Phóng Sự

Tình yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt của một sinh viên Nhật

Friday, 01/02/2019 - 08:59:11

Tại Đài Truyền Hình SBTN, Victoria Tố Uyên (người phụ trách chương trình Victoria Tố Uyên Show) là người giúp Hayashi Takaya trong thời gian thực tập tại đài.

Sinh viên Hayashi Takaya ghi chép cẩn thận những chữ tiếng Việt. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Ngôn ngữ và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời. Ngôn ngữ là một phương tiện để con người giao tiếp với nhau, trao đổi tư tưởng và đi đến hiểu nhau. Mỗi một ngôn ngữ đều gắn liền với đặc trưng riêng của nền văn hóa dân tộc đó. Ngôn ngữ có thể được xem như là một cách biểu hiện bằng lời nói của văn hóa. Mỗi ngôn ngữ đều là một cánh cửa rộng mở đưa ta đến một thế giới khác. Sẽ chẳng có động lực nào to lớn hơn để học một ngôn ngữ bằng tình yêu dành cho thứ tiếng, văn hóa, con người xứ đó.


Chữ tiếng Việt được ghi chép cẩn thận. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đối với Hayashi Takaya, 27 tuổi, thì nguyên nhân anh học tiếng Việt chứ không phải một ngôn ngữ nào khác, là vì anh yêu thích tiếng Việt. Anh là sinh viên tiến sĩ của Đại Học Osaka, Nhật Bản, Khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa, đã đến Nam California từ đầu tháng 12, 2018 và thực tập tại Đài Truyền Hình SBTN ba tháng, đến cuối tháng 2 sẽ về lại Nhật Bản.

Anh yêu thích âm điệu độc đáo của tiếng Việt, yêu thích cái hương vị đậm đà, ngon ngọt, cay cay mằn mặn của những món ăn thuần túy Việt Nam. Đặc biệt là món bánh xèo Quy Nhơn cuốn chung với bánh tráng và rau, chấm nước mắm chua ngọt. Anh rất mê các loại bánh tráng ở Quy Nhơn như bánh tráng nước cốt dừa, bánh tráng nướng, bánh tráng cuốn với trứng chiên... Anh rất thích tình cảm gia đình của người Việt, gia đình nhiều thế hệ ở chung với nhau, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau.

Trước khi trở thành sinh viên bậc học tiến sĩ từ tháng 4, 2018, anh Hayashi Takaya đã học xong Cao Học tại Đại Học Osaka ngành đa văn hóa (multicultural coexistence) của chương trình RESPECT (Revitalizing and Enriching Society through Pluralism, Equity, and Cultural Transformation), đã tốt nghiệp cử nhân cũng tại Đại Học Osaka về ngôn ngữ học tiếng Nhật. Anh đã học tiếng Việt trong 5 năm (4 năm học tại Nhật Bản trong chương trình học lấy bằng cử nhân và cao học tại trường Đại Học Osaka và một năm du học tự túc tại Đại Học Quang Trung ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Tìm hiểu ngành truyền thông của người Việt tại Mỹ

Hayashi Takaya cho biết anh chọn đề tài để nghiên cứu khi đến Mỹ thực tập ba tháng là giới thiệu về sự hội nhập của cộng đồng người Việt tại Mỹ và vai trò truyền thông của người Việt tại Mỹ. Vì ở Nhật, cộng đồng người Việt không có ngành truyền thông tiếng Việt của riêng người Việt như ở Mỹ. Ở thành phố Kobe (Nhật Bản) thì có một tổ chức “Vietnam yêu mến KOBE,” có bản tin trên giấy song ngữ tiếng Nhật- tiếng Việt để giúp đỡ cho người Việt sinh sống ở Nhật, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Nhật và người Việt.
Ngoài ra khoảng một năm rưỡi nay, anh Hayashi Takaya còn là một tình nguyện viên tham gia chương trình radio tiếng Việt mang tên “Hãy An Nhiên Mà Sống” mới có từ tháng 10, 2017, người Việt sống ở các thành phố ở Nhật đều có thể nghe được chương trình này. Nhằm cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai cho người Việt, cách chuẩn bị cho con cái đi học ở Nhật Bản.

Sinh viên Hayashi Takaya và Tiến Sĩ Trần Chấn Trí tại tư gia của ông Trí. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Chương trình radio này thu thanh tại Kobe phát chương trình mới mỗi tháng 1 lần, phát trên internet vào thứ Bảy, từ 5 giờ đến 5 giờ 30 chiều. Có kèm thêm văn bản bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Anh Hayashi Takaya làm chương trình này với một du học sinh người Việt. Anh soạn chương trình bằng tiếng Nhật và bạn du học sinh này dịch sang tiếng Việt, nên Hayashi Takaya đã học được nhiều tiếng Việt cũng từ công việc này.

Năm 2014, khi còn đang học cử nhân, anh Hayashi Takaya từng tình nguyện làm phụ giáo dạy tiếng Việt cho một trường tiểu học do các thầy cô giáo người Việt dạy các em gốc Việt sinh ra tại Nhật.

Bằng giọng nói hơi chút lơ lớ, anh Hayashi Takaya kể, “Em có nhờ cô Na là cô giáo người Nhật dạy tiếng Việt tại Nhật, từng qua học lớp tu nghiệp sư phạm do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali tổ chức. Cô Na quen với Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, từng dạy cô Na trong chương trình tu nghiệp sư phạm. Thầy giáo tại Nhật giới thiệu em với cô Na, nhờ cô Na giới thiệu em với thầy Trí.

“Trước khi qua Mỹ, thầy Trí đã tạo mọi điều kiện cho em, giới thiệu cho em đến thực tập tại đài truyền hình SBTN. Khi qua Mỹ, được thầy Trí giúp đưa đến gặp một số cơ quan truyền thông của người Việt tại đây như đài truyền hình IBC của chùa Điều Ngự, báo Người Việt, và em được phỏng vấn, có nhiều câu hỏi thú vị.
“Khi đến những nơi do thầy Trí giới thiệu thì thầy sẽ đưa em đi. Thầy chỉ cho em cách mua vé xe bus để em tự đi đến nơi này nơi kia. Em đi ăn ở những tiệm ăn của người Việt, đi mua bánh mì chè Cali, biết đặt các món ăn bằng tiếng Việt.”

Tiến sĩ Trần Chấn Trí dành những lời khen Hayashi Takaya, “Hayashi Takaya mới học tiếng Việt 5 năm thôi, nhưng nói vậy là giỏi rồi. Nếu tôi học tiếng Nhật trong 5 năm chưa chắc nói tiếng Nhật giỏi như anh nói tiếng Việt đâu. Anh không chỉ giỏi tiếng Việt về mặt ngôn ngữ, mà cả mặt văn hóa nữa. Anh viết email, nói tiếng Việt rất lễ phép, lịch sự. Luôn có chữ dạ, thưa, ạ. Vì tiếng Việt không chỉ có chữ thôi, mà có cả sự lễ phép, lịch sự thông qua chữ. Những em nhỏ người Mỹ gốc Việt bên này nói không lễ phép bằng đâu.
“Qua những ngày tôi đưa anh ấy đi nơi này nơi kia, đến gặp gỡ một số cơ quan truyền thông Việt Ngữ, tôi chỉ cho anh ấy thêm một số chi tiết về tiếng Việt và văn hóa Việt, anh đã học được nhiều ở tôi. Ngược lại tôi cũng học được một chút xíu ngôn ngữ của Nhật, văn hóa Nhật. Giữa anh ấy và tôi có sự trao đổi ngôn ngữ và văn hóa rất lý thú. Tôi thích và anh ấy cũng thích nữa. Chúng tôi nói chuyện với nhau chủ yếu bằng tiếng Việt, lâu lâu tôi cũng nói thêm vài chữ tiếng Anh.”

Tại Đài Truyền Hình SBTN, Victoria Tố Uyên (người phụ trách chương trình Victoria Tố Uyên Show) là người giúp Hayashi Takaya trong thời gian thực tập tại đài.

Anh Hayashi Takaya cho biết, “Em chỉ đến đài vào ngày thu hình chương trình Victoria Tố Uyên Show, một tuần thu hình hai ngày. Em đến để xem cách thu hình chương trình. Sau khi thu hình xong chương trình, tuần sau em sẽ đi thăm văn phòng của khách mời của chương trình đã thu hôm trước. Cuối tuần thì đến chùa để thăm lớp dạy Việt ngữ.

“Những khách mời của chương trình Victoria Tố Uyên Show, mà em đã tiếp xúc được trong thời gian qua là những người gốc Việt làm những nghề thương mại như khai thuế, nhà hàng… tại Nhật và tại Mỹ, em đã tiếp xúc với nhiều người Việt, em biết được nhiều người Việt đến Nhật, đến Mỹ chỉ có hai bàn tay trắng nhưng họ đã cố gắng tạo được cuộc sống mới. Vì vậy em cũng học được điều đó từ họ, và muốn bản thân mình phải cố gắng.

“Ở Nhật có áp lực nhiều. Ở Nhật khi xin việc chỉ có một khoảng thời gian thôi. Sinh viên đại học vào tháng 12 của năm học thứ 3 là cơ hội duy nhất của sinh viên đi tìm việc làm. Qua đến năm thứ tư đại học là mất cơ hội rồi. Công ty tại Nhật chỉ thích tuyển sinh viên năm thứ 3 thôi. Còn sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn xin việc với điều kiện phải học giỏi, còn học bình thường thì rất khó xin việc.

“Học xong cao học và tiến sĩ xin việc càng khó hơn, chỉ trừ khi phải thực là giỏi thì mới xin được việc làm như ý, còn không thì sẽ xin việc làm lương rất thấp. Bố mẹ em ban đầu cũng bảo em nghỉ học để tìm việc làm. Nhưng dần dần thì đã đồng ý cho em tiếp tục học rồi. Em có em gái, em gái không học lên đại học, chỉ học cao đẳng 3 năm và đang đi làm y tá. Đi làm sớm hơn anh trai.”

Gia đình của anh Hayashi Takaya ở miền trung Nhật Bản, nơi có những hãng sản xuất xe Honda, Toyota, Suzuki nên bố mẹ Hayashi Takaya muốn anh học kỹ sư cơ khí để đi làm một trong những hãng xe trên. Hồi học cấp 3, Hayashi Takaya chọn ngành học vật lý, hóa học. Nhưng đến năm cuối cấp ba, Hayashi Takaya đã đổi sang học ngành xã hội. Vì Hayashi Takaya học với cô giáo dạy tiếng Nhật ở cấp 3, trước đó cô dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài, kể về công việc. Nên anh thích và chọn ngành sư phạm tiếng Nhật khi lên đại học.

Khó khăn khi học tiếng Việt

Khi học tiếng Việt, đối với anh Hayashi Takaya, nghe và nói là khó nhất. Viết và đọc thì dễ hơn. Do đặc thù riêng trong tiếng Nhật không thể phát âm những phụ âm đơn giản như b, v, l, r hoặc đơn thuần là những dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng được. Hoặc khi nói âm T, Th trong tiếng Việt dễ bị nhầm với nhau. Âm M, N, Ng là khác nhau trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Nhật, những âm này nói ra mũi thôi, vì vậy rất khó khi nói những chữ tiếng Việt có những âm M, N, Ng. Những chữ như tấm lòng, cháo lòng, rất khó phát âm. Hayashi Takaya phải cố gắng lắm mới không gây nhầm lẫn khi phát âm giữa các âm tiết mang dấu hoặc đội nón (a, ă , â , e, ê ), những âm tiết dấu ơ, ư.

“Vì trong tiếng Nhật có chữ Kanji (trong bảng chữ cái của người Nhật) là chữ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và trong tiếng Việt cũng có nhiều chữ tiếng Hán nên có nhiều chữ phát âm giống tiếng Nhật. Khi suy nghĩ bằng tiếng Nhật rồi dịch sang tiếng Việt để nói thì dễ. Bí quyết học tiếng Việt của em là dùng từ Hán đã có để giúp hiểu tiếng Việt nhanh. Vì tiếng Việt gốc Hán nhiều, còn tiếng Việt thuần Việt rất ít.”

Hayashi Takaya kể trong thời gian đến học tiếng Việt một năm tại Đại Học Quang Trung ở Thành Phố Quy Nhơn, anh thuê nhà ở cùng người người dân, đã học được nhiều về văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ, tiếp xúc với người dân ở đây, nghe được giọng địa phương của người dân Bình Định. Biết về vua Quang Trung- Nguyễn Huệ, võ cổ truyền Bình Định, lễ hội tại Quy Nhơn. Người dân ở Quy Nhơn rất tự hào về vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
“Em thích leo núi, thời gian học ở Quy Nhơn, cuối tuần em có tham gia với Hội Leo Núi sáng chủ nhật, mọi người cùng nhau đi leo một ngọn núi nhỏ trong thành phố Quy Nhơn, những người trong hội leo núi từ sinh viên, học sinh đến người lớn tuổi 60, 70 tuổi, nhưng đông nhất là người trẻ, nên rất vui. Leo núi xong, cùng đi ăn sáng, uống cà phê với nhau. Em có tham gia câu lạc bộ tiếng Anh vào thứ 7, tiếp xúc nhiều người Việt, có những người của CLB này tham gia Hội Leo Núi.

“Em còn tham gia với những người làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho trẻ em, lập ra tủ sách cho các em đọc tại chùa, em cũng tham gia tại chùa và những hoạt động tại chùa, ăn cơm chay trong chùa vào chiều Chủ Nhật. Trong một năm học ở Quy Nhơn, em còn đi Đắc Lắc, Gia Rai, Kon Tum gặp những người dân tộc thiểu số. Ra Tuy Hòa. Buôn Mê Thuột. Thời gian trước khi đến du học tại Việt Nam, lúc em đang học năm thứ Ba đại học bằng cử nhân. Vì muốn kiềm tra mình nói và nghe được tiếng Việt hay không, em đã đi qua Việt Nam du lịch 9 ngày, đi từ Sài Gòn đến Huế bằng xe lửa, rồi quay lại Sài Gòn bằng xe khách. Đã đi Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang. Tiếng Việt khi đó của em vẫn còn yếu lắm. Nhưng một năm học tại Việt Nam giúp em tiến bộ rất nhiều.”

Anh có lời khuyên nào dành cho những người Nhật muốn học tiếng Việt?
Hayashi Takaya nói, “Phải yêu thích một điều gì đó của người Việt, văn hóa Việt thì mới học được. Phải yêu thích thì mới kiên trì học. Đối với người nước ngoài khi muốn học tiếng Nhật hoặc tiếng Việt, thì theo em, nếu chỉ viết và đọc thì tiếng Việt dễ hơn tiếng Nhật. Nhưng nếu nghe nói, thì tiếng Nhật dễ hơn. Những ai học tiếng Hàn Quốc rồi, thì học tiếng Nhật rất dễ. Vì tiếng Hàn và Nhật rất giống nhau. Người ngoại quốc muốn học tiếng Nhật giỏi thì học chữ phiên âm ra chữ latinh trước, sau đó mới bắt đầu học chữ tượng hình tiếng Nhật thì sẽ dễ hơn.”

Anh Hayashi Takaya cho biết ban đầu anh muốn thực hiện đề tài nghiên cứu so sánh giữa người Việt tại Nhật và người Việt tại Mỹ khác nhau ra sao trong việc hội nhập đời sống. Đề tài thứ hai là ngành truyền thông của người Việt tại Mỹ. Và khi đến Mỹ, anh biết thêm về tiếng Việt truyền thống của người Việt tại Mỹ và tiếng Việt trong nước. Anh thấy rất thú vị. Anh muốn nghiên cứu thêm về lịch sử cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ và ngôn ngữ đối thoại của người Việt tị nạn để hiểu hơn những sự khác biệt của người Việt trong nước và người Việt tại Mỹ.
Đối với anh Hayashi Takaya để học và hiểu sâu hơn tiếng Việt và văn hóa Việt một ngôn ngữ vẫn còn là một chặng đường dài. Anh thích thú tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Việt, trước những gì chưa từng biết, và không ngần ngại tích lũy những kinh nghiệm khác nhau, tiếp nhận những giá trị đa dạng, để hiểu thêm và sâu sắc hơn về Việt Nam, về lịch sử, truyền thống, văn hóa ẩm thực và ngôn ngữ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT