Đời Sống Việt

Trái tim âm nhạc

Wednesday, 26/03/2014 - 11:29:03

Nhà hát Davies Symphony Hall ở San Francisco cuối tuần nhộn nhịp hẳn lên. Mùa thu đang trôi qua, khí trời đã ươm lạnh, những hoạt đông ngoài trời giảm dần thì giải trí trong phòng bắt đầu tăng lên. Nhà hát bắt đầu phát ra chương trình hoạt động mỗi tuần: Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật

Cao Thu Cúc

 
Nhà hát Davies Symphony Hall ở San Francisco cuối tuần nhộn nhịp hẳn lên. Mùa thu đang trôi qua, khí trời đã ươm lạnh, những hoạt đông ngoài trời giảm dần thì giải trí trong phòng bắt đầu tăng lên. Nhà hát bắt đầu phát ra chương trình hoạt động mỗi tuần: Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật: tháng 9: Wagner, Mozart, Brahms. Tháng 10: Berlioz, Schumann, Dvorak... Khách yêu nhạc cứ đọc thấy là nghe xao động cả tâm hồn.

Thời đại mới chuyện gì cũng thay đổi thì phong cách đi đến nhà hát xem nhạc kịch, nghe nhạc cũng thay đổi, nhiều người không còn ăn mặc nghiêm chỉnh như xưa nữa, người ta ăn mặc bình thường hơn, nhưng phần đông vẫn giữ màu đen, màu sậm, hoặc màu trắng thanh nhã, không hoa hòe rực rỡ như đi dạ tiệc. Đến giờ, mọi người lần lượt đi vào chỗ ngồi, im lặng, không cười nói ồn ào. Tôi nhìn quanh, người già nhiều hơn người trẻ, có người phải chống gậy, có người ngồi xe lăn, có người dựa vào 'walking chair' để đi với gương mặt tươi vui. Ngày nay, môn giải trí nghệ thuật này phần lớn dành cho người già.

Berlioz và Schuman

Mở màn là bản nhạc Roman Carnival Overture của Berlioz, nhà soạn nhạc người Pháp (1803-1869). Berlioz viết vở nhạc kịch đầu tiên mang tên Benvenuto Cillini, vở nhạc kịch viết về cuộc đời của Benvenuto Cillini, một nhà điêu khắc vừa là nhà kim hoàn vừa là một nhạc sĩ của nước Ý vào thế kỷ 16. Berlioz viết khúc dạo đầu Roman Carnival với ý định để mở màn cho phần II của vở nhạc kịch trên. Khúc Dạo Đầu này đem ra trình diễn đã được tán thưởng nhiệt liệt và nhanh chóng trở thành quen thuộc trong các buổi hòa nhạc mặc dù vở nhạc kịch thì thất bại, người Pháp gọi Bienvenuto thành Malvenuto.

Cho đến nay khúc dạo đầu Roman Carnival vẫn là khúc nhạc được trình diễn nhiều nhất của Berlioz, hoàn toàn riêng biệt, tách rời hẳn vở nhạc kịch đã sinh ra nó. Đoạn mở đầu với âm điệu rộn rã vui tươi mang âm hưởng tình yêu của Benvenuto Cillini dành cho người yêu 17 tuổi “O Teresa, vous que j'aime plus que la vie” (Ô, Teresa, người mà tôi yêu hơn cả cuộc đời.) Phần cuối của bản nhạc đưa người nghe trở về với một lễ hội tưng bừng ở thành phố Piazza Colonna của Roma vào thế kỷ 16.

Từ Berlioz qua Schumann, nhạc trưởng Yan Pascal Tortelier tiếp tục vai trò nhà ảo thuật tung ra những đám mưa âm thanh không ngừng biến đổi, nghệ sĩ dương cầm Martin Helmchen biểu diễn tiếng đàn dương cầm với bản hòa tấu Piano Concerto in A minor, opus 54 của Schumann. Đôi tay của nhạc trưởng như đôi tay của nhà ảo thuật, mười ngón tay của nghệ sĩ dương cầm thì lại khác, như những cánh hoa tung ra những nốt nhạc thánh thót êm dịu. Tôi thích nghe những tiếng nhạc rộn rã dồn dập khi mười ngón tay lướt trên phím đàn ngân reo như sông suối tuôn tràn về biển rộng.

Bản Giao Hưởng số 7 của Dvorak

Phần chính của chương trình là Bản Giao Hưởng số 7 của Dvorak, nhà sáng tác nhạc thiên tài người Czech (1841-1904). Nói đến Dvorak, người yêu nhạc nghĩ ngay đến Bản Giao Hưởng số 9 của ông (From The New World). Có lẽ người Mỹ ai cũng biết bản nhạc này, Dvorak viết bản giao hưởng này cho nước Mỹ. Năm 1969, Neil Amstrong khi đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng đã bật bản giao hưởng này. Thật quá đúng. Mặt trăng là một Thế Giới Mới của ông. Tôi thích Bản Giao Hưởng số 7 của Dvorak, tôi nghĩ, Bản Giao Hưởng số 7 mới thật sự mang trái tim của nhà soạn nhạc người Czech này.

Nước Cộng Hòa Czech thuở sơ khai như là một cô gái Bohemian ngây thơ xinh đẹp đã được chuyền tay nhau qua các đế chế ở khu vực Trung Âu như Đế Quốc Áo, Đế Quốc Áo- Hung qua nhiều thế kỷ. Khi Dvorak ra đời (1841) cô gái Bohemian đang ở trong đôi tay tàn bạo của đế chế Habsburg, người Czech bắt đầu bị đồng hóa. Tiếng Czech bị cấm sử dụng và tiếng Đức trở thành ngôn ngữ chính thức ở Czech. Đến thế kỷ 19, cuộc khởi nghĩa tư sản ở Pháp bùng nổ và lan rộng khắp Âu Châu đã kích thích tinh thần của người Czech, tầng lớp trí thức bắt đầu công cuộc phục hưng đất nước và phát triển tinh thần dân tộc.
Vào năm 1848 cuộc khởi nghĩa của những người dân chủ cấp tiến được sự hưởng ứng của quần chúng đã bùng nổ ở Prague dù bị dập tắt nhưng làn sóng ủng hộ chủ nghĩa quốc gia càng ngày càng lớn mạnh.

Năm 1884, Dvorak muốn viết một bản giao hưởng mới và đúng lúc đó nhà hát Philharmonic Society ở Luân Đôn cũng mời ông viết một bản giao hưởng. Những sự kiện xã hội đương thời đã là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho Dvorak. Ông đã sáng tác bản nhạc này với cả tâm hồn và tình cảm của trái tim của một con dân dành cho đất nước cùng với ước vọng đất nước sẽ được phồn vinh. Ông đã viết cho một người bạn: “Những gì trong tâm trí tôi lúc này là Tình Yêu, Thượng Đế và Quê Cha Đất Tổ”, và một lần khác ông lại viết: “God grant that this Czech music will move the world” (Thượng Đế bảo đảm rằng âm nhạc của người Czech này sẽ làm rung động cả thế giới). Đó là bản giao Hưởng số 7.

Tôi đã nghe bản giao hưởng này nhiều lần rồi nhưng dàn nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Yan Pascal Tortelier đã làm sống dậy trong tôi những cảm nhận mới mẻ. Dvorak đã tái hiện xã hội Czech vào thế kỷ 19 cùng với những rung cảm suy tư ước vọng của ông. Riêng Berlioz, mặc dù vở nhạc kịch Benvenuto Cellini thất bại, Berlioz vẫn rất tâm đắc phần âm nhạc của nó, nhiều năm sau ông vẫn còn thích nói đến “nhiều ý tưởng khác nhau trong đó, nhiệt tình sôi động và màu sắc âm nhạc rực rỡ” mà từ đó ông đã cho ra đời khúc dạo đầu Roman Carnival.

Berlioz đã nói đến “Màu sắc âm nhạc”. Thì ra âm nhạc cũng có màu sắc, cho nên khi nghe nhạc, ta không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng mắt, đôi mắt của tâm hồn, thì mới cảm nhận được hết sự phong phú và ý tưởng sâu xa cùng tâm huyết của tác giả ẩn chứa bên trong.

Cảm động nhất là lúc buổi diễn kết thúc, giữa những tràng pháo tay vang lên không ngớt, nhạc trưởng cùng các nghệ sĩ trình diễn đi ra một hàng dài trịnh trọng chào. Đây mới thật sự là lúc giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả. Mọi người đứng cả dậy, mặt tràn đầy niềm vui, biểu lộ tình cảm nồng nhiệt và tay cứ vỗ không ngừng, đoàn nghệ sĩ cứ thế đi vô rồi lại đi ra chào. Đây là cao trào của lòng hâm mộ, đây là vinh quang, họ từ chối được sao? Chính họ là những người đã mở cánh cửa cho hồn nhạc sống lại với đời.

Đương thời, Dvorak đã ghi một câu trên trang đầu của Bản Giao Hưởng số 7, dưới tấm ảnh của Han Von Bulow, người đã thường xuyên trình diễn Bản Giao Hưởng này của ông: “Vinh quang cho người. Người đã đem tác phẩm này đến với đời”. Con trai tôi nói đùa: “Mình cứ vỗ tay tiếp cho họ vô ra mệt nghỉ.” Không đâu. Họ chỉ vô ra ba lần thôi, nếu chưa thỏa mãn lòng hâm mộ của khán giả, nhạc trưởng sẵn sàng ngồi vào đàn cống hiến một bản nhạc điêu luyện cuối cùng thì lúc đó mọi người đành ra về thôi. Lần trước khi tôi đi nghe Wagner, Mozart và Brahms, chính nhạc trưởng Asher Fisch đã làm như vậy.

Âm nhạc và đời

Âm nhạc, tiếng nói của tâm hồn, linh hồn của trái tim, âm thanh cứ vang lên không ngớt như thế làm cho người nghe như bồng bềnh trôi theo dòng cảm xúc của tác giả, những con người xa lạ, những con người ta chưa từng gặp, nhưng họ đã sống tận cùng bản thể và để lại cho ta biết bao tặng vật vô giá. Trái tim của họ đã ngừng đập nhưng lại làm cho tim ta đập nhịp liên hồi. Tiếng nhạc réo rắt của Chopin thấm vào hồn ta những rung cảm nghệ thuật tinh tế nhẹ nhàng sâu xa, nhà nhạc sĩ tài ba này đã dành cho quê hương Ba Lan một tình cảm tha thiết mà chỉ mới đi xa thôi là nhạc sĩ đã hối hận “mình đã ra đi”. Nước Pháp là quê cha nhưng chưa bao giờ ông thấy thoải mái khi ở Pháp. Đến giờ phút cuối cùng của đời người ông còn yêu cầu “Trái tim của tôi phải trở về với thủ đô Warsaw”.

Dòng âm thanh như suối nguồn tuôn chảy
Đưa cảm xúc của người về nơi vĩnh cửu.

Đó là cảm nhận của tôi mỗi lần nghe nhạc cổ điển. Một cảm xúc mạnh mà đến mấy trăm năm sau vẫn còn làm cho người nghe rung động. Một nguồn cảm xúc phong phú vẫn còn làm cho bao nhiêu cây đàn rung lên và bao nhiêu trái tim phải bồi hồi. Cái gì đã làm cho âm thanh của họ có sức sống lâu dài như thế? Ngoài tài năng thiên phú, tôi nghĩ đó còn là tiếng nói của trái tim nghệ sĩ cùng những rung cảm rất tình người, giàu tưởng tượng mà không xa rời cuộc sống, không quên nơi mình đã sống, đã được làm người.

Chính tình yêu con người và cuộc sống đã làm cho dòng nhạc cổ điển trở thành tài sản vô giá của nhân loại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT