Văn Nghệ

Trò chuyện cùng nhiếp ảnh gia Jonathan Triều Nguyễn (từ National Geographic), nhân triển lãm ‘Giới Thiệu Ảnh Thiên Nhiên và Hoang Dã’

Tuesday, 06/12/2022 - 01:27:31

Nhiếp ảnh gia Jonathan Triều Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Fort Worth, Texas. Jonathan Triều Nguyễn đã đi du lịch gần 40 quốc gia,...


(Hình cung cấp)

 

 

Bài BĂNG HUYỀN

(Có phần trợ giúp chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt của chị Kim Ngân)

Vào cuối tuần này, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều thứ Bảy, ngày 10, tháng 12, 2022 tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt (14771 Moran St, Westminster) sẽ diễn ra một buổi triễn lãm ảnh rất đặc biệt có tên gọi “Giới Thiệu Ảnh Thiên Nhiên và Hoang Dã và Nhiếp Ảnh Gia (từ National Geographic) Jonathan Triều Nguyễn” do Viện Việt Học tổ chức với sự hỗ trợ của hội ảnh PSCVN -Vietnamese Photographic Society of California còn biết đến dưới tên Photographic Society of Camera (PSCVN) hoặc tên Vietnamese Photographic Society of California.

Nhiếp ảnh gia Jonathan Triều Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Fort Worth, Texas. Jonathan Triều Nguyễn đã đi du lịch gần 40 quốc gia, và đã ghi lại những hình ảnh sống động về động vật hoang dã trong những phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp. Jonathan Triều Nguyễn từng theo học Y khoa, anh đã tham gia nhiều chuyến đi với mục đích y tế trong hành trình anh đeo đuổi để trở thành một bác sĩ . Trong các chuyến đi này, anh luôn mang theo máy ảnh để ghi lại chuyến đi của mình. Niềm đam mê nhiếp ảnh rất mạnh, Jonathan Triều Nguyễn đã rời ngành y để đảm trách các dự án nhiếp ảnh cuả National Geographic. Kể từ năm 2015 đến nay, Jonathan theo đuổi giấc mơ đi khắp thế giới và ghi lại cuộc sống hoang dã cùng với phong cảnh tuyệt đẹp của quả địa cầu. National Geographic nơi Jonathan Triều Nguyễn là nhiếp ảnh gia, là tờ tạp chí chính thức của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, ra mắt lần đầu năm 1888. Đến nay thương hiệu tạp chí này vẫn giữ được “sức nóng” và trở thành một trong những tạp chí nổi tiếng, có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội. Với 88 triệu người theo dõi trên Instagram và hàng triệu người theo dõi khác trên Facebook, Twitter, Pinterest, National Geographic liên tục đứng đầu trên trong bảng xếp ảnh những cái tên có sức ảnh hưởng hàng đầu thông qua những bức ảnh tuyệt đẹp về động vật hoang dã trên khắp thế giới.

Phóng viên báo Viễn Đông đã có buổi trò chuyện với chị Kim Ngân (Giám đốc Viện Việt Học) và nhiếp ảnh gia Jonathan Triều Nguyễn về buổi triển lãm và hành trình chụp ảnh thiên nhiên và động vật hoang dã cùng những tâm tình với nghệ thuật nhiếp ảnh của Jonathan Triều Nguyễn, nhằm giúp quý độc giả hiểu hơn về một tài năng trẻ của cộng đồng gốc Việt trong lĩnh vực sáng tạo của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Viễn Đông: Thưa chị Kim Ngân, chị hãy giới thiệu cho độc giả báo Viễn Đông biết cơ duyên có buổi triển lãm ảnh của JONATHAN TRIỀU NGUYỄN do Viện Việt Học tổ chức sắp diễn ra vào Thứ Bảy, 10 tháng Mười Hai, 2022 10:00 AM – 2:00 PM tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt? Mục đích, thông điệp và ý nghĩa của buổi triển lãm mà Jonathan Triều Nguyễn và Viện Việt Học muốn gửi đến người xem qua triển lãm này?

Kim Ngân: Cảm ơn báo Viễn Đông đã dành cho Jonathan Triều Nguyễn và Kim Ngân (Giám đốc viện Việt Học- đại diện của Viện Việt Học) buổi phỏng vấn này, để giới thiệu một nhiếp ảnh gia rất trẻ và Viện Việt Học rất hân hạnh quen biết qua một người bạn của em Triều. Jonathan Triều Nguyễn dự định sẽ sinh hoạt với cộng đồng người Việt tại miền Nam chúng ta. Được sự giới thiệu này, Viện Việt Học rất hân hạnh được tổ chức triển lãm sắp tới của nhiếp ảnh gia Jonathan Triều Nguyễn.

Về mục đích, Viện Việt Học là một hội thiện nguyện, có chức năng nghiên cứu, quảng bá, giảng dạy và phổ biến, duy trì, bảo tồn những nét văn hóa Việt Nam. Nói đến văn hóa, không chỉ những cái trong sách vở, mà nó còn luôn cả thế hệ tương lai của chúng ta. Đó là lý do Viện Việt Học một mặt giới thiệu những kiến thức, và muốn giới thiệu những tài năng cổ thụ trong cộng đồng chúng ta, đặc biệt là những tài năng trẻ. Đó là lý do Viện Việt Học nhận lời khi thấy một tài năng trẻ thành đạt trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Bên cạnh đó đây cũng là tâm tình của một nhiếp ảnh gia trẻ giới thiệu cho những bạn trẻ trong cộng đồng.

Đây là lý do Viện Việt Học thực hiện công việc này, bên cạnh đó giúp em Triều biết đến những sinh hoạt, xây dựng cộng đồng của chúng ta, ăn hóa gốc của cộng đồng chúng ta. Để khuyến khích những bạn bạn trẻ đi vào nhiều lĩnh vực khác nhau giới thiệu đến cộng đồng những nỗ lực của các bạn trẻ ở các lĩnh vực này và thông điệp để các em thấy bên cạnh dòng chính mà các em sinh hoạt, thì dù thành đạt tới đâu nhưng bên cạnh đó vẫn còn cộng đồng gốc của các em và các em quay về, có thể thấy rất phong phú với nhiều nỗ lực mong có sự kết nối giữa các thế hệ với nhau. Chính các em là thế hệ tiếp nối của cộng đồng mình. Viện Việt Học rất đón nhận những bạn trẻ trước đây, nay thêm một bạn trẻ trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Viễn Đông: Thưa chị Kim Ngân, được biết buổi triển lãm sẽ có phần sổ xố và đấu giá thầm lặng, mời chị giới thiệu về chương trình này?

Kim Ngân: Ý chính ban đầu Viện Việt Học muốn hỗ trợ giới thiệu nhiếp ảnh gia trẻ Jonathan Triều Nguyễn đến với cộng đồng. Sau đó em có nhã ý là có phần sổ xố tặng những bức ảnh cho cộng đồng. Bên cạnh đó em Triều cũng qua người bạn quen với Viện Việt Học có thêm nhã ý tặng tác phẩm đấu giá thầm lặng để gây quỹ cho Viện Việt Học. Đây là một việc rất ý nghĩa mà các em tặng lại cho Viện Việt Học.

Vào lúc 10 giờ thứ Bảy, ngày 10 tháng 12, năm 2022 buổi triển lãm sẽ mở cửa, mỗi người bước vào sẽ nhận một vé để xổ số. Những vị khách đã nhận vé xổ số trước đó thì không nên nhận thêm nữa, (Vé đã phát trong đêm nhạc kỷ niệm 7 năm ban hợp xướng Trưng Vương tại Viện Việt Học). Vào gần cuối giờ triển lãm sẽ công bố kết quả xổ số. Có 3 giải thưởng xổ số.

Những tấm hình của vé trúng giải rọi khổ ảnh 20 inn x 30 inn rất đẹp, khung hình rất giá trị. Đây là món quà rất giá trị. Đặc biệt là tâm sức, tâm tình, tài năng của Triều Nguyễn dành vào những tấm hình này. Phần đấu giá thầm lặng hơn 20 tấm hình còn lại, bên mỗi tấm tranh sẽ có mảnh giấy ghi giá biểu 75 mỹ kim. Mỗi lần quý vị muốn đấu giá tăng thêm một lần là 5 đồng, quý vị để lại tên và 4 số cuối điện thoại của quý vị. Đến cuối giờ BTC thu hồi phiếu đấu giá, quý vị nào ghi danh cuối cùng sẽ thắng phần đấu giá tấm hình đó. Đây không chỉ là một kỷ niệm đẹp với tấm hình có giá trị nghệ thuật cao mà còn thể hiện sự hỗ trợ của quý vị dành cho tài năng trẻ trong cộng đồng và cuối cùng mới là sự hỗ trợ thêm cho Viện Việt Học từ tấm lòng của nhiếp ảnh gia Jonathan Triều Nguyễn tặng tiền đấu giá cho Viện Việt Học. Em muốn làm quen với cộng đồng, quay về với cộng đồng và muốn tặng cho Viện Việt Học vì những hoạt động có ý nghĩa bảo tồn văn hóa VN và giới thiệu những tài năng trẻ gốc Việt.

Viễn Đông: Chào Jonathan Triều Nguyễn, mời bạn giới thiệu vài nét về bản thân, và cho biết bạn bắt đầu đến với nhiếp ảnh như thế nào không?

Jonathan Triều Nguyễn: Lúc đầu Triều còn cười nhạo người anh em họ của mình, vì lúc nào đi đâu cũng mang theo một máy chụp hình nặng nề, chụp hình ảnh sinh hoạt của gia đình.

Triều đã mua máy chụp hình đầu tiên trong những năm học đại học, là máy chụp hình tự động Sony. Đi đâu cũng chụp lại những sinh hoạt của gia đình và những sinh hoạt riêng tư của mình. Nhưng không chỉ đứng chụp ngay người đó mà thích sáng tạo, ví dụ cong người hay nằm xuống, chụp ở nhiều góc độ khác nhau độc đáo qua lăng kính nghệ thuật của mình.

Triều theo đuổi ngành y và khi đi học, có những chuyến đi cứu trợ về y khoa khắp nơi với trường. Những chuyến đi đó Triều mang theo máy chụp hình ghi chú lại tất cả những sinh hoạt của mình và Triều đi được nhiều quốc gia trên thế giới. Có một lần Triều đi New York, có một người bạn nộp đơn cho tiệm nữ trang Tiffany & Co, để có công việc chụp hình các người mẫu và nữ trang cho tờ báo online của Tiffany & Co. Người bạn không làm công việc đó, nhường lại cho Triều. Triều nhận công việc đó và chụp hình cho Tiffany & Co. trong năm 2015, chuyên chụp hình nữ trang và người mẫu của công ty này.

Trong thời gian làm việc cho Tiffany & Co., trong studio với các loại đèn đặt sẵn, chụp hình nữ trang và người mẫu hết ngày này qua ngày kia, trở nên nhàm chán. Một người chụp ảnh làm trong đó, hướng dẫn công việc chụp ảnh cho Triều, ông đã được xem những hình chụp ngoài thiên nhiên, động vật hoang dã của Triều, ông thấy Triều có năng khiếu chụp những ảnh thiên nhiên, hoang dã. Nên ông đã giới thiệu một người từ National Geographic cho Triều. Từ đó bước sang một giai đoạn mới trong nghề nghiệp của Triều cũng trong năm 2015.

Khi Triều bắt đầu công việc nhiếp ảnh, bố mẹ không ủng hộ. Vì khi đó Triều đang học để trở thành bác sĩ, lại không tiếp tục nữa mà chuyển sang công việc nhiếp ảnh. Thường thì các bậc cha mẹ gốc Việt đều muốn các con trở thành bác sĩ, kỹ sư… Định nghĩa thế nào là thành công thì mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau. Trong gia đình của Triều có nhiều thân nhân theo học y khoa đủ các ngành nghề chuyên khoa trong cơ thể của con người, từ bác sĩ về não bộ cho đến bác sĩ về chân… Còn Triều lại rẽ sang con đường khác. Triều nhìn thấy những người bác sĩ là anh em họ của Triều làm một tuần 80 tiếng, không có thời giờ đi du lịch ở đâu. Trong khi đó họ thấy Triều đi đây đi đó khắp nơi, thì nói ước gì mình cũng được như vậy. Triều có nói với họ rằng cuối cùng vẫn là sự chọn lựa của mình. Mình luôn có thể thay đổi điều gì đó theo những điều mình muốn.

Điều đặc biệt là bố mẹ lúc đầu không vui, không ủng hộ Triều bỏ học y theo nhiếp ảnh, nhưng sau này thì bố mẹ lại rất ủng hộ cho Triều và bố mẹ là những người hâm mộ số một các tác phẩm của Triều.

Viễn Đông: Lần triển lãm này bạn sẽ mang đến triển lãm bao nhiêu tác phẩm tất cả, bạn đã chọn những hình ảnh cho triển lãm lần này như thế nào? Nó có luôn là quá trình khó khăn đối với các nhiếp ảnh gia khi tổ chức một triển lãm hay không?

Jonathan Triều Nguyễn: Khi Triều đi đến nơi nào đó để chụp hình, thì chỉ một cảnh đó nhưng Triều chụp cả ngàn tấm ảnh, cuối cùng chỉ giữ một tấm mà mình thích nhất thôi. Trong việc chọn những hình ảnh để trưng bày trong triển lãm sắp tới, đã chọn ra 30 tấm hình. Thật ra không tốn quá nhiều thời giờ để chọn chúng đâu. Khi nhìn là biết liền tấm nào mình ăn ý, không quá khó để chọn. Có những hình Triều chỉ chụp độc nhất một tấm mà thôi, và Triều cũng không thích lắm. Nhưng khi Triều gửi hình cho National Geographic, thì chúng lại được chọn. Và mọi người đều đồng ý rằng nó sẽ được phổ biến khắp nơi và sẽ được yêu thích. Đây là điều rất thú vị.

Viễn Đông: Trên flyer có bốn tấm ảnh của Jonathan Triều Nguyễn nhìn rất ấn tượng với nhiều sắc thái. Bạn hãy chia sẻ vài điều, giới thiệu vài tấm ảnh của bạn giúp người xem ảnh hiểu rõ hơn vẻ đẹp cả về nội dung và hình thức của bức ảnh?

Jonathan Triều Nguyễn: Có một tấm ảnh Triều chụp về dãy ngân hà và các ngôi sao. Nhìn từ xa, thấy có một người đứng trên tảng đá trên cao chính là Triều, cảnh bầu trời vào buổi tối. Triều phải chờ khoảng 5 tiếng đồng hồ vì mây che chổ đó. Sau đó thượng đế chỉ cho 2 phút thôi, may mắn bắt được khoảnh khắc đám mây đó bay đi, không che hai hành tinh. Đặc biệt là hành tinh Jupiter và venus. Sau đó thì đám mây đã che phủ trở lại. Triều rất thích chụp những hình ảnh thiên nhiên có người đứng trong đó. Thường thì hình ảnh một người đứng trong cảnh rộng của thiên nhiên, nhìn người đó rất nhỏ trong phong cảnh thiên nhiên vĩ đại để cho thấy sự bao la của thiên nhiên.

Những người cộng tác với National Geographic là các nhiếp ảnh gia khắp nơi trên thế giới gửi hình cho National Geographic. Bên cạnh những chuyến đi chụp hình tại nhiều quốc gia do National Geographic chỉ định cho Triều đi, vẫn có những chuyến đi do Triều tự đi và chụp hình gửi về National Geographic, thì lại được chọn. Có một tấm hình Triều đã chụp tại Morocco một người phụ nữ lớn tuổi đi ngang qua dãy nhà sơn đủ màu sắc, bên trên thì treo những tấm thảm, nhìn tựa như một bức tranh. Tấm hình nhìn rất tự nhiên. Mang một vẻ đẹp của đời sống tại Morocco. Đã được National Geographic chọn.

Tấm hình khác cũng chụp tại Morocco được Triều chụp một người đàn ông đang chơi đàn, có một con chim đậu trên vành khăn đội đầu của ông. Triều đặt tên của bức ảnh này là Không Có Dây Cột Lại.

Nó có 2 nghĩa. Con chim nó đậu trên vành nón phía sau đầu người đàn ông, không bị cột dây, nên nó muốn bay thì bay đi thôi. Nghĩa thứ hai là không có một sự ràng buộc nào.

Đây là một trong những thông điệp về tính nhân bản trong sáng tạo nghệ thuật và tình người, lòng thương yêu thú vật trong đời sống hoang dã. Khi đi qua những quốc gia khác, có những người bắt những con rắn rồi họ quấn vào trong người để du khách có thể chụp hình và trả tiền khi chụp tấm ảnh đó. Hoặc họ có những con chó, những con khỉ cho hút thuốc… để du khách chụp lưu niệm. Nhưng dưới góc nhìn của Triều thì những việc đó gây tổn thương đến động vật khác, mua thú vui cho mình. Ví dụ con rắn khi họ bắt để chụp hình với du khách, nọc của nó được lấy ra. Nhưng trong vòng 24 tiếng nó sẽ bị chết. Cũng như việc bắt những con khỉ con để làm trò, hút thuốc cho du khách chụp hình. Nhiều khi người ta phải giết đi khỉ mẹ thì mới bắt được khỉ con. Hoặc những con chó vì sợ chúng chạy đi, phải cột nó lại. Đây là những hình thức làm tổn hại đến sự tự do của các động vật khác.

Lúc đầu khi chụp hình người đàn ông chơi đàn có con chim đậu trên vành khăn đội đầu của ông, Triều nghĩ là vì sinh kế, nên ông cột chân con chim vào vành khăn, hoặc cắt một phần cánh của nó đi nó không bay được. Nhưng khi chụp hình xong thì người nghệ sĩ này cho con chim ăn những hạt ngũ cốc, ăn xong, nó đã bay đi. Nghĩa là hai bên đều có mối tương quan, cả hai đều có lợi. Con chim được ăn no rồi bay đi, còn ông nghệ sĩ được chụp tấm hình đẹp và được Triều trả tiền cho ông. Triều nhìn đây là bức hình rất đẹp và đưa ra thông điệp mình làm gì vui cho mình nhưng không tổn hại đến động vật khác. Đó là điều hay và Triều muốn đưa ra khi chụp tấm hình này và đã được tạp chí National Geographic chọn (đây là hình chụp ngẫu nhiên của Triều, chứ không phải hình được chỉ định từ National Geographic)

Triều đưa hình này cũng muốn đưa ra một thông điệp, những người sống ở nhiều quốc gia vì sinh kế, sẽ chọn cách bắt thú vật thuần hóa để chụp hình kiếm tiền. Chúng ta không thể bắt họ không được làm như vậy. Nhưng nếu du khách không tiếp tục trả tiền cho họ làm những việc như vậy, thì họ sẽ không tiếp tục bắt các con thú hoang để chụp hình với du khách nữa.


(Hình cung cấp)

Viễn Đông: Nhìn những tấm ảnh trên flyer, phóng viên Viễn Đông thấy được “Nhân vật” chính trong một vài bức ảnh của Jonathan Triều Nguyễn là các động vật hoang dã, chúng thuộc về thiên nhiên, nên không thể điều khiển hoặc bắt chúng “diễn” theo ý tưởng của người chụp ảnh, đó là một trong những cái khó của bạn có đúng không? Hình ảnh bạn chụp không chỉ là thú hoang dã mà còn lồng trong cảnh thiên nhiên hoang vu, thêm cái khó cho chính bạn là phải bỏ công sức rất nhiều để đến được một khu vực ưa thích? Để đến được địa điểm đó, bạn có những khó khăn nào không, Ví dụ đi bộ đường dài nhiều cây số hoặc sử dụng ván trượt hay giày trượt tuyết…. Đi những nơi đó có an toàn hay không?

Jonathan Triều Nguyễn: Triều phải đi bộ nhiều lắm, đôi khi phải ở lại cắm trại qua đêm. Có những chổ phải đi bộ 24 miles, chỉ chụp được một tấm hình thôi. Phải mang vác khoảng 40 lb, gồm có máy chụp ảnh, đồ ăn, lều, túi ngủ để cắm trại qua đêm…

Nếu hỏi những nơi đó có an toàn không. Thì Triều sợ đi bộ trên đường phố ở Mỹ hơn là đi bộ trong những vùng đất hoang sơ tại các quốc gia khác nhau khi Triều đến chụp hình. Có thể một phần vì Triều là nam nhân nên không bị quấy phá. Một phần thì khi đến những vùng đất khác nhau, các nơi này rất hiếu khách. Có nhiều quốc gia họ sống bằng việc tiếp đón khách du lịch. Nên họ muốn tạo cho những nơi đó an toàn để cho khách du lịch quay lại lần nữa. Phi Châu là một trong những nước như vậy.

Triều đã đi gần 40 quốc gia. Tháng 1 năm 2023 Triều sẽ đi qua nước Ấn Độ để chụp những con cọp. Mỗi lần đi chụp thì nhân viên đi theo Triều khoảng 2 người thôi. Đây là những người muốn học chụp ảnh. Những lần chụp ảnh trong sa mạc, canh mặt trời mọc, thời tiết rất lạnh.

Viễn Đông: Thường thì mỗi người chụp ảnh đều mong muốn có được những bức ảnh ấn tượng, ghi dấu ấn trong sự nghiệp và bức ảnh có sức sống lâu dài. Vậy, điều gì quan trọng nhất giúp cho tác phẩm ảnh có sức sống lâu bền với thời gian? Theo bạn những yếu tố nào quyết định giá trị của tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh? Yếu tố nào quan trọng nhất để tạo nên một tấm ảnh đẹp?

Janathan Triều Nguyễn: Theo Triều chính đam mê, sự yêu thích của mình với tác phẩm, mình ưng ý, hài lòng với tác phẩm của mình thì chính nó sẽ làm cho tác phẩm đó sẽ sống mãi. Thêm một điều nữa là Triều không quân tâm nhiều người khác thích hay không thích tác phẩm của mình hay không. Tâm hồn Triều thế nào thì Triều trình bày nó qua các hình chụp của mình ở góc cạnh mà Triều cảm thấy ưng ý nhất. Cái đẹp ấy kết nối được những người đồng điệu thì cái đó càng làm tăng thêm sự sống muôn đời, vĩnh cữu của tác phẩm đó. Khi Triều biết được có những người thích những tấm ảnh của Triều chụp thì cho Triều thêm nhiều động cơ thúc đẩy để mà tiếp tục tìm những hình ảnh tương tự để cống hiến cho mọi người.

Mình phải thích tác phẩm của mình thì đó là điều quan trọng không chỉ trogn lĩnh vực nhiếp ảnh không thôi mà cho cả hội họa, điêu khắc… Chính đam mê, sự trân quý của mình dành cho tác phẩm mình tạo ra, sẽ làm cho tác phẩm đó sống mãi.

Nếu mình chụp ảnh theo khuynh hướng nghệ thuật vị nhân sinh, vì sinh kế, nhiều khi không vui nữa. Cũng có thể nhiều nhiếp ảnh gia khác chọn nhiếp ảnh để sống, thì cũng phải tự tạo cho bản thân niềm vui nào đó thành một đam mê. Riêng với Triều thì cảm thấy theo nghề nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì cần phải có đam mê thì mới tiếp tục được.

Viễn Đông: Nhiếp ảnh được xem là môn nghệ thuật của khoảnh khắc, điều này cho thấy tầm quan trọng của các nhiếp ảnh gia trong việc bắt được đúng khoảnh khắc để giúp cho bức ảnh của mình trở nên thật đẹp và ấn tượng. Tuy nhiên giờ đây nhờ vào sự trợ giúp của các phần mềm xử lý ảnh, đặc biệt là Photoshop, các nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng tạo nên các bức ảnh đẹp và ấn tượng bằng cách chỉnh sửa và lồng ghép những khoảnh khắc ấn tượng lên ảnh nhờ phần mềm, điều này khiến cho người xem ngày càng khó phân biệt được đâu là bức ảnh đẹp nhờ vào tài năng thực sự của nhiếp ảnh gia và đâu là bức ảnh đẹp được tạo ra bằng phần mềm xử lý ảnh. Bạn hãy cho biết nhận xét của bạn về điều trên?

 

Jonathan Triều Nguyễn: Những kỹ thuật về phầm mềm như photoshop có thể làm cho hình ảnh đẹp hơn.

National Geographic không nhận những hình ảnh có photoshop, mà phải nộp vào những hình chưa từng được edit, chụp sao thì nộp vậy. Nhưng Triều không có chống đối việc photoshop. Mình có thể dùng nó để tạo ra một tác phẩm theo ý thích của mình. Cái đó không có gì là sai hết.

Ví dụ, có một ký giả chụp hình con beo ở vùng Himalaya rất đẹp, đã nhận được những lời chỉ trích tấm ảnh đã photoshop. Nhưng cô ấy nói rằng chưa bao giờ cô ấy nói tấm ảnh đó là thật. Theo cái nhìn của Triều nếu có dùng photosop thì hãy cho mọi người biết hình có dùng photoshop. Còn nếu là hình thật thì hãy cho biết là hình thật. Chứ mình không nên dùng hình có photoshop rồi nói đó là hình thật.

Photoshop có thể là dụng cụ rất tốt cho lãnh vực sáng tạo, để tạo ra tác phẩm mình muốn. Nhưng trong chụp ảnh phóng sự, thì nó phải thật, chứ không được lắp ghép hay sửa đổi. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ.

 

Viễn Đông: Bây giờ kỹ thuật số đã làm thay con người rất nhiều nên việc có được một bức ảnh đẹp cũng đơn giản hơn. Vậy theo bạn, đâu là ranh giới nhận biết giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và người cầm máy thông thường?

Jonathan Triều Nguyễn: Bây giờ ai cũng có điện thoại, ai cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia. Nhiều người thích so sánh người này chụp được hơn hay là máy này chụp tốt hơn…Nhưng thật ra mỗi người có tài năng riêng. Và có năng khiếu riêng, viễn kiến riêng trong chụp hình. Ví dụ cùng một ngọn núi đó, nếu chúng ta chụp góc cạnh khác nhau, một ngày khác nhau, giờ khác nhau thì sẽ ra những tấm hình khác nhau. Không cần biết chúng ta dùng điện thoại nào hay máy chụp hình nào, chỉ cần chụp đóng góc cạnh thì sẽ có được tác phẩm đẹp. Tuy nhiên nó có giới hạn, nếu chụp bằng điện thoại, có thể rửa ra tấm hình cỡ 8 x 10 inn thôi. Còn nếu chúng ta có máy chụp hình thật đẹp, đắt tiền, thậm chí có thể rửa ra tấm hình bằng cỡ một building lận.

Tóm lại thì bất cứ một người nào cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Viễn Đông: Thông điệp mà bạn muốn truyền tải tới người xem đó là gì qua những tấm ảnh chụp thiên nhiên và thú hoang dã? Phải chăng là nâng cao nhận thức con người về các thảm họa sinh thái ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của động vật, thực vật, môi trường…? Bạn mong đạt được điều gì qua những tấm ảnh của mình chụp và triển lãm, đấu giá lần này?

Jonathan Triều Nguyễn: Triều muốn nâng cao sự quan tâm của mọi người về môi trường sống của chúng ta. Ngày nay người ta xây dựng những tòa nhà lên rất nhiều, xây trường, làm đường phố… Nhưng trong quá trình đó có thể đã tiêu hủy đi một phần của thiên nhiên, cắt đi rất nhiều cây, đốt phá rất nhiều rừng. Đây là Triều đang nói ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không riêng tại Mỹ. Mà chính trong các khu rừng đó là các con thú hoang dã đang sống. Triều nghĩ chúng ta không cần phải tiêu hủy thiên nhiên vì lòng tham của mình muốn có thêm nhà, muốn có thêm sự tiện nghi… của cá nhân, của xã hội hay quốc gia, mà lại phá hủy đi thế giới thiên nhiên chung quanh mình.

Mình có thể an ổn sống mà không cần bành trướng ra thêm. Ngoài ra có những công viên quốc gia ở nhiều quốc gia, có những con gấu, nai sừng… nhiều người đến những công viên đó tự chụp hình chung với các con vật. Mà họ không biết rằng các con vật đó rất nguy hiểm. Ví dụ con hươu sừng có con lớn hơn chiếc xe và nó có thể giết mình, hoặc những con nai sừng với cặp sừng rất nhọn, rất cứng. Nếu mình làm nó hoảng sợ, nó có thể dùng sừng đâm thủng người mình. Những người đi chơi ở các công viên quốc gia nên cẩn thận và tránh xa các con vật để bảo vệ sự an toàn cho mình.

Điều thương tâm nữa là theo luật tại các công viên quốc gia, nếu du khách đến gần những con nai, con gấu, vô tình nó hoảng sợ, vì tự vệ có thể chúng làm du khách bị thương, thì chúng sẽ bị giết. Như vậy là không công bằng. Vì con con vật sống trong thế giới của chúng, vì mình không đủ trách nhiệm, đến vui chơi chụp hình đẹp cho mình, lại gây tổn hại đến chúng, chúng vì tự vệ, chúng lại bị giết chết.

Viễn Đông: Bạn có lời khuyên nào cho người chụp ảnh? Phẩm chất và kỹ năng cần thiết?

Jonathan Triều Nguyễn: Triều nghĩ rằng điểm chánh không phải là dụng cụ chụp ảnh, không cần phải là máy mắc tiền nhất, tối tân nhất, mà mình cần phải tìm hiểu, học hỏi luật lệ những nơi chốn mình sẽ đi chụp hình. Cái gì bị cấm, cái gì người ta cho phép. Mình phải tỏ ra biết tôn trọng luật pháp của chính quyền sở tại. Nên biết cái gì làm được và không được làm. Phải biết giới hạn của mình và không phải cứ cầm máy chụp hình trên tay rồi đi đâu muốn chụp gì thì chụp. Cần phải tôn trọng môi trường, con người xung quanh. Ví dụ có những quốc gia có luật, như ở Morocco , không cho phép chụp hình phụ nữ và trẻ em. Chỉ được chụp hình của nam giới thôi.

Khi đi Morocco, Triều đã chụp hình một người đàn bà lớn tuổi đi ngang qua dãy nhà sơn nhiều màu có treo các tấm thảm như một bức tranh. Triều đã hỏi xin phép bà trước cho Triều chụp hình bà và bà đồng ý, chụp xong Triều cho bà xem tấm hình đã chụp. Khi chụp những người đàn ông cũng vậy, khi chụp thấy rõ gương mặt của họ, Triều đều xin phép họ và có trả tiền cho họ, dù họ chỉ thoáng qua trong ảnh, chứ không phải là người mẫu gì hết.

Nếu nói về kỹ năng hay kỹ thuật, theo Triều thì để trở thành người chụp ảnh có nhiều tác phẩm đặc biệt, thì nên chụp càng nhiều càng tốt, như một cách thực tập. Nên chụp bằng máy ảnh chỉnh tay chứ không nên chụp máy ảnh chỉnh tự động.

Mình nên học cách sử dụng thông thạo trên máy chụp hình của mình, biết càng nhiều tốt, hiểu tối đa các chức năng của nó. Một khi mình hiểu rõ máy ảnh của mình làm được những gì thì chắc chắn các tác phẩm mình chụp ra sẽ rất độc đáo.

Viễn Đông: Lời mời của bạn dành cho độc giả Viễn Đông đến dự triển lãm sắp tới?

Jonathan Triều Nguyễn: Triều không biết sẽ có những ai và độ tuổi nào đến dự buổi triển lãm. Triều mong là sẽ có nhiều thế hệ người Việt đến xem triển lãm. Riêng với các bạn trẻ như Triều hoặc nhỏ tuổi hơn, thì Triều mong các bạn, các em nếu muốn theo đuổi ngành sáng tạo như nhiếp ảnh thì hãy đi theo trực giác, theo điều mình cảm thấy đúng với mình. Phải tìm được điều nào mình yêu thích. Khi đã biết mình yêu thích cái gì rồi thì hãy đeo đuổi cho nó tới nơi tới chốn.

Có thể trong cái nhìn truyền thống trong cộng đồng, sẽ không vui khi nghe điều mà Triều chia sẻ, thế hệ sau này hãy sống cuộc đời của các em. Cha mẹ rồi cũng ra đi, ông bà rồi cũng ra đi, không ai sống cùng các em mãi, các em phải sống bằng cuộc đời của các em, nên hãy tìm ngành nghề, điều mà mình yêu thích. Triều muốn các quý vị trong cộng đồng hãy nhìn thấy rằng văn hóa của nước sở tại khác với văn hóa Việt Nam. Triều muốn giới thiệu một góc nhìn là sự thành công không chỉ trong nghề luật sư hay bác sĩ, sự thành công nằm trong nhiều lãnh vực khác nhau, trong đó có cả trong lãnh vực sáng tạo. Nếu các bạn trẻ có đam mê và đeo đuổi được lãnh vực đó thì các bạn cũng sẽ rất thành công.

Triều đã rời bỏ ngành y, theo đuổi đam mê nhiếp ảnh và đã thành công với công việc yêu thích. Có nhiều người anh em họ của Triều đang làm bác sĩ lại muốn được như Triều.

Viễn Đông: Xin cảm ơn Jonathan Triều Nguyễn, cảm ơn chị Kim Ngân đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT