Thể Thao

Trận bán kết thứ nhất của Copa America: Chile loại Peru ra khỏi cuộc chơi

Monday, 29/06/2015 - 08:35:09

Ấy thế mà rồi phải mãi cho đến phút thứ 41 thì Chile mới thắng được một bàn sau khi Sanchez chuyền banh vào cấm địa, Arangui sút banh trúng cột phải khung thành, banh văng ra, Vargas sút lại vào lưới!

Eduardo Vargas một mình làm 2 bàn thắng trong trận bán kết Chile thắng Peru 2-1.

 

Trận bán kết thứ nhất của Copa America: Chile loại Peru ra khỏi cuộc chơi

Bài THANH NGUYỄN

SANTIAGO - Hai đội Chile và Peru đấu trận bán kết tại sân Estadio Nacional Julio Martínez Prádanos ngay tại thủ đô Santiago. Chuyện trọng đại chứ đâu có phải chuyện thường! Khán đài chứa được trên 48,000 chỗ ngồi, do đó mà nếu tính cả những khán giả bằng cách nào mà có được một chỗ đứng hay ngồi trên con số đó thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Hôm thứ Hai trời quang mây tạnh ở thủ đô; nhiệt độ quanh quần ở mức 66 độ F trong ngày, tuy về chiều thì có phần lạnh hơn, 55 độ F, vì đôi bên đấu vào lúc chập choạng tối. Peru là láng giềng phía Bắc của Chile cho nên các “fans” từ miệt Bắc xuôi Nam để cổ vũ cho gà nhà cũng đông đảo chả thua gì dám “fans” địa phương của đội chủ nhà.

Ở Tây Ban Nha hễ có trận giữa Real Madrid với Barcelona thì người ta gọi đó là trận “El Clasico”, tức là trận thuộc loại, dịch cho thật thoát, “truyền kiếp,” có tự lâu đời giữa hai anh thuộc loại hàng đầu, kỳ phùng địch thủ trên đất TBN. Còn ở Nam Mỹ thì người ta gọi các trận lớn giữa Peru với Chile là các trận “Clasico Del Pacifico” bởi cả đôi bên đều thuộc hai nước giáp Thái Bình Dương về hướng Tây, trong khi hai đội kia ở TBN là ngó về mặt biển Địa Trung Hải ở hướng Đông.

Chuẩn bị cho trận đấu thì bên Peru có những mối lo riêng và Chile cũng có những mối lo riêng, tuy “không đến nỗi đáng lo” bằng đối phương. Chile mất đi cậu Gonzalo Jara, 29 tuổi, vì cậu này bị cấm không được đấu cho đến hết giải, do “đụng chạm” với Cavani của Uruguay trong trận trước đây.

Còn huấn luyện viên Ricardo Gareca của đội Peru phát biểu trước trận đấu là, “Chúng tôi sẽ ngó chừng ba tay Alexis Sanchez, Arturo Vidal và Valvidia.” Có một nhân vật mà đội Peru không “ngó chừng” được là thủ môn kiêm đội trưởng Claudio Bravo, mà có thế nào thì đội Barcelona mới mua về làm thủ môn bấy nay! Tức là Peru chỉ có cách làm sao lọt được vào trước khung thành chừng dăm ba thước rồi xuất kỳ bất ý – đã là chuyện khó với đám hậu vệ Chile bu quanh- thì may ra mới sút lọt lưới chứ còn sút từ xa xa thì khó hòng!

Có điều là ông Gareca chỉ nhắm vào đòn tâm lý là “Đội ta có thể dựa vào áp lực về mặt tâm lý đối với đội Chile để khai thác những sơ hở của họ về mặt đó.” Tức là Chile vừa là đội chủ nhà, vừa lăm le đoạt giải kỳ này cho nên ra sân đấu vì cái “gánh nặng trách nhiệm đeo nơi chân với đối với cả nước” mà không còn đấu đá ung dung tự nhiên! Về mặt tâm lý thì điều đó cũng có cái lý của nó!

Peru, khác với Chile chỉ có mỗi anh Claudio Pizzaro, đội trưởng 36 tuổi, là đấu cho một đội thượng hạng bên Âu Châu là Bayern Munich. (Chile cũng có một cầu thủ tên Pizzaro nhưng ấy là David Pizzaro, 35 tuổi).

Đội Peru không có được nguyên cả một chùm “sao sáng” như Chile, tản mác đi các đội lừng lẫy bên trời Âu!

Thế nhưng huấn luyện viên Sampaoli của đội Chile thì tất nhiên là không có ở đấy mà cứ thế “bơm” cho cầu thủ đội mình gồng tay gồng chân mà huyênh hoang! Ông phát biểu là “Đừng có ai cho rằng đội Chile có nhiều hy vọng hơn đội Peru!” Nói năng như vậy là chí phải! Điều cần thêm: Bốn đội vào bán kết thì cả bốn huấn luyện viên đều là dân Argentina!

Để chúng ta, những người hâm mộ bóng đá, không cứ một giây phút nào đấy chợt nổi hứng mà đi có suy nghĩ là “Giá mà giao cho tôi một đội thì tôi sẽ chỉ vẽ cho họ cách đấu cho ra hồn.” Cả Uruguay, Chile, Peru và Argentina - đội này thì đã đành- đều phải cậy đến tay một người Argentina thì không thể nói rằng, “Bộ mấy nước đó hết người rồi hay sao vậy?” Xem đá banh rồi “bàn miệng mà chơi” thì dễ; còn ngòai đấy ra thì chả có cái gì là dễ!

 

Trận đấu

 

Từ khán đài không có tiếng kèn trống gì hết, chỉ có tiếng người hô hoán cổ vũ cho đội mà họ muốn cổ vũ, thành thử nếu ngồi đâu đó nơi khán đài thì nghe ào ào, rào rào như mình đang ngồi không xa một ngọn thác lớn đổ xuống vực sâu. Hệ thống loa phát thanh cho phát thanh điệu nhạc quốc ca của Peru trước và Chile sau. Cầu thủ mỗi đội cùng dân của mỗi phe trên khán đài say sưa hát theo. Đôi bên tiến hành làm những động tác thông thường trước khi chia nhau ra, mỗi phe một phần sân. Trọng tài là Jose Argote, người Venezuela, dong dỏng cao, nước da đen xậm. Từ đầu giải đến giờ, Chile không có đấu với Venezuela. Chỉ có Peru mới đấu với Venezula vào ngày 18/6 và thắng 1-0; do đó mà Peru hôm nay có điều gì “lo lắng” với một trọng tài người Venezuela hay không thì cứ lo chứ còn Chile không phải lo.

Vào trận được dăm bảy phút thì người ta thấy ngay là Chile đừng hòng ăn hiếp Peru. Chile đá đến đâu thì Peru đá đến đó. Không có những tên tuổi sáng chói như Chile nhưng Peru đá theo kiểu “có miếng” chứ không cần “có tiếng.”

Phút thứ 3. Zambrano của Peru tranh nhau quả banh với Vidal của Chile nơi làn ranh cuối góc sân bên trái của Peru. Zambroni muốn banh lăn ra khỏi làn ranh để thủ môn sẽ đá cú dành cho thủ môn, “goal kick”. Vidal muốn có được banh để sút ngược lại cho đồng đội trước khung thành. Đôi bên dùng chân ngăn chận nhau, banh ra khỏi làn ranh.

Zambrano bực mình ủi vào người Vidal với cái ý: “Đã không cứu được quả banh thì việc gì cứ phải cố xác mà tranh như thế?” Vidal giở thói du côn, lấy tay bóp miệng Zambrano và ẩy mạnh mặt cậu này về phía sau. Trọng tài chạy tới, răn đe cả hai. Cần mô tả kỹ việc này vì nó sẽ dẫn đến việc lớn hơn.

Phút thứ 6. Banh trên phần sân Peru. Zambrano đốn ngã Alexis Sanchez của Chile. Trọng tài chạy đến, chỉ chỏ vào mặt Zambrano và phạt cái thẻ vàng. Chắc là nói câu: “Vừa mới tức thời đây tôi đã khuyên cậu cẩn thận mà cậu không chịu nghe!”

Phút 19. Banh từ phía khung thành Chile được chuyền ngược về hướng sân Peru. Cả Zambrano của Peru lẩn Arangui của Chile đều quay mặt về hướng banh đang bay tới. Arangui đứng trước Zambrano và nhảy lên đón banh nhưng hụt. Banh rơi sau lưng Arangui. Zambrano nhảy lên đá quả banh cho nó bay về hướng sân Chile. Chân Zambrano đụng banh, banh vọt lên cao nhưng đồng thời chân cũng đá trúng lưng của Arangui khiến cậu này ngã lăn lộn trên cỏ. Trọng tài Argote coi đấy như một động tác gây nguy cho đối phương, phạt Zambrano cái thẻ vàng thứ hai, biến thành cái thẻ đỏ, và Zambrano, hậu vệ của Peru, bị đuổi ra khỏi sân.

Người ta có thể tranh cãi rằng động tác của Zambrano không cố ý vì rõ ràng anh ta đá trúng quả banh. Hôm sau thì giới bình luận bóng đá tha hồ có dịp để tranh luận về cái thẻ đỏ ấy. Nhưng đối với người hâm mộ bóng đá coi trọng tinh thần thượng võ –nếu như còn thứ tinh thần đó- trong bóng đá, và không cứ là phải ủng hộ đội này hay đội kia, thì bao nhiêu hứng thú tiêu tan kể từ phút thứ 19 đó. Đôi bên đang đấu ngang ngửa với nhau, với dư luận chung là phe Chile có phần “cứng cựa” hơn đội Peru, nhưng rồi đùng một cái, Peru hụt đi một người; còn gì là hứng thú?

Ấy thế mà rồi phải mãi cho đến phút thứ 41 thì Chile mới thắng được một bàn sau khi Sanchez chuyền banh vào cấm địa, Arangui sút banh trúng cột phải khung thành, banh văng ra, Vargas sút lại vào lưới!



Bàn thắng đầu tiên của Eduardo Vargas, áo đỏ,  trong trận bán kết Chile thắng Peru 2-1.

Phút 59. Banh từ cánh phải cấm địa Chile được một cầu thủ Peru chuyền vào. Carillo của Peru lăm le lao vào banh để sút vào lưới nhưng Meydel của Chile “nhanh chân” đỡ quả banh với chân mình khiến banh văng vào lưới, giúp Peru gỡ hòa 1-1!

Phút thứ 63. Banh cách cấm địa Peru khoảng 5 mét, Eduardo Vargas của Chile sút một quả đúng là “thần sầu” vào góc trên, mé trái bên trong lưới của Peru!

Tỷ số 2-1 được giữ nguyên như thế cho đến hết 90 phút cộng 3. Nếu Peru không mất đi một cầu thủ vào phút thứ 19 thì chưa biết “mèo nào đã cắn mỉu nào”! Một trận tuy hào hứng vì tính chất sôi bỏng của nó là một trận bán kết, nhưng xem “mất sướng” kể từ phút 10 người đấu với 11 người, mà thực tế là 9 chọi 10 trên sân, không kể thủ môn. (tn)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT