Phóng Sự

Tình thương yêu trẻ khuyết tật của cô giáo Dawn Trần Galazyn dạy chương trình Giáo Dục Đặc Biệt (kỳ 1)

Sunday, 03/04/2016 - 11:53:42

Trong trường Ralston Intermediate School nơi cô Dawn Trần Galazyn đang dạy có 6 giáo viên dạy lớp Giáo Dục Đặc Biệt, 3 cô dạy các em nặng, 3 cô dạy các em nhẹ. Cô Dawn Trần Galazyn là giáo viên dạy các em nhẹ.

Bài Băng Huyền

Cũng là công việc vừa “dạy” vừa “dỗ”, là người mang kiến thức truyền dạy cho các học trò, vốn là việc không dễ với bất kỳ nhà giáo nào, nhưng với những giáo viên chọn ngành Giáo Dục Đặc Biệt (Special Education) để dạy các em khuyết tật như bị chứng khó đọc (Dyslexia), chứng khó học (Learning-disabled children), tự kỷ (autism), thiểu năng trí tuệ, bại não, rối loạn khả năng học tập; động kinh; và những vấn đề về thị giác, thính giác và ngôn ngữ.àthì càng khó khăn vất vả gấp bội lần.

Cô giáo Dawn Trần Galazyn (Hình do Băng Huyền chụp)



Có thể nói, mỗi một học sinh ở trường chuyên biệt là một câu chuyện đời, một số phận với nhiều khó khăn ngay từ thủa đầu đời và nhiệm vụ của những người giáo viên ở trường chuyên biệt là kiên trì dạy dỗ, nuôi dưỡng các em thành người. Công việc tưởng như đơn giản ấy thực tế lại rất gian nan, vất vả. Với họ, công việc nhiều khi không đơn thuần là những kiến thức sư phạm đã từng được học, mà còn là tình thương, là trách nhiệm, là sự kiên nhẫn và yêu thương để có thể đi cùng các em trong con đường hòa nhập nhiều khó khăn.

Vì giúp các em này tiếp thu kiến thức khó hơn rất nhiều so với những trẻ bình thường. Đòi hỏi người giáo viên sự kiên trì, nhẫn nại trong giáo dục, tâm huyết với nghề và chăm sóc các em bằng tình yêu thương chân thành.Việc nâng đỡ cảm xúc của các em là cực kì quan trọng. Tránh những lời chỉ trích, quở trách khi trẻ thất bại, mà luôn khuyến khích sự tiến bộ, dù là rất nhỏ của trẻ. Luôn tìm cách tạo và duy trì hứng thú việc học theo sở thích của trẻ, hạn chế vận hành những chức năng trẻ bị khiếm khuyết. Cô giáo Dawn Trần Galazyn hiện đang dạy môn Toán, Tập Đọc và Khoa Học lớp 7 và lớp 8 trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt tại trường Ralston Intermediate School trong học khu Gadern Grove, là một người giáo viên hội đủ những phẩm chất đáng quý như thế.

Cô giáo Dawn Trần Galazyn còn là một Phật tử thuần thành, ngay từ nhỏ cô đã tham gia trong Thanh niên Phật tử Bát Nhã. Vào năm 1999, cô từng ghi danh khóa tu học do Thầy Thích Nhất Hạnh hướng dẫn nhóm trẻ tại Mỹ, và suốt bao năm qua cô luôn học cách sống và làm việc trong chánh niệm, luôn yêu thương con người bằng trái tim chân thành, nhất là những người kém may mắn hơn mình. Vì vậy với hơn 10 năm kinh nghiệm dạy các em trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, vào niên học 2010-2011, cô giáo trẻ Dawn (Trần) Galazyn đã xin nghỉ phép 1 năm không ăn lương, để làm một thiện nguyện viên của hội Hồng Bàng, là một tổ chức bất vụ lợi của những người trẻ gốc Việt tại quận Cam lập ra, chuyên giúp đỡ những người nghèo khổ, khuyết tật tại Việt Nam (Địa chỉ của hội tại 656 W Huntington Drive, #H-2. Arcadia CA 91007), về Việt Nam ở 1 năm, giúp các em khuyết tật sống tại những vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh lỵ ở miền Nam, lên đến miền Thượng (vùng Pleiku, thuộc Cao nguyên trung phần Việt Nam). Vì cô giáo Dawn Trần Galazyn cho rằng nếu làm từ thiện bằng việc bỏ tiền ra gửi về Việt Nam giúp các em khuyết tật thì việc đó quá dễ dàng. Nhưng như vậy bản thân cô lại không cảm thấy mình làm được gì cụ thể giúp các em, vì vậy cô muốn tự mình trực tiếp gặp các em, giúp đỡ các em bằng những kinh nghiệm mà cô đã có từ môi trường giáo dục và giảng dạy trẻ khuyết tật tại Mỹ.

Với vẻ ngoài ưa nhìn, hiền dịu, nụ cười luôn rạng rỡ, giọng nói ấm áp, chân tình, khi trò chuyện với cô giáo trẻ này, người đối diện rất dễ có thiện cảm. Biết ý định của người viết có ý muốn nghe những tâm sự của cô về cơ duyên trở thành giáo viên chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, cùng những vui buồn, khó khăn trong nghề, ban đầu cô giáo trẻ Dawn (Trần) hơi ái ngại, nhưng sau đó bắt đầu câu chuyện đầy nhiệt tình.
*Cơ duyên đến với ngành học Giáo Dục Đặc Biệt

Cô giáo Dawn Trần Galazyn cho biết cô đến Mỹ định cư vào năm 8 tuổi tại thành phố Garden Grove (cuối năm 1990) từ đó đến nay. Gia đình đi theo diện H.O 5, vì bố cô từng làm sĩ quan cảnh sát VNCH, bị bắt đi tù cải tạo hết 6 năm, cô là người con thứ 6 trong gia đình tổng cộng có 7 anh chị em tất cả.

Việc học tiếng Anh thời gian đầu mới qua cô có gặp chút khó khăn, nhưng nhờ qua từ nhỏ, nên việc hội nhập cũng nhanh, sau 3 năm thì tiếng Anh đã vững vàng, dễ dàng bắt kịp với các bạn sanh đẻ bên này. Còn tiếng Việt thì cô không sợ quên, vì đã học xong lớp 2 tại Việt Nam, biết đọc viết rồi, khi qua bên này, ở nhà phải nói tiếng Việt, vì bố mẹ không biết tiếng Anh, bố mẹ thường mua báo Việt ngữ về đọc, cô cũng đọc theo, cô còn được bố mẹ đưa đi chùa vào cuối tuần, tụng kinh bằng tiếng Việt. Vì vậy tiếng Việt của cô càng ngày càng giỏi không kém gì tiếng Anh.

Sau khi học xong cử nhân 4 năm ngành Tâm Lý tại đại học UCI, bấy giờ cô nhận được một công việc bán thời gian làm phụ giáo trong lớp học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt dạy cho các em bị khuyết tật lớp mẫu giáo tại trường tiểu học Murdy Elementary. Trong suốt cả niên học làm phụ giáo lớp học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, cô cảm thấy có khả năng kết nối tốt với các em nhỏ bị khuyết tật, vì vậy cô quyết định đi học ngành sư phạm chuyên về Giáo Dục Đặc Biệt.

Điều kiện để trở thành giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt
Cô Dawn Trần Galazyn kể: “Tôi học tại Cal State Fullerton chuyên ngành Giáo Dục Đặc Biệt, chương trình học 1 năm, tôi phải lấy những lớp hướng dẫn cách dạy dành cho học sinh bình thường và cách dạy dành cho học sinh đặc biệt, học về những khuyết tật thường nhất mình sẽ gặp. Song song bài học lý thuyết, tôi phải đi thực tập 6 tháng dạy ở lớp thường, 6 tháng dạy ở lớp Giáo Dục Đặc Biệt.”

Khi lấy Teaching Credentials dạy chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, cô Dawn Trần Galazyn có thể dạy được từ mẫu giáo đến lớp 12. Để lấy được Teaching Credentials này, cô phải thi đậu các bài test của tiểu bang. Cô chọn Multiple (dạy tiểu học) phải thi tất cả 3 bài (CBEST, CSET va RICA) và Single Subject (chuyên dạy môn khoa học, toán) với 2 bài thi (CBEST, CSET). Sau đó cô phải học thêm chương trình dạy cho các em bệnh tự kỷ.

Cô Dawn (Trần) Galazyn giải thích: “Vì không rõ nguyên do nào mà ngày nay các em bệnh tự kỷ mỗi ngày mỗi tăng, thành ra có dự luật các giáo viên chương trình Giáo Dục Đặc Biệt phải học thêm phần dạy này. Tôi phải lấy 6, 7 lớp, mỗi lớp kéo dài 1 tháng. Trong thời gian lấy thêm lớp này, tôi đã xin được công việc dạy các em trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt ở trường Ralston Intermediate School và Lake Intermediate School. Tôi dạy ở 2 trường, làm được 2 năm thì trường Ralston Intermediate School có giáo viên dạy toàn thời gian nghỉ, nên tôi được nhận làm toàn thời gian tại Ralston Intermediate School từ 2005 đến nay.”
Cô Dawn Trần Galazyn chia sẻ: “Những giáo viên dạy chương trình Giáo Dục Đặc Biệt trong 3 năm đầu mới đi dạy chính thức, ban giám hiệu nhà trường thường vào lớp rất nhiều lần để đánh giá cách dạy của giáo viên đó ra sao. Trong 3 năm đầu là cứ cách 1 năm, kiểm tra 1 lần. Sau 10 năm thì sẽ cách mỗi 5 năm 1 lần kiểm tra.

“Làm giáo viên dạy Giáo Dục Đặc Biệt vốn vất vả hơn dạy lớp thường, vì vậy công việc này không bị nhiều người tranh giành, mà hầu như năm học nào Giáo Dục Đặc Biệt cũng thiếu giáo viên hết, nhiều khi có một số giáo viên đã có bằng sư phạm các ngành học cho lớp thường, do không tìm được việc thì học thêm để có bằng dạy giáo dục đặc biệt để xin việc. Sau khi được nhận rồi thì năm sau họ lại chuyển công việc khác, xem đây là 1 bàn đạp để dễ dàng được nhận rồi qua chương trình khác.

“Nhưng không vì thiếu giáo viên mà việc tuyển chọn người mới dễ dàng vào dạy trong các trường. Một giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt lúc đi xin việc cũng phải trải qua buổi phỏng vấn, phải có kinh nghiệm, có nhận xét tốt từ người đã biết rõ mình. Nhưng nếu làm không được việc thì cũng bị đuổi đi, chứ không có ưu ái gì hơn giáo viên khác.”

Theo lời giới thiệu của cô Dawn (Trần) Galazyn thì trung bình lớp học Giáo Dục Đặc Biệt có 15- 16 em, nhiều khi trong học khu nào không đủ ngân quỹ để mướn thêm giáo viên, lớp lên đến 20 em, 21- 22 em. Thường thì lớp quá 15 em, rất khó để giáo viên dạy, vì các em học Giáo Dục Đặc Biệt có rất nhiều nhu cầu, nếu quá 15 em, giáo viên sẽ không có khả năng dạy tốt cho các em được, dù có thêm phụ giáo cũng khó mà giúp được tốt cho các em. Cô cho biết lớp cô đang phụ trách tùy theo tiết học, lớp đông nhất là 14 em. Cô dang dạy toán lớp 7, khoa học lớp 8, còn lớp đọc thì cô dạy các em lớp 7 và 8 luôn. Tùy theo khả năng của các em để xếp lớp.

Cũng theo lời cô Dawn Trần Galazyn, trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt phân ra 2 chương trình nặng và nhẹ để phân biệt những khó khăn của học sinh khuyết tật. Khó nhọc của giáo viên dạy các em trong chương trình nặng và các em trong chương trình nhẹ rất khác nhau. Với các em khuyết tật nặng thì giáo viên chủ yếu dạy các em khả năng tự lập, những kỹ năng sống, để giúp các em có thể sống tự lập. Ví dụ như biết xài tiền, biết xem giờ, biết ra ngoài mua đồ ăn. Lúc các em còn nhỏ, thì sẽ học cách đi vệ sinh cá nhân... Những em trong lớp này thường là những em bị Down's, tự kỷ loại nặng, bại não... Giáo viên dạy các em khả năng sinh hoạt, có học thêm văn hóa nhưng rất căn bản. Chẳng hạn môn toán thì chỉ cộng, trừ bằng cách đếm ngón tay. Biết viết tên của mình, biết đọc những từ đơn giản, thông dụng... Học môn khoa học thì chỉ học về các mùa trong năm, hoặc thời tiết ra sao... để biết tránh nguy hiểm. Khi các em lên trung học thì sẽ được huấn luyện việc làm. Khi lên đến lớp 11, 12, các em này được ra bên ngoài cộng đồng nhiều hơn, những em trong Giáo Dục Đặc Biệt ở chương trình nặng, sẽ được sự trợ giúp của học khu lên đến 22 tuổi ở bậc trung học. Còn những em trong Giáo Dục Đặc Biệt chương trình nhẹ thì học hết trung học đến 18 tuổi thôi. Các em học chương trình giống như chương trình bình thường, nhưng với phương pháp đặc biệt, giáo viên giúp các em hiểu được, học được những bài học bình thường.

Trong trường Ralston Intermediate School nơi cô Dawn Trần Galazyn đang dạy có 6 giáo viên dạy lớp Giáo Dục Đặc Biệt, 3 cô dạy các em nặng, 3 cô dạy các em nhẹ. Cô Dawn Trần Galazyn là giáo viên dạy các em nhẹ.

Cô tâm sự: “Những em bị khuyết tật nặng thì ai cũng nhìn và biết rồi. Còn những em trong chương trình nhẹ mà tôi đang dạy, có nhiều em nhìn bề ngoài, nhiều người không biết là các em bị bệnh. Thậm chí có nhiều em nói chuyện rất lanh lợi, trí tuệ ở mức trung bình, nhưng các em lại bị chứng bệnh khó đọc (Dyslexia), chứng khó học (Learning-disabled children). Đây là điều khiến các em trở nên tự ti vô cùng. Theo nhiều tài liệu về y khoa cho rằng chứng khó học hay rối loạn chuyên biệt học tập là một dạng khuyết tật học tập ở trẻ do bất thường tại tầng lớp trên của vỏ não - làm các em mất khả năng ghi nhận và hiểu đường nét của chữ và ký hiệu, với những biểu hiện như khó khăn trong việc đọc, khó đánh vần, khó học số, khó viết; rối loạn nghe, nói và tính toán... Trẻ có những biểu hiện ở việc đọc và viết như: Đọc sót, đảo đổi trật tự các chữ, không nhất quán giữa đánh vần và đọc trơn, không biết ngắt - nghỉ ở dấu câu, không nắm được nghĩa của câu hay đoạn vừa đọc, khó khăn khi viết chính tả, bỏ sót chữ cái, bỏ sót từ, sai chữ... Khi nhận diện phương hướng, học sinh gặp khó khăn trong việc định vị mốc thời gian, tiếp thu các khái niệm thời gian, không gian, đa số bị nhầm lẫn trái - phải, trên - dưới và rất chậm khi phải ghi nhớ sự kiện. Ngoài ra, sự tương tác với bạn bè bình thường cùng trang lứa cũng hạn chế, kỹ năng vận động hợp tác nhóm cũng chậm hơn vì thế trẻ thường tỏ ra chán nản, hay nổi cáu, buồn bã”.

Theo cô Dawn Trần, giáo viên cần hết sức khéo léo trong việc giảng dạy. Cụ thể là luôn tạo tâm thế cho trẻ tin tưởng rằng mình có khả năng học tập như những bạn bè khác, thường xuyên khuyến khích, khen ngợi, động viên, giúp các em nhận ra rằng việc học đọc và viết chỉ là một cách học tập phản xạ. Tránh những lời nói, hành vi khiến các em mất tự tin, bị tổn thương; phải giúp các em nhận thấy rằng mình được đối xử công bằng như những em học sinh bình thường khác.
(còn tiếp)
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT