Bình Luận

Tổng thống và truyền thông

Monday, 01/05/2017 - 09:58:07

Hôm thứ Ba, 25 tháng Tư, đài CNN loan tin ông Duterte tuyên bố, "Dẫn thằng khủng bố lại đây, rồi cho tôi chút dấm chút muối. Tôi sẽ ăn gan nó. Vừa ăn vừa uống chút rượu vang Ý Chianti."

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Việc Donald Trump không dự bữa tiệc thường niên đêm thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017 của phóng viên truyền thông làm việc tại Bạch Cung là việc có thể tiên đoán được, vì Trump là vị tổng thống khắc kỵ truyền thông nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Ông gọi truyền thông là "fake news media" (bọn đăng tin giả), là the "enemy of the American people," (bọn kẻ thù của người Mỹ). Ông nói ông đang “lâm chiến” với truyền thông và than là “Nếu bọn truyền thông khó thương và tham nhũng đừng bóp méo lời tôi nói, tôi đã thắng Hillary 20%."

Hôm Chủ Nhật, tham mưu trưởng Bạch Cung, ông Reince Priebus nói chính phủ đang cứu xét việc thay đổi “luật mạ lỵ,” vì đạo luật hiện hành không bảo vệ chính khách chống mạ lỵ.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài ABC, ông Priebus nói, "Chúng tôi quan niệm truyền thông cần có nhiều trách nhiệm hơn, khi họ tường thuật tin tức. Chuyện này mới chỉ được thảo luận, hy vọng có thể làm được hay không lại là chuyện khác."

Dù sao thì đó cũng là một chỉ dấu cho thấy Bạch Cung không thoải mái với hoạt động truyền thông, và đang mưu tìm một giải pháp luật pháp để đối phó.

Bữa tiệc thường niên do Hội Phóng Viên Bạch Cung (HPVBC) tổ chức là một truyền thống từ năm 1921; Trump không phải là vị tổng thống duy nhất không dự bữa tiệc của HPVBC, người đầu tiên không nhận lời mời tham dự là Tổng Thống Calvin Coolidge, việc khước từ xảy ra năm 1924, ba năm sau bữa tiệc đầu tiên của HPVBC.

Ngoài tổng thống Coolidge còn ba vị nữa cũng không tham dự tiệc của HPVBC: Reagan, Carter, và Nixon.


Ông Trump kỵ truyền thông, nhưng đi ngõ nào tổng thống cũng gặp truyền thông



Tuy nhiên bữa tiệc của HPVBC vẫn là diễn biến lý thú giữa những người cầm quyền, và những phóng viên tường thuật cách họ cầm quyền.

Điểm đặc biệt tạo hào hứng cho quần chúng là bài diễn văn dỡn cợt của một vị tổng tư lệnh quân đội -người thường xuyên đối đầu với những vấn đề nghiêm chỉnh, quan trọng- đọc trong tiệc vui của HPVBC. Dĩ nhiên vị tổng tư lệnh đó không phải là Trump.

Được quần chúng ngưỡng mộ, tiệc thường niên của HPVBC tạo ra một đối thủ -cô đào hài hước Samantha Bee; cô đứng ra tổ chức tiệc “Not the White House Correspondents Dinner” (Bữa tiệc của những người không là phóng viên Bạch Cung)


Cô đào hài Samantha Bee

Cô mời, và được rất nhiều nhân vật tên tuổi tham dự, trong số đó có nhiều ký giả; nhưng ký giả -nhất là giới phóng viên săn tin Bạch Cung, vẫn được sự chú ý của quần chúng; ngày nào báo chí và truyền hình cũng loan nhiều tin về tổng thống, và độc giả, khán giả vẫn chăm chú theo dõi; chưa có dấu hiệu bảo hoà, chưa ai than “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” vì những bận rộn của tổng thống rất nhiều và phức tạp, nhiều người thích theo dõi.

Không dự tiệc của HPVBC, Trump bay qua Pennsylvania gặp lại nhóm cử tri đã hăng say bầu ông -gặp họ để kỷ niệm 100 ngày cầm quyền của ông; ông bảo họ là ông đã thực hiện nhiều điều ông hứa với cử tri trong lúc tranh cử, và yêu cầu họ đừng đếm xỉa gì đến những “tin nhảm” của bọn ký giả viết báo bằng ảo tưởng.


Trump bay qua Pennsylvania gặp lại nhóm cử tri đã hăng say bầu ông


Hàng chục ngàn người hò hét những khẩu hiệu ủng hộ Trump

Ông nặng lời tấn công truyền thông, vì trong suốt 100 ngày đầu tiên ông chấp chánh, không tờ báo nào khen ông, không đài truyền hình nào ca tụng việc ông làm.

Chấm điểm truyền thông, ông nói, "họ xứng đáng lãnh một chữ F thật lớn, thật mập." Ông còn khẳng định, "Tôi rất vui được đứng đây, đứng cách Hoa Thịnh Đốn trên 100 dặm, bỏ mặc bọn tài tử Hollywood và bọn truyền thông an ủi lẫn nhau," an ủi vì phải ăn tiệc với sự vắng mặt của ông tổng thống.
Ông bảo đám đông đến đón mừng ông, "Bữa tiệc đó chán lắm."

Trong lúc đó, một trong nhiều diễn giả dự tiệc -anh phóng viên Bạch Cung Jeff Mason- phát biểu, "Chúng tôi tường thuật lại những dữ kiện thật sự xảy ra, và xác định người trách nhiệm về những dữ kiện đó; chúng tôi không loan tin giả, chúng tôi cũng không phải là kẻ thù của người Mỹ.”


Anh phóng viên Bạch Cung Jeff Mason

Mâu thuẫn ở chỗ tổng thống nói truyền thông loan tin giả, và anh Mason trả lời là anh và các đồng nghiệp của anh "chỉ tường thuật lại những dữ kiện thật sự xảy ra, và xác định người trách nhiệm về những dữ kiện đó." Ai nói đúng?
Thử phán đoán đúng, sai, qua việc nhận xét một bản tin truyền thông vừa loan ngày Chủ Nhật dưới tựa đề “Cuộc điện đàm thân mật giữa tổng thống với ông Duterte gây khiếp đảm cho cả viên chức chính phủ lẫn những nhà phê bình.”

Người viết bài báo này là ký giả Mark Landler; tờ báo đăng bài Landler viết là The New York Time trong số ra ngày 30 tháng 4, 2017. Landler viết, “Trong bản thông báo tối hôm qua, viên chức chính phủ cho biết Tổng Thống Trump đã điện thoại cho Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, nói chuyện thân mật với ông ta, và mời ông ta sang thăm ông tại Bạch Cung.”

Đoạn trích dịch là “dữ kiện” -như anh Mason trình bầy, và dữ kiện đó do chính cơ quan truyền thông của chính phủ phổ biến, thì chắc chắn không thể là “fake news” (tin giả) được.

Sau nhận định “tin chính xác” chứ không phải tin giả, đến phần bình luận tin, phần mà Tổng Thống Trump trách truyền thông “bóp méo những điều ông nói.” Landler bình luận việc tổng thống nói chuyện thân mật và mời ông Duterte sang Mỹ thăm ông đã “gây khiếp đảm cho cả viên chức chính phủ lẫn những nhà phê bình.”

Tác giả dẫn chứng việc lời mời của tổng thống gây khiếp đảm cho viên chức chính phủ qua câu tuyên bố của Nghị Sĩ Christopher S. Murphy, Dân Chủ, tiểu bang Connecticut; ông Murphy nói, "Không phải chuyện tuồng chớp bóng nữa, mà chúng ta đang chứng kiến trên thực tế mọi trị giá nhân quyền của Hoa Kỳ tan vỡ thành tro bụi."

Landler viết tiếp, "Hai viên chức cao cấp nói là họ chờ đợi những phản đối của cả bộ Ngoại Giao lẫn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia."

Ngày Trump đắc cử, Tổng Thống Duterte gọi điện thoại chúc mừng ông, rồi ra thông báo kể lại với công dân Phi là ông Trump cũng chúc mừng ông thành công trong chiến dịch bài trừ ma tuý -chiến dịch ông Duterte cho phép cảnh sát giết mấy ngàn người buôn bán ma tuý, hay nghiện ma tuý.
Ông đã mạt sát Tổng Thống Barack Obama là “son of a whore” (con trai của một mụ điếm) khi ông trả lời câu hỏi của truyền thông “tổng thống sẽ nói thế nào với Tổng Thống Obama, nếu ông ta nêu lên vấn đề tôn trọng nhân quyền?”

Hôm thứ Ba, 25 tháng Tư, đài CNN loan tin ông Duterte tuyên bố, "Dẫn thằng khủng bố lại đây, rồi cho tôi chút dấm chút muối. Tôi sẽ ăn gan nó. Vừa ăn vừa uống chút rượu vang Ý Chianti."
 

Tổng Thống Rodrigo Duterte

Trả lời cuộc phỏng vấn truyền hình trên đài ABC, tham mưu trưởng Bạch Cung Reince Priebus giải thích việc mời ông Duterte là một nhu cầu chiến tranh, vì Phi Luật Tân và những nước Á Châu khác có thể giúp Mỹ giải quyết đe doạ nguyên tử của Bắc Hàn.
Để tránh tiếng bình luận là nói xấu Tổng Thống Trump, người viết bài báo này cũng chỉ xin góp một chút tin cũ: Duterte là đồng minh, nếu không gọi là “chư hầu” của Trung Quốc, ông ta sẽ không nhận lời mời của Trump, hoặc có nhận cũng vẫn không giúp Trump giải quyết vấn nạn Bắc Hàn. (ndt)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT