Đạo và Đời

Trên đường Emmau

Wednesday, 22/04/2020 - 10:35:12

Chính trong lúc họ đang âu sầu và bối rối, Chúa đã đến và đồng hành với họ.


Tranh của họa sĩ Duccio di Buoninsegna vẽ trong khoảng thời gian 1308-1311, diễn tả câu chuyện Chúa Giêsu cùng hai môn đệ đến Emmaus. Tranh được triển lãm tại Museo dell'Opera del Duomo, Siena. (Wikipedia)

 

Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Theo Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau sau khi Ngài hiện ra với những phụ nữ mang dầu thơm ra mộ. Theo những nhà chú giải Thánh Kinh, câu chuyện trên đường Emmau là một trong những câu chuyện Phục Sinh được tường trình với giá trị thần học phong phú về việc Chúa Giêsu sống lại.

Câu chuyện được bắt đầu với hai môn đệ trở về nhà sau những ngày mừng Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem với biến cố tử nạn của Chúa Giêsu. Trong khi họ đang trò chuyện với nhau về những gì đã xảy ra trong những ngày vừa qua, Chúa Giêsu hiện ra với họ như một người khách bộ hành tình cờ đi chung đường. Hai môn đệ hoàn toàn không nhận ra Chúa. Mặc dù bài Tin Mừng không cho biết tâm trạng của họ ra sao, nhưng theo lẽ tự nhiên, chắc chắn họ đang buồn sầu và thất vọng vì niềm hy vọng của họ vào “Người sẽ cứu Israel” đã vụt tắt.

Chính trong lúc họ đang âu sầu và bối rối, Chúa đã đến và đồng hành với họ. Điểm này muốn nêu lên, Chúa luôn tìm đến chúng ta trong những lúc chúng ta sầu khổ và đồng hành với chúng ta. Cũng như hai môn đệ, có thể chúng ta không nhận ra Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là Chúa bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở bên chúng ta trong mọi hoàn cảnh để an ủi và chở che chúng ta.

Một điểm đặc biệt khác của hai môn đệ trên đường Emmau là họ không sợ hãi như những Tông Đồ và môn đệ đang phải trốn tránh những người muốn bách hại họ. Hai môn đệ này đã kể hết cho Người Khách Lạ tất cả “những sự việc vừa xảy ra trong thành” và còn nói rõ cả cảm tình của họ dành cho Giêsu Thành Nazareth. Nếu vô tình Người Khách Lạ này là kẻ xấu, hai môn đệ chắc chắn đã không thoát được rủi ro. Chính nhờ vào lòngchân thành yêu mến Chúa Giêsu và tiếc nuối là Chúa đã bị giết chết, hai ông đã nhận được ơn mạc khải đặc biệt.

Người Khách Lạ đã cặn kẽ giảng giải các đoạn Thánh Kinh tiên đoán về người cho hai ông hiểu, “Đấng Kitô phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang.” Lòng các ông đã bừng cháy lên khi nghe Ngài giảng giải. Tất cả những chi tiết này muốn hướng tâm trí chúng ta về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu là sự thật, đã được minh chứng từ trong Thánh Kinh. Ngài không chết đi và sống lại như những câu chuyện cổ tích hay thần thoại, nhưng đây là vấn đề của niềm tin. Sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu đích thực là căn nguyên của ơn cứu độ. Sau cùng sự hiện ra của Chúa được mạc khải cách trọn vẹn trong bữa ăn tối tại quán trọ “khi Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông.” Những cử chỉ quen thuộc này đã giúp cho hai môn đệ bừng tỉnh và nhận ra Người Khách Lạ đó chính là Chúa Giêsu Phục Sinh.

Khởi đi từ câu chuyện này trên đường Emmau, Giáo Hội thời sơ khai đã tiếp tục truyền thống bẻ bánh của Chúa Giêsu theo mô hình, mà ngày nay chúng ta gọi là nghi thức, được diễn giải trong đoạn Tin Mừng: lắng nghe lời Chúa và bẻ bánh. Trong mỗi Thánh Lễ ngày hôm nay, chúng ta cử hành đúng như những gì Chúa đã để lại để tưởng nhớ đến Người. Chúng ta không đến với Thánh Lễ như đang đi coi một vở kịch được diễn lại, nhưng chúng ta “tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động” (HCPVT 14). Chúng ta tưởng nhớ đến Chúa đã chịu nhục hình và chịu chết thay cho chúng ta. Sau đó Ngài đã sống lại để ban cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống đời đời. Sự chết không còn là một đe dọa. Thân xác chúng ta sẽ chết đi, nhưng linh hồn thì bất tử. Trong ngày sau hết cả hồn lẫn xác sẽ được sống lại và đợi chờ sự phán xét khoan dung của Thiên Chúa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT