Thế Giới

Tổng thống Venezuela muốn mở rộng lực lượng quân sự

Tuesday, 29/01/2019 - 07:25:26

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng ít có khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela, dù Tổng Thống Donald Trump từng nói rằng “mọi khả năng đều đang được cân nhắc.”

CARACAS - Tổng Thống Nicolas Maduro của Venezuela đang muốn mở rộng lực lượng quân sự, nhằm đối phó với tình trạng căng thẳng đang gia tăng với Hoa Kỳ. Lên tiếng trước các binh sĩ vào ngày thứ Ba, ông Maduro đặt mục tiêu mở rộng lực lượng dân quân Venezuela lên 2 triệu thành viên vào giữa tháng 4.
Lực lượng này được thành lập bởi cố Tổng Thống Hugo Chavez, nhằm huấn luyện thường dân để hỗ trợ quân đội trong trường hợp bị tấn công. Thông báo của ông Maduro được đưa ra giữa lúc Hoa Kỳ và Venezuela đang ngày càng thù địch, và Washington đã ngừng công nhận chính phủ Maduro.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng ít có khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela, dù Tổng Thống Donald Trump từng nói rằng “mọi khả năng đều đang được cân nhắc.”
Cũng vào ngày thứ Ba, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton khuyến cáo rằng, sẽ có “hậu quả nặng nề” đối với bất kỳ ai định gây hại cho lãnh đạo đối lập Juan Guaido của Venezuela. Quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Pat Shanahan cũng không bác bỏ khả năng Hoa Kỳ sẽ gởi quân đội tới Colombia và khu vực xung quanh, nhằm đối phó với biến động chính trị.

LHQ: Ít nhất 40 người chết trong khủng hoảng Venezuela
BRUSSELS - Phát ngôn viên về vấn đề nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Rupert Colville hôm thứ Ba cho biết ít nhất 40 người được cho là đã thiệt mạng tại Venezuela trong thời gian gần đây, bao gồm 26 người bị lực lượng ủng hộ chính phủ bắn, 5 người chết do bị tấn công tại nhà và 11 người chết trong các vụ cướp. Ông Colville thêm rằng từ ngày 21 đến 26 tháng 1 có hơn 850 người bị giam, bao gồm 77 trẻ em, một số chỉ mới 12 tuổi. Riêng ngày 23 tháng 1 có tới 636 người bị bắt trên toàn Venezuela, con số cao nhất tính trong 1 ngày trong vòng 20 năm qua.
Tình trạng hỗn loạn xảy ra sau khi chủ tịch Quốc Hội Venezuela Juan Guaido hôm 23 tháng 1 tự xưng là "tổng thống lâm thời," để "thiết lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tự do.” Hàng chục ngàn người ở thủ đô Caracas đã xuống đường để thể hiện sự ủng hộ Guaido.
Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định ông vẫn là tổng thống hợp pháp của đất nước, đồng thời cáo buộc phe đối lập tìm cách đảo chính với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Washington cùng nhiều nước châu Âu và Mỹ La-tinh ủng hộ ông Guaido, trong khi Nga, Trung Quốc, Cuba, Bolivia vẫn đứng về phía ông Maduro.

Brazil bắt 5 người sau thảm họa vỡ đập
BRUMADINHO – Nhà chức trách Brazil đã bắt 5 người vào ngày thứ Ba, có liên quan đến vụ vỡ đập tại một mỏ sắt thuộc vùng đông nam nước này. Những người bị bắt bao gồm 3 nhân viên hãng Vale, những người chịu trách nhiệm xin giấy chứng nhận về ảnh hưởng môi trường, và 2 người còn lại là các kỹ sư của hãng TUV SUD của Đức có văn phòng ở Sao Paulo.
Các kỹ sư này đã cấp giấy chứng nhận về sự ổn định của con đập cho hãng Vale vào tháng 6 và tháng 9 năm ngoái. Năm người này có thể bị giam trong 30 ngày và sẽ bị các điều tra viên thẩm vấn ở Belo Horizonte. Hãng Vale, nơi quản lý mỏ sắt, khẳng định tập đoàn này đang hợp tác với các công tố viên.
Ngoài việc bắt giữ 5 người nêu trên, nhà chức trách bang Minas Gerais cũng phát lệnh truy nã 7 người khác với cáo buộc làm giả hồ sơ, phạm luật về môi trường và giết người. Trong khi đó, số người chết đã tăng lên 84 người và vẫn còn 276 người mất tích. Con đập - được dùng để giữ bùn đỏ, chất thải từ việc khai thác quặng sắt – bị vỡ vào ngày thứ Sáu trước, chôn vùi một nhà hàng và nhiều tòa nhà của hãng Vale, đồng thời tràn ngập một phần của thành phố nhỏ Brumadinho.
Một số nạn nhân của vụ vỡ đập đã được chôn cất, trong khi đội cứu nạn tiếp tục đào bới, dù hy vọng tìm được người sống sót ngày càng giảm. Cá chết và rác đã trôi xuống hạ lưu của sông Paraopeba, cách con đập khoảng 18 cây số. Cộng đồng thổ dân Pataxo sống dọc theo hai bên con sông này đang bị ảnh hưởng, do không thể tiếp tục đánh cá trên sông, và cũng không thể dùng nước sông để uống hoặc phục vụ nông nghiệp.

Các nhà lập pháp Anh yêu cầu thủ tướng tái đàm phán Brexit
LONDON – Các nhà lập pháp Anh hôm thứ Ba đã bỏ phiếu để yêu cầu Thủ Tướng Theresa May tái đàm phán Brexit với Liên Âu, bao gồm việc bỏ 1 điều khoản về biên giới Ireland có trong thỏa thuận trước đó. Hạ Viện Anh đã bỏ phiếu 317 trên 301 để yêu cầu thay thế thỏa thuận về “hàng rào” biên giới Ireland, vốn giữ cho Ireland và Bắc Ireland không cần phải đặt các trạm kiểm soát giữa biên giới. Thủ Tướng Theresa May đã “nói với Brussels rằng điều khoản hiện nay về biên giới Ireland là lý do chính khiến quốc hội Anh không ủng hộ kế hoạch Brexit.”
Tuy nhiên, EU đã bác bỏ khả năng tái đàm phán Brexit – kế hoạch mà tổ chức này đạt được với chính phủ của bà May vào tháng 11 vừa qua, sau 1 năm rưỡi thương lượng. Anh quốc sẽ rời EU vào ngày 29 tháng 3, và giới kinh doanh đang lo ngại về nguy cơ rối loạn kinh tế, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về cách “chia tay.”

Các tay súng cướp tù nhân ngay trước cửa tòa án Pháp
TARASCON – Nhà chức trách Pháp cho biết, hai người đàn ông có vũ khí vào hôm 28 tháng 1 đã tấn công chiếc xe chở tù ngay bên ngoài tòa án tại thành phố Tarascon. Tù nhân trong xe là Lotfi Boussouak, 27 tuổi, bị bắt từ tháng 9, 2017 với tội cướp có vũ khí. Hai kẻ tấn công chờ sẵn phía trước tòa án rồi xả súng khi chiếc xe xuất hiện. Ba lính gác áp giải Boussouak từ một nhà tù cách đó 150 cây số "vô cùng bất ngờ" khi sự việc xảy ra, nhưng may mắn không trúng đạn.
Công tố viên Patrick Desjardins tại địa phương cho biết, một trong các lính gác đã bị đánh bằng báng súng sau khi ra khỏi xe để bấm chuông báo động ngoài cửa tòa án, trong khi một người khác bị thương vì trúng mảnh kính vỡ. Hai kẻ tấn công và tù nhân đã chạy khỏi hiện trường và trốn thoát. Công tố viên nói thêm rằng Boussouak có 14 tiền án, nhưng chưa thuộc diện cần giám sát đặc biệt. Một vụ vượt ngục khác từng xảy ra tại Pháp hồi tháng 12, 2018 khi một tù nhân ở nhà tù Fresnes, phía nam thủ đô Paris, trốn thoát bằng cách leo qua bức tường ở sân nhà tù bằng dây buộc từ khăn trải giường. Trước đó vào tháng 7, 2018, Redoine Faid, "trùm tội phạm" đang thi hành án tù 25 năm, cũng vượt ngục thành công bằng trực thăng, nhưng sau đó bị bắt lại.

Pháp tham gia cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm
PARIS - Bộ Quốc Phòng Pháp đã bắt đầu khởi động dự án phát triển vũ khí siêu vượt âm, và các cuộc thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra năm 2021. "Chúng tôi quyết định công bố hợp đồng phát triển phương tiện siêu vượt âm, có khả năng di chuyển với tốc độ trên 6,000 cây số/giờ. Nhiều quốc gia đã sở hữu vũ khí siêu vượt âm. Chúng tôi đủ khả năng để phát triển chúng. Chúng tôi không thể chờ đợi thêm,” Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly tuyên bố hôm thứ Ba.
Bà Parly tiết lộ dự án vũ khí mới có tên V-MaX và được giao cho Ariane Group, một hãng liên doanh giữa hãng hàng không Airbus và hãng phát triển hỏa tiễn Safran của Pháp. Theo viên chức Pháp, V-MaX sẽ được thử nghiệm lần đầu vào cuối năm 2021. Trước đó, Pháp cũng đã nghiên cứu về hệ thống động cơ đẩy cho các thiết bị siêu vượt âm, như một phần trong kế hoạch trị giá $42 tỷ Mỹ kim nhằm nâng cấp kho vũ khí hạt nhân.
Vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ khoảng 6,175-12,000 cây số/giờ. Về cách hoạt động, vũ khí siêu vượt âm đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của hỏa tiễn xuyên lục địa để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Ngoài ra, vũ khí này cũng có khả năng chuyển động phức tạp trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn không thể xác định chính xác quỹ đạo để đánh chặn. Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ vũ khí siêu vượt âm, ít nhất là trong việc ứng dụng loại vũ khí này cho chiến trường thực tế.

Đan Mạch xây hàng rào để ngăn heo rừng
COPENHAGEN – Chính phủ Đan Mạch đang xây hàng rào trị giá $4.6 triệu Mỹ kim dọc biên giới với Đức, để chặn những con heo rừng có nguy cơ lây bệnh, đe dọa ngành xuất cảng thịt heo của nước này. Dự án xây hàng rào, được chính phủ Đan Mạch phê chuẩn hồi tháng 6 năm ngoái, là nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus dịch tả heo châu Phi.
Khác với virus cúm A H1N1, virus dịch tả heo châu Phi không ảnh hưởng tới con người, nhưng gây tử vong cho heo nhà và heo rừng, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Việc xây dựng hàng rào cao 1.5 mét bắt đầu từ hôm thứ Hai ở Padborg, cách Copenhagen 219 cây số về phía tây nam.
Đan Mạch là nước xuất cảng thịt heo lớn nhất thế giới và thịt heo chiếm gần một nửa sản lượng nông nghiệp xuất cảng của quốc gia này. Đan Mạch có khoảng 5,000 trang trại chăn nuôi heo trong nước, xuất chuồng 28 triệu con heo mỗi năm.
Đan Mạch cũng là nước duy nhất ở Liên Âu có số lượng heo nhiều hơn con người, với trung bình 215 con lợn trên 100 đầu người. Chính phủ Đan Mạch khuyến cáo các hãng xuất cảng thịt heo sang những nước ngoài EU có thể bị ảnh hưởng bởi virus dịch tả heo châu Phi. Trong khi đó, quốc gia láng giềng là Đức chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus nào.
"Dịch bệnh này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với động vật và thị trường thịt heo. Nhưng chúng tôi vẫn hoài nghi về tính hữu dụng và cần thiết của hàng rào giữa Đan Mạch và Đức,” ông Jan Philipp Albrecht, giám đốc Sở nông nghiệp ở bang Schleswig-Holstein, Đức, cho biết.
Dự án xây hàng rào của Đan Mạch gây tranh cãi trong dư luận nước này. Các chuyên gia lo ngại hàng rào sẽ gây hại cho động vật hoang dã. Ngoài ra, nhà chức trách Đan Mạch cũng thừa nhận động vật có thể nhảy qua những lỗ hổng trên hàng rào chạy qua xa lộ, đường bộ và sông suối.

Malaysia công bố kế hoạch chống tham nhũng
KUALA LUMPUR – Vào ngày thứ Ba, chính phủ Malaysia công bố kế hoạch 5 năm đầy tham vọng nhằm kềm chế nạn tham nhũng trong hệ thống chính phủ, sau vụ bê bối hàng tỷ Mỹ kim trong quỹ 1MDB của cựu Thủ Tướng Najib Razak. Kế hoạch bao gồm các thay đổi lớn trong thủ tục bổ nhiệm các chức vụ chủ chốt, yêu cầu các nhà lập pháp và bộ trưởng công khai tài sản của họ. Bên cạnh đó, kế hoạch tập trung vào các hoạt động có nguy cơ tham nhũng cao, như giao các hợp đồng chính phủ cho bên thứ 3, bổ nhiệm lãnh đạo các công ty thuộc chính phủ.
Kế hoạch cũng tăng cường sự độc lập của các cơ quan điều tra như bộ phận kiểm toán và ủy ban chống tham nhũng. Thủ Tướng Mahathir Mohamad nói, “Đây là lời cam kết mạnh mẽ từ chính phủ hiện nay, rằng chúng tôi sẽ truy lùng và khởi tố những kẻ phạm tội trong quá khứ, trong khi những kẻ phạm tội hiện tại và tương lai sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc hơn.”
Malaysia xếp hạng 62/180 quốc gia trong Chỉ số chống tham nhũng, do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố năm 2018.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT