Văn Nghệ

Tôn vinh nghệ thuật múa trong Hương Việt 2 của vũ đoàn Việt Cầm

Friday, 02/09/2016 - 08:13:27

Nhưng hầu hết các khán giả của Hương Việt 2 đều rất dễ thương, họ vẫn yêu thương các vũ công, vẫn dành tặng những tràng pháo tay nhiệt thành để cổ vũ cho từng tiết mục, vẫn xuýt xoa khen tặng những bài múa và các vũ công khi chương trình kết thúc.

Bài BĂNG HUYỀN

Không gian nhà hát Saigon Performing Arts Center (thành phố Fountain Valley ) vào 8 giờ tối Thứ Bảy, ngày 27 Tháng 8 năm 2016 vang lên âm thanh của nhạc khúc Lưu Thủy Kim Tiền (nhã nhạc cung đình Huế) réo rắt, bổng trầm. Đây cũng là nhạc khúc làm nền cho vũ điệu mở đầu, để chào đón khán giả của buổi diễn “Hương Việt 2” (buổi diễn gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam) do Vũ Đoàn Việt Cầm tổ chức. Dưới ánh đèn sân khấu huyền ảo, các vũ công duyên dáng trong trang phục truyền thống Việt Nam đã được cách điệu, tay cầm đèn lồng, nhịp nhàng, uyển chuyển trong từng động tác múa, lúc khoan lúc nhặt trong tạo hình, làm nên tiết tấu lay động cảm xúc người xem.

Vẻ đẹp của các tác phẩm
Cũng như Hương Việt 1, Hương Việt 2 là chương trình tôn vinh nghệ thuật múa của vũ đoàn Việt Cầm, nên hầu hết các tiết mục trong chương trình là những bài múa được biên đạo múa Vũ Đình Luân dàn dựng đẹp mắt với sự hòa quyện giữa động tác múa và âm nhạc. Những bài múa Vỗ Cái Trống Cơm (Nhạc sĩ Nguyên Nghị, tiếng hát Ái Vân phát ra từ cd do các em thiếu nhi của vũ đoàn Việt Cầm múa), Sóc Sờ Bai Sóc Trăng (Nhạc sĩ Thanh Sơn, tiếng hát Mai Quyên phát ra từ cd, do các vũ công thiếu nữ của vũ đoàn Việt cầm múa), và bài múa từ sự kết nối giữa 2 bài hát: Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang (Vũ Đức Sao Biển) và Dạ Cổ Hoài Lang (Cao Văn Lầu) qua tiếng hát nam ca sĩ Quang Thành, vũ sư Đình Luân đã dàn dựng nên điệu múa nói về thân phận khiêm nhường của những người nhạc công không rực rỡ như những đào kép chính, nhưng sự đóng góp của họ cho sân khấu, cho nghệ thuật thì không nhỏ, là những bài múa đã chinh phục khán giả trong chương trình Hương Việt 1. Chương trình lần này còn có những tiết mục mới thật tươi mát và đầy sức sống.

Bài múa trên nền nhạc Chiều Trên Bản Thượng (Nhạc sĩ Lê Dinh, tiếng hát Phi Nhung từ cd) (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vũ sư Đình Luân đã dùng ngôn ngữ biến hóa hết sức đa dạng của múa dân tộc Việt kết hợp múa đương đại để tôn vinh vẻ đẹp văn hóa các vùng, miền của dải đất cong cong chữ S theo chiều dài đất nước từ Bắc, Trung, Nam. Với những động tác múa vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa tươi vui khỏe khoắn trong các tiết mục: Múa Gáo Khmer (Nhóm Thiếu Nhi múa trên nền nhạc dân ca Khmer), Duyên Quê (Sáng tác Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ- cd tiếng hát Ngọc Huyền & Nhật Lâm), Bức Họa Đồng Quê (sáng tác Nhạc sĩ Văn Phụng, với tiếng hát của bé Thảo Vy kết hợp múa cùng nhóm thiếu nhi Việt Cầm), Em Đi Chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc sĩ Trung Đức với tiếng hát của ca sĩ Huyền Trang kết hợp múa cùng các thiếu nữ của vũ đoàn Việt Cầm) đã tạo nên những vũ điệu sống động, tôn vinh vẻ đẹp mộc mạc nhưng cũng thật quyến rũ của nghệ thuật múa dân gian hiện đại Việt Nam.

Với bài múa Gái Xuân (Nhạc sĩ Từ Vũ, thơ Nguyễn Bính, tiếng hát Hà Thanh Xuân từ cd), những thiếu nữ của vũ đoàn Việt Cầm hóa thân thành những cô thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo yếm, quần nái đen truyền thống, tay cầm hoa sen, cùng phối hợp hài hòa những động tác múa uyển chuyển và mềm mại, tạo nên hình ảnh đẹp như mơ, thật bay bổng, trong sáng, không cầu kỳ mà rất đỗi tinh tế.

Vũ sư biên đạo múa Vũ Đình Luân gửi lời chào và cám ơn khán giả đến xem Hương Việt 2 (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những âm thanh rộn ràng ngày hội múa sạp dân tộc Mường vùng Tây Bắc, âm nhạc rộn ràng, du dương và nét vui tươi của những chàng trai, cô gái vũ đoàn Việt Cầm trong trang phục người Mông thể hiện điệu múa trên nền nhạc Chiều Trên Bản Thượng (Nhạc sĩ Lê Dinh, tiếng hát Phi Nhung từ cd) đã truyền đến cho khán giả những xúc cảm tươi đẹp, hồn nhiên qua vũ khúc.

Bài múa đôi trên nền nhạc bài Lý Con Sáo Bạc Liêu (Nhạc sĩ Phan Ni Tấn, tiếng hát Phi Nhung từ cd được thể hiện với 2 vũ công Kevin và Trân), Một Người Đi (sáng tác của nhạc sĩ Mai Châu, qua tiếng hát Diệp Thanh Thanh từ cd, được múa bởi vũ công Mỹ Dung và Hoàng Minh) đã được các vũ công thể hiện những nét yêu kiều, nhẹ nhàng trong từng chuyển động, mang đến cảm xúc lắng đọng cho người xem. Bộc bạch được hết cảm xúc xốn xang, rạo rực, biểu hiện được cái thổn thức, diệu vợi, da diết qua từng động tác múa minh họa cho các ca khúc trên.

Qua đến bài múa được dựng như một hoạt cảnh về một thiếu gia yêu thích nghệ thuật nên bỏ tiền lập đoàn hát đã lăng xê rất nhiều cô Đào trẻ, hình ảnh cô Đào trẻ (vũ công Tiên Đăng trong vai cô Đào trẻ) bỡ ngỡ bước vào gánh hát trong sự cưng chiều của vị thiếu gia (vũ công Hoàng Minh), và cô Đào cũ (vũ công Thủy Trinh) ngậm ngùi ra đi được vũ công Thủy Trinh vừa múa vừa hát ca khúc Trách Ai Vô Tình (là một sáng tác của cố nhạc sĩ Nhật Ngân) đã đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Những động tác múa của Thủy Trinh và các vũ công khác trong bài múa này không quá khó về kỹ thuật, đã được phối hợp hài hòa tạo nên hiệu ứng thị giác tuyệt đẹp, đặc biệt vai diễn cô đào cũ được Thủy Trinh diễn xuất đầy biểu cảm của gương mặt cùng tạo dáng thật đẹp khi múa và hát đã nhận được những tràng pháo tay của khán giả.

Bài múa dựa trên nền nhạc ca khúc Đáp Lời Sông Núi (Nhạc sĩ Trúc Hồ, trích từ CD của Trung tâm Asia) mở màn cho phần 2 buổi diễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nhưng đẩy cảm xúc của khán giả tuôn trào theo những vũ điệu, thể hiện sức mạnh, khí phách anh hùng, tinh thần yêu nước và lòng tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông xưa chính là bài múa dựa trên nền nhạc ca khúc Đáp Lời Sông Núi (Nhạc sĩ Trúc Hồ, trích từ CD của Trung tâm Asia) mở màn cho phần 2 buổi diễn. Các vũ công cùng những tạo hình trong các trang phục người Việt xưa kết hợp những động tác múa mềm mại, mạnh mẽ, là sự tan chảy và hòa quyện của âm nhạc đã lột tả được cái hồn, cái vị lắng sâu, tha thiết, cái khí chất hào hùng, hừng hực của ca khúc Đáp Lời Sông Núi, làm rung động bao trái tim những khán giả có mặt tại khán phòng rạp hát.

                       Các vũ công tặng lộc cho khán giả cuối chương trình (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bên cạnh những vũ điệu đẹp mắt, khán giả của chương trình Hương Việt 2 còn được thưởng thức những ca khúc đơn ca của các ca sĩ khách mời, là thân hữu của vũ đoàn Việt Cầm. Tiếng hát của Thanh Thảo (xướng ngôn viên đài Việt Face) hát Tình Quê Hương (Nhạc sĩ Việt Lang), ca sĩ Đài Trang với Phút Cuối (của nhạc sĩ Lam Phương), hoa hậu phu nhân Bích Trâm bài Mình Ơi của Nhạc sĩ Diệu Hương, Triệu Mỹ Ngân hát bài tân cổ “Tình mẹ“à những tiếng hát này đã làm tròn vai trò của mình, đã phô diễn được vẻ đẹp của giọng hát và nét đằm thắm, sâu lắng giàu cảm xúc qua từng ca khúc.

Nét đặc sắc qua tác phẩm Cô đôi thượng ngàn
Tiết mục đặc sắc nhất của chương trình đã được vũ sư Đình Luân dành làm tiết mục cuối, kết thúc buổi diễn Hương Việt 2, là bài múa Hầu Đồng chầu Văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” là tiết mục đan quyện cả yếu tố tín ngưỡng lẫn văn hóa dân gian. Đây là một trong những điệu múa phản ánh nét sinh hoạt truyền thống của người Việt xưa, thể hiện tâm thức, tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu. Là sự tinh tế, lộng lẫy và nguyên bản nhất của đạo Mẫu qua việc tái hiện hình ảnh các vị thần ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu với hình thức hầu đồng (lên đồng). Múa thiêng (hầu đồng) vừa là để Thanh Đồng (người múa) thoát hồn đạt trạng thái ngây ngất khi nhập đồng vừa là diễn tả lại hành trạng, công tích của những vị thánh thần mà người Việt thờ tự, người Thanh Đồng (hay còn gọi là Hầu đồng) được xem là sợi dây kết nối giữa thế giới tâm linh và thực tại.

“Thường khi Lên Đồng thì chỉ có một vị về giáng vào Thanh Đồng để dạy bảo, để thưởng thức nhạc Chầu Văn, và múa theo điệu nhạc. Riêng tiết mục này, Đình Luân đã dàn dựng theo kiểu nhiều vị về cùng một lúc để múa hát. Các nữ vũ công trong vai Thanh Đồng luân phiên nhau thể hiện những vũ điệu hầu đồng” (đây là điều mà vũ sư Đình Luân chia sẻ về phần dàn dựng của tiết mục này). Bước chân hòa quyện vào làn điệu hát văn (được phát ra từ cd), miệng luôn nở nụ cười duyên dáng, thực hiện những động tác múa nhuần nhuyễn, mềm dẻo, uyển chuyển như “lên đồng” của các nữ vũ công Việt Cầm trong từng điệu múa, đã nhận được những tràng vỗ tay khen tặng và tiếng reo thích thú của các khán giả. Kết thúc bài múa, các “Thanh đồng” của Việt Cầm còn xuống các hàng ghế khán giả để phát lộc cho mọi người với sự cung kính, đáng yêu vô cùng.

                        Các vũ công tặng lộc cho khán giả cuối chương trình (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đôi điều gây tiếc nuối
Ngoài những vẻ đẹp mà Hương Việt 2 đã tặng cho các khán giả, chương trình vẫn còn vài thiếu sót, sẽ khiến những khán giả khó tính không hài lòng. Chẳng hạn khoảng trống trên sân khấu giữa một vài bài múa kéo dài vài phút, khiến sự nối kết các tiết mục không liên tục. Có lẽ vì thời gian trống trên sân khấu như vậy khiến một vài khán giả đã xem Hương Việt 1 cho rằng Hương Việt 2 quá dài.

Có vài tiết mục múa, các vũ công vừa ra sân khấu, chưa kịp xếp hết đội hình thì nhạc đã trỗi lên, khiến nhiều vũ công không bắt nhịp kịp nên thực hiện động tác thiếu nhịp nhàng. Hay trong một bài múa có vài vũ công khi thực hiện các động tác đã thiếu sự hòa quyện với nhau...

Nhưng hầu hết các khán giả của Hương Việt 2 đều rất dễ thương, họ vẫn yêu thương các vũ công, vẫn dành tặng những tràng pháo tay nhiệt thành để cổ vũ cho từng tiết mục, vẫn xuýt xoa khen tặng những bài múa và các vũ công khi chương trình kết thúc.

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng trong vai trò MC của chương trình bày tỏ: “Vũ đoàn Việt Cầm không chỉ là một tổ chức thuần túy thương mại mà còn có tính chất văn hóa, giáo dục. Vậy làm sao để 1 em nhỏ 10- 15 tuổi có thể trình diễn lão luyện như một nghệ sĩ đã ở trên sân khấu 20 năm? Hầu hết những em nhỏ trong Vũ đoàn là những diễn viên bán chuyên nghiệp, thì không thể nào trình diễn như một nghệ sĩ chuyên nghiệp được. Nếu mình hiểu được điều đó, thì sẽ chấp nhận bỏ qua những sai sót, những điều chưa hoàn hảo trong chương trình. Là người bạn lâu năm của vũ sư Vũ Đình Luân, tôi thấy anh là một người đáng quý, yêu nghệ thuật, yêu văn hóa Việt, với vũ đoàn Việt Cầm, chỉ có mình anh làm đủ các vai trò. Vừa dạy các em múa, vừa dàn dựng các bài múa, vừa sắp xếp chương trình, vừa lo quần áo cho các vũ công, vừa bán vé, nên anh khó mà chu toàn được hết mọi việc, dù được các phụ huynh giúp đỡ rồi, nhưng phụ huynh chỉ giúp con mình, chứ không thể lo cho chương trình tổng quát được.”



                              Tiết mục múa Hầu Đồng “Cô đôi thượng ngàn” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bên cạnh một vài điều khiến chương trình chưa được hoàn hảo, có lẽ điều buồn nhất của Hương Việt 2 vẫn là số khán giả đến ủng hộ cho Hương Việt 2 vẫn còn quá khiêm tốn, chỉ chiếm gần nửa rạp hát. Nhìn số ghế trống mà không ít người thương vũ đoàn Việt Cầm và tâm sức của vũ sư Đình Luân không khỏi chạnh lòng. Chưa kể trong giờ giải lao, một số khán giả lại kéo nhau ra về, chứ không như với Hương Việt 1, dù khi đó diễn tại sân khấu ngoài trời, thời tiết vẫn còn lạnh, nhưng các khán giả (dẫu ít hơn chương trình lần này) đã ngồi lại đến phút cuối để thưởng thức chương trình và cổ vũ vũ đoàn Việt Cầm.


Nói về sự thiếu vắng khán giả, không đông như mong muốn, vũ sư Vũ Đình Luân cho biết: “Đêm diễn Hương Việt 2 bị trùng show với danh ca Hương Lan và cũng là đêm cộng đồng tổ chức biểu tình chống chống Cộng Sản Việt Nam, hãng Formosa đã gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, vì vậy có nhiều hội đoàn muốn dự Hương Việt 2, nhưng vì phải đi thắp nến và biểu tình nên đã không đến được. Nhưng điều khiến tôi phải suy nghĩ nhiều chính là có một số khán giả xem được nửa chương trình đã bỏ ra về. Tôi sẽ phải nghĩ cách làm sao để chương trình lần sau hay hơn, hấp dẫn hơn để giữ chân khán giả ở lại hết buổi diễn.”

                              Tiết mục múa Hầu Đồng “Cô đôi thượng ngàn” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nói về mong ước phát triển vũ đoàn Việt Cầm, vũ sư Vũ Đình Luân bày tỏ: “Vì tài chánh thu vào của vũ đoàn vẫn còn eo hẹp, nên vũ đoàn chưa có đủ nhân viên phụ giúp các sinh hoạt. Chỉ có một mình tôi lo hết mọi việc. Sắp tới, để hoàn thiện chương trình càng ngày càng hay hơn, tôi rất mong có thêm người có chuyên môn trợ giúp mình. Nhưng để tìm được người có nghề đến giúp thì vũ đoàn phải có đủ tài chánh để trả lương cho họ. Đôi khi cái khó bó cái khôn. Tôi rất mong các mạnh thường quân có lòng với nghệ thuật múa Việt Nam hãy bảo trợ cho Vũ Đoàn Việt Cầm. Bản thân tôi không giỏi viết đơn xin fund của chính phủ, nếu ai có khả năng, rất mong quý vị hãy liên lạc với Đình Luân (Email vietcamperformingarts@yahoo.com)
Quý vị nào muốn ủng hộ thêm cho vũ đoàn Việt Cầm để có tài chánh hoạt động, tiếp tục nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam, xin gửi check payable to Viet Cam Dance, và gửi về 9315 Bolsa Ave. #901, Westminster, CA 92683. Email liên lạc: vietcamperformingarts@yahoo.com - hay vào trang nhà www.vietcamdance.com.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT