Thể Thao

Tranh giải 3 Copa Americana: Peru thắng Paraguay

Friday, 03/07/2015 - 08:31:01

Suốt 6 trận của mình thì Peru lại không đụng với thứ dữ như Paraguay đã từng gặp! Bởi vậy mà trận này Peru nên hết sức coi chừng vì Paraguay đang ấm ức sẵn trong người!

 

Benitez của Paraguay suýt làm bàn trong gang tấc ở trận tranh giải 3, Peru thắng Paraguay 2-0. (Getty Images)

 

Tranh giải 3 Copa Americana: Peru thắng Paraguay

Bài THANH NGUYỄN

CONCEPTION - Thành phố Conception có sân Alcadesa Ester Roa Rebolledo Municipal Stadium, nơi Peru với Paraguay đụng trận ngày hôm để tranh giải 3, Copa America. Giải 1 và 2 thì thứ Bảy 4/7 sẽ thuộc về Argentina hoặc Chile sau hồi còi kết thúc trận đấu của trọng tài. Giải 1 và 2 thì đều là huy chương vàng và bạc. Giải 3 là huy chương đồng. Môn thể thao nào khác thì không nói làm gì chứ còn bóng đá mà không có huy chương cho giải 4 thì kể cũng lạ, bởi không có 2 anh bị loại khỏi vòng bán kết để đấu với nhau thì làm sao biết ai sẽ đoạt giải 3? Bởi vậy mà hình như đấy là một sơ xuất không nhỏ của giới tổ chức bóng đá. Cho cái anh đàng sau giải 3 cái huy chương bằng Nhôm, hay Thau Thiếc gì cũng được, thì đã chết ai ? Tội người ta chứ?

Bây giờ ta xem qua lý lịch của hai anh vào tranh giải 3! Ai nấy đều đá tổng cộng từ đầu giải vào ngày 11/6 là 6 trận, trong đó có trận tứ kết và trận bán kết.

Vậy thì tháng Sáu, những ngày 14, 18, 21, 25 (tứ kết) và 30 (bán kết) Peru thua Brazil 1-2, thắng Venezuela 1-0, hòa Colombia 0-0, thua Bolivia 1-3, và thua Chile 1-2.

Paraguay, cũng trong tháng 6 , những ngày 13, 16, 20, 27 (tứ kết) và 30 (bán kết) đã hòa với Argentina 2-2, thắng Jamaica 1-0, hòa với Uruguay 1-1, thắng Brazil ở vòng đá luân lưu sau khi đôi bên hòa nhau 1-1, và thua Argenitna 1-6.

Biệt danh của đội Peru là “La Blanquirroja” tức là nhóm áo sọc trắng và đỏ. Còn được gọi là “Los Incas” vì Peru xưa kia là đất của sắc dân Incas từng có một nền văn minh phồn thịnh vào khoảng thế kỷ 15, 16; thờ thần mặt trời và coi vua/ hoàng đế trong toàn cõi đế quốc Incas – lan dọc xuống cả một nửa đất Chile ngày nay chứ không ít, như là con của thần mặt rời! (Chả biết dòng giõi các Thiên Hoàng bên Nhật có họ hàng gần xa gì với các hoàng đế Incas thời xưa hay không vì Thiên Hoàng của Nhật cũng là con cháu của Thái Đương thần nữ”).

Còn biệt danh của đội Paraguay là Albirroja tức nói về những chiếc áo sọc trắng và đỏ trên người cầu thủ. FIFA xếp Peru đứng hạng 61 trong khi Paraguay đứng hạng 85. Nhưng cứ xét quá trình suốt 6 trận đấu từ ngày đầu của giải thì Paraguay tuy thua Argentina rất nặng (1-6) ở bán kết nhưng vòng loại đã cầm cự với Argentina 2-2 và đến tứ kết không những hòa với Brazil 1-1 mà còn thắng ở vòng đá luân lưu. Suốt 6 trận của mình thì Peru lại không đụng với thứ dữ như Paraguay đã từng gặp! Bởi vậy mà trận này Peru nên hết sức coi chừng vì Paraguay đang ấm ức sẵn trong người!

Trận đấu

Buổi chiều tối ở Conception, trên cao có trăng; lạnh khoảng 45 độ F. Chỉ còn trận hôm thứ Sáu và thứ Bảy cho nên dù là đôi bên tranh nhau cái huy chương đồng hay thiếc gì đấy thì bá tánh cũng cứ kéo nhau đi xem đông đảo, chật hết cả tầng trên lẫn tầng dưới của khán đài rộng lớn quanh sân; mà khán đài thì có khả năng chứa 30,000 chỗ. Thành phố Conception là thuộc vùng bên đó gọi là Zona Centro Sur, tức là vùng trung tâm phía Nam; còn thủ đô Santiago là ở xa về hướng Đông Bắc, cách đây chừng 270 miles (433 km).

Chào cờ, cả hai đội đều gân cổ hát; đội Peru xem chừng hát mạnh bạo hơn, cũng có thể do tính chất của quốc ca Peru. Huấn luyện viên Gareca của Peru, người có hai biệt danh chõi nhau là “Con Hổ” và “Anh Gầy”- đầu tóc muối tiêu bờm xơm, xõa xuống quá dưới cần cổ một chút, mặc một cái áo lạnh màu đỏ rộng thùng thình trên thân hình gầy gò của ông ta. Huấn luyện viên Diaz của Paraguay thì người to lớn, chắc nịch, có đủ sức ấm trong người nên chỉ cần complet-cravate cũng đủ chống lạnh.

Hiệp 1, đôi bên lao vào nhau hăng hái như thể đấu trận chung kết chứ chả còn phải là tranh giải 3. Mà cũng vì nhiệt tình và xông xáo ngang ngửa như vậy cho nên những thời điểm có vẻ như bên này đe dọa khung thành bên kia thì có đấy, nhưng thực tế thì chẳng có gì là nguy kịch cho cả thủ môn Villar của Paraguay lẫn Gallese bên đội Peru. Và hiệp 1 kết thúc đúng 45 phút, với đội bên vô sự .

Hiệp 2. Thế rồi vào hiệp 2 thì lại diễn ra một màn xưa nay chả có gì ngoài thông lệ nhưng vẫn bất bình thường ở chỗ là nó đã xảy ra vào đầu hiệp 2. Người ta hiểu là trong 15 phút giải lao thì huấn luyện viên ngồi cụm lại với đám cầu thủ, phân tích tình hình hiệp 1, chỗ nào sơ hở thì tìm cách chấn chỉnh, rồi dặn dò nhau đủ thứ. Rốt cuộc thì vào phút thứ 48, tức là chưa đầy 3 phút kể từ khi “có chuyện,” thì từ một cú phạt góc bên cánh phải khung thành Paraguay, một cầu thủ Peru đánh đầu vào khung thành. Thủ môn đỡ văng ra. Carillo của Peru đứng ngoài nhận được banh, sút ngược trở lại vào lưới. Cả hiệp 1 chả có chuyện gì; vào hiệp 2 vừa vặn 3 phút thì Paraguay thua 1 bàn trắng.

Chuyện tất yếu là từ giây phút đó thì một bên lo gỡ hòa còn một bên lo có được bao nhiêu thì lo giữ bấy nhiêu.

Thời điểm duy nhất của hiệp 2 mà Paraguay có hy vọng phải nói là 99% để gỡ hòa 1-1 là vào phút thứ 70. Banh trước khung thành Peru. Cầu thủ Paraguay luồn lách, chuyền qua chuyền lại quả banh cho nhau. Cầu thủ Benitez của Paraguay có banh trong chân cách góc trái khung thành không đầy 3 mét, anh ta đưa banh vào, chuẩn bị sút thì Carlos Ascues của Peru trượt người trên cỏ, chân duỗi ra trước để chận đường banh. Banh vẫn chạm vào chân Benitez, rồi chạm vào mép ngoài cột trái khung thành để văng luôn ra sau cánh trái khung thành. Nếu quả banh chạm vào mép trong của cột khung thành thì nó đã lăn vào bên trong lưới!

Phút 88. Rốt cuộc thì đến phút này, banh trên đà lăn lóc về hướng khung thành Paraguay bên cánh phải. Ngang tầm của cấm địa thì Carillo đá tạt ngang quả banh qua cho Guerrero đang trờ tới. Anh này sút nhanh vào lưới; thủ môn Villar không cách chi đỡ.

Trọng tài cho thêm 4 phút phụ trội. Tỷ số kết thúc trận đấu vẫn là 2-0 nghiêng về phía Peru. Huấn luyện viên Gareca cùng đồng đội mai này, sau trận chung kết giữa Argentina với Chile, thì sẽ theo nhau lên khán đài để ai nấy cùng được đeo quanh cổ cái huy chương đồng của giải Copa America năm 2015. Nước Peru xuất cảng đồng chỉ có kém Mỹ và Chile. Nhưng đội Peru không thể mân mê cái huy chương rồi than thở với với ban giám khảo là: “Xứ chúng tôi đã có khá nhiều đồng rồi các ông ạ!”

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT