Bình Luận

Trăm điều thắc mắc

Monday, 30/10/2017 - 10:14:12

Cuộc phục kích xảy ra từ ngày mùng 4 tháng Mười -gần một tháng nay- mà Ngũ Giác Đài vẫn còn cần thêm một tháng nữa để có thể trả lời những câu chất vấn của Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện thì quả là quá đáng.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Năm, 26 tháng 10, sau khi nghe viên chức Ngũ Giác Đài trình bầy về cuộc phục kích giết bốn quân nhân Hoa Kỳ tại Niger, Nghị Sĩ John McCain nói ông còn hàng trăm câu hỏi khác mà Ngũ Giác Đài không trả lời được; câu ông tuyên bố nói lên tình trạng bất cập của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, và cũng để lộ tình trạng thiếu hiểu biết của chính ông về bộ chiến.

McCain là vị nghị sĩ khả kính đã chiến đấu anh dũng trong trận chiến Việt Nam, và cũng đã trả đắt giá trong cuộc chiến tranh đó. Ông bị hỏa tiễn phòng không của Nga bắn rơi trong phi vụ thứ 24 bay vào đánh bom trên những vị trí quân sự Việt Cộng đặt tại Hà Nội.


McCain bảo truyền thông ông còn hàng trăm câu hỏi nữa về cuộc phục kích tại Niger.

Tôi dùng ba chữ THIẾU HIỂU BIẾT nặng nề để mô tả kiến thức giới hạn đến mức “không đáng kể” về chiến thuật du kích của một đại úy phi công, mặc dù tôi ý thức được là những chữ đó có thể “thất kính” đối với một quân nhân Mỹ mà tôi kính phục cả tư cách lẫn lòng can đảm.

Dĩ nhiên chính tôi và toàn thể sĩ quan bộ binh như tôi cũng hoàn toàn thiếu hiểu biết về kỹ thuật và chiến thuật của không quân.

Ý thức được như vậy, mà còn trách McCain THIẾU HIỂU BIẾT? Tôi phải trách ông như vậy vì lời trách đó quá cần thiết cho địa vị Trưởng Ban Quốc Phòng tại Thượng Viện của ông, khiến ông đang là người duy nhất “đặt được một câu hỏi đúng để giải quyết tình trạng thất thế của quân Mỹ tại Trung Đông và Phi Châu từ 14 năm nay -bắt đầu từ cuộc tổng tấn công Iraq- 2013.”

Câu hỏi mà nghị sĩ McCain cần nêu lên về cái chết của bốn quân nhân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ là: “Tại sao họ không phục kích quân khủng bố mà lại để chúng phục kích giết họ?” Dĩ nhiên những người phải trả lời câu hỏi đó không phải là “HỌ” -những người lính đã chết vì bị phục kích, hoặc đang chờ chết.
Câu hỏi -trễ 50 năm- nhưng vẫn giá trị, vì lính Mỹ vẫn bị địch giết trong những ổ phục kích của chúng, hoặc vì đạp hay cán mìn gài trên lộ trình mà họ bắt buộc phải đi, phải mở đường hàng ngày.
 

Lính Mỹ vẫn chết vì bị phục kích


Lính Mỹ vẫn chết vì đạp hay cán mìn gài trên lộ trình mà họ bắt buộc phải đi, phải mở đường hàng ngày.

Trong chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến cảnh quân đội Hoa Kỳ lầm lẫn sử dụng đại pháo, chiến xa và những đồn binh kiên cố chống du kích Việt Cộng; trong suốt nhiều năm dài chiến thuật sai lầm đó giúp Việt Cộng -với 300,000 quân du kích- nắm thế chủ động chiến trường Nam Việt, thường xuyên tấn công những căn cứ Mỹ và Việt Nam, mặc dù đại tướng Wesmoreland có nửa triệu quân Mỹ và 1 triệu quân Việt Nam trong tay.

Nếu ông biết sử dụng quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào chiến thuật du kích, nếu 1 triệu quân Việt Nam thường xuyên phục kích địch, thì toàn thể lãnh thổ Nam Việt đã biến thành một ổ phục kích khổng lồ, ngăn cấm mọi xê dịch -ngày cũng như đêm của Việt Cộng.

Nếu bốn người lính Mỹ và 30 người lính Niger không tuần phòng, mà chờ địch trong thế chủ động phục kích thì tổn thất đã trở thành tổn thất của quân ISIS.

Trả lời Nghị Sĩ McCain, viên chức Quốc Phòng Mỹ nói, trong lúc địch khai hỏa, bốn người lính Mỹ bị tách rời khỏi đơn vị lính Niger; một tiếng đồng hồ sau, họ gọi cấp chỉ huy ở hậu cứ, báo cáo tình hình, rồi xin tăng viện và không yểm.

Quân Pháp -lực lượng chính trong cuộc yểm trợ chính phủ Niger- gửi khu trục phản lực Mirage tới, trong lúc quân đội Niger cũng đưa viện binh vào chiến trường.

Dĩ nhiên là quá trễ, vì, như đa số cựu quân nhân Việt Nam đều biết, chiến trường phục kích thường ngã ngũ ngay trong tiếng đồng hồ đầu tiên.

Tổng số quân nhân Hoa Kỳ cố vấn cho trung đội Niger hành quân không chỉ gồm có bốn người, mà là 11 người; bảy người sống sót được trực thăng Pháp di tản ra ngoài chiến trường, hai tiếng đồng hồ sau khi tiếng súng giao tranh đã tắt.

Phản ứng chậm chạp đó cho thấy là bảy quân nhân Mỹ sống còn, nhờ khả năng tác chiến của chính họ, chứ trực thăng Pháp không hề giải vây, đánh địch để cứu họ. Trực thăng chỉ chuyên chở họ ra khỏi địa điểm họ bị phục kích.

Tại sao trực thăng Pháp không đem cả bốn tử sĩ Mỹ ra khỏi chiến trường? Viên chức Ngũ Giác Đài trả lời Nghị Sĩ McCain là họ cũng không biết tại sao. Câu hỏi kế tiếp là nếu được di tản ngay, liệu những người đó có thể được cứu sống không? Cũng không biết.

Đó là hai trong hàng trăm câu hỏi của McCain? Nếu đúng, thì quả là Ngũ Giác Đài thiếu trách nhiệm -đã không gửi một phái đoàn đến Niger để tìm hiểu cặn kẽ cuộc giao tranh mà cũng không đòi hỏi đơn vị Mỹ tham chiến tại đó báo cáo đầy đủ nguyên nhân của những tổn thất khó hiểu.

Câu hỏi thứ ba là khi trực thăng đáp xuống di tản bảy người lính Mỹ ra ngoài chiến trường, thì chiến trường đã do quân Pháp, Mỹ, và Niger làm chủ, tại sao họ không tổ chức tìm kiếm và di tản bốn người lính Mỹ -có thể chưa chết, mà chỉ bị thương.

Nhiều tiếng đồng hồ sau, liên quân mới gọi di tản xác ba người lính Mỹ cùng với xác một thông dịch viên; và mãi hai ngày sau lính Niger mới tìm được xác trung sĩ Mỹ đen La David T. Johnson-cũng ngay gần điểm phục kích.

Để có thể trả lời hàng trăm câu hỏi của Nghị Sĩ McCain, Ngũ Giác Đài xin một kỳ hạn 30 ngày, để Trung Tướng Roger L. Cloutier Jr. -tham mưu trưởng tại Bộ Tư Lệnh Africa Command của Hoa Kỳ điều tra bổ túc.


Trung Tướng Roger L. Cloutier Jr.

Cuộc phục kích xảy ra từ ngày mùng 4 tháng Mười -gần một tháng nay- mà Ngũ Giác Đài vẫn còn cần thêm một tháng nữa để có thể trả lời những câu chất vấn của Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện thì quả là quá đáng.

Tuy nhiên, những câu chất vấn hiện nay của Nghị Sĩ McCain vẫn không có tác dụng thay đổi được thế thụ động chủ bại của quân đội Hoa Kỳ; là một người lính có nòi tác chiến -con và cháu nội của hai vị đô đốc Hoa Kỳ- ông cần nêu lên câu hỏi đúng, để đưa quân đội Hoa Kỳ trở lại khí thế bách chiến, bách thắng như trong trận Thế Chiến Thứ Nhì.

Câu hỏi đó là làm cách nào chiếm thể chủ động tấn công địch? Trong chiến tranh Việt Nam quân đội Mỹ đã thất trận vì chiếm giữ thế thụ động chờ địch tấn công, trên chiến trường chống khủng bố hiện tại, quân đội Mỹ lại vẫn hiên ngang thụ động ngồi chờ.

Dĩ nhiên trọng trách hiện đại hóa quân đội Mỹ phải là trách nhiệm của quý vị tướng lãnh Mỹ, nhưng Nghị Sĩ McCain vẫn là người cựu quân nhân có nhiều hiểu biết về Việt Cộng; ông lại đang giữ chức vụ trưởng Tiểu Ban Quân Sự Thượng Viện, vai trò chính trị có tầm vóc để thực hiện mọi cải tiến cần thiết. (ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT