Hoa Kỳ

Tối Cao Pháp Viện ủng hộ luật Michigan cấm nâng đỡ người thiểu số vào đại học

Tuesday, 22/04/2014 - 10:30:07

Một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ liên quan đến một bộ luật tại Michigan sẽ ảnh hưởng đến California, được quan tâm đặc biệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu kể cả người Việt Nam. Vào ngày thứ Ba vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã thông báo quyết định duy trì một bộ luật

HOA THỊNH ĐỐN – Một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ liên quan đến một bộ luật tại Michigan sẽ ảnh hưởng đến California, được quan tâm đặc biệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu kể cả người Việt Nam. Vào ngày thứ Ba vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã thông báo quyết định duy trì một bộ luật được ban hành tại Michigan nhằm cấm các chương trình công chúng không được soạn thảo dựa theo tiêu chuẩn nâng đỡ dựa theo chủng tộc hoặc phái tính.

Bộ luật tại Michigan được ban hành vào năm 2006 và được soạn thảo gần tương tự như luật tại California. Luật này không cho phép các trường công như trường đại học được tuyển chọn các sinh viên dựa theo yếu tố chủng tộc hoặc phái tính.

Tối Cao Pháp Viện đã bị chia rẽ trong ý kiến dựa trên pháp lý với số phiếu 6-2. Thay vì cứu xét luật cấm áp dụng quy chế nâng đỡ người thiểu số theo hiến pháp, Tối Cao Pháp Viên phán quyết rằng quyền quyết định về luật Michigan nằm trong tay cử tri chứ không phải của tòa thượng thẩm.

Luật cấm áp dụng quy chế nâng đỡ từng bắt đầu trong một cuộc trưng cầu dân ý tại California vào năm 1996.

Đại diện cho khối đa số, Thẩm Phán Anthony Kennedy nói rằng đây là một vấn đề có thể được giải quyết theo tiến trình dân chủ, tức là người dân được quyền bỏ phiếu chống hay ủng hộ mà không cần sự can thiệp của tòa. Ông Kenneday nói, “Vụ án này không phải là một cuộc thảo luận về việc ưu đãi chủng tộc nên được giải quyết như thế nào. Câu hỏi trong vụ này là ai được quyền quyết định. Hiến Pháp Hoa Kỳ và tòa án này không có thẩm quyền để cứu xét luật Michigan từng được bỏ phiếu bởi người dân.”

Vào năm 2003, tòa thượng thẩm duy trì một chính sách nâng đỡ người thiểu số tại trường Luật Đại Học Michigan. Thế nhưng ba năm sau đó, cử tri ở tiểu bang này đã bỏ phiếu cho đề luật Proposal 2 với số phiếu 58% ủng hộ và 42% chống đối. Đề luật nói rằng các trường đại học cộng đồng và đại học tiểu bang “không được kỳ thị hoặc ưu đãi bất cứ một cá nhân hoặc một nhóm nào dựa trên các yếu tố chủng tộc, phái tính, màu da, sắc tộc hoặc nguồn gốc quốc gia.”

Phán quyết được công bố hôm thứ Ba không gây ngạc nhiên thì đa số các vị thẩm phán từng bày tỏ ý kiến không tin tưởng ở khía cạnh hợp pháp của qui chế ưu đãi hoặc nâng nỡ thành phần yếu kém trong xã hội.

Hai thẩm phán bỏ phiếu chống ý kiến đa số tại Tối Cao Pháp Viện là bà Sonia Sotomayor và bà Ruth Bader Ginsburg. Họ nói rằng kể từ khi đề luật Proposition 209 được cử tri thông qua tại California, tỉ lệ sinh viên gốc Phi Châu và gố Latino đã giảm mạnh tại hai trường đại học UCLA and UC Berkeley.

Đây là một đề tài được tranh luận sôi nổi trong các cộng đồng người Á Châu tại California. Nhiều người muốn sinh viên được tuyển chọn vào các trường đại học dựa trên khả năng học vấn, không dựa trên các yếu tố như chủng tộc hoặc phái tính.

Các cộng đồng người Á Châu đã xôn xao sau khi Đề Luật SCA-5 được Thượng Viện California thông qua vào đầu năm nay. Sự lên tiếng ồn ào đã khiến đề luật này không được đưa vào Hạ Viện và rồi bị ngăn chặn trong tháng Ba năm nay. Đề luật đã đề nghị sửa lại hiến pháp tiểu bang để cho phép qui chế nâng đỡ được áp dụng. Đây cũng là một đề tài gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân Chủ. Các chính khách gốc Latino và gốc Phi Châu đã ủng hộ mạnh mẽ cho quy chế nâng đỡ, trong khi các chính khách gốc Á Đông chống quy chế này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT