Hôn Nhân, Cuộc Sống

Trầm cảm sau khi chia tay (kỳ 1)

Sunday, 26/02/2017 - 09:43:14

Các bác sĩ cũng có thể cùng lúc kê toa thuốc chống trầm cảm và đề nghị bổ sung thảo dược. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp thảo dược vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Bài ĐOAN TRANG

Sau hơn 10 năm, Dona Blanchard (*) vẫn chưa quên được cái đêm kinh hoàng khi kết thúc cuộc hôn nhân ngắn ngủi 5 năm với người bạn đời. Đó lại rơi vào đúng ngày lễ Noel, khi người thân, bạn bè đang mở tiệc mừng Chúa Giáng Sinh, thì cô nhốt mình trong căn phòng, khóc lóc như thế suốt đêm. "Tôi đã khóc cả mùa nghỉ lễ. Tôi muốn tìm đến cái chết. Tôi muốn hành hạ bản thân mình, muốn chặt đi cánh tay mà chồng tôi thường ôm ấp, bởi lúc đó anh ấy đã có người khác rồi,” Dona nói.
Dona bị trầm cảm sau cuộc chia tay.


Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống. (Getty Images)

Chỉ muốn chết cho xong

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc trên trang the Richest, Hoa Kỳ xếp đầu tiên trong danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ ly dị cao nhất thế giới: 53%. Tính ra trung bình cứ 6 giây đồng hồ lại có một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ đưa nhau ra tòa. Không phải cặp vợ chồng ly hôn nào cũng chấp nhận “tình nghĩa đôi ta có thế thôi” để tiếp tục sống vui, mà rất nhiều người bị trầm cảm sau khi chia tay người bạn đời của mình.

Nhưng các cuộc chia tay không chỉ giới hạn trong các cặp vợ chồng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một phần năm (1/5) các thanh thiếu niên bị trầm cảm sau cuộc chia tay lãng mạn. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý, những người đã trải qua một cuộc chia tay lãng mạn, có nhiều khả năng để trải nghiệm và làm lại cho một khởi đầu mới khi còn ở tuổi vị thành niên.

Khi Jack Anderson (*) chuyển từ Ohio đến California, anh gặp lại người bạn đồng môn từ khi học đại học. Jack nghĩ sẽ được ở bên cô ấy mãi mãi. Nhưng rồi một ngày, khi cô cho biết cô đã có một người khác, Jack bị suy sụp tinh thần hoàn toàn. Cảm giác của anh khi đó giống như đứng trước một cánh cửa bị đóng sập, anh không ăn, không uống, không muốn đến sở làm, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. “Mặc cho cha mẹ, anh chị em trong nhà hỏi han, chăm sóc, tôi vẫn ám ảnh trong đầu rằng mình là người bị bỏ rơi. Tôi chỉ muốn chết phứt đi cho xong,” Jack nói.

Ly dị, hay chia tay có khi tốt cho hai phía, nhưng nhiều lúc lại khiến cho một trong hai người bị chấn thương nặng về tâm hồn. Việc chữa trị một “tâm hồn bị tổn thương,” hay một “trái tim bị tan vỡ” sau chia tay, sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Đúng là thời gian có thể chữa trị những vết đau trong tâm hồn, nhưng nếu thời gian chưa kịp làm vết thương lành lặn, thì có khi bạn lại phải chiến đấu với chứng trầm cảm khá nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.


Trầm cảm đến khi người ta cho rằng mình là người bị bỏ rơi trong một cuộc tình. (Getty Images)



Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng, làm việc không xong tới chót, mặc cảm thua kém, rầu rĩ,... Người tram cảm luôn nói rằng họ không được ai quan tâm đến, họ bị mọi người xung quanh bỏ rơi, kể cả người thân của họ cũng không chú ý đến họ. Người trầm cảm không còn hứng thú, lúc nào cũng nghĩ đến cái chết, họ không tin rằng bác sỹ có thể chữa trị được, nên thường không muốn đi tìm gặp bác sỹ. Với những người trẻ thì thường hỏi đến cái chết của thân nhân trong gia đình, đồng thời với những cảm giác vô vọng, và liên tục suy nghĩ về việc tự vẫn.

Nên tìm gặp ngay bác sỹ hoặc nhà tâm lý

Nếu trong tuần lễ đầu tiên sau chia tay, bạn có những triệu chứng giống như Dona, hoặc Jack, và luôn nghĩ đến những chuyện tiêu cực, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày, đó là một dấu hiệu bạn có thể bị trầm cảm lâm sàng. Trong trường hợp này, bạn nên xem xét tham khảo ý kiến của một nhà tâm lý, hôn nhân và bác sĩ chuyên khoa gia đình, hoặc bác sĩ tâm thần có thể giúp bạn xác định xem bạn có bị rối loạn tâm lý và can phải điều trị bằng liệu pháp hoặc thuốc chống trầm cảm hay không.
Nói chuyện, tham khảo ý kiến với bác sĩ hoặc một nhà tư vấn cũng có thể giúp tăng tốc độ quá trình chữa bệnh. Trầm cảm là một căn bệnh nghiêm trọng có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc, nhưng bạn có thể tìm thấy sự giúp đỡ tốt nhất xuất phát từ kết hợp chúng với một số loại hình trị liệu cá nhân hoặc nhóm có thể giúp bạn đối phó với những cảm xúc của bạn.

Liệu pháp hành vi nhận thức và điều trị cá nhân là hai loại phương pháp điều trị đã được chứng minh để giúp mọi người phục hồi từ suy thoái; những người khác có thể tìm thấy liệu pháp tâm lý thường xuyên hữu ích.

Liệu pháp hành vi nhận thức bao gồm việc thay đổi cách tiêu cực của suy nghĩ: Bị tổn thương từ một cuộc chia tay thì yêu cầu đặt ra là bạn phải loại bỏ ngay ra khỏi đầu những suy nghĩ ám ảnh về những người thân yêu, về những kỷ niệm đã xảy ra trong mối quan hệ. Một số nhà trị liệu cũng cho thấy kỹ thuật thư giãn hoặc các công cụ điều chỉnh hành vi khác có thể giúp bạn vượt qua triệu chứng của sự đau khổ.

Các bác sĩ cũng có thể cùng lúc kê toa thuốc chống trầm cảm và đề nghị bổ sung thảo dược. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp thảo dược vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo đánh giá của các cuộc nghiên cứu ở Đức cho thấy, việc dùng thuốc trầm cảm thảo dược kết hợp với các loại thuốc trầm cảm khác có thể sẽ gây nguy hiểm, nhất là không được dùng thuốc trầm cảm khi đang được điều trị HIV, hoặc thuốc cấy ghép nội tạng. Cũng theo các nghiên cứu ở Đức, sẽ rất hữu ích trong việc duy trì sức khỏe tinh thần nhằm chống lại những biểu hiện của trầm cảm.

(Theo: HealthdayTimes, National Institute of Mental Health, National Foundation for Depressive Illness.)
(*) Tên nhân vật đã được đổi

Kỳ sau: Trở nên mạnh mẽ sau khi chia tay

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT