Thế Giới

Trả tiền vay để đi học: khó với một số người, dễ cho ai khác

Bạch Vân/Viễn Đông Thursday, 22/12/2011 - 08:20:39

Sắp đến ngày tốt nghiệp, cô Mucci nói với nhật báo Viễn Đông rằng cô đang cố gắng hướng về một cảm thức độc lập, và coi món tiền nợ ấy như là một cách thức để đạt được điều này, vì cô có thể tránh chuyện xin mẹ cho thêm tiền.

Bạch Vân/Viễn Đông


Sinh viên đại học CSU Fullerton xếp hàng đóng tiền học
ảnh tài liệu: Vincent Thái/Viễn Đông

PLATTSBURGH, New York – Cũng giống như nhiều sinh viên đại học khác, cô Jeanine Mucci nhận được một khoản tiền đầu tiên vay để đi học, giúp cho cô trả những chi phí liên quan tới cuộc sống ở đại học. Tuy nhiên, hiện nay cô đang ở trong năm cuối cùng của bậc đại học, chứ không phải trong năm đầu tiên.
Thay vì đi vay một khoản tiền lớn để trả cho việc học hành, tại trường đại học State University New York (SUNY) ở Plattsbugh, cô tới làm việc tại mấy tiệm bán lẻ ở gần trường, và làm một người phụ tá nội trú (RA), cũng như nhận số tiền mẹ cô gởi để thanh toán phí tổn dành cho việc lấy văn bằng y tá sắp tới, và trả những khoản chi tiêu sinh hoạt. Một khoản tiền vay từ chính phủ mà cô đang có sẽ được dùng để trả tiền mướn căn apartment của cô trong lục cá nguyệt cuối cùng.
Sắp đến ngày tốt nghiệp, cô Mucci nói với nhật báo Viễn Đông rằng cô đang cố gắng hướng về một cảm thức độc lập, và coi món tiền nợ ấy như là một cách thức để đạt được điều này, vì cô có thể tránh chuyện xin mẹ cho thêm tiền. Cô không lo lắng về chuyện có thể trả lại được khoản nợ nhỏ, vì cô cảm thấy mình sẽ vững vàng, dễ có việc làm trong ngành y tá, và sẽ có thể bắt đầu trả lại một phần tiền đã vay, trước khi cô ra trường. Cô nói với Viễn Đông: “Tôi biết có những người bạn còn mắc nợ tới 72.000 Mỹ kim, và không có việc làm. Họ đang nhìn tấm văn bằng treo trên tường và tự hỏi: ‘Nó có đang giá hay không?’”. Cô nói thêm, những người này vì không trả được nợ, phải khất nợ, vốn chỉ làm cho lãi suất trên món nợ gia tăng mà thôi.

Tiền vay để đi học
Các bạn của cô Mucci đều nằm trong số những sinh viên đóng góp vào khoản tiền nợ quốc gia dành cho sinh viên lên tới hơn 1 ngàn tỉ Mỹ kim. Và học phí tại các trường đại học vẫn chỉ tăng lên.
Tuy nhiên, những người biểu tình trên toàn quốc Hoa Kỳ, thậm chí trên khắp thế giới, đang cố gắng tìm cách giúp đỡ những sinh viên ấy. Như là một phần của Phong Trào Chiếm Đóng, lấy cảm hứng từ những cuộc biểu tình đòi dân chủ lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi trong mùa Xuân năm nay, những người biểu tình cảm thấy rằng các ngân hàng và các công ty đang hưởng lợi từ các hệ thống toàn cầu về xã hội, kinh tế và chính trị. Những ngân hàng và công ty như thế bao gồm những công ty cho các sinh viên vay tiền để đi học đại học. Những người biểu tình Chiếm Đóng lập luận rằng những công ty này cho các sinh viên vay tiền, với những mức lãi suất cao hơn so với mức phân lời của chính phủ, bắt buộc các sinh viên phải trả nợ nhiều hơn so với mức nợ lúc ban đầu.
Có thêm nhiều sinh viên đang nhờ tới những khoản tiền vay tư nhân, vì chính phủ đang vất vả về mặt kinh tế và không ở vào một vị trí để cho các sinh viên vay tiền đi học. Ngoài ra, những người Chiếm Đóng lưu ý rằng những mức tỉ lệ thất nghiệp trên toàn thế giới đều dao động không ổn định, tước mất sự an ninh về việc làm mà các sinh viên cần có khi họ tốt nghiệp đại học.
Không có công ăn việc làm, các sinh viên gặp phải khó khăn, nếu họ có thể hoàn trả lại những món tiền đã vay. Như là một giải pháp, những người Chiếm Đóng đang kêu gọi những sinh viên tốt nghiệp đừng trả lại tiền nợ đã vay để đi học. Họ cũng đang kêu gọi các công ty cũng như chính phủ hãy cho sinh viên vay tiền với mức lãi suất là 0 phần trăm.
Trong tháng 10 năm 2011, Tổng Thống Barack Obama loan báo kế hoạch của ông, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho gần 2 triệu người Mỹ trả lại tiền nợ họ đã vay để đi học. Trong số những khoản ưu đãi khác, kế hoạch của ông sẽ làm giảm bớt những món tiền trả nợ hàng tháng, gom lại những món tiền vay, và tha cho người vay số tiền nợ còn lại sau 20 năm. (Xem trang Giáo Dục B-2 trên nhật báo Viễn Đông số ra ngày 31-10 và 7-11-2011 hoặc trên mạng www.viendongdaily.com).
Thế nhưng, những người Chiếm Đóng cảm thấy rằng như thế vẫn chưa đủ

Các sinh viên đại học có sẵn sàng hay không?

Giáo Sư J.W. Wiley, giám đốc đặc trách Trung Tâm Đa Nguyên Đa Dạng và Bao Hàm (CDPI) của đại học SUNY Plattsburg, đã vay một loạt nợ lãi suất thấp, để giúp ông chi tiêu cho việc học lấy văn bằng tiến sĩ, cũng như trả tiền cho việc học cấp cử nhân của con gái ông, trong khi ông làm việc trong ngành với tư cách là một nhà giáo dục và một cố vấn. Ông nói với Viễn Đông về cách thức ông thu xếp trả nợ: “Căng lắm, nhưng cũng làm được thôi. Tôi vẫn còn tiền để xoay xở”.
Ông cho biết thêm rằng ông lãnh lương cũng khá và đã gom lại những khoản nợ, hình dung ra được một cách thức để trả lại hàng trăm Mỹ kim mỗi tháng, thay vì trả nợ hàng ngàn Mỹ kim như một số người khác phải trả. Tuy nhiên, hoàn cảnh của ông khác với hoàn cảnh của các sinh viên cử nhân, vì ông đã hành nghề rồi, chứ không phải là tới trường để bắt đầu một nghề nghiệp.
Ông nói với Viễn Đông rằng có một số sinh viên cảm thấy khó mà trả lại được tiền đã vay để đi học, trước hết những sinh viên này không bao giờ sẵn sàng để theo học bốn năm tại một trường. Một số sinh viên bị mắc kẹt trong phương diện tiệc tùng, ăn chơi ở nhà trường, và không gánh vác nổi những trách nhiệm học hành của mình, làm giảm sút những triển vọng về việc làm, khi họ tốt nghiệp.
Giáo Sư Wiley nói rằng thay vì tới học ở một trường đại học cộng đồng, và dần dần xây dựng kỷ luật cần thiết để thành công tại một trường bốn năm, thì những sinh viên ấy “gánh chịu những hậu quả gây ra do chuyện họ đã bị quảng cáo dụ dỗ” để làm những gì mà xã hội đề cao và vội vàng chạy tới một trường đại học bốn năm. Ông nói tiếp: “Người ta cần phải có đầu óc thực tế. Nhiều người trong số những sinh viên ấy không ý thức về chuyện họ đang làm gì”. Ông nói thêm rằng các cố vấn của trường lẽ ra có thể nói chuyện thêm với các sinh viên về mức độ chín chắn trên trường đời của họ. - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT