Người Việt Khắp Nơi

Trầm cảm trong cộng đồng, nói ra hay là làm thinh?

Vanessa White/Viễn Đông Sunday, 06/11/2011 - 10:37:08

... nhiều người di dân trong cộng đồng này cảm thấy một nỗi đau buồn sâu xa, được khỏa lấp đi bằng sinh hoạt thường nhật của họ tại Hoa Kỳ.

Vanessa White/Viễn Đông

QUẬN CAM, California – Đối với cộng đồng Việt Nam, không đau đớn về thể xác thường đồng nghĩa với tình trạng sức khỏe tốt đẹp nơi một cá nhân.
Thế nhưng, nếu một người bị đau đớn trong tâm trí thì sao?
Theo một bản phúc trình Đánh Giá Nhu Cầu Ý Tế Quận Cam (OCHNA) năm 2010 cho biết, nhiều người di dân trong cộng đồng này cảm thấy một nỗi đau buồn sâu xa, được khỏa lấp đi bằng sinh hoạt thường nhật của họ tại Hoa Kỳ. Bản phúc trình này mang tựa đề là “Một cái nhìn về sức khỏe trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam”, và sử dụng dữ liệu được thu thập trong cuộc thăm dò năm 2007.
Hậu quả của việc bỏ nước Việt Nam ra đi và rốt cuộc sang tới đất Mỹ, là một sự mất mát sâu sắc, vì họ đã mất nhà mất cửa, gia đình và tài sản của mình. Nhiều người tị nạn vượt thoát, chỉ còn mang theo được mạng sống của mình và vỏn vẹn một ít quần áo trên lưng mà thôi. Sự mất mát như thế có thể góp phần vào việc gây ra những vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như chứng trầm cảm. Theo định nghĩa của Từ Điển Merriam-Webster, trầm cảm (depression) là “một chứng rối loạn tâm lý, mà đặc điểm là tâm trạng buồn sầu, biếng nhác hoạt động, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ và tập trung, cảm thấy chán nản”, hoặc cảm thấy sa sút tinh thần.
Một họa phẩm cho thấy nỗi thống khổ của người Việt trong hành trình vượt biên tị nạn, được sáng tác trong trại tị nạn Hồng Kông trong khoảng cuối thập niên 1980, nay được lưu trữ trong Văn Khố Đông Nam Á thuộc Thư Viện Đại Học UC Irvine - ảnh do Vincent Thái chụp lại.

Trong cộng đồng Việt Nam, thường có hiện tượng phủ nhận sự hiện hữu của chứng trầm cảm, vì những quan niệm không hay chung quanh chứng trầm cảm, vốn là một loại tâm bệnh, liên kết vấn đề với những khuyết điểm di truyền và những khiếm khuyết do tổ tiên để lại, khiến cho những người mắc phải vấn đề như vậy có xu hướng không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, cộng đồng Việt Nam không đơn độc trong chuyện phải chịu đau khổ. Có nhiều người khác, đặc biệt những người thuộc nhiều nhóm sắc dân thiểu số khác nhau, đã gác chứng trầm cảm của mình qua một bên, để có thể sống còn tại Hoa Kỳ. Việc hiểu được chứng trầm cảm có thể giúp cho cộng đồng Việt Nam liên kết một cách tốt hơn với những cộng đồng khác trên đất Mỹ, cả cộng đồng sắc dân lẫn cộng đồng chính lưu.

Thiếu chăm sóc và bảo hiểm sức khỏe tâm thần
Trong năm 2008, một cuộc Thăm Dò Phỏng Vấn Y Tế California phát giác rằng những người Mỹ gốc Việt ở độ tuổi trên 55, so với những người da trắng cùng lứa tuổi với họ, cho thấy khuynh hướng muốn tiết lộ rằng họ cần sự chăm sóc sức khỏe tâm thần, mặc dù họ lại ít khi chịu nói với bác sĩ của mình về vấn đề này.
Bản phúc trình OCHNA có nhắc đến chuyện người Mỹ gốc Việt rất kính trọng các bác sĩ; do đó, những bệnh nhân Mỹ gốc Việt không muốn tiết lộ những vấn đề sức khỏe cho các bác sĩ biết, vì sợ làm cho họ thất vọng. Tuy nhiên, nếu các bệnh nhân người Mỹ gốc Việt kể ra cho các bác sĩ và rốt cuộc nhận được sự chăm sóc liên quan tới những vấn đề y tế, đặc biệt những vấn đề sức khỏe tâm thần, thì họ có xu hướng làm như vậy nhiều hơn đối với những bác sĩ gia đình của họ, theo một bài trích yếu chuyên khoa trong năm 2009 cho biết, với tựa đề là “Thảo luận về chứng trầm cảm với các bệnh nhân người Mỹ gốc Việt”. Vì lý do này, các bác sĩ gia đình cần lập ra “những sách lược sáng suốt về mặt văn hóa, để giải quyết chứng bệnh vốn có nhiều quan niệm không hay xung quanh nó”, theo bài viết nói trên gợi ý cho biết.
Bản tường trình OCHNA cho thấy rằng có 11.232 người đã được bác sĩ, hoặc một nhà chuyên môn trong ngành y tế, nói cho biết rằng họ có những vấn đề về cảm xúc, tâm trí hoặc về cách ứng xử, chẳng hạn như chứng trầm cảm. Tuy nhiên, trong số những người Mỹ gốc Việt gặp phải những vấn đề sức khỏe tâm thần, như bệnh trầm cảm, có chưa tới 6.127 người đã nhận được chăm sóc y tế cho những vấn đề của họ. Một số lý do dẫn tới việc những người Mỹ gốc Việt không nhận được săn sóc y tế là: không nghĩ đến chuyện nhận được chăm sóc, cảm thấy rằng mình chẳng cần đến sự giúp đỡ, xấu hổ và lúng túng, và thiếu khả năng tài chánh để trả cho dịch vụ y tế.
Vì có trên một phân nửa trong tổng số những người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam không có bảo hiểm sức khỏe tâm thần, nên cộng đồng Việt Nam là nhóm có những mức tỉ lệ thấp nhất về vấn đề bảo hiểm sức khỏe tâm thần, trong tất cả các nhóm sắc dân sinh sống ở Quận Cam.

Một cái nhìn từ bên ngoài cộng đồng Việt Nam
Trong cuốn sách “Black Pain” (Nỗi Đau Màu Đen), nữ tác giả Terrie M. Williams trình bày về chứng trầm cảm trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu. Bà viết rằng việc phủ nhận và sự thất bại của cộng đồng này trong việc công nhận trầm cảm đã làm cho chứng bệnh này kéo dài mãi mãi.
Bà Williams lập luận rằng sự chống chỏi mãnh liệt trong lịch sử của cộng đồng này đã giúp cho họ sống sót, nhưng cũng được sử dụng để thuyết phục nhiều người bên trong và bên ngoài cộng đồng này rằng chứng trầm cảm không phải là một loại bệnh thực sự và quan trọng nơi những người Mỹ gốc Phi Châu. Thay vì vậy, bà viết rằng trầm cảm có thể biểu lộ ra trong những hành vi ứng xử có hại cho cộng đồng, như tội phạm, bạo lực, lạm dụng những chất gây nghiện, những chứng rối loạn về ăn uống và thói nghiệp ngập.

Bà Williams đề cập đến thói quen từ trước đến nay của cộng đồng là cứ giữ im lặng, chẳng đả động gì đến chứng trầm cảm. Bà cũng nhắc đến chuyện sự im lặng như thế đã góp phần tạo ra chứng trầm cảm nhiều thế hệ, được kéo dài bởi nhũng thành viên lớn tuổi hơn của cộng đồng. Những người này có thể vì vô tình mà dạy cho những thành viên trẻ hơn nên làm thinh. Những người trẻ này làm cho thói im lặng ấy trở thành lưu cửu, tiếp tục chu kỳ lặng thinh và chấp nhận nó như là một lối sống, Họ sẽ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài cho chứng trầm cảm, vì họ sẽ không nghĩ rằng mình cần tới sự hỗ trợ ấy, hoặc sẽ cảm thấy quá xấu hổ, vì những quan niệm tì vết mà cộng đồng này cố ý hoặc vô tình đặt lên trên chứng bệnh trầm cảm.

Ý tưởng để suy gẫm
Liệu cộng đồng Việt Nam có giống như cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu hay không, trong chuyện phủ nhận, hoặc thiếu công nhận chứng trầm cảm của mình? Có những cộng đồng sắc tộc khác cũng phủ nhận như vậy hay không? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT