Thế Giới

Tổng Thống Pháp đến thăm Úc

Tuesday, 01/05/2018 - 10:46:15

Tổng Thống Francois Holland của Pháp trước đây từng đến Úc vào năm 2014. Tuy nhiên, khi đó, ông Holland đến Úc để dự cuộc họp của các nước G20.

SYDNEY - Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba đã đến Úc để gặp Thủ Tướng Malcolm Turnbull, trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tìm cách khôi phục sự thịnh vượng của châu Âu. Ông Macron đến Úc vào buổi tối, theo giờ địa phương, và cùng dự tiệc tối với Thủ Tướng Turnbull, trước khi hai bên có các cuộc họp chính thức vào thứ Tư. Hai lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm trị giá $38 tỷ Mỹ kim, được thực hiện bởi nhà thầu của Pháp là Naval Group. Đây cũng là hợp đồng tàu ngầm tốn kém nhất trong lịch sử Úc từ trước đến nay.
Ông Macron, đi cùng với các viên chức quân sự và hàng hải, nhiều khả năng sẽ thương lượng với ông Turnbull về phạm vi hợp tác trong quá trình chế tạo, bàn giao tàu ngầm, và việc chia sẻ dữ liệu kỹ thuật. Việc đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do giữa Úc và Liên Âu có thể cũng nằm trong lịch trình.
Theo giới phân tích, Pháp và Úc đang ở vị trí phù hợp để dẫn dắt một liên minh dân chủ mới để giải quyết các mối lo ngại toàn cầu. Cả hai nước đều phải đối mặt với các vấn đề an ninh như khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, sự thách thức từ Nga và Trung Quốc, sự can thiệp của nước ngoài vào các tổ chức dân chủ, và gặp khó khăn trong quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Ông Macron là tổng thống Pháp thứ 2 từng đến Úc, và là lãnh đạo đầu tiên có chuyến công du hoàn toàn song phương. Tổng Thống Francois Holland của Pháp trước đây từng đến Úc vào năm 2014. Tuy nhiên, khi đó, ông Holland đến Úc để dự cuộc họp của các nước G20.

Nam – Bắc Hàn đồng ý mở văn phòng liên lạc
SEOUL – Bộ Trưởng Bộ Hợp Nhất Nam Hàn Cho Myoung-gyon hôm thứ Ba cho biết, Bắc Hàn đã đồng ý với đề nghị mở văn phòng liên lạc của mỗi nước ở Seoul và Bình Nhưỡng, để tăng cường mức độ trao đổi. Thông báo này được đưa ra trong cuộc họp giữa ông Cho và ông Lee Jeong-mi, lãnh đạo đảng Công Lý. Ông Cho cũng nhắc rằng, đây là đề nghị riêng của Seoul, không liên quan tới cam kết giữa Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, trong tuyên bố liên Triều về việc thành lập một văn phòng liên lạc chung đặt ở thành phố Kaesong.
"Tổng Thống Moon đề nghị hai nước liên lạc mỗi ngày, thông qua các văn phòng ở Seoul và Bình Nhưỡng. Chủ Tịch Kim đã đồng ý,” Bộ Trưởng Cho nói với ông Lee. Lãnh đạo 2 miền Triều Tiên đã có cuộc gặp hôm 27 tháng 4, hứa sẽ sớm ký hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh, cùng hướng tới mục tiêu giải trừ hạt nhân tại bán đảo. Nhằm thể hiện thiện chí, Bình Nhưỡng đã tuyên bố đẩy múi giờ quốc gia từ GMT+8:30 lên GMT+9 để khớp với Seoul. Ngoài ra, các viên chức Nam – Bắc Hàn cũng cho tháo dỡ hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền dọc biên giới, vốn được hai bên dùng để phát các lời lẽ chỉ trích lẫn nhau suốt hàng chục năm qua.

Morocco cắt quan hệ ngoại giao với Iran
RABAT - Morocco vừa cắt quan hệ ngoại giao với Iran vì nước này ủng hộ Mặt Trận Polisario, tổ chức ly khai tuyên bố chủ quyền tại một phần lãnh thổ Tây Sahara, mà Morocco xem là thuộc sở hữu của họ. Bộ Ngoại Giao Morocco hôm thứ Ba cho biết nước này, sẽ đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô Tehran của Iran, đồng thời trục xuất các nhà ngoại giao Iran tại Rabat. Ngoại Trưởng Morocco Nasser Bourita nói, Iran và tổ chức chính trị Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon đã giúp huấn luyện và trang bị vũ khí cho binh lính của Mặt trận Polisario.
Hiện Iran chưa có hồi đáp về thông tin này. Tây Sahara là vùng đất do người Tây Ban Nha chiếm đóng từ thế kỷ 19. Sau khi quân Tây Ban Nha rút khỏi đây vào năm 1975, Morocco tuyên bố chủ quyền tại vùng lãnh thổ này và coi đây là một tỉnh miền bắc của họ. Tuy nhiên tổ chức ly khai Mặt trận Polisario liên tục đòi độc lập, thành lập quốc gia cho người Sahrawi, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc chưa phê chuẩn lệnh ngừng bắn. Mặt trận Polisario tuyên bố thành lập chính phủ vào năm 1976, hiện giữ quan hệ ngoại giao với 40 quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc, và là thành viên chính thức của Liên minh châu Phi.
Vùng đất này hiện bị ngăn đôi bởi một bức tường đất, chia cắt khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Morocco và phần lãnh thổ kiểm soát bởi lực lượng Polisario. Giữa hai khu vực này là một vùng đệm được Liên Hiệp Quốc quản lý.

Hỏa hoạn khiến tòa nhà 26 tầng ở Brazil đổ sập
SAO PAULO – Vào rạng sáng thứ Ba, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu trung tâm Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, khiến một tòa nhà 26 tầng đổ sập và ít nhất 1 người thiệt mạng. Hơn 160 nhân viên và 57 xe cứu hỏa đã được điều tới hiện trường ở khu Largo do Paissandu, Sao Paulo, để dập tắt vụ hỏa hoạn được cho là do nổ khí gas gây ra. Nhà chức trách lo ngại con số thương vong có thể tăng, bởi vẫn còn người mắc kẹt bên trong tòa nhà.
Các nhân chứng cho hay ngọn lửa bùng phát từ tầng thấp và nhanh chóng lan lên các tầng phía trên, khiến cả tòa nhà 26 tầng chìm trong lửa. Khi nhân viên cứu hỏa sắp đưa 1 người đàn ông ra khỏi đám cháy thì cả tòa nhà bỗng đổ sập, khiến nạn nhân thiệt mạng. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 1 giờ 30 rạng sáng thứ Ba, và tòa nhà bị phá hủy chỉ sau 90 phút. Một số cư dân chỉ kịp chạy ra ngoài mà không kịp mang theo bất cứ thứ gì.
Theo đội trưởng cứu hỏa Sao Paulo, việc người dân tự ý thay đổi cấu trúc tòa nhà, sửa chữa các căn chung cư, cũng là một phần nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh hơn. Ngoài người thiệt mạng, vụ cháy cũng khiến ít nhất 3 người bị thương. Theo truyền thông địa phương, tòa nhà này trước đây là một sở cảnh sát. Tuy nhiên, nó đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay và trở thành chỗ ở của nhiều người vô gia cư.

Ấn Độ xử cưỡng hiếp trẻ em tại tòa đặc biệt
NEW DELHI – Tối Cao Pháp Viện Ấn Độ hôm thứ Ba kêu gọi các cơ quan chính phủ phải điều tra nhanh và mở các phiên tòa đặc biệt, để xét xử những vụ cưỡng hiếp trẻ em. Đồng thời, Tối Cao Pháp Viện, do Chánh Án Dipak Misra đứng đầu, cũng yêu cầu các tòa án không được trì hoãn các phiên tòa xét xử các vụ án liên quan đến cưỡng hiếp trẻ em, nếu không thực sự cần thiết. Tòa án cũng đề nghị các sở cảnh sát tại các bang trên khắp Ấn Độ thành lập các lực lượng đặc nhiệm, để điều tra những vụ cưỡng hiếp trẻ em.
Hành động của Tối Cao Pháp Viện Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang đối mặt áp lực lớn của dư luận, muốn họ phải có những hành động rõ ràng nhằm thay đổi nạn bạo lực tình dục, sau vụ một bé gái 8 tuổi người Hồi giáo bị một nhóm người theo đạo Hindu cưỡng hiếp và sát hại, cùng nhiều vụ tấn công tình dục gây chết người chấn động khác.
Các vụ này đã khiến chính phủ Ấn Độ mới đây phải sửa luật, nâng hình phạt đối với những kẻ hiếp dâm trẻ em lên mức cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, sự phẫn nộ của dư luận vẫn tiếp tục gia tăng, khi phó thống đốc mới của bang Kashmir, Kavinder Gupta, trong bài nói chuyện sau khi nhậm chức, đã cho rằng vụ cưỡng hiếp và sát hại bé gái 8 tuổi chỉ là một “sự việc nhỏ.” Bên cạnh đó, cuối tuần qua, lại xảy ra thêm vụ một bé gái 6 tuổi qua đời ở bệnh viện, sau khi bị tấn công và cưỡng hiếp ở bang Odisha.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT