Tiêu Thụ

Trị bệnh nghiện shopping

Sunday, 19/10/2014 - 08:58:57

Tuy nhiên, rơi vào tình trạng thái cực, “nghiện shopping” sẽ gây nhiều hậu quả trầm trọng cho bản thân và gia đình. Vì thế, các chuyên viên bảo vệ giới tiêu thụ đã đưa ra nhiều lời cảnh giác nhằm ngăn chận sự đổ dốc, hoặc giúp cho “bệnh nhân” gượng lại dưới sự khống chế của cơn ghiền.

Bài ERIC TRẦN

Lần trước chúng ta đã nói về chuyện đi shopping, và những biểu hiện thái quá đến mức các nhà tâm lý bệnh học gọi đó là “bệnh Shopping.” Suy nghiệm trong đời sống của mình, gần như ai trong chúng ta cũng đều thấy ít nhiều triệu chứng bệnh. Trong thời đại mà các kỹ thuật quảng cáo phát triển tinh vi, các loại mặt hàng được đưa tới tận cửa nhà để chào mời, lại thêm chợ online, với các điều kiện mua hàng được nới lỏng tối đa... thì có ai không nhiễm một chút triệu chứng nào mới là chuyện lạ! Tuy nhiên, rơi vào tình trạng thái cực, “nghiện shopping” sẽ gây nhiều hậu quả trầm trọng cho bản thân và gia đình. Vì thế, các chuyên viên bảo vệ giới tiêu thụ đã đưa ra nhiều lời cảnh giác nhằm ngăn chận sự đổ dốc, hoặc giúp cho “bệnh nhân” gượng lại dưới sự khống chế của cơn ghiền.


Khoan! chỉ vài phút thôi

Gặp một món gì đó muốn mua ngay ư? Đầu tiên là nên tạm ngừng vài phút. Chỉ vài phút thôi! Bởi vì, theo các nhà tâm lý, thì cái lý do thúc đẩy chúng ta mua hàng, rất nhiều khi không phải là nhu cầu, mà chỉ là xúc động cảm tính (impulse), một sức mạnh vô hình nhưng rất nguy hiểm. Nhưng cái “impulse” này giống như một con sóng, nó dội lên rất mạnh mà rút đi cũng rất nhanh. Nếu cưỡng lại được một vài phút xung động ban đầu đó, có nhiều phần bạn sẽ thắng trận, làm chủ được cơn ghiền, và không cảm thấy háo hức mua món đồ đó nữa.
Nhưng qua đi vài phút đó mà vẫn cảm thấy muốn mua? Nếu đang ở trên mạng, hãy tạm thời đứng lên, xuống bếp uống ly nước; Nếu đang ở cửa hàng, hãy bước ra ngoài, đọc một cuốn sách, kiếm một ly trà, hoặc làm bất cứ một điều gì để làm cho đầu óc của mình rời cái món đó ra một chút. Chờ một tiếng nữa được không? Hay là để ngày mai hãy trở lại?


Cần ghi ra một danh sách trước khi đến chợ, không mua gì hơn ngoài danh sách đó


Lột mặt nạ!

Để tăng thêm sức mạnh “chủ nhân ông” trong một vài phút đó, chúng ta được khuyên nên … suy nghĩ. Nhưng chẳng cần triết lý dài dòng, chỉ cần nói với mình câu này: “À, xung động đấy mà!”, chúng ta sẽ thấy thư giãn ngay. Xung động là một thúc đẩy của tiềm thức, đưa ra trước ánh sáng ý thức, nó sẽ bị mất nhiều power. Cũng giống như kẻ gian khi bị lột mặt nạ (biết đâu đó lại là một người bạn, một người thân?) chắc chắn y không còn giở trò “ném đá giấu tay” được nữa.


Tránh xa cám dỗ

Nhưng tại sao lại phải “khoan...”, tại sao lại phải “lột...”? Bởi vì, mình đã vào cửa hàng, hoặc đã ở trên website bán hàng: Mình đã liều mình đi vào nơi có nhiều cám dỗ rồi. Bạn có thấy là nhà buôn họ tận dụng mọi cách để cám dỗ chúng ta không? Nào là gửi giấy quảng cáo tới nhà, on -sale thứ này, discount thứ khác, có món còn được Rebate đến gần như cho không! Những quảng cáo đó chỉ là sáng kiến kéo chân mình vào cửa hàng thôi. Đến đó rồi, có phải chúng ta chỉ mua cái món quảng cáo On Sale, hoặc Rebate đó đâu! Mua xong rồi, ra đến quầy trả tiền, chỉ còn một vài phút nấn ná trong cửa hàng, họ cũng cố níu kéo bằng cách bày ra những thanh kẹo sô cô la, những tờ báo, những món đồ chơi, cái bật lửa... và muôn ngàn thứ khác. Tất cả đều là những “chước cám dỗ” cả! Vậy, nếu có thể được, hãy tránh xa ngay từ đầu: Trừ khi có món đồ thực sự cần mua, đừng nên đi chơi ở các shopping mall, hay lướt mạng rửa mắt trên các website bán hàng...

Sự phát triển của Internet làm cho việc shopping dễ dàng hơn


Lên danh sách

Nhưng chắc chắn chúng ta không thể chạy trốn cửa hàng mãi được. Và cũng không ai khuyên mình tẩy chay, nếu không muốn tuyệt thực cho đến chết! Điều chúng ta muốn tránh chính là cái khuynh hướng mua sắm cực đoan của mình mà thôi. Còn cửa hàng vẫn là nơi cung ứng nhu yếu phẩm và các tiện nghi của đời sống. Nhưng để tận dụng lợi ích của cửa hàng, thay vì trở thành nạn nhân của nó, chúng ta cần ghi ra tất cả những thứ cần mua ngay từ lúc chưa bước chân ra khỏi nhà: Từ thức ăn, dụng cụ, quần áo, đồ dùng người lớn và trẻ em, đồ chơi, đồ trang hoàng ngày lễ.... Những món đồ có thể dự liệu xa cũng nên ghi ra, chẳng hạn sắp tới sinh nhật của ai, sẽ phải tặng ai món quà gì trong những ngày Lễ Tết sắp tới. Việc lên danh sách từ xa còn giúp chúng ta tìm được hàng rẻ mà hợp với nhu cầu nữa.
Nhưng điều quan trọng là: Mang theo danh sách ấy, và bám chặt lấy nó khi ra cửa hàng. “Bám chặt lấy nó” phải là một quyết tâm sắt đá. Bằng không, bao nhiêu công phu soạn danh sách cũng là vô ích, nếu mình không theo sát, và lại mua hàng theo xung động.


Danh sách 30 ngày

Đây là một sáng kiến độc đáo của ông Leo Babauta, chủ nhân trang mạng Zen Habits: Hãy thiết lập danh sách 30 ngày, và không mua bất cứ một thứ gì (trừ nhu yếu phẩm) trước khi chấm dứt thời hạn 30 ngày chờ đợi. Dán danh sách 30 ngày đó trên cửa tủ lạnh, và khi cảm thấy “mót” mua một món gì đó, thì ghi lên danh sách và ngày tháng hôm đó. Chờ qua 30 ngày, nhìn lại nếu thấy vẫn cần thiết thì mua, bằng không, gạch tên nó ra khỏi danh sách.
Trên đây là một vài món thuốc được sử dụng để tự chữa bệnh shopping. Dù chưa có bệnh, hay là mới có bệnh “sương sương”, chúng ta cũng nên dùng chúng như một bộ thắng để hãm đà đổ dốc hoặc thuốc sát trùng để giữ cho thói quen shopping của mình luôn luôn lành mạnh, mang lại nguồn vui và ích lợi cho mình và gia đình.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT