Hoa Kỳ

Tối Cao Pháp Viện mở đường cho thêm 11 tiểu bang công nhận hôn nhân đồng tính

Monday, 06/10/2014 - 11:38:48

Với phán quyết công bố hôm thứ Hai, hôn nhân đồng tính sẽ hợp pháp tại 30 tiểu bang, kể cả vài nơi ở miền Nam, nơi mà khối bảo thủ có thể lực mạnh hơn phe cấp tiến.

Erika Turner (bên phải) và Jennifer Melsop đang vui mừng sau khi trở thành cặp đồng tính đầu tiên được kết hôn tại Hạt Arlington, Virginia hôm thứ Hai. Hôn nhân của họ được chấp thuận nhờ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện được đưa ra vào sáng cùng ngày. (Alex Wong/Getty Images)


HOA THỊNH ĐỐN – Trong một phán quyết đầy bất ngờ được công bố hôm thứ Hai, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã giữ y nguyên những quyết định ở các tòa cấp thấp chống lại luật cấm hôn nhân đồng tính tại năm tiểu bang.
Phán quyết này đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong cuộc tranh đấu dài hai thập niên nhằm đưa đến việc hôn nhân giữa những người cùng phái tính được công nhân trên khắp nước Mỹ. Ngoài năm tiểu bang được nhắc đến trong phán quyết, Tối Cao Pháp Viện đã mở đường cho những người đồng tính nam và đồng tính nữ được kết hôn tại 11 tiểu bang khác.
Những người thuộc khối bảo thủ xã hội từng đặt niềm hy vọng cuối cùng ở Tối Cao Pháp Viện nhằm ngăn chặn hôn nhân đồng tính. Thế nhưng quyết định bất ngờ của tòa cao cấp nhất nước Mỹ đã thẳng thừng không cứu xét hồ sơ kháng án tại năm tiểu bang. Trong năm tiểu bang này, vài nơi đang có bộ trưởng tư pháp tìm cách phục hồi luật cấm hôn nhân giữa người cùng phái tính.
Thay vì lên tiếng, Tối Cao Pháp Viện giữ y nguyên những phán quyết từng được đưa ra ở các tòa cấp tiểu bang nhằm ngăn chặn sự thi hành luật cấm hôn nhân đồng tính. Như vậy, một lần nữa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã tránh trực tiếp lên tiếng về một câu hỏi rất gai góc, và đó là những người đồng tính trên toàn quốc có quyền được kết hôn theo hiến pháp hay không.
Tuy vậy, qua việc không cứu xét các đơn kháng án từ năm tiểu bang, quyết định này đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ đến các thẩm phán ở tòa cấp thấp, rằng hôn nhân đồng tính sắp trở thành hợp pháp trên khắp 50 tiểu bang.
Với phán quyết công bố hôm thứ Hai, hôn nhân đồng tính sẽ hợp pháp tại 30 tiểu bang, kể cả vài nơi ở miền Nam, nơi mà khối bảo thủ có thể lực mạnh hơn phe cấp tiến.
Tối Cao Pháp viện đã yêu cầu luật công nhận hôn nhân đồng tính phải được thi hành ngay lập tức tại Indiana, Oklahoma, Utah, Virginia và Wisconsin. Không xa đằng sau năm tiểu bang này là sáu tiểu bang khác cũng nằm trong các khu vực tòa liên bang cứu xét năm tiểu bang nói trên, và đó là sáu tiểu bang sắp phải công nhận hôn nhân đồng tính là Colorado, Kansas, North Carolina, South Carolina, West Virginia và Wyoming.
Mười-một tiểu bang đó sẽ được cộng vào 19 tiểu bang đã có luật cho phép hôn nhân đồng tính. Như vậy, với phán quyết quan trọng của Tối Cao Pháp Viện, đây là lần đầu tiên đa số nước Mỹ đã công nhận hôn nhân đồng tính.
Ông James Esseks thuộc hội ACLU chuyên bênh vực dân quyền, nói phán quyết “là một khởi nguồn cho một phong trào trên toàn quốc. Chúng ta đang tiến thêm một bước đến một ngày mà tất cả những cặp đồng tính đều có quyền được kết hôn với nhau.”
Phán quyết cũng cho thấy những thẩm phán bảo thủ trong Tối Cao Pháp Viện đã quyết định không tranh luận thêm nữa về quyền kết hôn của người đồng tính, vì những cuộc thăm dò ý kiến của người dân cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng tính. Kể từ lần cuối Tối Cao Pháp đưa ra ý kiến về vấn đề này trong năm 2013, từ đó đến nay những nhóm vận động cho hôn nhân cùng phái tính dã thắng nhiều vụ kiện.
Với số phiếu 5-4, phán quyết cũng phản ảnh sự chia rẽ và phân vân trong Tối Cao Pháp Viện. Chánh Thẩm Phán John G. Roberts Jr. thường có khuynh hướng trì hoãn những quyết định liên quan đến những vấn đề gây tranh cãi, chia rẽ trong xã hội. Chẳng hạn trong năm qua, Tối Cao Pháp Viện đã từ chối cứu xét nhiều vụ kiện được đưa ra để thử nghiệm những luật liên quan đến quyền phá thai tại các tiểu bang.
Theo các quan sát viên, bốn thẩm phán bảo thủ nhất trong Tối Cao Pháp Viện có khuynh hướng chống hôn nhân đồng tính. Thế nhưng có ít nhất một người, mà có thể là Chánh Thẩm Phán Roberts chứ không ai khác, không muốn nhận đơn kháng án để cứu xét nó trong lúc này. Có thể là vì ông lo ngại Thẩm Phán Anthony M. Kennedy sẽ bỏ phiếu theo nhóm cấp tiến, đưa đến sự công nhận hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ thay vì từng tiểu bang một như hiện nay. (hk)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT