướng tốt ấy không? Có thể làm khá hơn không vào ngày mai? Mình đã học hỏi được gì từ những trải nghiệm hôm nay?

 

7 bước thực tập này có thể làm bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu để phát triển lòng từ bi. Hi vọng bạn và tôi sẽ tinh tấn thực tập suốt cả cuộc đời để  mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người.

 

Để kết luận, xin mượn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa: “Thông điệp của tôi là mọi người nên thực tập từ bi, tình thương và sự tử tế. Những thứ này rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày và rất quan trọng cho cả thế giới con người.”

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT