Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tình yêu quê hương qua chiều nhạc Ngàn Khơi "Hành Trình Quê Mẹ"

Friday, 20/11/2015 - 07:52:14

Làm đẹp thêm cho những tiếng hát là tiếng dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng, tài hòa âm phối khí của ban nhạc Hoàng Công Luận với tài hoa của các thành viên: Hoàng Công Luận, Trúc Sinh, Quốc Vũ, Vũ Anh Tuấn, Gary Wing.

Bài BĂNG HUYỀN

 

Tam ca nữ với “Trăng Thu”.

Chiều nhạc Ngàn Khơi “Hành Trình Quê Mẹ” diễn ra vào chiều Chủ Nhật, ngày 15-11-2015 tuần qua đã để lại nhiều dư âm đẹp, đầy cuốn hút và mê hoặc cùng những xúc cảm dâng trào, lắng đọng sâu sắc nơi trái tim của khoảng 600 khán giả ngồi kín gần hết trong khán phòng rạp hát Saigon Performing Arts Center. Ngoài 24 tác phẩm là những bài hùng ca, sử ca, tình tự quê hương mà ban hợp xướng Ngàn Khơi, dưới tài bắt nhịp của nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương, Nguyễn Bội Cơ, Bùi Quỳnh Giao; cùng những nhóm hát gồm ban Sóng Xanh, ban Cát Trắng, nhóm tam ca nữ, hợp ca nam, nhóm ca và các ca sĩ đơn ca Quang Tuấn, Mộng Thủy, Bích Vân, Teresa Mai, Bích Liên, Phạm Hà, chương trình còn được thêm vào ca khúc “Nỗi Lòng Người Đi” (sáng tác Anh Bằng) qua tiếng hát của ca sĩ Bích Vân đầy cảm xúc cùng lời tâm sự cô chọn ca khúc này như một nén hương lòng để tiễn biệt cố nhạc sĩ Anh Bằng, một tài hoa thuộc thế hệ “vàng son” của nền tân nhạc Việt Nam, vừa từ giã cõi đời sau 8 năm chống chọi với bệnh nan y (ông mất tối ngày 12 tháng 11 năm 2015).

Ca sĩ Quang Tuấn trong ca khúc “Ném Con Cho Giông Tố”.



Làm đẹp thêm cho những tiếng hát là tiếng dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng, tài hòa âm phối khí của ban nhạc Hoàng Công Luận với tài hoa của các thành viên: Hoàng Công Luận, Trúc Sinh, Quốc Vũ, Vũ Anh Tuấn, Gary Wing. Phần hình ảnh slide show minh họa được chọn lọc ăn khớp với ý nghĩa của từng ca khúc đã tô đậm thêm cảm xúc cho khán giả cả phần nghe lẫn phần nhìn và để khán giả có thể thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp qua từng tác phẩm trong suốt buổi diễn không thể không nhắc đến vai trò của kỹ sư âm thanh ánh sáng Việt Anh, kể cả đóng góp của những người thầm lặng sau hậu trường sân khấu để các tiết mục tiếp nối nhau thật nhịp nhàng và cách dẫn chương trình sắc xảo của Nguyễn Hoàng Dũng, Lê Đình YSa.

Toàn ban đang chào khán giả.

Vẻ đẹp của hợp xướng, hợp ca
Sáu tháng trời cùng luyện tập nghiêm túc bên nhau dưới sự hướng dẫn của các nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương, Nguyễn Bội Cơ, Bùi Quỳnh Giao, các thành viên ban hợp xướng Ngàn Khơi đã không phụ lòng kỳ vọng của khán giả. Họ đã thật xuất sắc khi gửi đến người nghe vẻ đẹp của các tác phẩm âm nhạc với phần hòa giọng tuyệt vời, thật nhịp nhàng, đúng chỗ, đúng lúc, đúng thanh điệu, âm sắc với những mảng bè được phối đủ màu sắc, thể hiện kết quả của một quá trình luyện tập gian khổ
Từng lời ca vang bay bổng, người nghe đắm chìm trong không gian âm nhạc tuyệt diệu, dường như không còn “cách trở” không gian và thời gian, người hát và người nghe đã cùng giao hòa trong cảm xúc, cùng một nhịp đập của trái tim, khơi lại tình cảm thiêng liêng cao vợi của những người Việt ly hương dành cho đất mẹ Việt Nam, qua năm tiểu khúc: Mẹ Ta, Mẹ Xinh Đẹp, Mẹ Chờ Mong, Lúa Mẹ và Mẹ Đón Cha Về trích từ Trường ca Mẹ Việt Nam do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, được hòa âm bởi các nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang, Nghiêm Phú Phi; là nỗi đau của một dân tộc đã trải qua quá nhiều sóng gió, thăng trầm, bi tráng qua “Đàn Chim Tha Hương” với phần nhạc, lời và hòa âm của tác giả Hồ Đăng Tín, có phần hát lĩnh xướng của Bích Vân kết hợp cùng ban hợp xướng Ngàn Khơi. Vọng về tự ngàn xưa, như thúc giục mọi người về lại với hào khí của bản hùng ca vang dậy non sông, như hơi thở của hồn thiêng sông núi, chạm đến tận sâu trái tim người nghe, lâng lâng, lan tỏa khi ban hợp xướng thể hiện Ải Chi Lăng (nhạc và lời Lưu Hữu Phước, hòa âm Trần Văn Tín) và nhóm ca thể hiện “Bạch Đằng Giang” (Nhạc và lời Lưu Hữu Phước, hòa âm Hồ Đăng Tín). Đó còn là niềm tri ân, ghi nhớ côngơn những người chiến sĩđã đểlại một phần thân thể cho quê mẹ Việt Nam trong cuộc chiến qua Nhớ Người Thương Binh (nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Hồ Đăng Tín).

Nhóm ca trẻ Sóng Xanh trong “Bức Họa Đồng Quê”.

Dòng âm thanh cứ cuồn cuộn, khắc khoải, như triều dâng qua tiếng hát lĩnh xướng của Teresa Mai và ban hợp xướng Ngàn Khơi, với tiếng dương cầm Nguyễn Hải Hoàng, vĩ cầm Hoàng Công Luận, đưa khán giả vào những giây phút phiêu bồng, thoát tục khi nghe tác phẩm A Vietnamese Requiem III (Excerpt) của soạn nhạc gia, giáo sư P.Q Phan (Phan Quang Phục), là bản Requiem đầu tiên với lời Phật giáo bằng tiếng Việt được soạn nhạc gia P.Q. Phan biên soạn để “vinh danh gần 10 triệu nạn nhân chiến tranh người Việt Nam của thế kỷ 20, những người chết trong thời Pháp thuộc, thời Nhật chiếm đóng, thời 'Chiến Tranh Việt Nam', thời chiến tranh biên giới và biển đảo với Tàu, trong những chuyến vượt biển sau năm 1975, và tất cả những người mà cuộc sống bị lấy mất vì chiến tranh hoặc hậu quả chiến tranh. Vì tác giả cho rằng “Cái chết có thể được ca tụng chứ không phải chỉ để than tiếc. Người ta đối diện cái chết với một suy nghĩ tích cực: rằng nó có thể được vinh danh, rằng nó đã không vô ích.” Là vẻ đẹp của những thanh âm khi trầm bổng, khi cao vút, khi thì khoan thai, lúc thật êm dịu, đầy đặn xúc cảm qua “Bầy Chim Bỏ Xứ- Hồi Xứ” (Nhạc và lời Phạm Duy, hòa âm Trần Chúc).

Hai MC Nguyễn Hoàng Dũng và Y Sa cùng nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ và ca sĩ Teresa Mai.



Đánh dấu 40 năm người Việt bỏ nước ra đi để tìm đến những bến bờ tự do bên ngoài Việt Nam, ghi ơn nước Mỹ đã bảo bọc, cưu mang cho những người dân Việt có nơi chốn mới để được sống và làm lại cuộc đời, qua bài hát ca ngợi “America The Beautiful” (Nhạc và lời Samuel A. Ward. Katharine Lee Bates, hòa âm Harry Robert Wilson) được ban hợp xướng thể hiện bằng hai lời ca Mỹ- Việt.

Bích Liên “Mơ Về Quê Tôi”


Những lời ca kiêu hùng đầy lôi cuốn mạnh mẽ của “Việt Nam- Việt Nam” (Phạm Duy, hòa âm Lê Văn Khoa) và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang) khơi gợi khí phách Việt, đem lại nhiều hân hoan cho người nghe.
Các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi không chỉ thành công khi hát những bài hợp xướng, hợp ca mà một vài thành viên lập nên những nhóm hát như nhóm tam ca nữ, nhóm hợp ca nam, nhóm Cát Trắng, Nhóm Sóng Xanh, những nhóm hát này còn chứng minh cho khán giả thấy khả năng xử lý tinh tế phần phối bè, cùng với ưu điểm nổi bật của mỗi giọng hát trong nhóm hòa quyện với nhau, tạo nên một thể thống nhất đầy sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp cho mỗi tiết mục khi họ vẽ lại trong trí người nghe vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương tuyệt mỹ, thanh bình qua “Trăng Thu” (nhạc và lời Lê Văn Khoa- do nhóm tam ca nữ hát), “Dòng An Giang” (Sáng tác Anh Việt Thu, hòa âm Hồ Đăng Tín, do ban Cát Trắng ca), “Bức Họa Đồng Quê” (Nhạc và lời Văn Phụng, hòa âm Hồ Đăng Tín) do những tiếng hát của các bạn trẻ nhóm Sóng Xanh thể hiện. Nét tươi trẻ, dào dạt cảm xúc, kết hợp với những động tác vũ đạo duyên dáng của các bạn trẻ này đã thổi hồn mới lạ cho ca khúc thực sự làm rung động trái tim của nhiều người nghe.

Bích Vân trong “Chiều Về Trên Sông”

Nhạc Việt đẹp thêm qua từng tiếng hát đơn ca
Đan xen giữa các tiết mục hợp xướng, hòa ca là những tiếng hát đơn ca giàu biểu cảm, sâu lắng.
Giọng hát trầm ấm, nhả chữ rất đẹp, quãng trầm vang, rền, từng câu từng từ đều nắn nót của ca sĩ Quang Tuấn đã thể hiện trọn vẹn nỗi khắc khoải, thiết tha của tác giả Lê Hoàng Long qua “Gợi Giấc Mơ Xưa”, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” (Trầm Tử Thiêng). Còn khi anh hát “Ném con cho giông tố” (Nhạc và lời Trần Dạ Từ) người nghe như cảm nhận được những giọt lệ nhỏ xuống từ tận cùng của nỗi đau của những người mẹ Việt Nam khi anh thốt lên “Giông tố giông tố ngoài khơi xa / Ta gửi ngươi. Ta gửi ngươi con ta / Xương thịt ta. Tâm hồn ta. Hy vọng ta...”, dâng lên một nỗi buồn sâu thẳm nơi trái tim người nghe.
Quãng giọng rộng và khả năng tự tình trong từng từ, từng đoạn, khoe được giọng hát bay bổng, lãng mạn và giàu cảm xúc khi Bích Vân hát “Chiều Về Trên Sông” (Phạm Duy), “Nỗi Lòng Người Đi” (Anh Bằng) “Lệ Buồn Nhớ Mi” (Đăng Khánh) khiến người nghe không khỏi bồi hồi, xúc động. Giai điệu đẹp đẽ mà sâu lắng, hùng dũng mà thân thương, da diết mà cháy bỏng, tất cả quyện vào nhau, tạo nên một tác phẩm rung động trái tim bao người của nhạc sĩ Lê Văn Khoa qua “Mơ Về Quê Tôi” được giọng hát Bích Liên thể hiện giàu cảm xúc khi chị diễn tả tâm trạng xa xứ, nỗi đau hãi hùng trong bước đường đi tìm tự do, đó cũng chính là tâm trạng và hoàn cảnh của tác giả Lê Văn Khoa và của biết bao người Việt tị nạn đã phải trải qua trên đường vượt biển, vượt biên để đến được bến bờ Tự Do. Phạm Hà đem đến cảm xúc thật đầy đặn cho người nghe khi thể hiện “Lời Kinh Đêm” của cố nhạc sĩ Việt Dzũng. Giọng ca Teresa Mai thanh thoát, âm vực nhẹ nhàng, thanh âm trong trẻo, sâu lắng theo tiếng đàn piano của Nguyễn Hải Hoàng khi thể hiện Nhặt Cánh Sao Rơi của Vũ Thành. Tiếng hát đầy kỹ thuật, nhưng cũng thật tình cảm của Mộng Thủy đã “tan” thật sự, tan trong từng nốt nhạc, tan trong từng lời ca của nhạc sĩ- bác sĩ Phạm Anh Dũng qua tác phẩm “Mẹ Vàng Úa”, “Quê Hương Thu Nhỏ” (Nguyễn Đình Toàn), cả hai tác phẩm này được chị thể hiện trọn vẹn những cung bậc ẩn hiện tiếng lòng đầy thổn thức của người con dành cho mẹ hiền, dành cho quê hương.

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi



Kết thúc chương trình là bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Nguyễn Đức Quang) được vang lên bởi ban hợp xướng Ngàn Khơi tạo nên những cảm xúc bâng khuâng khó tả - rất Việt Nam, rộng lớn, đầy tự hào.

Nhóm ca nam trong “Vó Câu Muôn Dặm”.

Những lời ca
“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian
….”
đã vang lên cũng là lúc khán phòng được vỡ òa những tràng pháo tay không dứt cùng những lời xuýt xoa đầy nuối tiếc. Một chương trình hòa nhạc thành công và tạo ấn tượng khó quên trong lòng khán giả đã khép lại.

Nhóm Cát Trắng với “Dòng An Giang”.



Chiều nhạc Ngàn Khơi “Hành Trình Quê Mẹ” đã kết thúc nhưng những dư âm về một chương trình nghệ thuật hấp dẫn còn đọng mãi nơi người nghe. Với sự cố gắng của các thành viên trong ban quản trị của ban hợp xướng Ngàn Khơi, cùng sự cộng tác của các ca viên, các ca sĩ khách mời, nhạc sĩ trong ban nhạc... đã vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, mang đến cho khán giả một chương trình nghệ thuật lay động lòng người, để lại những ấn tượng khó quên về những “hồi ức” đau thương và cả “niềm hy vọng,” tình yêu quê hương, đất nước nơi những người con Việt dẫu xa quê nhưng trong tim vẫn vọng về cố quốc. (bh)


Ca sĩ Mộng Thủy trong “Quê Hương Thu Nhỏ”.


 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT