Thế Giới

Tòa kháng án duy trì phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về luật SB 1070

Vanessa White/Viễn Đông Thursday, 16/08/2012 - 09:14:34

Tại tòa này, các thẩm phán lắng nghe những lập luận liên quan đến chuyện liệu cảnh sát tiểu bang và địa phương có thể hỏi giấy tờ di trú khi chặn xe, liệu có phải là một tội hình sự khi một người ở Arizona bất hợp pháp

Vanessa White/Viễn Đông

PHOENIX, Arizona – Lái xe qua những ngọn đồi đá tảng khô cằn của Arizona, với giới hạn tốc độ là 75 dặm một giờ, người ta có thể vượt qua những chặng đường trường một cách nhanh chóng hơn, so với hầu hết các tiểu bang khác.
Bất chấp mức hạn chế tốc độ cao hơn một cách đáng kể, một số cư dân Arizona có thể không có sức di chuyển nhanh chóng và tự do bằng với những người cư ngụ ở các tiểu bang khác, và họ bị giới hạn bởi dáng dấp ngoại hình của mình, lo ngại rằng màu da, hoặc có lẽ cả giọng nói của họ, có thể sẽ gây ra nghi ngờ. Những người này có thể phải lo lắng về nhiều chuyện khác hơn là lo về giới hạn tốc độ khi lái xe, thậm chí họ bị đòi phải có khả năng chứng minh rằng họ thuộc về tiểu bang Arizona.
Vào hôm 15-8-2012, Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Địa Hạt Thứ 9 đã duy trì một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về Đạo Luật Thượng Viện SB 1070. Đạo luật này là một nỗ lực lập pháp của tiểu bang Arizona nhằm mục đích kiểm soát những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ.


Di trú luôn luôn là vấn đề giằng co, tranh cãi liên tục ở Arizona. Hôm Thứ Tư 15-8-2012, cùng ngày tòa phúc thẩm ra quyết định giữ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, những người biểu tình đi bộ tới Điện Capitol ở Phoenix kéo theo biểu ngữ chống đối vì Thống Đốc Jan Brewer thông báo rằng những người trẻ di cư không giấy tờ hợp pháp tuy được cấp giấy tờ hoãn trục xuất của liên bang nhưng sẽ không thể lấy bằng lái xe của Arizona - ảnh: Nick Oza/The Arizona Republic.

Hôm 25-6-2012, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã bác bỏ hầu hết các điều khoản qui định trong SB 1070, đã được kết thúc trong cuộc chiến pháp lý diễn ra từ tháng 4 năm 2010, khi Thống Đốc Jan Brewer của Arizona đặt bút ký vào để biến dự luật ấy thành một đạo luật chính thức của tiểu bang. Đến tháng 4 năm 2012, SB 1070 đã được đệ trình lên tới Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Tại tòa này, các thẩm phán lắng nghe những lập luận liên quan đến chuyện liệu cảnh sát tiểu bang và địa phương có thể hỏi giấy tờ di trú khi chặn xe, liệu có phải là một tội hình sự khi một người ở Arizona bất hợp pháp, liệu di dân không giấy tờ đi tìm việc có phải là phạm tội, và liệu cảnh sát có thể bắt giữ những di dân không giấy tờ mà không cần trát tòa nếu họ cho rằng người đó có vẻ đáng nghi đủ để bắt.
Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ phần lớn nội dung luật này, ngoại trừ điều khoản 2(b) liên quan tới chuyện liệu cảnh sát tiểu bang và địa phương có thể yêu cầu người ta xuất trình giấy tờ hay không, tại những nơi họ bị chặn lại trên đường, hoặc trong khi cảnh sát thực thi công lực đối với những luật khác. Trong tháng 6 năm 2012, Trung Tâm Pháp Lý Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương (APALC) đưa ra một bản thông cáo báo chí, để bày tỏ phản ứng đối với quyết định của Tối Cao Pháp Viện, cho biết rằng phán quyết của tòa án này bảo đảm rằng mặc dù các viên chức công lực địa phương sẽ không còn có thể hình sự hóa những người nào không mang theo giấy tờ đăng bạ di trú, và cảnh sát cũng không còn có thể thực hiện những vụ bắt giữ mà không có trát tòa cho phép, nhưng họ vẫn có thể sử dụng phán quyết ấy để nhắm vào những người bị họ nghi ngờ là nhập cư “bất hợp pháp” vào Hoa Kỳ, chỉ căn cứ vào dáng dấp thể lý bên ngoài, hoặc dựa vào giọng phát âm của những người như thế.

Từ việc nhìn dáng mà chặn người, cho tới những lợi nhuận của nhà tù
Nhật báo Viễn Đông đã khám phá ra rằng mặc dù chính phủ Tổng Thống Barack Obama thách thức SB 1070, nhưng chính phủ này khi làm như vậy đã không căn cứ trên các quyền dân sự hoặc việc nhìn vào dáng dấp chủng tộc mà chặn lại xét hỏi người ta. Thay vì vậy, chính phủ Obama thách thức luật ấy dựa trên chuyện chính phủ liên bang là cơ quan duy nhất có thẩm quyền về các vấn đề di trú, chứ không phải là các tiểu bang có quyền ấy.
Vì đã không thách thức luật SB 1070 căn cứ vào các quyền dân sự hoặc vào chuyện nhìn dáng mà chặn người, nên theo tin tức cho biết thì chính phủ Tổng Thống Obama đã mở đường để cho điều khoản 2(b) đứng vững. Sau quyết định của Tối Cao Pháp Viện, tin tức truyền thông chính lưu cho biết rằng phán quyết ấy là một chiến thắng cho cả Arizona lẫn chính phủ Tổng Thống Obama, vì Arizona có thể giữ lại được điều khoản gây ra tranh cãi nhiều nhất trong SB 1070, và Tối Cao Pháp Viện bác bỏ những điều khoản khác để ủng hộ cho chính phủ Tổng Thống Obama.
Nhận thấy rằng điều khoản 2(b) là phù hợp với thẩm quyền liên bang chứ không phải là chống lại thẩm quyền ấy, Tối Cao Pháp Viện lưu ý rằng chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang đã làm việc chung với nhau về những vấn đề di trú. Chẳng hạn, căn cứ theo những chương trình liên bang như Các Cộng Đồng An Toàn và điều khoản 287(g) trong Đạo Luật Di Trú và Quốc Tịch (Immigration and Nationality Act), thì cảnh sát tiểu bang và địa phương xác định và tống giam những người không phải là công dân vào trong các nhà tù của tiểu bang và địa phương.
Tuy nhiên, trong tháng 5 năm 2012, nhật báo Viễn Đông đã đưa tin cho biết rằng các nhà tù tư nhân cũng được hưởng lợi từ việc giam giữ những người không phải là công dân Mỹ, và có thể hưởng lợi nhuận nhiều hơn nữa thông qua việc đem luật SB 1070 ra thi hành. Là một nhóm nhận tiền tài trợ của các công ty, Hội Đồng Giao Dịch Lập Pháp Hoa Kỳ (ALEC) qui tụ những nhà lãnh đạo công ty và các chính khách. Những thành viên này họp kín với nhau, và cùng nhau bỏ phiếu biểu quyết về những dự luật nhằm soạn thảo ra lại luật lệ tiểu bang. Chính ALEC đã ủng hộ những luật qui định giam giữ các tù nhân trong những khoảng thời gian lâu hơn, cho phép các công ty thu được lợi nhuận từ số lượng những người bị giam giữ trong các cơ sở cải huấn của ALEC.
Corrections Corporation of America (CCA – Công Ty Cải Huấn Hoa Kỳ), một công ty cựu thành viên của hội đồng ALEC, cũng đang điều hành các trại giam những người vi phạm luật di trú. Một mục tin tức của Đài NPR trong năm 2010 cho biết rằng ngoài những công ty nhà tù tư nhân khác, CCA đã dự định biến những trại giam giữ di dân vi phạm luật di trú thành một thị trường khổng lồ, có thể đủ sức chứa hơn một triệu người bị trục xuất bởi chính phủ Tổng Thống Obama, tính cho đến nay.
Trước khi bị trục xuất, họ bị giam giữ bởi Cơ Quan Di Trú và Quan Thuế (ICE), vốn là cơ sở khách hàng chính yếu tại 7 trại trong số 14 trung tâm giam giữ do CCA quản trị hoặc sở hữu trên khắp nước Mỹ, theo nhật báo Viễn Đông tìm hiểu và biết được.
Là một tổ chức từng phanh phui và đưa ra trước công luận những văn kiện luật lệ kiểu mẫu khác nhau của ALEC trong tháng 7 năm 2011, Trung Tâm Dân Chủ Truyền thông (CMD) cho biết rằng Dân Biểu Cộng Hòa Russell Pearce của Arizona đã soạn thảo ra Đạo Luật SB 1070, với nhiều ý kiến thu thập từ công ty CCA. Theo mục tin tức NPR cho biết, CCA và những công ty nhà tù tư nhân khác đã ráo riết vận động các nhà lập pháp Arizona, trước khi họ thông qua luật SB 1070, và theo tin tức cho hay, có 30 người trong số 36 nghị sĩ đồng bảo trợ luật ấy đã nhận được tiền của các công ty tài trợ cho các chiến dịch vận động tranh cử của họ.
SB 1070 đã được đưa về lại cho một tòa án quận hạt Arizona, để chờ quyết định thêm về việc đem luật này ra thi hành. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT